Để cuộc sống thực sự 'bình thường mới' (09/11/2021-9:00)
Sau bao ngày thành phố thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch COVID-19, chị Thắm cùng chiếc xe đạp bán cây cảnh rong đã có thể tiếp tục công việc của mình.
Hà Nội những ngày "bình thường mới". Ảnh minh họa: Lê Sơn/Báo Tin tức
Chị Thắm rất vui bởi ngay khi bán hàng trở lại, sau mấy tháng không có thu nhập do dịch bệnh phải thực hiện giãn cách, mỗi ngày đều bán được ba đến bốn chậu cây, dù mỗi cây cảnh của chị chỉ từ 30.000 đồng đến trên 100.000 đồng (tuỳ loại). Niềm vui khiến chị vơi đi mệt nhọc vì phải đạp xe hàng chục cây số từ nhà vào nội thành Hà Nội để bán hàng, từ sáng sớm đến tối mịt mới về. Những người lao động tự do như chị Thắm rất nhiều. Họ đang dần trở lại cuộc sống “bình thường mới” với những mưu sinh thường nhật.
Nhưng điều ai cũng có thể thấy rõ nhất của cuộc sống “bình thường mới” là khi những ngành hàng dịch vụ được mở cửa trở lại (hàng ăn, quán cà phê, cắt tóc, gội đầu...), chỉ sau vài ba ngày đầu dọn dẹp, chuẩn bị và “thăm dò” số lượng khách có thể đến quán, thì không khí nhộn nhịp đã hiển hiện. Tất cả đều muốn có thể khôi phục lại mọi thứ, mong bù lại những thiếu hụt những ngày trước đó.
Trên các tuyến phố, có hàng ăn, quán cà phê tấp nập người ăn uống. Khu vực hồ Gươm, kể cả ngày thường, đều có du khách tản bộ, nhiều người tranh thủ những ngày nắng tới đây ngắm cảnh, chụp ảnh, sau nhiều ngày ở trong nhà và thực hiện “một cung đường hai điểm đến”...
Ai cũng cảm thấy không gian ngoài kia thật sảng khoái, mọi thứ trở lại bình thường theo cách riêng, khác trước, nhưng so với khi giãn cách xã hội thì thoải mái vô cùng. Có một chút thả lỏng, cho mình được làm những điều mình thích. Đó là tâm lý thông thường và hoàn toàn có thể lý giải được.
Nhưng cũng vì thế, mà đã bắt đầu thấy đây đó, trong một bộ phận người dân, thậm chí là trong không ít người đều có một chút tâm lý “xả hơi”, một chút “buông lỏng” trước dịch bệnh. Giờ “giới nghiêm” - 21 giờ - các hàng quán ăn ở Hà Nội phải đóng cửa, nhưng vẫn có quán “nuông chiều” để khách ở lại và đóng kín cửa lại.
Nhưng rõ ràng, trong thời điểm này, tất cả đều hiểu rằng, dịch bệnh chưa thể qua đi, vẫn còn những nguy cơ thường trực nếu chỉ một chút lơ là, chủ quan.
Thực tế, sau những ngày số ca mắc COVID-19 giảm xuống, có thời điểm chỉ ghi nhận 2.949 ca mắc tại 43 địa phương (ngày 12/10), thấp nhất trong khoảng hai tháng rưỡi trước đó; thì vài ngày trở lại đây số ca mắc COVID-19 trên cả nước đang có chiều hướng tăng trở lại, nhất là các tỉnh phía Nam như TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai. Cụ thể: Ngày 5/11 có 7.504 ca mắc COVID-19 tại 60 tỉnh, thành phố, trong đó Đồng Nai nhiều nhất với 953 ca; ngày 6/11, có 7.491 ca tại 55 tỉnh, thành phố (trong đó Đồng Nai 1.085 ca, TP Hồ Chí Minh 986 ca, Bình Dương 921 ca). Ngày 7/11, cả nước ghi nhận 7.646 ca nhiễm mới SARS-CoV-2 tại 56 tỉnh, thành phố; trong đó có 3.332 ca mắc trong cộng đồng.
Tại Hà Nội, từ ngày 4 - 7/11, mỗi ngày tổng số các ca mắc COVID-19 đều trên dưới một trăm ca; trong đó, số ca mắc trong cộng đồng tăng vọt: ngày 4/11 có 64 ca; ngày 5/11 có 61 ca; ngày 6/11 có 54 ca; ngày 7/11 có 45 ca cộng đồng.
Nhìn vào con số ấy, hẳn nhiều người không khỏi lo lắng. Cũng như khi nhìn những hình ảnh trong ngày thứ hai tuyến đường sắt Cát Linh-Hà Đông đi vào hoạt động, người đông nghịt, chen chúc đi thử nghiệm chuyến tàu trên cao, đứng san sát nhau “quên” cả giữ khoảng cách, liệu có thể không nghĩ tới nguy cơ lây lan dịch bệnh?
Có những địa phương đã nâng cấp độ dịch lên mức cao hơn. TP Hồ Chí Minh đã phải kích hoạt 40 trạm y tế lưu động và hình thành đội phản ứng nhanh. Lãnh đạo ngành y tế thành phố cũng yêu cầu các bệnh viện chuẩn bị nhân sự sẵn sàng “chi viện” hỗ trợ chống dịch cho các tỉnh Tây Nam bộ. Tại Hà Nội, ngày 6/11, thành phố đã phải tiếp tục tạm dừng cho học sinh ở một số lớp đầu cấp và cuối cấp của 17 huyện, thị xã ngoại thành trở lại trường từ 8/11, chỉ sau năm ngày từ khi có quyết định này, trừ huyện Ba Vì là địa bàn “vùng xanh”.
Tối ngày 7/11, Văn phòng Chính phủ đã có Công điện số 8149/CĐ-VPCP truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng về việc tiếp tục tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu tăng cường kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, nhất là tại bệnh viện, cơ sở sản xuất, chợ, siêu thị, nhà ga, sân bay, bến xe...; đẩy mạnh tuyên truyền người dân tiếp tục thực hiện 5K, không vì đã tiêm vaccine mà lơ là, chủ quan; xử lý nghiêm vi phạm về phòng, chống dịch.
Hiện nay, Việt Nam đã có trên 89,6 triệu liều vaccine phòng COVID-19 được tiêm, trong đó tiêm mũi 1 trên 60,8 triệu liều; tiêm mũi 2 trên 28,7 triệu liều (tính đến ngày 6/11). Độ phủ của vaccine sẽ rộng hơn khi một số tỉnh, thành phố tiêm vaccine cho khi trẻ từ 12-17 tuổi. Vaccine được cho là “tấm khiên” quyết định trong nỗ lực đẩy lùi dịch bệnh. Tuy nhiên, với những diễn biến phức tạp và cảnh báo về biến thể Delta, người tiêm đầy đủ vaccine vẫn có thể bị nhiễm bệnh.
Vì thế, ngay cả khi đã tiêm phòng đầy đủ, mỗi người vẫn cần tuân thủ thông điệp 5K. Trong mọi trường hợp, phòng dịch vẫn là yếu tố then chốt. Thủ tướng Phạm Minh Chính đã từng nói: “Phòng dịch tốt thì không phải chống dịch; một đồng phòng dịch hiệu quả thì không mất hàng triệu đồng chống dịch và nhất là sự mất mát về tinh thần, sức khoẻ và tính mạng của người dân”.
Hơn lúc nào hết, khi cuộc sống “bình thường mới’, mỗi người cần nâng cao trách nhiệm với bản thân và cộng đồng hơn nữa trong phòng, chống dịch. Bớt một vài thói quen, chậm lại một vài chuyến đi không thật sự cần thiết, để mọi người có được một cuộc sống thực sự “bình thường mới” khi dịch bệnh qua đi.
Địa chỉ: Tòa nhà hợp khối các đơn vị sự nghiệp, đường Lý Nam Đế, P. Đông Hương, TPTH
Người chịu trách nhiệm chính: Bà Nguyễn Thị Thương Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Thanh Hóa
ĐT:
02373.752.456
Hotline: 0918.084.568
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com