Thứ ba, ngày 26/11/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Đời sống xã hội
“Giữ chân” người lao động ở lại với hệ thống bảo hiểm xã hội (18/10/2021-9:26)
    Do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, cùng với nhận thức của một bộ phận lao động còn hạn chế, khiến số lượng thanh toán bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần tăng lên, ảnh hưởng đến chính sách an sinh xã hội.

 Cán bộ BHXH huyện Cẩm Thủy tư vấn cho người lao động tiếp tục ở lại hệ thống BHXH.

Nhận BHXH một lần, người lao động “thiệt đơn, thiệt kép”

Tháng 4-2001, chị Phạm Thị Mai, sinh năm 1982, ở xã Cẩm Bình (Cẩm Thủy) được Công ty 78, Binh đoàn 15, Bộ Quốc phòng đóng tại huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum, tuyển dụng làm công nhân. Sau 18 năm 4 tháng (cuối tháng 7-2019), chị Mai đã viết đơn xin nghỉ việc và trở về quê sinh sống. Về quê không có việc làm, chi phí sinh hoạt của gia đình tăng chị đã nghĩ ngay đến việc thanh toán BHXH giải quyết tình thế trước mắt. Chị Mai chia sẻ: “Do cuộc sống khó khăn, tôi đã thanh toán tiền, BHXH để lo cho cuộc sống hiện tại, số còn lại đầu tư vào buôn bán”.

Cũng như chị Phạm Thị Mai, hàng trăm lao động trên địa bàn huyện Cẩm Thủy mất việc, đến cơ quan BHXH huyện làm thủ tục để thanh toán BHXH một lần. Theo số liệu thống kê của BHXH huyện Cẩm Thủy, tính đến hết tháng 9-2021, huyện Cẩm Thủy có 899 người thanh toán BHXH một lần với tổng số tiền hơn 26 tỷ đồng. Bà Nguyễn Thị Hạnh, Giám đốc BHXH huyện Cẩm Thủy, cho biết: Việc thanh toán BHXH một lần là quyền lợi của người lao động. Tuy nhiên, khi người lao động đến làm thủ tục thanh toán, chúng tôi phải phối hợp với bộ phận chức năng tuyên truyền ý nghĩa của việc tiếp tục tham gia BHXH và vận động họ tham gia BHXH tự nguyện để sau này có lương hưu. Mặc dù cán bộ đã nỗ lực vận động, tuyên truyền “ở lại” với hệ thống BHXH, nhưng người lao động vẫn quyết thanh toán, khiến chúng tôi cảm thấy tiếc nuối thay”.

Theo thống kê của BHXH thị xã Nghi Sơn, số lượng lao động nghỉ việc, hưởng BHXH một lần có xu hướng tăng lên nhanh. Năm 2020 có 1.468 người thanh toán BHXH một lần, nhưng mới chỉ 9 tháng năm 2021 đã có 2.069 người thanh toán. Ông Nguyễn Hùng Cường, Giám đốc BHXH thị xã Nghi Sơn, chia sẻ: Đơn vị luôn tư vấn cho người lao động tiếp tục tham gia BHXH từ khi tiếp nhận hồ sơ, xử lý đến lúc ban hành quyết định hưởng BHXH một lần, nhưng không phải lúc nào tư vấn cũng đạt được kết quả. Người lao động đưa ra nhiều lý do như: Còn phải chờ nhiều năm mới đến tuổi nghỉ hưu; cần tiền ngay để trang trải cuộc sống sau khi mất việc, nghỉ việc; ốm đau không có tiền chữa bệnh...

Theo báo cáo của BHXH tỉnh, tính đến 15-9-2021, trên địa bàn tỉnh có 19.486 người thanh toán BHXH một lần. Nhận định của BHXH tỉnh, từ nay đến cuối năm, số lượng người thanh toán BHXH một lần sẽ tăng lên do ảnh hưởng COVID-19, nhiều lao động phải nghỉ việc, không có tích lũy, họ cần một nguồn tài chính để trang trải cuộc sống.

Bà Đỗ Thị Dung, Trưởng Phòng Chế độ BHXH (BHXH tỉnh) cho biết: Việc người lao động ra khỏi hệ thống BHXH là thực trạng đáng quan tâm, bởi khi lựa chọn phương án thanh toán BHXH một lần, quyền lợi của người lao động sẽ bị hạn chế rất nhiều so với hưởng lương hưu. Người lao động sẽ không có thẻ BHYT và người thân không được hưởng tiền mai táng phí, tiền tử tuất khi người tham gia BHXH tử vong. Sau này, người lao động tham gia lại BHXH sẽ không được cộng nối thời gian đóng BHXH trước đó. Khoản tiền đóng vào quỹ BHXH được ví như “của để dành” của chính mình, nó không mất đi ngược lại vẫn được cơ quan BHXH quản lý và đầu tư tăng trưởng, người lao động có thể bảo lưu thời gian đóng BHXH để khi có điều kiện thì tiếp tục tham gia đóng BHXH hoặc BHXH tự nguyện với sự hỗ trợ của Nhà nước. Như vậy, khi người lao động nhận BHXH một lần sẽ rất thiệt thòi khi chưa đến tuổi nghỉ hưu dễ tiêu hết tiền dưỡng già. Để đến khi về già, không được hưởng hưu trí, họ phải phụ thuộc vào con cháu; nếu không may bị bệnh, không có thẻ BHYT, họ còn phải đối diện với nguy cơ không chi trả được chi phí khám, chữa bệnh và thời gian nằm viện dài ngày.

“Giữ chân” người lao động ở lại hệ thống BHXH

Đến BHXH thị xã Nghi Sơn làm thủ tục thanh toán BHXH một lần, sau 11 năm tham gia, anh Lê Văn Hòa, thôn 10, xã Ngọc Lĩnh (thị xã Nghi Sơn) dự kiến sử dụng số tiền hơn 86 triệu đồng vào việc kinh doanh tự do, sau khi nghỉ việc tại một doanh nghiệp ở TP Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, sau nhiều lần nghe tư vấn, thay vì chấm dứt, anh đã bảo lưu thời gian đóng BHXH. Anh Hòa chia sẻ: Ban đầu, do thiếu hiểu biết nên tôi quyết định làm thủ tục để thanh toán BHXH một lần. Sau khi được tư vấn, tôi đã suy nghĩ lại và bảo lưu kết quả đóng BHXH để sau này tìm công việc mới tham gia đóng nối tiếp hoặc tham gia BHXH tự nguyện.

Bà Đỗ Thị Dung, Trưởng Phòng Chế độ BHXH, cho rằng: Công tác tư vấn cho người lao động rất quan trọng, để họ thấy được lợi ích, vui vẻ tham gia BHXH tự nguyện để không bị gián đoạn thời gian đóng BHXH. Người lao động sẽ tham gia và quyết định ở lại với hệ thống BHXH khi thấy rõ quyền lợi của mình sau này. Bên cạnh việc điều chỉnh các quy định hiện hành, việc hoàn thiện các chính sách BHXH tự nguyện được đánh giá cần thiết để giữ người lao động ở lại hệ thống BHXH, thực hiện an sinh xã hội.

Hiện nay, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã đề xuất nhiều thay đổi, như giảm thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu, hay siết chặt các quy định hưởng BHXH một lần. Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Hùng Cường, Giám đốc BHXH thị xã Nghi Sơn, chia sẻ quan điểm: Trường hợp nếu người lao động có nhu cầu hưởng BHXH một lần thì vẫn giải quyết theo các mức đã đóng góp, nhưng nên chỉ cho rút phần người lao động đóng và còn số tiền BHXH doanh nghiệp đóng nên giữ lại để người lao động hưởng hưu trí. Bởi hiện nay, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng có dự thảo đề xuất giảm dần số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí từ 20 năm xuống còn 15 năm, hướng tới còn 10 năm...

Đồng quan điểm với ông Nguyễn Hùng Cường, bà Nguyễn Thị Hạnh, Giám đốc BHXH huyện Cẩm Thủy, chia sẻ: Việc thắt chặt các quy định, điều kiện thanh toán BHXH một lần là nhằm bảo đảm cho người tham gia BHXH có lương hưu sau khi hết tuổi lao động. Tuy nhiên, khi thực hiện cần phải có lộ trình cụ thể, rõ ràng, thậm chí sẽ vừa làm vừa điều chỉnh để phù hợp với tình hình thực tế và có những giải pháp.

“Hiện nay BHXH tỉnh đang nỗ lực giải quyết hồ sơ, đơn giản hóa thủ tục, đa dạng hình thức nộp hồ sơ; tăng cường giao dịch điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin, làm thêm giờ để kịp thời đưa các chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ đến người lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Qua đó, sẽ hạn chế được một phần người lao động thanh toán BHXH một lần. Về lâu dài, để giữ người lao động ở lại với hệ thống BHXH, BHXH tỉnh đã và đang chỉ đạo BHXH huyện, thị xã, thành phố đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức người lao động về ý nghĩa của việc ở lại hệ thống BHXH. Để thực hiện được điều này không thể mình ngành BHXH “đơn phương, độc mã” mà cần sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị. Bà Đỗ Thị Dung, Trưởng phòng Chế độ BHXH tỉnh cho biết thêm.

Theo Bài và ảnh: Xuân Cường/Báo Thanh Hóa Điện tử

https://baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/giu-chan-nguoi-lao-dong-o-lai-voi-he-thong-bao-hiem-xa-hoi/146212.htm

 

Các tin khác:
  • Truyền thông chính sách (17/10/2021-17:45)
  • Bộ Y tế hướng dẫn mới về xét nghiệm, cách ly y tế (14/10/2021-10:13)
  • Những chìa khoá để thế giới chấm dứt đại dịch COVID-19 (12/10/2021-8:25)
  • Thanh Hóa có 3 gương thanh niên tiêu biểu nhận giải thưởng “15 tháng 10” (11/10/2021-14:44)
  • Ấm áp Ngày hội gia đình Việt Nam tại Bỉ (11/10/2021-14:54)
  • Một tháng phát động Chương trình “Sóng và máy tính cho em”: Chạm đến trái tim cộng đồng (11/10/2021-14:15)
  • Sáng 10/10, Việt Nam chỉ còn 9% bệnh nhân COVID-19 đang điều trị (10/10/2021-14:56)
  • Sử dụng Facebook: Thiết lập vùng an toàn, tự bảo vệ trước cám dỗ từ mạng xã hội (08/10/2021-8:35)
  • Hình ảnh hàng nghìn người từ vùng dịch về quê (06/10/2021-8:35)
  • Người lao động Thanh Hóa trở về từ vùng dịch được vay vốn để giải quyết việc làm (30/09/2021-16:27)