Nghị quyết 128 của Chính phủ được xem như chủ trương “mở khóa”, chuyển hướng chiến lược phòng, chống dịch sang “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid -19”. Tuy nhiên, mỗi địa phương lại triển khai một kiểu, thậm chí một số nơi vẫn “cài then”, “mua dây” thay vì cởi nút thắt, tháo điểm nghẽn.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu: Khi thực hiện quy định tạm thời về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh, các địa phương không được quy định trái với quy định chung, nếu thực hiện các biện pháp cao hơn, sớm hơn quy định chung thì phải báo cáo Trung ương. Ảnh: VGP
Ngay sau khi Nghị quyết 128 của Chính phủ được ban hành, nhiều tờ báo điện tử đã thực hiện loạt bài trực tuyến trên giao diện chính để cập nhật tình hình triển khai tại các địa phương.
Theo đó, tính đến chiều 17/10, tức là 6 ngày kể từ khi nghị quyết 128 ra đời, đi kèm những quy định khá cụ thể nhưng vẫn còn những tỉnh, thành chưa xác định địa phương mình thuộc vùng: xanh, vàng, cam hay đỏ.
Có những địa phương vẫn tiếp tục chờ hướng dẫn cụ thể mới thực hiện. Vì vậy, cho dù quy định mới của Chính phủ không tiếp tục áp dụng các Chỉ thị 15, 16, 19 nhưng không ít tỉnh, thành vẫn áp dụng tinh thần chống dịch theo các biện pháp cũ, nhất là trong hoạt động giao thông, vận tải, hạn chế quyền đi lại của người dân, ảnh hưởng trực tiếp đến lưu thông hàng hóa, sản xuất kinh doanh.
Nội dung Nghị quyết 128 có nhiều điểm khá chi tiết, cụ thể, có thể thực hiện ngay không cần hướng dẫn. Đối với một số vấn đề mang tính chuyên môn sâu, Chính phủ đã giao Bộ Y tế hướng dẫn cụ thể trên tinh thần đảm bảo hài hòa giữa các giải pháp chuyên môn y tế với các giải pháp hành chính, kinh tế - xã hội.
Bộ Y tế sau đó đã có hướng dẫn chi tiết việc thực hiện Nghị quyết 128. Theo đó, tiêu chí thứ nhất, cũng là quan trọng nhất: Số ca mắc mới tại cộng đồng/100.000 người/tuần (ca mắc mới) được phân theo 4 mức độ từ thấp đến cao theo hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới (mức 1: 0 - < 20; mức 2: 20 – <50; mức 3: 50 - <150; mức 4: ≥150). Tiêu chí 2: Tỷ lệ người từ 18 tuổi trở lên được tiêm ít nhất 1 liều vắc-xin phòng Covid-19. Tỷ lệ người từ 18 tuổi trở lên được tiêm ít nhất 1 liều vắc-xin phòng Covid-19 phân theo 2 mức (≥70% người từ 18 tuổi trở lên được tiêm ít nhất 1 liều vắc-xin; <70% người từ 18 tuổi trở lên được tiêm ít nhất 1 liều vắc-xin). Tiêu chí 3: Đảm bảo khả năng thu dung, điều trị của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh các tuyến.
Quan điểm của Nghị quyết 128 là bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất trong toàn quốc, đồng thời phát huy tính chủ động, sáng tạo của chính quyền các cấp, nhất là cấp cơ sở nhưng không để tình trạng cục bộ, cát cứ trong ban hành và thực hiện các giải pháp trên mức cần thiết gây ảnh hưởng tiêu cực tới sản xuất kinh doanh, đời sống xã hội.
Thực tiễn công tác phòng chống dịch COVID-19 trong gần hai năm qua cho thấy, trong công tác chỉ đạo, điều hành, triển khai thực hiện có nơi, có lúc chưa thống nhất giữa Trung ương và địa phương. Nhiều chủ trương, quyết sách của Trung ương chưa được địa phương hiểu đúng, thực hiện linh hoạt, sáng tạo để đạt được hiệu quả như mong muốn. Lúc cần chủ động, linh hoạt thì lại thực hiện dập khuôn, máy móc. Khi cần tập trung, thống nhất thì lại thực hiện mỗi nơi một kiểu.
Thậm chí có không ít địa phương, nhất là cấp cơ sở, hiểu sai tinh thần “chống dịch như chống giặc”. Thay vì xem COVID-19 như “giặc” thì lại xem người nhiễm bệnh như “giặc”, dẫn đến áp dụng biện pháp cực đoan, gây bức xúc trong dư luận xã hội, sụt giảm niềm tin của người dân với chính quyền.
Ngay cả quan điểm “lấy xã, phường là pháo đài phòng, chống dịch” cũng bị hiểu sai. Xem xã, phường là “pháo đài” tức là nhấn mạnh đến vai trò, vị trí quan trọng của cấp cơ sở trong phòng chống dịch chứ không phải theo nghĩa “bất khả xâm phạm”. “Pháo đài” không nên hiểu theo nghĩa địa giới hành chính, không phải là chiếc barie “ngăn sông cấm chợ”.
Cá biệt, mới đây tại một chốt kiểm soát ở tỉnh Bình Phước, người ta còn dán niêm phong yêu cầu không được xuống xe đối với người đi qua địa phương này. Hay tại An Giang, người ra ngoài tỉnh vẫn phải xin giấy của chính quyền. Ngay cả một số tỉnh thuộc diện “vùng xanh” ở khu vực phía Bắc vẫn yêu cầu người dân đi qua địa phương mình phải có kết quả xét nghiệm âm tính với COVID-19 trong vòng 72 giờ, kèm theo những yêu cầu về cách ly thái quá…
Không phải ngẫu nhiên mà các từ: “linh hoạt”, “chủ động”, “sáng tạo” được nhắc đến khá nhiều trong nội dung Nghị quyết 128. Là bởi, nghị quyết không áp đặt, không phải đáp án cho tất cả các địa phương mà nội hàm của nó có biên độ rộng dựa trên những nguyên tắc thống nhất chung hướng tới “mục tiêu kép”. Thế nhưng có những địa phương lại không triển khai theo đúng tinh thần của nghị quyết, tự ý “sáng tạo” ra những "giấy phép con", tạo thêm nút thắt, thậm chí tự “mua dây buộc mình”.
Mặt khác, tâm lý sợ trách nhiệm, sợ sai, không dám quyết khiến lãnh đạo một số địa phương chủ trương “cửa đóng then cài” cho an toàn. Tỉnh này chờ tỉnh kia làm, nghe ngóng dư luận rồi mới… tính tiếp. Trong khi, mỗi địa phương đều có đặc thù kinh tế - xã hội, địa lý, dân cư khác nhau. Khi phát sinh tình huống khẩn cấp thì lúng túng, áp dụng nhiều biện pháp cứng nhắc, cực đoan, theo kiểu không quản được thì cấm, gây tâm lý bất an đối với người dân, không tạo động lực, khí thế cho doanh nghiệp phát triển.
Mới nhất, sáng 17/10, chủ trì phiên họp trực tuyến Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch COVID-19 với các địa phương, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh: Khi thực hiện quy định tạm thời về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh, các địa phương không được quy định trái với quy định chung, nếu thực hiện các biện pháp cao hơn, sớm hơn quy định chung thì phải báo cáo Trung ương.
Như vậy, quan điểm chống dịch của Chính phủ trong giai đoạn hiện nay đó là: chuyển hướng chiến lược phòng, chống dịch sang “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”. Để thực hiện được mục tiêu đó, đòi hỏi các địa phương phải đảm bảo sự thống nhất thực hiện theo quy định, hướng dẫn của các bộ, ngành đồng thời phát huy tính chủ động, sáng tạo của trong kiểm soát tình hình dịch bệnh, tạo điều kiện khôi phục sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội, đưa đời sống sinh hoạt của nhân dân dần trở lại tình trạng bình thường mới, đúng với tinh thần Nghị quyết 128 của Chính phủ. Quyết tâm không để tình trạng “trên thông dưới tắc” hay trên “mở khóa”, dưới “cài then”, gây ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất kinh doanh và đời sống xã hội.
Địa chỉ: Tòa nhà hợp khối các đơn vị sự nghiệp, đường Lý Nam Đế, P. Đông Hương, TPTH
Người chịu trách nhiệm chính: Bà Nguyễn Thị Thương Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Thanh Hóa
ĐT:
02373.752.456
Hotline: 0918.084.568
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com