Thứ tư, ngày 27/11/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Nghề báo
Lạm phát cuối năm - nỗi âu lo không thừa! (28/10/2021-14:40)
    Lạm phát cuối năm là nỗi âu lo không thừa, nhất là khi điều này ảnh hưởng trực tiếp đến nỗ lực phục hồi nền kinh tế sau dịch.

 Người dân xếp hàng dài tại cửa hàng xăng dầu trong giờ tan tầm để chờ mua xăng sau khi nghe tin xăng dầu chuẩn bị tăng giá.

Áp lực lạm phát gia tăng vào những tháng cuối năm 2021 - những diễn biến thị trường mới nhất, đặc biệt là câu chuyện giá xăng tăng kỷ lục trong vòng 7 năm trở lại đây, đã cho thấy nhận định ấy của Công ty chứng khoán VCB (VCBS) không phải là không có cơ sở. Lạm phát cuối năm, vì thế, là nỗi âu lo không thừa, nhất là khi điều này ảnh hưởng trực tiếp đến nỗ lực phục hồi nền kinh tế sau dịch.

1. “Giá xăng trong nước nhảy múa”, “Giá xăng tăng cao nhất 7 năm qua”… là những thông tin được nhắc đi nhắc lại trên các phương tiện truyền thông những ngày qua. Kỳ tăng giá gần đây nhất - chiều 26/10, được coi là kỳ tăng thứ tư liên tiếp của giá xăng, lên mức 24.430 đồng/lít (với xăng RON95), đây là mức cao nhất trong 7 năm trở lại đây.

Hiện tượng này thực sự đáng lo ngại, bởi như chia sẻ của Tiến sỹ Nguyễn Bích Lâm - nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê với báo điện tử Vietnamplus, giá xăng dầu tăng không chỉ tác động làm tăng giá thành sản phẩm hàng hóa và dịch vụ, mà còn trực tiếp làm tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI), ảnh hưởng đến thu nhập và chi tiêu của người dân. Giá xăng dầu tăng 10% làm cho chỉ số CPI tăng 0,36 điểm phần trăm. Bên cạnh đó, chi tiêu cho xăng dầu chiếm 1,5% trong tổng tiêu dùng cuối cùng của hộ gia đình. Khi giá xăng dầu tăng cao, hộ gia đình sẽ cơ cấu lại và cắt giảm một phần chi tiêu, điều này làm giảm tổng cầu của nền kinh tế.

Cũng chung nhìn nhận này, GS.TS Hoàng Văn Cường (Đại biểu Quốc hội đoàn Hà Nội) - Ủy viên Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội cho rằng nếu giá xăng dầu (là giá đầu vào của rất nhiều hoạt động kinh tế xã hội) cao thì tác động đến các lĩnh vực khác, sẽ không tốt cho nền kinh tế nói chung. 

Và trên thực tế, để giải tỏa nỗi lo “giá xăng tăng khủng khiếp”, nhiều doanh nghiệp vận tải những ngày này đã nghĩ tới việc tính toán lại giá cước vận chuyển. Như chia sẻ của ông Trần Văn Thành, Tổng Công ty CP vận chuyển Á Châu với Báo Tuổi trẻ, doanh nghiệp vận tải của ông sẽ tính toán điều chỉnh giá cước theo hướng tăng khoảng 10-20% để cân đối doanh thu, cho dù việc điều chỉnh này được coi là “khá bất đắc dĩ” trong bối cảnh nhu cầu đi lại sau dịch đang có nhiều hạn chế.

Điều đáng quan ngại là không chỉ là giá xăng, mà theo ghi nhận của báo giới, vật giá cũng đang có dấu hiệu leo thang. Theo thống kê của Hiệp hội Thép Việt Nam, giá nguyên liệu sản xuất thép liên tục tăng kể từ cuối năm 2020, trong đó giá quặng sắt thời điểm tháng 5/2021 tăng cao gấp 2,6 lần, giá phế liệu đã tăng 2,5 lần so với cùng kỳ năm 2020. Giá phân bón đang được ghi nhận đang tăng chóng mặt. Đơn cử như những ngày qua, giá phân urê (đạm) 820.000 - 860.000 đồng/bao (50kg), kali 800.000 - 830.000 đồng/bao, DAP từ 1,2 - 1,3 triệu đồng/bao.

So với 10 ngày trước, giá phân bón hiện đã tăng từ 80.000 - 100.000 đồng/bao. Nếu so với cách đây 3 tháng, mức giá trên tăng từ 280.000-330.000 đồng/bao. So với cùng kỳ năm trước, giá phân bón tăng hơn gấp đôi. Giá cám, thuốc thú y, vật tư nông nghiệp cũng đang tăng mạnh, như giá cám thức ăn chăn nuôi đã tăng 205 so với năm ngoái. Tại TP.HCM, các mặt hàng như nước uống bán sỉ, bán lẻ đều có xu hướng tăng giá. Giá gà công nghiệp xuất chuồng cũng đang trên đà tăng…

 

lam phat cuoi nam  noi au lo khong thua hinh 2

 

2. Mới đây, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo về tổng kết đánh giá công tác điều hành giá quý III/2021, kịch bản điều hành giá quý IV/2021, đầu năm 2022, Thứ trưởng Bộ Tài chính Tạ Anh Tuấn (cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo) cho biết: Mặt bằng giá cả thị trường trong 10 tháng năm 2021 cơ bản nằm trong kịch bản điều hành giá đã đề ra ngay từ đầu năm. So với cùng kỳ năm trước, CPI tháng 9 tăng 2,06%; CPI bình quân 9 tháng đầu năm 2021 tăng 1,82% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016; lạm phát cơ bản 9 tháng tăng 0,88%... nhìn chung, từ đầu năm đến nay, mặt bằng giá cả thị trường tăng giảm đan xen. Báo cáo khẳng định công tác kiểm soát lạm phát năm 2021 đảm bảo trong tầm kiểm soát của Chính phủ và Ban Chỉ đạo điều hành giá và ở mức thấp. 

Tuy nhiên, đáng quan tâm là Báo cáo cũng cho biết: áp lực lạm phát năm 2022 là rất lớn nhất là khi khủng hoảng năng lượng có thể trở nên trầm trọng, xu hướng đầu cơ, tích trữ các mặt hàng chiến lược của một số nước tác động toàn diện đến kinh tế thế giới và trong nước.

Thực tế diễn biến thị trường như đã nói trên cho thấy, áp lực lạm phát sẽ không chỉ lớn vào năm 2022 tới mà đã có dấu hiệu “đe dọa” từ quý 4/2021 này. Như phân tích của Chuyên gia kinh tế Phạm Thế Anh, giá sản xuất cuối cùng sẽ phản ánh vào giá tiêu dùng, khi doanh nghiệp chuyển gánh nặng tăng giá nguyên vật liệu lên vai người tiêu dùng. Điều đó đồng nghĩa, nguy cơ lạm phát là tương đối lớn.

3. Theo nhìn nhận của các chuyên gia, cản đà lạm phát không đơn giản nhưng không phải là không có giải pháp. Quan trọng là việc vận dụng linh hoạt nhiều công cụ để điều tiết nền kinh tế. Vận dụng tới công cụ thuế, xem xét điều chỉnh chính sách thuế hợp lý công bằng… được nhiều chuyên gia xem cũng là một trong những phương cách.

Nói như GS.TS Hoàng Văn Cường (Đại biểu Quốc hội đoàn Hà Nội) - Ủy viên Uỷ ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội: Để điều chỉnh giá cả cần cân nhắc sử dụng công cụ Nhà nước đang quản lý là công cụ thuế. Trong bối cảnh giá tăng thì cần phải điều chỉnh giảm thuế và thuế nhập khẩu hoặc thậm chí thuế về môi trường cũng tạm thời duy trì ở mức hợp lý.

Hay như trong câu chuyện kiềm chế giá xăng dầu, nói như Chuyên gia Nguyễn Bích Lâm, Chính phủ giao Bộ Công Thương nắm bắt giá xăng dầu trên thị trường thế giới, phối hợp với Bộ Tài chính phân tích những yếu tố về giá và thuế để điều chỉnh các loại thuế có liên quan đến xăng dầu; đồng thời, hai bộ cùng các doanh nghiệp nhận định, đánh giá và phối hợp nhịp nhàng để sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu. Từ đó, quyết định giá bán sao cho phù hợp với giá thế giới, đảm bảo lợi ích của doanh nghiệp và người dân.

 

lam phat cuoi nam  noi au lo khong thua hinh 3

Người dân đổ xô đi mua xăng ở Hà Nội chiều 25/10. Ảnh: Quang Hùng

 

Chú trọng điều tiết nguồn hàng, ngăn chặn các hành vi đầu cơ, găm hàng, kiểm tra, kiểm soát giá cả liên tục, chính xác, nắm vững diễn biến trong và ngoài nước để kịp thời có biện pháp can thiệp…. cũng là những giải pháp không mới nhưng thực sự phải được thực thi nghiêm túc. “Cân nhắc sử dụng cơ chế tỷ giá linh hoạt cũng như tăng tích lũy dự trữ ngoại tệ để củng cố khả năng can thiệp khi cần thiết” cũng là một trong những giải pháp được nhiều chuyên gia khuyến cáo khi nền kinh tế mở cửa sau thời gian dài giãn cách…

Lạm phát cuối năm, đó hoàn toàn là nỗi âu lo không thừa. Dù mới ở mức “tương đối lớn” nhưng trong bối cảnh phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an sinh xã hội cho người dân sau đại dịch COVID-19 đang được coi là những vấn đề cấp bách hàng đầu, thì việc kiểm soát cho được sự gia tăng của vật giá, đặc biệt là các yếu tố đầu vào cho sản xuất là điều không thể lơ là, chần chừ. Nhất là trong thời điểm có thể xem là “khá nhạy cảm” dễ tác động tới tâm lý người dân, từ đó ảnh hưởng tiêu cực tới nỗ lực an sinh xã hội khi thu nhập của người dân sau đại dịch không thể đáp ứng với mức tăng của vật giá.

Giữ được giá cả bình ổn, nhất là các mặt hàng thiết yếu cũng sẽ bảo đảm an sinh xã hội, ổn định tâm lý người dân vốn dĩ khá nhiều những âu lo, bất an sau những khó khăn của thời kỳ dài giãn cách xã hội.

Theo Hồng Hà/Báo NB&CL

https://congluan.vn/lam-phat-cuoi-nam--noi-au-lo-khong-thua-post163864.html

 

Các tin khác:
  • Các cơ quan thông tấn, báo chí là lực lượng tiên phong đi đầu trong đấu tranh phản bác quan điểm sai trái (28/10/2021-14:35)
  • Báo chí vẫn giữ vai trò của mình trước mạng xã hội bằng truyền tải thông tin có kiểm chứng (28/10/2021-14:32)
  • Đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực lý luận chính trị và báo chí - truyền thông trong tình hình mới (28/10/2021-14:27)
  • Hạn cuối nhận tác phẩm dự thi Giải Búa Liềm vàng là ngày 10/11/2021 (27/10/2021-14:58)
  • BTV Anh Đức: Mỗi lần lên sóng là mỗi lần hoàn thiện mình, nâng cao bản lĩnh nghề (17/10/2021-17:40)
  • Thấy gì qua bảng xếp hạng 50 tờ báo, trang điện tử nhiều người xem nhất Việt Nam năm 2021? (16/10/2021-14:42)
  • Tiếp nhận tác phẩm dự giải báo chí “Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương” đến 25/11/2021 (12/10/2021-8:23)
  • Tập huấn về nâng cao năng lực truyền thông báo chí trong quản lý rác thải nhựa (10/10/2021-16:59)
  • Covering Climate Now vinh danh phóng viên đưa tin về biến đổi khí hậu (08/10/2021-8:31)
  • Nhà báo Nguyễn Đắc Nông: Người mang lịch sử dân tộc đến thế hệ trẻ bằng hiện vật (07/10/2021-14:57)