Thứ ba, ngày 26/11/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Đời sống xã hội
Vững tinh thần 'ba đảm đang' trong cuộc chiến với COVID-19 (20/10/2021-13:09)
    Trong cuộc chiến với đại dịch COVID-19, lực lượng phụ nữ đã có những đóng góp tích cực vào các hoạt động phòng chống dịch. Những hình ảnh lăn lộn, xả thân, những cách làm sáng tạo đã làm đẹp thêm hình ảnh “ba đảm đang” như truyền thống của người phụ nữ Việt Nam.

 Chị em phụ nữ tại các địa phương tích cực tham gia công tác phòng chống dịch COVID-19. Ảnh: TTXVN.

Vượt qua khó khăn, nỗ lực đóng góp

Từ khi đợt dịch thứ 4 bùng phát, chị Nguyễn Thị Phương, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Tứ Liên (quận Tây Hồ, Hà Nội) cũng bước vào “cuộc chiến” mới cùng địa phương chống dịch.  Với 3 vai trò: Vừa là Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ phường, vừa tham gia công tác Mặt trận, lại vừa là Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ của phường, nhiều tháng trời, chưa có lúc nào chị Phương được ngơi tay, nhất là trong giai đoạn Hà Nội giãn cách xã hội. Lượng công việc mỗi ngày của chị Phương có thể bằng nhiều người cộng lại.

“Ngày nào tôi cũng dậy từ 5 giờ sáng để cùng các chị em đi mua thực phẩm, chuẩn bị cho hoạt động “Bếp ăn 0 đồng” của phường. Công việc khá vất vả khi phải chuẩn bị nấu tới 300 - 350 suất ăn mỗi ngày. Sau thời gian tranh thủ, đến giờ làm việc, tôi lại trở về trụ sở của phường để giải quyết các công việc; cuối giờ sáng lại cùng các chị em trong Hội Phụ nữ, các đoàn viên mang những suất cơm ấm nóng tới cho những người đang làm nhiệm vụ tại các chốt trực, điểm tiêm chủng”, chị Nguyễn Thị Phương chia sẻ.

Không chỉ đảm nhiệm nhiều vai trò với lượng công việc lớn; mỗi ngày, tranh thù cả giờ nghỉ buổi trưa, buổi tối, chị Phương còn bận rộn với việc đi vận động, quyên góp từng thùng mì, cân gạo, hỗ trợ cho các hoạt động phòng chống dịch, và những hoàn cảnh khó khăn, nhất là phụ nữ, trẻ em trong dịch bệnh.

“Cuộc sống của gia đình tôi cùng còn khó khăn, nhưng xung quanh còn nhiều hoàn cảnh éo le hơn mình rất nhiều, nhất là trong dịch bệnh, giãn cách. Vì vậy, với vai trò của mình, tôi luôn cố gắng hết mình để quan tâm được nhiều hơn những hoàn cảnh đó. Mỗi người “khoẻ” thì cả xã hội mới “khoẻ” được”, chị Phương chia sẻ.

Cũng hăng hái tham gia công tác phòng chống dịch trên địa bàn, y sỹ Tạ Thị Huân ở Chi hội Phụ nữ thôn Hậu Dưỡng, xã Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội với chuyên môn của mình, cũng ngày đêm lăn lộn với các hoạt động chống dịch tại cộng đồng. Khi dịch COVID-19 xảy ra, bà Huân đã xung phong tham gia trực chốt chống dịch, hăng hái đến từng khu nhà trọ để vận động công nhân, người lao động nhập cư… chấp hành nghiêm quy định 5K.

Nhờ có các kiến thức về y tế, sự am hiểu các biện pháp phòng, chống dịch, bà đã nhận được sự tin tưởng, lắng nghe và làm theo của nhiều người.

Bên cạnh lực lượng các nữ nhân viên y tế, nữ chiến sĩ công an, bộ đội… đang ngày đêm băng mình trên các chiến tuyến, chống dịch COVID-19 còn là nhiệm vụ của toàn dân, với thế mạnh khéo léo, vận động, tuyên truyền giỏi, hội viên của các cấp Hội Phụ nữ tại các địa bàn cũng đã thực sự trở thành những người chiến sĩ trên mặt trận chống dịch. Họ không ngại khó, ngại khổ, phát huy tinh thần chủ động, tích cực, sáng tạo trong tuyên truyền các chủ trương, chính sách, quy định về phòng chống dịch của các cấp từ Trung ương đến cơ sở để góp phần chung tay cùng đẩy lùi dịch bệnh.

Trong đại dịch COVID-19, phụ nữ cũng là đối tượng cần được quan tâm, trong cuộc chiến ấy cũng như các lực lượng khác, tổ chức Hội Phụ nữ và nhiều cán bộ, hội viên, phụ nữ cũng bị ảnh hưởng nặng nề; thậm chí đã có những tổn thương, mất mát. Theo thống kê của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, tính đến ngày 25/9/2021, đã có 356 cán bộ Hội các cấp mắc COVID-19 tại 18 tỉnh, thành. Trong đó, có 33 chị em đã không qua khỏi, là sự mất mát to lớn đối với gia đình, người thân, địa phương.

Mặc dù vậy, chị em tại các địa phương vẫn vững vàng, nỗ lực vượt qua những khó khăn do dịch bệnh để hoà mình vào phong trào chung, vẫn có những đóng góp tích cực.

Đánh giá về về hoạt động tham gia phòng, chống COVID-19 của các cấp Hội Liên hiệp phụ nữ thời gian qua, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Bùi Thị Hoà cho biết: “Dịch bệnh COVID-19 bùng phát lần thứ 4 tại Việt Nam với những diễn biến vô cùng nhanh, mạnh, phức tạp, đã gây ra nhiều hậu quả nặng nề, tác động nghiêm trọng, sâu sắc tới mọi mặt của đời sống kinh tế- xã hội, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em. Trong bối cảnh đó, phát huy cao nhất tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, các cấp Hội Liên hiệp phụ nữ cùng cán bộ, hội viên, phụ nữ cả nước đã đồng lòng, chung sức nỗ lực tham gia tích cực vào cuộc chiến chống lại dịch bệnh, với nhiều cách làm hay, mô hình sáng tạo, hiệu quả, mạng đậm dấu ấn của tổ chức Hội và phụ nữ, góp phần nhân thêm niềm tin, lan tỏa hành động đẹp trong cộng đồng”.

Chú thích ảnhNhững chị em xả thân trên mặt trận chống dịch. Ảnh: TTXVN.

Nhiều sáng kiến, cách làm hay tạo dấu ấn

Theo đó, ngay từ khi bùng phát dịch, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã kịp thời nắm bắt tình hình, ban hành các văn bản chỉ đạo các cấp Hội chủ động, phối hợp triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả công tác phòng chống dịch COVID-19; tích cực vận động nguồn lực hiệu quả cho công tác phòng chống dịch. Đặc biệt, trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, nhiều chương trình hoạt động ý nghĩa đã ra đời, thể hiện vai trò của lực lượng phụ nữ trong công tác phòng chống dịch bệnh.

Tại các cấp Hội, nhiều sáng kiến, cách làm hay, hiệu quả trong tuyên truyền, vận động hội viên phụ nữ phòng, chống dịch, thể hiện vị thế, vai trò của phụ nữ. Đơn cử như việc tổ chức nhiều sự kiện trực tuyến để tuyên truyền, lan tỏa thông điệp kiên cường vượt qua đại dịch COVID-19 như: Chiến dịch “Vì nụ cười phụ nữ” nhằm tôn vinh những nỗ lực của phụ nữ Việt Nam vượt qua thách thức, trong đại dịch, lan toả được hình ảnh đẹp về người phụ nữ và thông điệp tích cực vì cộng đồng; sự kiện trực tuyến Ngày hội Gia đình yêu thương với chủ đề “Gia đình Việt giữ lửa yêu thương, cùng vượt qua đại dịch COVID-19”…

Đặc biệt chương trình “Triệu phần quà san sẻ yêu thương” đã nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ của cán bộ, hội viên phụ nữ và nhân dân cả nước (thu hút hơn 200.000 lượt tiếp cận, hàng nghìn lượt chia sẻ trên fanpage Hội, fanpage cá nhân của nghệ sỹ). Lễ phát động với lời kêu gọi thiết thực:“Ai có gì giúp đấy, ai có ít giúp ít, ai có nhiều giúp nhiều” đã lan tỏa ý nghĩa nhân văn, truyền cảm hứng và huy động được toàn thể cán bộ, hội viên, phụ nữ, nhiều tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước quyên góp, ủng hộ. Tính từ ngày 26/8 đến ngày 6/10/2021, tổng kinh phí vận động từ Chương trình này lên tới 148,47 tỷ đồng tương đương 494.900 suất quà. Các phần quà đã được chuyển đến các tỉnh phía Nam hoặc hỗ trợ ngay trong tỉnh cho phụ nữ, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, người dân khu cách ly, khu phong tỏa, lực lượng tuyến đầu chống dịch.

Đặc biệt, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cũng đã vận động các tỉnh, thành rà soát, cập nhật nhanh số liệu trẻ em mồ côi cha mẹ, mồ côi cha hoặc mẹ do COVID- 19 để có các biện pháp hỗ trợ kịp thời trước mắt cho các cháu nhỏ. Đồng thời, chỉ đạo Hội Liên hiệp Phụ nữ các tỉnh/thành phối hợp với các ngành và địa phương hỗ trợ đưa 2.449 phụ nữ mang thai và 2.033 trẻ em từ tâm dịch trở về quê tại 16 tỉnh, thành. Hội cũng đề xuất Ban chỉ đạo Phòng chống dịch COVID-19 quan tâm tạo điều kiện đưa phụ nữ có thai đang ở vùng tâm dịch về địa phương, tiêm chủng và cung cấp các gói sinh đẻ an toàn…

Bên cạnh việc tích cực triển khai hiệu quả các mô hình dựa vào phụ nữ và phát huy thế mạnh của phụ nữ trong dịch bệnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam còn tham gia trực tiếp vận động nguồn hàng tài trợ từ các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp, cá nhân ủng hộ cho công tác phòng chống dịch COVID-19 của Hội; tổ chức Hội tại các tỉnh trực tiếp tiếp nhận và chuyển nguồn hỗ trợ thực phẩm thiết yếu kịp thời cho phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn.

Theo Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Bùi Thị Hoà, tính đến hết 25/9/2021, các cấp Hội liên hiệp phụ nữ tại các địa phương cũng đã huy động được các nguồn lực (gồm tiền mặt, hiện vật…) trị giá 358,95 tỷ đồng hỗ trợ công tác phòng, chống dịch bệnh. Trong đó, cấp Trung ương là 35,97 tỷ đồng, cấp tỉnh, thành là 322,98 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Trung ương Hội và 21 tỉnh, thành cũng đã ủng hộ Quỹ vaccine được trên 9,4 tỷ đồng (tính đến ngày 20/7). Chỉ riêng đợt cao điểm dịch bùng phát tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, các tỉnh thành đã huy động nguồn lực ủng hộ các tỉnh phía Nam trên 620 tấn hàng nhu yếu phẩm.

Theo đó, với những con số ấn tượng cùng các chương trình, hoạt động thiết thực thời gian qua cũng là chặng đường đầy trách nhiệm, nghĩa tình với những hoạt động sáng tạo, năng động, hiệu quả của các cấp Hội phụ nữ và hội viên tham gia công cuộc phòng, chống dịch bệnh. Điều này đã khơi dậy tinh thần đoàn kết, nhân văn, nhân ái của phụ nữ Việt Nam, góp phần cùng toàn Đảng, toàn quân, toàn dân quyết tâm chiến đấu và chiến thắng đại dịch COVID-19, sớm đưa Việt Nam trở lại trạng thái bình thường mới, phục hồi phát triển kinh tế- xã hội mang lại cuộc sống bình yên cho mọi người, mọi nhà và cộng đồng. 

Theo Tạ Nguyên/Báo Tin tức

 

Các tin khác:
  • Hướng dẫn kiểm soát người từ các vùng dịch trở về địa phương tại các chốt kiểm soát liên ngành trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa (20/10/2021-12:58)
  • Hoàn thành cấp thẻ căn cước công dân gắn chíp điện tử cho tất cả công dân trước ngày 30-11-2021 (19/10/2021-15:55)
  • Ngăn “dịch bệnh kép” để giữ đà tăng trưởng (18/10/2021-9:34)
  • “Giữ chân” người lao động ở lại với hệ thống bảo hiểm xã hội (18/10/2021-9:26)
  • Truyền thông chính sách (17/10/2021-17:45)
  • Bộ Y tế hướng dẫn mới về xét nghiệm, cách ly y tế (14/10/2021-10:13)
  • Những chìa khoá để thế giới chấm dứt đại dịch COVID-19 (12/10/2021-8:25)
  • Thanh Hóa có 3 gương thanh niên tiêu biểu nhận giải thưởng “15 tháng 10” (11/10/2021-14:44)
  • Ấm áp Ngày hội gia đình Việt Nam tại Bỉ (11/10/2021-14:54)
  • Một tháng phát động Chương trình “Sóng và máy tính cho em”: Chạm đến trái tim cộng đồng (11/10/2021-14:15)