Thứ ba, ngày 26/11/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Đời sống xã hội
Triển vọng nào cho vắc xin phòng Covid-19 dạng xịt? (10/11/2021-14:48)
    Cùng với các vắc xin dạng tiêm, các nhà khoa học trên thế giới đã và đang tích cực nghiên cứu vắc xin dạng xịt mũi nhằm cung cấp khả năng miễn dịch trực tiếp đến khu vực dễ bị lây nhiễm dịch bệnh nhất.

 Bà Soumya Swaminathan trong cuộc họp tại trụ sở WHO ở Geneva về Covid-19 hồi tháng 7-2020. Ảnh: Reuters. 

Bà Soumya Swaminathan, chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới (WTO) cho biết hôm 9-11 rằng bà rất mong đợi “thế hệ thứ hai” của vắc xin Covid-19, bao gồm vắc xin dạng xịt và dạng uống, AFP đưa tin.

Trao đổi với báo giới, bà Swaminathan cho biết có 129 loại vắc xin phòng Covid-19 đang được thử nghiệm lâm sàng và 194 loại khác đang được nghiên cứu trong phòng thí nghiệm. Các vắc xin này được phát triển dựa trên mọi công nghệ và đang trong quá trình phát triển.

"Một số loại vắc xin thuộc thế hệ thứ hai có thể mang nhiều lợi thế, nhất là vắc xin dạng uống hay dạng xịt mũi, bởi chúng dễ đưa vào cơ thể hơn vắc xin dạng tiêm. Không chỉ dừng lại ở Covid-19, chúng ta có thể sử dụng các nền tảng phát triển vắc xin này cho những bệnh khác trong tương lai", bà Swaminathan cho hay.

“Không có loại vắc xin nào hiệu quả 100%”, bà Swaminathan nhấn mạnh. “Chưa có ai từng tuyên bố rằng vắc xin sẽ có khả năng bảo vệ 100%. Nhưng 90% đã là mức bảo vệ tuyệt vời so với con số 0".

Trưởng nhóm khoa học của WHO cũng giải thích ưu điểm của vắc xin dạng xịt mũi. "Nếu xuất hiện phản ứng miễn dịch cục bộ, vắc xin sẽ xử lý virus trước khi virus xâm nhập vào phổi và bắt đầu gây ra vấn đề", bà nói.

Góp sức vào chiến dịch tiêm chủng đại trà

Trong bối cảnh số ca nhiễm mới vẫn gia tăng kể cả ở những nước đạt tỷ lệ tiêm chủng cao, các nhà khoa học trên thế giới cho rằng, với tính tiện dụng và phổ cập cao, vắc xin dạng xịt có thể là một trong những biện pháp hữu hiệu nhằm giúp không chế đại dịch.

Theo chuyên gia Nathalie Mielcarek, Viện Pasteur Lille, Pháp, kích thích phản ứng miễn dịch trực tiếp tại mũi sẽ làm giảm nguy cơ lây truyền cho người khác. Ngoài ra, khả năng bị virus lây nhiễm xâm nhập vào phổi cũng ít hơn, do tải lượng virus thấp hơn đồng nghĩa khả năng chuyển biến nặng cũng ít hơn. Bên cạnh đó, vắc xin xịt mũi được cho là dễ dàng sử dụng ngay tại nhà cũng như không gây tâm lý sợ kim tiêm.

Triển vọng nào cho vắc xin phòng Covid-19 dạng xịt?
Một nhà nghiên cứu trong phòng thí nghiệm phát triển vắc xin phòng Covid-19 dạng xịt mũi tại Đại học Tours, Pháp. Ảnh: Reuters.

Vắc xin tiêm ở bắp tay tạo ra các phản ứng miễn dịch cho toàn bộ cơ thể, không nhắm mục tiêu cụ thể vào vùng lây nhiễm của virus. Trong khi đó, vắc xin dạng xịt nhắm mục tiêu cụ thể vào các bề mặt niêm mạc mũi, họng và phổi, điểm xâm nhập của virus, để tạo ra phản ứng miễn dịch.

Mặt khác, vắc xin phòng Covid-19 được tiêm ở bắp tay thường yêu cầu bảo quản lạnh và nhân viên y tế phải được đào tạo để tiêm cho người dân. Đây được xem là một khó khăn đối với các nước có nền công nghiệp kém phát triển và các khu vực vùng sâu, vùng xa.

Trong khi đó, vắc xin dạng xịt có thể được sử dụng thông qua các thiết bị dùng 1 lần mà không cần nhân viên được đào tạo. Điều này giúp chiến dịch tiêm chủng đại trà có thể triển khai dễ dàng hơn.

Các nước đẩy mạnh tìm hướng đi mới cho vắc xin

Hãng Reuters ngày 13-10 đưa tin, vắc xin ngừa Covid-19 dạng xịt sẽ được áp dụng với hai liều tại một phòng khám ở thành phố St Petersburg, theo một tài liệu được công bố trên trang quản lý dược phẩm của Nga. Thời gian dự kiến của các cuộc thử nghiệm chưa được công bố cụ thể.

Trước đó vào tháng 6-2021, giới chức y tế Nga cho biết, họ đã thử nghiệm một loại vắc xin phòng Covid-19 dạng xịt mũi phù hợp cho trẻ em từ 8 đến 12 tuổi và từng có kế hoạch tung ra sản phẩm mới vào tháng 9.

Theo thông tin của WHO, vắc xin dạng xịt của Đại học Hạ Môn, Đại học Hong Kong và Công ty Dược sinh học Wantai Beijing đều của Trung Quốc đã hoàn thành thử nghiệm giai đoạn 2.

Hiện tại, WHO đã cấp phép sử dụng khẩn cấp 7 loại vắc xin phòng Covid-19 là Pfizer/BioNTech, Moderna, AstraZeneca, Johnson & Johnson, Sinopharm, Sinovac và tuần trước là Bharat Biotech (Novavax).

Theo LÊ ANH/Báo Quân đội Nhân dân

https://www.qdnd.vn/y-te/cac-van-de/trien-vong-nao-cho-vac-xin-phong-covid-19-dang-xit-676991

 

Các tin khác:
  • Chủ động phòng, chống rét đậm, rét hại mùa Đông 2021 – 2022 (10/11/2021-8:45)
  • Những nghĩa cử cao đẹp trong mùa dịch (04/11/2021-13:28)
  • Tạo “vùng xanh” an toàn cho trẻ trên không gian mạng (01/11/2021-17:08)
  • Quy định mới về cá nhân vận động từ thiện: Công khai, minh bạch và có thời hạn (29/10/2021-9:01)
  • Gia tăng các thủ đoạn lừa đảo trên mạng sau dịch bệnh (26/10/2021-14:48)
  • Bài toán mới của y tế cơ sở (26/10/2021-9:01)
  • Liên hợp quốc cảnh báo mật độ khí gây hiệu ứng nhà kính tăng lên mức cao mới (26/10/2021-8:51)
  • Bộ Y tế đề nghị rà soát tất cả người đi về từ vùng nhiễm COVID-19 cao (26/10/2021-8:41)
  • Hành khách không phải khai bản cam kết phòng chống dịch khi đi máy bay, tàu hỏa (25/10/2021-16:56)
  • Mở cửa chứ không phải là thả cửa (25/10/2021-10:18)