Nhà báo Việt Hoà - Báo Giao thông: Người làm báo phải biết phân tích, tổng hợp, tìm ra vấn đề trong cả “núi” hồ sơ, tư liệu (29/10/2021-9:20)
Loạt bài "Vĩnh Phúc – Ngang nhiên bạt đồi, lấp hồ Đại Lải làm khu biệt thự nghỉ dưỡng" của tác giả Việt Hoà vừa vinh dự đoạt giải B – Giải Báo chí Quốc gia lần thứ 15. Để hiểu rõ hơn quá trình thực hiện loạt bài này, báo Nhà báo và Công luận đã có buổi trò chuyện với tác giả.
Nhà báo Việt Hoà - Báo Giao thông. Ảnh: NVCC
Đầu tháng 7 năm 2020, Báo Giao thông đăng loạt bài “Ngang nhiên bạt đồi, lấp hồ Đại Lải làm khu biệt thự nghỉ dưỡng”. Phản ánh việc chiều dài gần 1 km ven hồ Đại Lải, bị một đơn vị bạt cả quả đồi, dùng máy móc, thiết bị đổ thẳng lượng đất khổng lồ xuống lấp lòng hồ Đại Lải. Một phần hồ Đại Lải thơ mộng bị biến thành màu đỏ quạch do đất, đá đổ xuống đây.
Sau khi tiếp nhận phản ánh của người dân, nhà báo Việt Hòa đã báo cáo cơ quan và lên tận nơi để chứng kiến, ghi nhận. Ở đây cả một khu vực rộng lớn kéo dài tới hàng km ven hồ nhuốm màu đỏ quạch của đất đồi. Một công ty đã bạt cả 1 quả đổi cạnh hồ, san đất xuống lòng hồ để biến nơi đây thành khu biệt thự nghỉ dưỡng rộng hàng chục ha.
Nhà báo Việt Hòa gặp gỡ, phỏng vấn những người dân, những nhân chứng sống ở quanh khu vực hồ Đại Lải. Nhiều người dân chia sẻ, đã hơn nửa thế kỷ trước cha ông ta chỉ bằng đôi bàn tay, những dụng cụ thô sơ như cuốc, thuổng, xẻng... đã đào đất, đắp hồ tạo nên một trong những hồ chứa nước ngọt lớn nhất cả nước. Vậy nhưng giờ đây, chỉ vì lợi ích kinh tế mà người ta ngang nhiên bạt đồi, lấp hồ khiến cho hồ Đại Lải bị thu hẹp, biến dạng. Không những vậy, sự tác động thô bạo này tạo nên nghịch lý là những cánh đồng khô hạn vì thiếu nước ngọt dù nằm ngay cạnh hồ chứa nước ngọt Đại Lải” nhà báo Việt Hòa chia sẻ.
Sau khi thu thập cơ bản đủ thông tin anh đã thực hiện loạt bài viết “Vĩnh Phúc: Ngang nhiên bạt đồi, lấp hồ Đại Lải làm khu biệt thự nghỉ dưỡng”.
Chia sẻ với phóng viên báo Nhà báo và Công luận về việc triển khai đề tài, nhà báo Việt Hòa cho biết: Quá trình thực hiện bài viết này, tôi gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình thu thập thông tin. Dự án này được UBND tỉnh Vĩnh Phúc, giao đất cho một công ty lớn của tỉnh triển khai thực hiện, còn chúng tôi thì điều tra về những sai phạm tồn tại của họ, đương nhiên chúng tôi không được chào đón.
Tôi không bị ngăn cản thô bạo khi liên hệ, làm việc với các cơ quan chức năng của tỉnh Vĩnh Phúc. Tuy nhiên, tôi thường xuyên phải đối diện với “cản trở mềm” trong quá trình thu thập thông tin.
"Rất nhiều lần phóng viên liên hệ làm việc với các cơ quan chức năng tỉnh Vĩnh Phúc nhưng đều về tay trắng vì không thể gặp được; Báo Giao thông gửi công văn tới Tỉnh ủy, UBND tỉnh Vĩnh Phúc kèm những câu hỏi phỏng vấn. Các cơ quan này lại gửi công văn trở lại, giao cho Thanh tra tỉnh Vĩnh Phúc trả lời. Sau rất nhiều lần liên hệ, thậm chí đến “chầu chực” tại Thanh tra tỉnh Vĩnh Phúc, tới nay Báo Giao thông vẫn không có câu trả lời của cơ quan này. Sau nhiều nỗ lực, tôi cũng phỏng vấn được một số lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc cũng như các sở, ngành nhưng thông tin có được rất ít. Chủ yếu những thông tin họ cung cấp để khẳng định không có chuyện lấp hồ, các cơ quan chức năng Vĩnh Phúc đã làm đúng” - nhà báo Việt Hòa chia sẻ.
Luôn mong muốn đi đến cùng sự việc, nhà báo Việt Hòa thực hiện nhiều biện pháp nghiệp vụ, may mắn anh nhận được sự hỗ trợ của Ban Biên tập, đồng nghiệp và thông tin cởi mở hơn từ các bộ, ngành, người dân... anh có thêm tư liệu để thực hiện loạt bài viết, đồng thời khẳng định đây là hoạt động lấp hồ, ảnh hưởng nghiêm trọng tới hồ Đại Lải cũng như đời sống người dân.
Ngay sau khi đăng tải, loạt bài viết “Vĩnh Phúc: Ngang nhiên bạt đồi, lấp hồ Đại Lải làm khu biệt thự nghỉ dưỡng” được độc giả của Báo Giao thông đón nhận với những phản hồi tích cực. Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản chỉ đạo các Bộ, ngành Trung ương và tỉnh Vĩnh Phúc vào cuộc kiểm tra, xử lý.
Các Bộ gồm: Bộ Công an, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương... và sau cùng tỉnh Vĩnh Phúc đã thành lập các đoàn kiểm tra về vấn đề Báo Giao thông phản ánh. Hoạt động lấp hồ từ thời điểm đó cũng đã bị dừng hoàn toàn, UBND tỉnh Vĩnh Phúc phải thực hiện nhiều giải pháp để bảo vệ hồ.
Theo nhà báo Việt Hòa: “Trong quá trình thực hiện loạt bài viết này, tôi rất mừng vì có nhiều cơ quan báo chí trong đó có báo Nhà Báo và Công luận vào cuộc, tiếp tục có nhiều bài viết hay, sắc sảo, phanh phui ra những “góc khuất” về vụ việc mà chúng tôi chưa có điều kiện tìm hiểu”.
Một đề tài khó, đụng chạm đến nhiều cấp nhiều ngành, nhưng nhà báo Việt Hòa và đồng nghiệp vẫn luôn giữ vững tinh thần làm việc không biết mệt mỏi. Nêu cao tinh thần dấn thân, không quản ngại vất vả để thực hiện đề tài mình theo đuổi.
Nói về kinh nghiệm trong suốt hành trình làm nghề hàng chục năm của mình, nhà báo Việt Hòa tâm sự: “Phóng viên điều tra nhiều khi phải đối diện với hiểm nguy ngoài thực địa; phải biết từ chối để không dính phải những “viên đạn bọc đường”... Một kỹ năng cần thiết của người làm điều tra là biết phân tích, tổng hợp, tìm ra vấn đề trong cả “núi” hồ sơ, tư liệu để triển khai thành bài viết, loạt bài viết. Một điều đặc biệt quan trọng đó là phóng viên, nhà báo phải có một “chỗ dựa” vững chắc – đó chính là cơ quan báo chí mà mình công tác. Theo tôi, tác phẩm điều tra chỉ được hình thành khi hội tụ bởi ít nhất 2 yếu tố: phóng viên dấn thân và lãnh đạo cơ quan dám làm, dám chịu trách nhiệm”.
Địa chỉ: Tòa nhà hợp khối các đơn vị sự nghiệp, đường Lý Nam Đế, P. Đông Hương, TPTH
Người chịu trách nhiệm chính: Bà Nguyễn Thị Thương Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Thanh Hóa
ĐT:
02373.752.456
Hotline: 0918.084.568
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com