Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long trả lời các câu hỏi chất vấn của đại biểu Quốc hội.
Sáng 10/11, tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn trong chương trình Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, đại biểu Quốc hội Tạ Văn Hạ (đoàn Quảng Nam) đã nêu câu hỏi với Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long.
Theo đại biểu Tạ Văn Hạ: Ngoài việc quan tâm đến giá xét nghiệm Covid-19 thì cử tri còn rất quan tâm đến việc quy định về thời gian, yêu cầu xét nghiệm và xét nghiệm lại. Vừa qua, có địa phương quy định việc xét nghiệm lại là 72 giờ, nơi thì quy định 48 giờ, thậm chí có nơi quy định chỉ có 24 giờ.
Đại biểu Tạ Văn Hạ nhấn mạnh: Một người làm nghề lái xe trong một tuần phải xét nghiệm đến 3 lần, ngoài tốn kém về tài chính thì cũng rất tốn kém về mặt thời gian. Xin Bộ trưởng cho biết, tại sao lại có sự “vênh” nhau về quy định thời gian xét nghiệm lại? Bộ có hướng dẫn chung thống nhất nào không? Và chuẩn là bao nhiêu ngày phải xét nghiệm lại?
Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết: “Vấn đề xét nghiệm đối với bệnh truyền nhiễm, đặc biệt là Covid-19 được dư luận rất quan tâm. Chỉ có xét nghiệm thì chúng ta mới phát hiện được là có nhiễm hay không. Riêng đối với Covid-19 thì khoảng gần 80% người nhiễm không có triệu chứng. Do đó, Tổ chức Y tế thế giới luôn khuyến cáo đối với các quốc gia là phải xét nghiệm. Đây là điều mà tất cả các nước cũng đã thực hiện”.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long thông tin thêm, đối với vấn đề thời gian có giá trị trong xét nghiệm Covid-19 thì lại quy định khác nhau giữa các nước nhưng về cơ bản thì các nước đều lấy mốc thời gian là 72 giờ.
“Đối với người nhập cảnh hoặc khi chúng ta đi ra nước ngoài thì người ta đều yêu cầu có kết quả xét nghiệm Covid-19 trong vòng 72 giờ”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nói.
Vấn đề thứ ba là tần suất xét nghiệm, theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long: Trước đây, Bộ Y tế cũng như Bộ Giao thông Vận tải đã có các hướng dẫn đối với người đi từ vùng dịch – tức là vùng đang bị cách ly, phong tỏa ra bên ngoài thì mới cần xét nghiệm. Còn đối với những vùng tương đồng nhau thì không yêu cầu phải xét nghiệm. Ví dụ, với 19 tỉnh, thành phía Nam, nếu người dân đi lại trong phạm vi 19 tỉnh, thành đó thì không phải làm xét nghiệm. Nhưng nếu họ đi từ đó ra các khu vực khác thì phải xét nghiệm.
“Thời điểm đó, một số địa phương, một số nơi lấy mốc thường là 72 giờ có giá trị, nhưng về sau này khi chúng ta thực hiện theo Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định 4800/QĐ-BYT của Bộ Y tế thì trong văn bản cũng đã nói rất rõ, chúng ta không yêu cầu người dân xét nghiệm khi đi lại”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long khẳng định: “Chúng ta chỉ quy định xét nghiệm đối với người dân đi từ vùng dịch trở về; và việc xét nghiệm đó là do cơ quan y tế phải thực hiện, chứ không yêu cầu người dân phải trình xét nghiệm. Chúng ta phải nhận cái khó về chúng ta, chứ không nên gây khó đối với người dân. Vì vậy, Bộ Y tế đã đưa ra Quy định 4800 là không yêu cầu đối với người dân phải tự xét nghiệm”.
Bộ trưởng Bộ Y tế giải thích thêm: Chúng ta chỉ xét nghiệm theo trọng tâm, trọng điểm, tức là theo địa bàn nguy cơ và nhóm quy cơ. Về tần suất xét nghiệm thì chỉ giám sát, xét nghiệm trên một số nhóm nguy cơ. Ví dụ như nhóm tiếp xúc với nhiều người thì làm xét nghiệm. Tần suất xét nghiệm đó phụ thuộc vào việc các địa phương đánh giá nguy cơ, thường là 7 ngày, có nơi là 14 ngày. Quốc tế cũng áp dụng tương tự.
Giải đáp câu hỏi của đại biểu Quốc hội Tạ Văn Hạ, một lần nữa, Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh: “Bây giờ, không còn áp dụng xét nghiệm trong vòng 72 giờ nữa mà chỉ khi chúng ta đi ra nước ngoài, hoặc đang từ vùng dịch trở về địa phương không thuộc vùng dịch thì mới xét nghiệm”.
Theo Nguyễn Hường/Báo NB&CL