Hành trình lật tẩy mánh khóe giao dịch tài chính không phép (28/10/2021-14:45)
Loạt 5 bài “Trốn thuế qua cổng thanh toán quốc tế” của nhóm tác giả Nguyễn Thị Lan Hương, Dương Đình Trường - Báo Lao Động vừa đoạt giải A Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XV - năm 2020.
Nhà báo Dương Đình Trường - Báo Lao động trong lần phỏng vấn người dân.
Đây là sự ghi nhận đối với tuyến đề tài có tính phát hiện, dấn thân, đề cập đến những vấn đề nóng, có sức ảnh hưởng lớn. Báo Nhà báo & Công luận đã có buổi gặp gỡ nhà báo Dương Đình Trường để tìm hiểu về tác phẩm độc đáo này.
Rửa tiền qua các cổng thanh toán trực tuyến quốc tế
Chia sẻ về loạt bài “Trốn thuế qua cổng thanh toán quốc tế”, nhà báo Dương Đình Trường cho biết: Mở cửa hội nhập đã tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế đất nước, góp phần củng cố quốc phòng, bảo đảm an ninh quốc gia. Và thứ chúng ta có thể thấy rõ ràng hơn bao giờ hết về hội nhập là việc quản lý các giao dịch tài chính giữa Việt Nam và thế giới vẫn diễn ra hằng ngày, hằng giờ. Nhiều tổ chức cá nhân mua bán, giao dịch, kinh doanh tiền tệ trên môi trường internet được thực hiện với con số khổng lồ và đến nay vẫn khó có thể thống kê hết.
Trong tháng 12 năm 2020, Báo Lao Động có loạt bài điều tra phản ánh nhiều cổng thanh toán quốc tế như Paypal, Payoneer,... chưa được Ngân hàng Nhà nước cấp giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, nhưng đang trở thành công cụ đắc lực cho các giao dịch tài chính bất hợp pháp, rửa tiền, trốn thuế theo quy định của Nhà nước.
Loạt bài phản ánh về một lĩnh vực tương đối phức tạp, liên quan đến các công ty tập đoàn xuyên biên giới, không nằm trên lãnh thổ Việt Nam nhưng ảnh hưởng trực tiếp đến túi tiền của rất nhiều người dân trong nước và ảnh hưởng trực tiếp tới nền kinh tế Việt Nam nói chung.
Không chỉ đánh giá đúng thực trạng các giao dịch tài chính, loạt bài còn phơi bày cả một thị trường ngầm mua bán, trao đổi tiền. Những giao dịch không dấu vết ngang nhiên lách qua các quy định về tỷ giá, về phí chuyển khoản hay thậm chí là cả sự truy vết của cơ quan chức năng. Đây là môi trường thuận lợi cho hoạt động xóa dấu vết dòng tiền, thậm chí là rửa tiền qua các cổng thanh toán trực tuyến quốc tế hiện đang nở rộ tại Việt Nam.
Sử dụng các cổng thanh toán quốc tế là điều mới mẻ với nhiều người dân. Nhưng trong giới kinh doanh, kiếm tiền online, họ coi đây là việc làm bình thường và đã sử dụng các công cụ này để giao dịch từ lâu. Tuy nhiên, để khai thác sâu, làm rõ vấn đề với những bằng chứng sắc nét thì chưa một cơ quan báo chí truyền thông nào khai thác.
“Đây là một đề tài mới, thậm chí với tôi khi nhận được đề cương về nó là tương đối mông lung. Trước đây tôi đã từng làm phóng sự điều tra về hoạt động “thỉnh vong báo oán” tại chùa Ba Vàng, hay nhiều phóng sự điều tra xã hội, đã phải đối mặt với nhiều hiểm nguy, nhưng lần này khó khăn là phải thuyết phục hầu hết những nhân vật, những người trong giới đầu tư kinh doanh online, kiếm tiền online nói lên sự thật” - nhà báo Dương Đình Trường nhấn mạnh.
Hành trình xâm nhập, đi đến cùng sự việc
Trong quá trình triển khai, nhà báo Dương Đình Trường và đồng nghiệp đã gặp phải nhiều gian nan khi các giao dịch qua cổng thanh toán thường chỉ diễn ra trên không gian mạng. Mọi giao dịch mua bán trao đổi, mặc cả đều chỉ diễn ra bằng các tài khoản tương tác cá nhân, như: messenger, zalo, các nhóm kín, diễn đàn riêng…. Nếu chỉ có hình ảnh chụp màn hình các giao dịch sẽ không thuyết phục, mà phải có hình ảnh trực quan sinh động. Nhờ kiên trì tìm kiếm, thuyết phục, cuối cùng anh cũng may mắn tìm được những nhân vật quan trọng có thể lên tiếng.
“Chúng tôi đã liên hệ với nhiều người, sau rất nhiều nhân vật thì cũng có người nhận lời giao dịch trực tiếp. Từ đó có tư liệu hình ảnh quan trọng cho một tác phẩm báo chí đa phương tiện. Ngoài những người giao dịch bình thường, chúng tôi phải tìm ra những người có nhiều năm kinh nghiệm giao dịch tiền online. Họ nói ra, chia sẻ những chiêu thức về giao dịch để tránh thuế, lọt qua sự quản lý của ngân hàng nhà nước mà họ đã từng làm” - nhà báo Dương Đình Trường cho biết.
Ban đầu để làm quen với hoạt động này anh tự mày mò tìm hiểu, thậm chí lập tài khoản trên các cổng thanh toán để sử dụng một vài giao dịch chuyển tiền, học xem dòng tiền di chuyển như thế nào... Việc chênh lệch từ tiền trong nước sang tiền quốc tế, những người đứng ra mua bán, mất phí bao nhiêu %...
Anh nhận thấy có điểm chung của các giao dịch này là không cần xác thực, không cần giấy tờ cá nhân, số tiền giao dịch bao nhiêu cũng được, không giới hạn mọi thứ và đều rất đơn giản. Càng đi sâu vào tìm hiểu, cả nhóm đều nhận thấy những lỗ hổng lớn về cơ chế, chính sách pháp luật trong nước hiện nay.
Ngoài tìm hiểu thực tế, để có thông tin đầy đủ khách quan nhất, những người thực hiện loạt bài còn tiến hành phỏng vấn các chuyên gia về kinh tế, chuyên gia tài chính ngân hàng, luật sư. Tất cả đều khẳng định đây là lỗ hổng lớn và vấn đề này đã tồn tại rất nhiều năm nay, nếu để kéo dài sẽ ảnh hưởng lớn tới an ninh tiền tệ. Những giao dịch chuyển tiền không dấu vết vẫn diễn ra hằng ngày, hằng giờ mà “cơ quan thuế không thu được đồng nào”.
Sau khi đăng tải, loại bài đã tạo được tiếng vang, đặc biệt trong giới kinh doanh và kiếm tiền online. Những bài viết được chia sẻ rất nhiều trong các hội, nhóm kín. Người trong cuộc nói rằng những giao dịch ngầm của mình từ trước đến nay đã dần lộ diện, rằng cơ quan quản lý nhà nước có thể sẽ thắt chặt quản lý trong thời gian tới.
Sức nóng của loạt bài càng tăng lên khi Văn phòng Chính phủ có Công văn gửi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông về việc xử lý thông tin báo nêu sau loạt bài điều tra phản ánh do phóng viên Báo Lao Động thực hiện. Tổng cục Thuế cũng có phản hồi và khẳng định sẽ ngồi lại với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để đánh giá phân tích rõ nội dung báo chí nêu, tìm cách quản lý những cổng giao dịch này.
Như vậy, loạt bài không chỉ giúp bạn đọc hiểu rõ hơn những giao dịch tỷ đô trong thế giới ngầm mà còn giúp các cơ quan quản lý nhà nước biết được những lỗ hổng về chính sách, pháp luật. Từ đó, làm cơ sở sửa đổi, điều chỉnh bổ sung các quy định để quản lý dòng tiền, thuế, đồng thời điều chỉnh để đảm bảo phù hợp với các quy định thương mại quốc tế.
Dù còn rất trẻ, nhưng nhà báo Dương Đình Trường đã nhiều năm đạt giải cao tại Giải Báo chí Quốc gia. Anh chia sẻ: “Tôi nghĩ dù bạn đứng trước một đề tài khó như thế nào thì vấn đề quan trọng nhất vẫn là có nhiệt huyết với đề tài đó, nếu thấy đề tài mới, khó mà bỏ qua thì tự nhiên đánh mất cơ hội phát triển cho nghề nghiệp của mình. Đi đến cùng trong bất cứ vấn đề, vụ việc nào, tôi nghĩ rằng đó là phẩm chất mà mỗi nhà báo luôn cần có. Hơn nữa, chúng ta có sự hỗ trợ của lãnh đạo Báo, sự giúp đỡ của các đồng nghiệp thì không có gì phải e ngại”.
Địa chỉ: Tòa nhà hợp khối các đơn vị sự nghiệp, đường Lý Nam Đế, P. Đông Hương, TPTH
Người chịu trách nhiệm chính: Bà Nguyễn Thị Thương Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Thanh Hóa
ĐT:
02373.752.456
Hotline: 0918.084.568
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com