Thứ ba, ngày 26/11/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Đời sống xã hội
Gia tăng các thủ đoạn lừa đảo trên mạng sau dịch bệnh (26/10/2021-14:48)
    Trong và sau cao điểm phòng, chống dịch COVID-19, hàng loạt nạn nhân sập bẫy lừa đảo trên không gian mạng. Nhiều người bị chiếm dụng tài khoản mạng xã hội, mất quyền truy cập tài khoản ngân hàng và bị lừa khi vay tiền qua app ứng dụng hỗ trợ tài chính...

 Cảnh giác với thông tin “gạ” cho vay tiền hấp dẫn trên mạng.

Chiếm dụng tài khoản mạng xã hội để lừa đảo

Công an quận Ninh Kiều (TP Cần Thơ) đang điều tra trình báo của nạn nhân bị chiếm đoạt hơn 150 triệu đồng, sau khi mất quyền truy cập tài khoản ngân hàng. Chị D.T.P.A. (SN 1994, ngụ phường An Bình) trình báo có chồng ở tỉnh Bạc Liêu, làm nghề bán cá khô trên mạng. Tối 11/9, một tài khoản đặt mua 5 loại cá khô, mỗi loại 5kg. Người này yêu cầu gửi hàng cho người thân ở Sóc Trăng và chuyển tiền thanh toán qua tài khoản. Người chồng đã cho số điện thoại và tài khoản của vợ. Một người sử dụng tài khoản Zalo kết bạn với chị A., thông báo đã gửi tiền và chụp ảnh phiếu giao dịch.

Chị A. nhận được tin nhắn từ số điện thoại lạ có nội dung thể hiện việc chuyển tiền qua tài khoản ngân hàng. Chị làm theo hướng dẫn truy cập,dẫn đến giao diện giống với ngân hàng. Sau khi nhắn tin theo cú pháp được hướng dẫn, nhấn vào đường link và nhập mã OTP, chị A. mất quyền truy cập tài khoản ngân hàng. Theo chị A. số tiền hơn 150 triệu đồng trong tài khoản ngay lập tức bị trừ hết. Chị A. đã liên hệ với ngân hàng, lấy lại được quyền truy cập nhưng số tiền hơn 150 triệu đã được chuyển đến một tài khoản khác.

Đại tá Trần Văn Sáu, Trưởng Công an quận Ninh Kiều cho biết sau khi tiếp nhận trình báo của nạn nhân, đã phân công cán bộ điều tra để làm rõ vụ việc. Đây chỉ là một trong hàng loạt vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng xảy ra tại các tỉnh, thành Tây Nam bộ. Chị V.T.K.C. (SN 1993, ngụ tỉnh Vĩnh Long) cho biết tài khoản mạng xã hội bị người khác chiếm dụng. Chị C. đã tạo tài khoản khác nhắn tin vào tài khoản cũ với mục đích xin chuộc lại. Đầu tháng 9, một người lạ đã sử dụng tài khoản của C. nhắn tin đồng ý cho chuộc lại với giá 600.000 đồng. Chị C. chuyển tiền vào tài khoản theo yêu cầu nhưng người này không trả lại tài khoản mà yêu cầu chị C. chụp, quay hình ảnh “vùng kín” gửi sang. Chị C. không đồng ý, đối tượng nhắn tin đe dọa và buộc phải chuyển tiền. Sau khi được người thân hướng dẫn, chị C. đã làm đơn gửi đến Công an huyện Vũng Liêm.

“Trong trường hợp này, người dân không làm theo yêu cầu của đối tượng. Kẻ lừa đảo sẽ sử dụng các hình ảnh nhạy cảm, sau đó tiếp tục khống chế và đe dọa buộc chuyển tiền”, cán bộ điều tra khuyến cáo.

Một trường hợp khác ở xã Mỹ Phước Tây (thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) cũng bị chiếm đoạt 30 triệu đồng. Theo trình báo, sáng 19/9, chị N.T.T.K. (SN 1989) nhận được tin nhắn từ tài khoản Facebook của em họ, hỏi mượn 30 triệu đồng. Chị K. không nghi ngờ nên chuyển 30 triệu đồng đến số tài khoản được cung cấp trong tin nhắn. Sau khi chuyển khoản, chị K. gọi điện thoại cho em gái thông báo mới phát hiện tài khoản đã bị người khác chiếm quyền sử dụng.

Ngoài việc chiếm dụng tài khoản mạng xã hội để lừa đảo, nhiều người dân ở huyện Châu Thành (tỉnh Tiền Giang), bị lừa đảo số tiền lớn thông qua hình thức vay tiền qua app ứng dụng hỗ trợ tài chính. Ngày 7/10, một nạn nhân ở xã Bình Đức, tải ứng dụng vay tiền về điện thoại. Sau khi cài đặt, nạn nhân được một người xưng là nhân viên thẩm định cho vay liên hệ và thông báo được vay là 50 triệu đồng. Đến ngày 8/10, nạn nhân thực hiện thao tác rút tiền theo hướng dẫn nhưng không thành công. Nhân viên thẩm định liên hệ và yêu cầu nạn nhân 2 lần chuyển vào tài khoản hơn 10 triệu đồng. Nạn nhân đã làm theo nhưng vẫn không rút được tiền và tiếp tục bị yêu cầu chuyển thêm tiền nên mới phát hiện bị lừa.

Theo Công an huyện Châu Thành, cũng gặp phải thủ đoạn trên, 3 người khác đã bị lừa hơn 100 triệu đồng. Bằng các thủ đoạn hứa hẹn, đối tượng yêu cầu nạn nhân chuyển tiền nhiều lần vào các tài khoản chúng cung cấp để chiếm đoạt. Đối tượng đưa ra các lý do chuyển tiền để đảm bảo hồ sơ vay, tài khoản yêu cầu vay bị sai hoặc thiếu thông tin, số tiền vay vượt quá định mức vay… Nạn nhân chuyển tiền, các đối tượng nhanh chóng khóa sim, tài khoản đã liên lạc.

Tương tự, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao vừa khám phá thành công chuyên án, bắt giữ La Hữu Trí (SN 1982, ngụ xã Mỹ Đức, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang) về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không mạng. Tại cơ quan điều tra, Trí khai nhận từ năm 2018, đã nảy sinh ý định lừa đảo chiếm đoạt tiền của những người có nhu cầu mua công cụ hỗ trợ nhưng chưa được cấp phép sử dụng. Trí đã tạo trang web “Bạn toàn thắng Security” và cung cấp số điện thoại cá nhân để người mua liên hệ. Trí giới thiệu công ty có trụ sở tại TP Hồ Chí Minh, giấy phép đầy đủ, uy tín và hàng bán đảm bảo chất lượng. Người có nhu cầu liên hệ, Trí giới thiệu là nhân viên tư vấn của công ty và lấy tên giả là Lê Thanh Hoàng, rao bán súng bắn đạn cao su, còng số 8… Trí thừa nhận biết rõ quy định người mua công cụ hỗ trợ phải được cơ quan thẩm quyền cấp phép, còn những người tìm mua trên mạng đều chưa được cấp phép. Trí lợi dụng điểm này buộc người mua phải chuyển tiền trước và sau đó chiếm đoạt. Người mua không nhận được công cụ hỗ trợ, ban đầu Trí còn nghe điện thoại và viện lý do chưa thể giao hàng. Trí sau đó chặn số, chặn Zalo để nạn nhân không thể liên lạc.

Với thủ đoạn trên, Trí gây ra hàng loạt vụ lừa đảo nhiều người ở TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương. Sở dĩ Trí lừa đảo trong một thời gian dài do số tiền chiếm đoạt của mỗi vụ không nhiều. Các nạn nhân mua công cụ hỗ trợ trái phép nên không trình báo, cho đến khi cơ quan Công an phát hiện và xác lập chuyên án đấu tranh. Tại Cần Thơ, Trí gây ra hai vụ và chiếm đoạt 10 triệu đồng.

Thủ đoạn lừa đảo vay tín dụng “hỗ trợ khó khăn do đại dịch

Hiện tại, trên các trang mạng xã hội xuất hiện nhiều hình thức lừa đảo quảng cáo cho vay tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp, cá nhân dịp giãn cách xã hội do COVID-19 và hậu giãn cách. Các đối tượng lừa đảo nắm bắt tâm lý của các doanh nghiệp, cá nhân gặp khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, đưa ra mức giải ngân và lãi suất cho vay có thể chấp nhận được. Do nóng lòng giải ngân, khách hàng không tìm hiểu kỹ nên dễ sập bẫy của các đối tượng lừa đảo.

Chúng xây dựng các ứng dụng giả mạo giao diện giống ứng dụng quản lý cho vay tiền của các nhà cung cấp dịch vụ vay trực tuyến có uy tín trên thị trường, thường các đối tượng hứa hẹn cho khách hàng vay được số tiền lớn từ 20-500 triệu tùy nhu cầu, lãi suất chỉ 15-18%/năm. Với 10 khách hàng đầu tiên được lãi suất ưu đãi chỉ 6%/năm, tương đương 0,5%/tháng nên khách hàng đều muốn được đăng ký sớm để hưởng lãi suất ưu đãi. Khi khách hàng đồng ý, các đối tượng yêu cầu khách hàng cài đặt ứng dụng giả mạo cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng, ảnh chụp chứng minh nhân dân và địa chỉ chỗ ở. Trên ứng dụng sẽ hiện thị các khoản vay tùy lựa chọn của khách hàng.

Sau khi khách hàng cung cấp thông tin, các đối tượng yêu cầu khách hàng chuyển trước 2-3 triệu đồng để làm thủ tục hồ sơ. Số tiền này sẽ được giải ngân ngược lại cho khách hàng khi hoàn thành thủ tục vay tiền. Do tin tưởng, khách hàng làm theo. Sau đấy các đối tượng gửi cho khách hàng một thông báo giả xét duyệt khoản vay của công ty tài chính uy tín và một quyết định giả phê duyệt khoản vay của các ngân hàng Việt Nam để lấy niềm tin cho khách hàng. Khách hàng bấm vào ứng dụng để rút tiền về tài khoản thì không nhận được tiền, liên hệ thì đối tượng lừa đảo giả là nhân viên hỗ trợ lấy lý do khách hàng cần phải chuyển thêm 20-30 triệu để chứng tỏ năng lực tài chính bản thân, sau đấy giải ngân sẽ được hoàn trả số tiền này.

Trên ứng dụng giả cũng có yêu cầu tương tự. Đến lúc này, khách hàng rơi vào trạng thái tâm lý nếu không nạp tiền thì sẽ bị mất đi 2-3 triệu đã chuyển trước đấy. Nếu chuyển thêm 20-30 triệu có thể được giải ngân theo hứa hẹn của bọn lừa đảo nên tiếp tục chuyển tiền cho bọn chúng. Sau khi nhận được 20-30 triệu đồng từ khách hàng vay tiền, đối tượng lừa đảo lại sử dụng thủ đoạn tương tự yêu cầu khách hàng đóng thêm 50-100 triệu đồng với lý do khác nhau. Giai đoạn này khách hàng rơi vào trạng thái tâm lý hoảng loạn vừa cảm thấy có thể bị mất 20-30 triệu đồng đã đóng trước đấy hoặc đóng tiếp tiền để được chấp nhận giải ngân.

Ở hoàn cảnh này, người vay tiền thường lo lắng, đánh mất lý trí, rất dễ dẫn dụ và làm theo mọi yêu cầu của bọn lừa đảo. Có thể đóng thêm tiền cho bọn chúng lên đến 200 triệu, 500 triệu đồng, đến lúc không thể xoay xở tiền được nữa và chia sẻ với mọi người xung quanh thì mới được thức tỉnh.

Đây là một thủ đoạn lừa đảo hết sức tinh vi mà nếu thiếu cảnh giác dễ bị vấp phải. Các đối tượng sử dụng ảnh chứng minh nhân dân giả, sim rác để tạo lập tài khoản mạng xã hội facebook, zalo, mua tài khoản ngân hàng trôi nổi trên không gian mạng hoặc tinh vi hơn các đối tượng mua lại tài khoản facebook bị hack từ các đối tượng khác để tương tác với bạn bè có trong danh sách facebook để quảng cáo dịch vụ. Lập ứng dụng giả các công ty cho vay trực tuyến uy tín làm cho khách hàng dễ nhầm tưởng là dịch vụ cho vay uy tín, lãi suất hấp dẫn nên mất cảnh giác sập bẫy bọn lừa đảo. Quá trình lừa đảo kéo dài một vài ngày, thậm chí là vài tuần chúng vẫn thường xuyên online giả hỗ trợ khách hàng để dẫn dụ người bị hại tiếp tục nộp tiền để giải ngân đến khi bị hại thức tỉnh thì bọn chúng mới chặn liên lạc.

Thực tế khi tiếp nhận thông tin, cơ quan Công an tốn nhiều thời gian công sức để có thể bắt giữ, xứ lý các đối tượng lừa đảo. Trên đây là một trong các loại hình lừa đảo các đối tượng hay sử dụng lợi dụng tình hình dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp ở nước ta. Do đó, người dân cần tìm hiểu kỹ thông tin để phòng ngừa, không bị mất tiền bạc của mình.

Theo Văn Vĩnh - Nguyễn Sỹ Quang/Báo Công an Nhân dân Điện tử

https://cand.com.vn/Ban-tin-113/gia-tang-cac-thu-doan-lua-dao-tren-mang-sau-dich-benh-i632705/

 

 

 

Các tin khác:
  • Bài toán mới của y tế cơ sở (26/10/2021-9:01)
  • Liên hợp quốc cảnh báo mật độ khí gây hiệu ứng nhà kính tăng lên mức cao mới (26/10/2021-8:51)
  • Bộ Y tế đề nghị rà soát tất cả người đi về từ vùng nhiễm COVID-19 cao (26/10/2021-8:41)
  • Hành khách không phải khai bản cam kết phòng chống dịch khi đi máy bay, tàu hỏa (25/10/2021-16:56)
  • Mở cửa chứ không phải là thả cửa (25/10/2021-10:18)
  • Vững tinh thần 'ba đảm đang' trong cuộc chiến với COVID-19 (20/10/2021-13:09)
  • Hướng dẫn kiểm soát người từ các vùng dịch trở về địa phương tại các chốt kiểm soát liên ngành trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa (20/10/2021-12:58)
  • Hoàn thành cấp thẻ căn cước công dân gắn chíp điện tử cho tất cả công dân trước ngày 30-11-2021 (19/10/2021-15:55)
  • Ngăn “dịch bệnh kép” để giữ đà tăng trưởng (18/10/2021-9:34)
  • “Giữ chân” người lao động ở lại với hệ thống bảo hiểm xã hội (18/10/2021-9:26)