Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông Phạm Nam Tiến phát biểu. Ảnh:TTXVN
Báo chí là lực lượng tích cực, góp phần vạch trần tin giả
Theo đại biểu Phạm Nam Tiến, dịch bệnh diễn biến phức tạp, kéo dài, nhiều tờ báo phải cắt giảm, thậm chí tạm ngừng việc sản xuất báo giấy, bởi dịch bệnh, nhưng vượt lên mọi khó khăn, thách thức, các cơ quan báo chí, thông tin truyền thông đã thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm của mình. Phóng viên, nhà báo không quản ngại hiểm nguy, đưa tin kịp thời, nhanh nhạy về tình hình phòng, chống dịch bệnh đến đông đảo công chúng.
Bên cạnh đó, trong cuộc chiến với dịch bệnh COVID-19 chúng ta còn phải đối mặt với một loại dịch bệnh khác với tốc độ lây lan nhanh không kém, đó là tin giả, thông tin sai sự thật. Báo chí là lực lượng tích cực, góp phần vạch trần tin giả, cung cấp thông tin đầy đủ về tình hình dịch bệnh, ổn định đời sống và tâm lý cho người dân. Như vậy, có thể khẳng định báo chí trong thời gian qua đã làm rất tốt nhiệm vụ của mình trong việc phòng, chống dịch bệnh COVID-19.
Đồng tình với Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Xã hội đã chỉ ra vẫn còn một số vấn đề cần quan tâm như một vài địa phương chưa làm tốt công tác thông tin tuyên truyền khi ban hành văn bản hướng dẫn làm cho người dân bị động, bất ngờ, không có thời gian thích ứng, thông tin xấu độc, thiếu chính xác trên các mạng xã hội còn khó kiểm soát. Đại biểu đoàn Đắk Nông cho biết: Qua phản ánh từ cơ quan báo chí truyền thông, tôi nhận thấy dù cơ quan chức năng đã rất nỗ lực trong phòng, chống dịch bệnh nhưng vẫn còn một số vấn đề tồn tại trong việc cung cấp thông tin cho báo chí. Đó là sự chưa thống nhất giữa một số bộ, ngành liên quan đến chính sách, văn bản ban hành biện pháp chống dịch. Việc chậm thay đổi một số văn bản quan trọng hướng dẫn các tiêu chí chống dịch, xác định nguy cơ, quy mô vùng dịch và các biện pháp hành chính tương ứng đã khiến nhiều địa phương gặp khó, không có phương án sau giãn cách.
Bên cạnh đó thiếu vắng một kế hoạch tổng thể và quan điểm ứng xử với dịch bệnh ở tầm cả quốc gia, dẫn đến nhiều địa phương chủ động làm theo những điều kiện của địa phương mình, không đồng bộ và không có sự hợp tác với địa phương khác. Mặt khác, những số liệu chuyên môn từ bộ chuyên ngành được đưa ra truyền thông nhưng lại ít chất liệu, ít phân tích, dẫn đến một số thông tin bị hiểu lầm, gây hoang mang, gây lo lắng. Những yếu tố trên đã làm cho công tác truyền thông trong phòng, chống dịch cũng trở nên bị động, thiếu sự chuẩn bị bài bản, câu chuyện mỗi nơi một App như các đại biểu đã nêu nhiều ở trong thảo luận tổ và buổi sáng nay cũng đã có ý kiến. Đây là một thực tế đang diễn ra ở rất nhiều địa phương vào lúc này - đại biểu Phạm Nam Tiến cho biết.
Cung cấp thông tin để báo chí đưa tin thống nhất
Cũng theo đại biểu Phạm Nam Tiến, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Xã hội nêu 1 trong số 12 kiến nghị, đó là đẩy mạnh hoạt động thông tin truyền thông về công tác phòng, chống dịch bệnh, hạn chế thông tin xấu độc, thường xuyên cập nhật, nâng cấp phần mềm quản lý thông tin về phòng, chống dịch bệnh COVID-19, nhưng mỗi địa phương đến thời điểm này vẫn chưa thể thống nhất bằng một phần mềm với nhau và như vậy thì rất khó để thực hiện kiến nghị này.
Công tác truyền thông rất quan trọng, chúng ta hẳn còn nhớ đợt dịch đầu tiên ý thức tuân thủ, nỗi lo đi kèm sự chủ động phòng, chống dịch của người dân rất cao, trên dưới một lòng, không để dịch bùng phát. Kết quả đó có một phần đóng góp của truyền thông.
''Thời gian tới có thể dịch bệnh sẽ tiếp diễn và thậm chí phức tạp hơn, nếu truyền thông mà không có sự thống nhất giữa bộ, ngành, giữa địa phương thì rất khó để ngăn chặn, khống chế dịch bệnh. Cùng với giải pháp thống nhất trong các chính sách, văn bản, biện pháp chống dịch, tôi kiến nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm quy định về phát ngôn, cung cấp thông tin để báo chí đưa tin thống nhất, chính xác, tránh sai sót đảm bảo cung cấp thông tin theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch bệnh COVID-19'' - đại biểu nêu ý kiến.
Theo Trâm Anh/Báo NB&CL