Hình ảnh trên báo chí, bí mật đời tư, thông tin cá nhân,... thường bị báo chí khai thác thái quá
Đáng báo động vi phạm quyền nhân thân
Đánh giá về tình hình vi phạm quyền nhân thân trong hoạt động báo chí hiện nay, Thiếu tướng Triệu Quốc Kế - nguyên Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) cho biết: "Hiện nay, tình trạng vi phạm quyền nhân thân, nhất là quyền nhân thân đối với hình ảnh trên báo chí, bí mật đời tư, thông tin cá nhân và tên tuổi của nhân vật đăng tải trên báo chí luôn là một vấn đề “nóng” thu hút sự quan tâm của toàn xã hội. Bất kỳ hành vi xâm phạm quyền nhân thân nào cũng phải chịu một trách nhiệm pháp lý.
Việc các cơ quan báo chí và nhà báo hiện nay chưa có thói quen xin phép người liên quan (nhân vật, hoặc người giám hộ) để sử dụng hình ảnh, thông tin cá nhân, đời tư và danh tính của họ đăng tải trên các phương tiện báo chí truyền thông, dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng, thậm chí có thể dẫn tới những suy diễn, tin đồn, xúc phạm uy tín, danh dự và cá nhân đó.
Thực tế cho thấy, quyền nhân thân luôn là vấn đề được bàn luận trên thế giới từ hàng trăm năm trước, nhưng đến nay vẫn không thể tìm ra được những nguyên tắc, quy định thật chuẩn, nhất là trong lĩnh vực báo chí truyền thông. Do đó, khi báo chí đăng tải hình ảnh cá nhân, thông tin đời tư hay danh tính của họ trên truyền thông không đúng hoặc chưa được sự đồng ý của nhân vật xét về phương diện pháp lý là vi phạm, quan trọng hơn là liên quan đến vấn đề đạo đức nghề nghiệp. Nhà báo cần cân nhắc nên hay không nên và đương nhiên bên cạnh việc trau dồi hiểu biết về pháp luật, nhà báo cũng cần rèn luyện đạo đức nghề để tránh xảy ra những tổn hại trong tác nghiệp, vi phạm quyền nhân thân trên báo chí hiện nay".
Các quy định trong Bộ luật Dân sự 2015, Bộ luật Hình sự 2015, Luật Báo chí 2016 và các chế tài xử lý quy định tại Nghị định 174/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện, Nghị định số 119/2020/NĐ-CP quy định hành vi vi phạm hành chính, hình thức, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền lập biên bản và thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản… đã cụ thể hóa việc bảo vệ quyền nhân thân trong Hiến pháp 2013.
Theo PGS,TS Nguyễn Thành Lợi - Ủy viên BCH Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí Người Làm Báo, nguyên nhân chính mà hiện tượng vi phạm quyền nhân thân vẫn gia tăng trong các hoạt động báo chí, đó là: "Thứ nhất, một số người làm báo chưa hiểu rõ pháp luật và các quy định liên quan, đôi khi họ vô tình làm lộ quyền riêng tư, bí mật đời tư của cá nhân, gây nhiều phản ứng tiêu cực trong xã hội. Mặt khác khi tác nghiệp, nhà báo cũng luôn phải đối mặt với nhiều thách thức, thậm chí ảnh hưởng đến cả tính mạng của mình, đó cũng là nguyên nhân gây ra hiện tượng vi phạm quyền thân nhân trong hoạt động báo chí.
Thứ hai, do muốn bài báo được “hot”, thu hút nhiều người đọc hoặc chia sẻ, tương tác, đôi lúc nhà báo vô tình vi phạm quyền thân nhân trong hoạt động báo chí. Ngoài ra, công tác quản trị tòa soạn ở một số cơ quan chưa thực sự chặt chẽ, phóng viên khai thác không chọn lọc hình ảnh, clip đời tư của cá nhân trên mạng xã hội mà chưa qua kiểm chứng, làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của cá nhân bị phản ánh trên báo chí.
Thứ ba, do cạnh tranh về thông tin (cạnh tranh về tốc độ, góc tiếp cận), nhiều thông tin, hình ảnh của nhân thân bị thổi phồng, gán ghép, thậm chí là bịa đặt, tạo “bão” dư luận, gây hiệu ứng xã hội không tốt, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời tư và cuộc sống của nhân vật.
Thứ tư, mặt khác, chúng ta cũng cần phải bảo vệ quyền tác nghiệp của nhà báo. Khi có nhà báo bị xâm hại đời tư, hoặc tính mạng trong khi tác nghiệp, rất cần các chế tài nghiêm để xử lý những kẻ vi phạm pháp luật. Bên cạnh đó, khi báo chí xâm phạm đời tư hay vi phạm quyền nhân thân cần xử lý nghiêm trước pháp luật, tránh viết đăng cả trang A3, nhưng nội dung cải chính chỉ bằng “bao diêm”".
Cần có chế tài nghiêm với vấn đề vi phạm quyền nhân thân trong hoạt động báo chí hiện nay
Cần có chế tài nghiêm
Bà Trần Thị Khánh Hương (Đoàn Luật sư tỉnh Nghệ An) đề xuất, cần chi tiết, cụ thể hơn trong các quy định của pháp luật, đặc biệt là Luật Báo chí. Chúng ta cần có các quy định tường minh hơn, hoặc giả, ngay tại các cơ quan báo chí cũng nên có những quy định (quy ước) về hoạt động tác nghiệp của nhà báo đối với những vấn đề được coi là nhạy cảm như xâm hại đời tư, tiết lộ bí mật thông tin cá nhân. Ngoài ra, các cơ quan quản lý cần có các chế tài xử phạt nghiêm khi các phóng viên, nhà báo vi phạm quyền nhân thân, đặc biệt là liên quan đến đời tư của nhân vật hoặc người thân của nhân vật được phản ánh trong tác phẩm báo chí.
Về quản lý vi mô, các cơ quan báo chí cần trang bị kiến thức cho phóng viên/ nhà báo khi đưa tin về vấn đề này. Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho các phóng viên, nhà báo, hiểu rõ, hiểu sâu trước khi viết bài, tránh trường hợp đăng, phát rồi lại cải chính. Nếu được, các cơ quan báo chí cần xây dựng bộ quy tắc, giải thích rõ những điều được làm hoặc không được làm khi nhà báo đưa tin về cá nhân, hoặc liên quan đến đời tư của nhân vật.
Mặt khác khi viết tin/bài liên quan, tác giả cần đặt mình hoặc gia đình mình cũng tương tự như hoàn cảnh của nhân vật đang được phản ánh trong bài. Cân nhắc lựa chọn rút tít, ngôn ngữ và hình ảnh thể hiện, tránh ảnh hưởng đến những người thân trong gia đình nhân vật được phản ánh./.
Theo Nguyễn Quang Thuận/Người làm báo
http://lambao.com.vn/van-de-vi-pham-quyen-nhan-than-trong-hoat-dong-bao-chi-hien-nay-n52725.html