Thứ tư, ngày 27/11/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Nghề báo
Nhà báo Anh Thơ, Ban Bạn đọc - Báo Nhân Dân: Nếu không kiên trì và kiểm chứng được thông tin thì tôi đã… bỏ cuộc (04/11/2021-13:35)
    Chúng ta có làm tốt công tác đền ơn đáp nghĩa đến đâu thì cũng không thể bù đắp nổi những mất mát, hy sinh, thiệt thòi của các thân nhân liệt sĩ...Người làm báo cần có trách nhiệm nói lên tiếng nói của người dân, đồng hành cùng các thân nhân liệt sĩ trong hành trình gian nan xác định danh tính liệt sĩ...

 Nhà báo Anh Thơ nhận giải B Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XV, năm 2020.

Đó là chia sẻ của nhà báo Anh Thơ, Ban Bạn đọc - Báo Nhân Dân về quá trình triển khai loạt bài “Gian nan hành trình xác định danh tính liệt sĩ” (đoạt giải B - Giải Báo chí Quốc gia năm 2020, thể loại phóng sự - điều tra). Để hiểu rõ hơn về tác phẩm này, Báo Nhà báo & Công luận đã có cuộc trò chuyện với chị.

Cần có kỹ năng kiểm chứng thông tin tốt để xác định hướng đi của bài viết

+ Đề tài tìm mộ liệt sĩ luôn là vấn đề khó, liên quan đến nhiều ngành, các địa phương xa xôi và những tồn tại của lịch sử, điều gì đã thôi thúc chị lựa chọn đề tài này?

- Tôi có người bác ruột là liệt sĩ. Trước khi vào chiến trường, bác được về thăm gia đình và lần đó bác đã để lại giọt máu của mình. Chị tôi từ khi sinh ra đã không biết mặt cha, trước lúc hy sinh bác tôi cũng không biết mình có một cô con gái. Bác dâu tôi khi đó mới ngoài hai mươi tuổi. Ông bà tôi thương bác, giục bác đi lấy chồng, con cái để ông bà nuôi. Nhưng bác tôi vẫn quyết định ở vậy nuôi con khôn lớn, trưởng thành.

Hình ảnh người bác dâu cả một đời thui thủi nuôi con, chăm sóc bố mẹ chồng in đậm trong ký ức tuổi thơ, khiến tôi thấm thía sự hy sinh, mất mát không gì bù đắp được của những người vợ có chồng hy sinh ngoài mặt trận. Gia đình tôi dù đã nhiều lần đi tìm kiếm nhưng cho đến giờ vẫn chưa tìm được phần mộ của bác tôi. Thế nên, tôi thấu hiểu và đồng cảm với nỗi đau của các gia đình liệt sĩ đã nhiều năm đi tìm mộ người thân mà chưa tìm thấy. Nhưng điều tôi trăn trở, day dứt nhất vẫn là những trường hợp đã chiến đấu, hy sinh vì Tổ quốc, sau nhiều năm vẫn chưa được công nhận là liệt sĩ.

Từ năm 2013, tôi được lãnh đạo ban phân công theo dõi mảng đơn thư bạn đọc về lĩnh vực thương binh, liệt sĩ, người có công, trong đó, có cả việc tìm kiếm, quy tập hài cốt, xác định danh tính liệt sĩ. Tôi nhận thấy rằng, người làm báo cần có trách nhiệm nói lên tiếng nói của người dân, đồng hành cùng các thân nhân liệt sĩ, chỉ ra những vấn đề còn bất cập, tìm ra các giải pháp, góp phần cùng các cơ quan chức năng giải quyết những tồn tại, vướng mắc đó.

+ Trong quá trình triển khai đề tài này chị thấy khó khăn nhất là điều gì?

- Điều khó nhất là xác minh thông tin vì các liệt sĩ hy sinh đã gần nửa thế kỷ, công tác quy tập cũng được tiến hành từ mười năm trước, thông tin nhận được từ các nguồn lại mâu thuẫn nhau. Thế nên, nhà báo cần phải có kỹ năng kiểm chứng thông tin tốt để xác định hướng đi của bài viết. Điều này cũng cần sự kiên trì, tỉnh táo của nhà báo. Vì nếu không, nhà báo có thể mất phương hướng và bỏ cuộc.

Trong bài đầu tiên của loạt bài, cơ quan chức năng ban đầu trả lời là không có thông tin liệt sĩ quy tập từ xã Ochalong, huyện Siem Bouk, tỉnh Stung Treng, Vương quốc Campuchia và cũng không có thông tin quy tập các liệt sĩ an táng tại Viện K20, vì thế nếu không kiên trì và kiểm chứng được thông tin thì tôi cũng đã… bỏ cuộc.

Chia sẻ những nỗi đau

+ Đi nhiều, gặp gỡ nhiều, suốt quá trình thu thập thông tin chị thấy nhớ nhất nhân vật, sự kiện nào?

- Người đầu tiên tôi gặp là anh Lê Quang Vinh, ở thị trấn Xuân Mai, huyện Chương Mỹ (Hà Nội), con trai duy nhất của liệt sĩ Lê Quang Tặc. Câu chuyện về hành trình 20 năm tìm mộ cha của anh Vinh khiến tôi rất xúc động. Sau nhiều năm tìm kiếm, đến năm 2010, anh Vinh mới biết được nơi hy sinh của cha mình là Viện K20, thời điểm đóng quân tại tỉnh Stung Treng, Vương quốc Campuchia. Mùa khô năm 2010, anh Vinh sang Campuchia để tìm mộ cha thì gặp Đội quy tập K52 - Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Gia Lai đang tổ chức quy tập hài cốt liệt sĩ Viện K20. Anh Vinh đã ở cùng Đội K52 mấy ngày và chứng kiến rất nhiều hài cốt liệt sĩ được cất bốc, nhưng tất cả đều không có danh tính…

 

neu khong kien tri va kiem chung duoc thong tin thi toi da bo cuoc hinh 2

Nhà báo Anh Thơ - Báo Nhân Dân phỏng vấn gia đình thân nhân liệt sĩ.

 

Sau khi có được bản danh sách các liệt sĩ hy sinh, an táng tại Viện K20, thuộc xã Ochalong, huyện Siem Bouk, tỉnh Stung Treng, Vương quốc Campuchia (của Cục Chính sách - Tổng cục Chính trị - Bộ Quốc phòng), tôi tìm gặp cụ Nguyễn Thị Thái, là một trong số rất ít mẹ của liệt sĩ hy sinh tại Viện K20 còn sống. Cụ Thái đã 90 tuổi, sức khỏe rất yếu. Tôi cứ ám ảnh mãi hình ảnh cụ ngồi trước bàn thờ gia tiên, ánh mắt cụ thẫn thờ nhìn lên di ảnh người con trai Nguyễn Tuấn Dũng đã hy sinh từ gần 50 năm trước. Lúc còn tỉnh táo, cụ chỉ có một mong ước là tìm được hài cốt của con trai mình để được yên lòng nhắm mắt.

Còn mẹ của liệt sĩ Đào Hồng Thái ở huyện Nga Sơn, Thanh Hóa, nhiều năm qua vẫn để dành một vuông đất nhỏ trong vườn nhà với hy vọng có ngày được đón liệt sĩ trở về yên nghỉ tại nơi quê cha đất tổ. Thật buồn là khi tôi liên hệ với mẹ của liệt sĩ Đào Hồng Thái thì biết tin mẹ đã mất.

Người gây xúc động và cảm phục với tôi là cựu chiến binh Phan Ngọc Huân, quê ở xã Điệp Nông, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình, hiện cư trú tại xã Ia Rsươm, huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai. Chú Huân nguyên là tiểu đội trưởng Tổ điều trị Ban 2 - Viện K20. Từng chứng kiến sự hy sinh và trực tiếp chôn cất đồng đội, hàng chục năm qua, chú Huân nhiều lần viết thư gửi Hội Cựu chiến binh, Bộ Chỉ huy quân sự các tỉnh, thành phố đề nghị hỗ trợ, tổ chức tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ hy sinh tại Campuchia.

Năm 2009, dù tuổi đã cao, sức yếu, lại bị thương tật ở chân, chú vẫn trực tiếp dẫn Đội K52 - Bộ CHQS tỉnh Gia Lai băng rừng, đi dọc biên giới Campuchia để tìm đồng đội. Đến nay, chú Huân đã chỉ dẫn cho các đội tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, đưa hàng trăm hài cốt liệt sĩ hy sinh tại Campuchia hồi hương.

+ Được biết chị sẽ tiếp tục theo đuổi triển khai đề tài này, chị có mong muốn gì gửi đến các ngành chức năng liên quan?

- Tôi hy vọng rằng không lâu nữa, sẽ có một ngày thật đặc biệt, đó là ngày các liệt sĩ K20 được trở về an nghỉ trong lòng đất mẹ quê hương, được hưởng sự chăm sóc của gia đình, dòng họ và nhân dân địa phương. Chắc chắn tôi sẽ có mặt trong sự kiện này để ghi lại khoảnh khắc xúc động của những người vợ, người con, người cháu đón chồng, cha, ông “trở về” sau bao năm dài đằng đẵng, mòn mỏi chờ đợi.

Điều tôi còn day dứt, trăn trở là trong số 128 quân nhân hy sinh, từ trần tại Viện K20 đã xác định được tên tuổi, quê quán, có ông Trần Văn Muôn đến nay chưa được công nhận là liệt sĩ. Sau nửa thế kỷ nằm lại chiến trường chống Mỹ, gia đình, người thân, bạn bè, chính quyền địa phương không ai hay biết ông Trần Văn Muôn đã hy sinh. Người chiến sĩ năm xưa trốn nhà tình nguyện tham gia kháng chiến, người đã dành cả tuổi thanh xuân cho cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, khi hy sinh gia đình không nhận được một dòng tin báo, không một tấm di ảnh hay kỷ vật để lại. Và theo năm tháng, ký ức về ông cũng dần đi vào quên lãng.

Nửa thế kỷ hy sinh vẫn chưa được công nhận liệt sĩ là quá chậm trễ, gây nhiều thiệt thòi cho người nằm xuống và thân nhân. Những cống hiến của ông Trần Văn Muôn cần được ghi nhận, sự hy sinh của ông cần được xã hội tôn vinh, tri ân. Đó là chân lý và cũng là đạo lý.

Tôi cũng muốn nói rằng, chính sách của Đảng, Nhà nước rất đầy đủ và nhân văn, nhưng trong quá trình thực hiện vẫn có những vướng mắc, trở ngại do yếu tố con người khiến hành trình tìm mộ liệt sĩ của các thân nhân thêm phần khó khăn hơn, gây tốn kém nhiều công sức, thời gian và tiền bạc.

Tôi thấy rằng, cho dù chúng ta có làm tốt công tác “đền ơn đáp nghĩa” đến đâu thì cũng không thể bù đắp nổi những mất mát, hy sinh, thiệt thòi của những người mẹ, người vợ có chồng, con hy sinh ngoài mặt trận. Thời gian càng lùi xa thì việc xác định danh tính liệt sĩ càng khó khăn. Hơn ai hết, những thân nhân liệt sĩ đang mong mỏi từng ngày được xét nghiệm ADN mẫu hài cốt, khớp nối thông tin để sớm tìm lại tên cho các liệt sĩ.

Theo Lê Tâm (Thực hiện)/Báo NB&CL

https://congluan.vn/neu-khong-kien-tri-va-kiem-chung-duoc-thong-tin-thi-toi-da-bo-cuoc-post164987.html

 

Các tin khác:
  • Đưa vào vận hành phiên bản Tạp chí điện tử Nông Thôn Mới (03/11/2021-18:19)
  • “Vinh quang trên tuyến đầu”: Lan tỏa tinh thần chống dịch từ người chiến sỹ làm báo (01/11/2021-17:20)
  • Nhà báo Việt Hoà - Báo Giao thông: Người làm báo phải biết phân tích, tổng hợp, tìm ra vấn đề trong cả “núi” hồ sơ, tư liệu (29/10/2021-9:20)
  • Xử phạt vi phạm hành chính Tạp chí Tri thức xanh gần 100 triệu đồng, tạm đình bản in 4 tháng (29/10/2021-9:16)
  • Nhà báo Hoàng Văn Chiên - Báo Nông thôn ngày nay: Tìm ra bản chất vấn đề, kiến nghị chính sách sao cho rừng không tiếp tục bị tàn phá (29/10/2021-9:09)
  • Hành trình lật tẩy mánh khóe giao dịch tài chính không phép (28/10/2021-14:45)
  • Lạm phát cuối năm - nỗi âu lo không thừa! (28/10/2021-14:40)
  • Các cơ quan thông tấn, báo chí là lực lượng tiên phong đi đầu trong đấu tranh phản bác quan điểm sai trái (28/10/2021-14:35)
  • Báo chí vẫn giữ vai trò của mình trước mạng xã hội bằng truyền tải thông tin có kiểm chứng (28/10/2021-14:32)
  • Đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực lý luận chính trị và báo chí - truyền thông trong tình hình mới (28/10/2021-14:27)