Thứ sáu, ngày 22/11/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Cần trách nhiệm đến cùng (19/08/2016-12:00)
    (NLBTH) - Công văn số 1524/SGDĐT - KHTC, ngày 4/8/2016 của Sở Giáo đục và Đào tạo Thanh Hóa về việc hướng dẫn thực hiện các khoản thu - chi ngoài ngân sách trong các đơn vị trường học năm học 2016 - 2017 đã thu hút được sự quan tâm của dư luận xã hội trong mấy tuần qua.

Việc ban hành những công văn như thế nhằm mục đích góp phần lành mạnh hóa môi trường giáo dục đang bị tầm thường hóa, núp bóng “tự nguyện” ở nhiều nhà trường gây bức xúc cho phụ huynh học sinh.

Phải lưu ý rằng, gần như đầu năm học nào cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục tại địa phương đều “lên dây cót”, nhưng bởi những lý do khác nhau trong cách triển khai thực hiện, nên tác dụng có thể nói là rất thấp.

Năm nay Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa ít nhiều đã nghi điểm trong mắt phụ huynh bởi khá mạnh tay trong việc cấm học hè tạo điều kiện để học sinh có một kỳ nghỉ hè đúng nghĩa, phụ huynh cũng không phải tất bật đưa đón.

So với mấy năm học trước, công văn số 1254 cũng được ban hành khá sớm, trước ngày khai giảng năm học tới 1 tháng. Các khoản thu theo quy định của Nhà nước, các khoản thu bắt buộc theo luật, các khoản thu của tổ chức đoàn thể liên quan đến học sinh, các khoản thu phục vụ học sinh cũng rất chi tiết, bám sát các văn bản hướng dẫn. Công văn cũng đề cập đến một thứ bất thành văn đang gây bức xúc lâu nay, đó là các khoản tài trợ của tổ chức, cá nhân tự nguyện đóng góp để sửa chữa nhỏ hoặc mua sắm trang thiết bị cho các trường học. Nói chung là sẽ không có chuyện phụ huynh đóng góp tiền để nhà trường… chi thường xuyên, chi “tế nhị” như lâu nay ở nhiều trường học.

Quy định đã đáp ứng được sự mong đợi của phụ huynh học sinh, bởi đây là vấn đề mà họ rất muốn kiến nghị, nhưng bởi những lý do khác nhau nên chưa thể hoặc chưa quyết liệt.

Tuy nhiên, ở chừng mực nào đó văn bản mới chỉ là những thứ quy định trên giấy, điều cốt yếu là hiệu quả thực hiện đến đâu.

Lâu nay ở nhiều cơ sở giáo dục vẫn có tiền lệ chấp hành tốt quy định, nhưng lại vận dụng linh hoạt những thứ ngoài quy định, thậm chí biến tướng quy định, chuyển đổi mục đích, khiến tổng thu từ túi phụ huynh vẫn không thay đổi. Có địa phương lại chấp hành đầu năm học, khi tình hình lắng xuống các khoản thu, các quỹ vận động lại nở rộ…

Vấn đề mà phụ huynh đặt ra và mong đợi, đó là Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa có trách nhiệm đến cùng với quy định mình đã đưa ra, như sự quyết liệt với việc cấm học hè vừa rồi, chứ không phải chỉ ban hành văn bản, còn thực hiện như thế nào là việc của cơ sở, giao khoán cho cơ sở.

Anh Vũ

 

 

Các tin khác:
  • Lối sống, nhân cách và sự xúc phạm ngôn ngữ (12/08/2016-17:15)
  • Sức nặng của hành động đẹp (12/07/2016-7:41)
  • Đồng tiền và vấn đề quốc thể (10/07/2016-7:43)
  • Lo lắng từ những “pháo đài” (24/06/2016-7:30)
  • Không thể chấp nhận sự tùy tiện trên phép nước (23/06/2016-8:28)