Mô hình “Lễ tân hành chính” tại UBND xã Đông Văn (Đông Sơn).
Thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng NTM, tỉnh Thanh Hóa luôn xác định ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) và CĐS là động lực, công cụ để nâng cao hiệu quả công tác quản lý, điều hành của chương trình; góp phần nâng cao thu nhập, chất lượng đời sống người dân nông thôn, thu hẹp dần khoảng cách về chất lượng dịch vụ giữa nông thôn – thành thị; thay đổi tư duy, tiếp cận về phương thức sản xuất, kinh doanh, thụ hưởng các dịch vụ nông thôn, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc trên không gian số, hướng tới NTM thông minh. Do đó, thời gian qua Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng NTM tỉnh đã thực hiện chủ trương của Trung ương và UBND tỉnh về phát triển và ứng dụng CNTT gắn với cải cách hành chính, hướng tới chính quyền điện tử trong xu thế hội nhập quốc tế và phục vụ công tác quản lý, Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng NTM tỉnh đã áp dụng và triển khai hệ thống phần mềm quản lý văn bản và điều hành. Với chức năng của hệ thống phần mềm là xử lý văn bản đi, văn bản đến, theo dõi xử lý công việc, thống kê, giám sát quá trình xử lý văn bản... Trong đó, từng bước phát hành hồ sơ, áp dụng trong quy trình thẩm định, xét, công nhận các địa phương đạt chuẩn NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu. Cụ thể, địa phương sau khi đảm bảo các điều kiện để công nhận đạt chuẩn theo quy định, gửi hồ sơ đề nghị thẩm định, xét, công nhận đạt chuẩn cho UBND tỉnh qua hệ thống phần mềm của Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng NTM tỉnh. Bước đầu, Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng NTM tỉnh tiếp nhận hồ sơ trên môi trường mạng để thực hiện các bước kiểm tra, thẩm định theo quy định. Ngoài ra, từ đầu năm 2020, Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng NTM tỉnh cũng đã ứng dụng chữ ký số trong các hoạt động hành chính của cán bộ, công chức, nâng cao mức độ an toàn và bảo mật trên môi trường mạng.
Bên cạnh đó, việc ứng dụng CNTT và CĐS trong tuyên truyền, quảng bá Chương trình MTQG xây dựng NTM, Chương trình OCOP trên các website: nongthonmoithanhhoa.vn, ocoptinhthanhhoa.com.vn; đưa các sản phẩm OCOP của tỉnh lên sàn giao dịch thương mại điện tử của Bưu điện Việt Nam và trên sàn thương mại điện tử www.langnghethanhhoa.vn; nongsanantoanthanhhoa.vn... cũng được quan tâm, thực hiện.
Ông Bùi Công Anh, Phó Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng NTM tỉnh Thanh Hóa, cho biết: Cùng với việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, Thanh Hóa còn đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong quản lý, điều hành xây dựng NTM. Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng NTM tỉnh luôn chú trọng việc ứng dụng CNTT và CĐS vào việc quản lý, điều hành như sử dụng phần mềm quản lý văn bản TDOffice, tạo điều kiện để các địa phương nắm bắt, cập nhật kịp thời các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn về Chương trình xây dựng NTM, Chương trình OCOP. Năm 2020, Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng NTM tỉnh đã nghiên cứu, tham khảo để đưa việc chấm điểm, đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP bằng phần mềm, tuy nhiên, với thực tế trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa hiện nay việc áp dụng hệ thống phần mềm này còn một số khó khăn như kinh phí cao, trình độ sử dụng và ứng dụng CNTT của các chủ thể còn hạn chế, hầu hết các chủ thể OCOP là những đơn vị có quy mô nhỏ, quy mô hộ gia đình... Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng NTM tỉnh đang nghiên cứu áp dụng việc quản lý cơ sở dữ liệu các sản phẩm OCOP bằng phần mềm, trong thời gian tới sẽ áp dụng trên địa bàn toàn tỉnh.
Thực hiện Đề án “CĐS trong xây dựng NTM, hướng tới xây dựng NTM thông minh giai đoạn 2021-2025” do Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng NTM Trung ương triển khai, tỉnh Thanh Hóa đã lựa chọn 2 xã Hoằng Đồng (huyện Hoằng Hóa) và Đông Văn (huyện Đông Sơn) đăng ký tham gia xây dựng mô hình thí điểm “làng, xã thông minh” thuộc đề án CĐS trong xây dựng NTM, hướng tới NTM thông minh, giai đoạn 2021-2025.
Bà Mai Thị Ngọc Linh, Chủ tịch UBND xã Đông Văn (huyện Đông Sơn), cho biết: Đông Văn là xã đầu tiên của tỉnh xây dựng thành công xã NTM kiểu mẫu, để tiếp tục giữ vững, nâng cao và thực hiện Chương trình xây dựng NTM, Đông Văn đã đẩy mạnh ứng dụng, hướng tới xây dựng NTM thông minh, xã đang nỗ lực áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, phát triển kinh tế nông thôn, thể hiện rõ nét như: xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, xây dựng làng, xã thông minh... Thực hiện Đề án “CĐS trong xây dựng NTM, hướng tới xây dựng NTM thông minh giai đoạn 2021-2025”, Đông Văn xác định lấy CĐS làm đột phá. Xã đã đăng ký thực hiện mô hình “Camera giám sát an ninh” đến đường làng ngõ xóm. Giai đoạn 1 sẽ lắp đặt hệ thống camera giám sát trên các trục đường chính, giai đoạn 2 sẽ lắp đặt đến từng đường làng, ngõ xóm, khu dân cư. Hệ thống điều hành sẽ được lắp đặt tại trụ sở công an xã để phục vụ công tác quản lý, đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn.
Ngoài ra, thực hiện CĐS trong xây dựng NTM, xã Đông Văn đã giải quyết thủ tục hành chính mức độ 3, mức độ 4 đạt 100%; thực hiện mô hình “Lễ tân hành chính”, người dân có thể đăng ký hồ sơ thủ tục hành chính trực tuyến và nhận trả kết quả qua dịch vụ bưu chính công ích; đầu tư và đưa vào sử dụng phòng học thông minh tại cả 3 cấp học từ mầm non đến THCS trên địa bàn; trong lĩnh vực y tế đã cài đặt và hướng dẫn người dân sử dụng sổ Bảo hiểm điện tử VssID, tiến tới đăng ký khám chữa bệnh qua hệ thống điện tử; 50% vườn mẫu trên địa bàn lắp đặt hệ thống tưới tự động...
Bà Mai Thị Ngọc Linh cũng cho biết thêm: Thời gian tới, xã Đông Văn sẽ tiếp tục áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong xây dựng NTM, trong thực hiện Chương trình OCOP, đẩy mạnh phát triển hạ tầng CNTT, tập trung cao thực hiện CĐS trong các lĩnh vực nhằm thúc đẩy quá trình số hóa, ứng dụng CNTT, công nghệ số trong xây dựng NTM... Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng CNTT, công nghệ số nhằm thay đổi căn bản hoạt động quản lý, điều hành, giám sát của cơ quan chính quyền cấp xã, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, HTX, nhất là trong Chương trình OCOP..., góp phần đưa chất lượng xây dựng NTM đi vào chiều sâu và bền vững, hướng tới NTM thông minh trong giai đoạn 2021-2025.
CĐS đã mang lại những kết quả tích cực không chỉ trong nâng cao chất lượng, năng suất mà còn cải thiện đáng kể về cách thức quản lý, phương thức kinh doanh nông nghiệp, trong hoạt động xây dựng NTM, phát triển sản phẩm OCOP. Sau 10 năm triển khai xây dựng NTM, Thanh Hóa đã bắt đầu “nhập cuộc” CĐS và ứng dụng CNTT trong hầu hết các hoạt động xây dựng NTM, lĩnh vực sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản... Việc ứng dụng công nghệ số chính là giải pháp mang tính đột phá để có thể giải quyết những khó khăn, nút thắt trong quá trình xây dựng NTM, phát triển sản phẩm OCOP của tỉnh.
Rõ ràng việc thúc đẩy quá trình số hóa, đẩy mạnh ứng dụng CNTT, công nghệ số trong xây dựng NTM tại Thanh Hóa đã thay đổi căn bản hoạt động quản lý, điều hành, giám sát của cơ quan chính quyền các cấp, đặc biệt là cấp xã; hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, HTX, làng nghề, nhất là trong Chương trình OCOP; phương thức sống và làm việc của người dân; phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp trên địa bàn nông thôn, góp phần nâng cao chất lượng xây dựng NTM đi vào chiều sâu và bền vững, hướng tới NTM thông minh và thực hiện thành công Chương trình CĐS quốc gia.
Theo Bài và ảnh: Linh Hương/Báo Thanh Hóa Điện tử
https://baothanhhoa.vn/nong-thon-moi/chuyen-doi-so-tao-dot-pha-trong-xay-dung-nong-thon-moi-thong-minh/146204.htm