Những vấn đề doanh nghiệp cần lưu tâm khi chứng minh xuất xứ hàng hóa (17/11/2021-16:25)
Nếu EVFTA được ví như là tuyến đường cao tốc Việt Nam với châu Âu thì những quy tắc về nguồn gốc xuất xứ, tiêu chuẩn hàng hóa được xem như những tấm vé lưu hành và giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) là một trong những vấn đề mà doanh nghiệp cần lưu tâm.
Bốc xếp gạo xuất khẩu của Tổng Công ty Lương thực Miền Nam (Vinafood 2) tại cảng Sài Gòn. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN
Theo Bộ Công Thương, sau một năm kể từ khi thực thi (1/8/2020 - 1/8/2021), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đã mang lại hiệu quả rõ rệt đến nhiều ngành xuất nhập khẩu của cả hai khu vực. Trong 9 tháng năm 2021, tổng kim ngạch 2 chiều giữa Việt Nam và EU đạt 41,29 tỉ USD, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm 2020; trong đó, xuất khẩu đạt 28,85 tỉ USD, tăng 11,7%. Đây là kết quả rất có ý nghĩa trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát gây ảnh hưởng tiêu cực đến các hoạt động kinh tế, thương mại của các nước.
Trong giai đoạn này, Việt Nam xuất siêu sang EU hơn 11 tỷ USD. Rất nhiều mặt hàng có thế mạnh của Việt Nam như dệt may, da giày, nông thủy sản... đã tận dụng ngay được các lợi thế của Hiệp định này. Song, sau một năm nhìn lại cũng cho thấy có rất nhiều thách thức mới, đòi hỏi Việt Nam có sự chuẩn bị kỹ hơn, với những giải pháp cụ thể và mạnh mẽ hơn để có thể khai thác tốt hơn các cơ hội mà Hiệp định EVFTA mang lại.
Một trong những thách thức lớn nhất đối với Việt Nam khi gia nhập Hiệp định EVFTA chính là quy trình sản xuất, nguồn gốc xuất xứ và kiểm định chất lượng trong một loạt các ngành để đáp ứng được những yêu cầu nghiêm ngặt về nhập khẩu vào thị trường EU cũng như các điều kiện để được hưởng ưu đãi loại bỏ thuế quan của EVFTA.
Chia sẻ tại buổi Tập huấn truyền thông về “Tận dụng cơ hội từ Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) để thúc đẩy xuất khẩu trong bối cảnh hậu COVID-19” do Cục Xuất nhập khẩu, Cục Phòng vệ Thương mại phối hợp với Văn phòng Bộ Công Thương tổ chức sáng 16/11, bà Trịnh Thị Thu Hiền, Trưởng phòng Xuất xứ hàng hóa, Cục xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, xung quanh câu chuyện xuất xứ hàng hóa của Việt Nam khi xuất khẩu có không ít câu chuyện “dở khóc dở cười”.
Bà Hiền nêu dẫn chứng về lô hàng dệt may của cùng một nhà máy sản xuất, cùng mặt hàng, cùng nguyên liệu đầu vào và sản phẩm đầu ra, nhưng đi thị trường khác nhau là Singapore, EU và Canada. Với thị trường Singapore, số hàng hóa này đáp ứng xuất xứ Việt Nam bởi Singapore là một thành viên của ASEAN và trong khuôn khổ ASEAN thì quy tắc xuất xứ với dệt may chỉ cần cắt may thành quần áo thì sản phẩm quần áo cuối cùng đã được coi là có xuất xứ Việt Nam và được hưởng ưu đãi.
Nhưng với số hàng hóa này sang EU lại yêu cầu xuất xứ từ vải trở đi, có nghĩa là quy tắc 2 công đoạn, công đoạn dệt vải và cắt may quần áo phải được thực hiện tại các nước thành viên của Hiệp định EVFTA để hưởng ưu đãi thuế quan trong khuôn khổ EVFTA.
Còn khi xuất sang Canada thì quy tắc xuất xứ lại theo khuôn khổ hiệp định CPTPP là từ sợi, có nghĩa là công đoạn se sợi, dệt thành vải và cắt may thành quần áo đều phải thực hiện tại các nước thành viên CPTPP thì mới được hưởng ưu đãi.
“Cho nên sẽ có câu chuyện đặt ra là cùng một nhà máy xuất khẩu đi, khi đề nghị cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa xuất khẩu (C/O) trong ASEAN thì các tổ chức của Bộ Công Thương vẫn cấp bình thường, nhưng khi cấp C/O đi EU thì không đáp ứng và lô hàng đó không đạt tiêu chí coi là xuất xứ Việt Nam. Nên xuất xứ Việt Nam còn phụ thuộc vào cam kết như thế nào, đi thị trường nào và mặt hàng nào” bà Hiền cho biết.
Đại diện Cục Xuất nhập khẩu cho biết, trong quá trình xác định xuất xứ hàng hóa Việt Nam cũng gặp nhiều vấn đề rất đáng lưu tâm. Bà Hiền dẫn chứng về sản phẩm gỗ của một công ty nổi tiếng của Việt Nam xuất khẩu đi Nhật. Lô hàng này là những lọ đựng gia vị bằng gỗ nhưng có một số bộ phận bằng nhựa hoặc sứ. Tại cảng Tokyo, trên C/O là sản phẩm đồ gỗ, nhưng cơ quan Hải quan Tokyo nói rằng đây là sản phẩm nhựa dù tất cả các bộ phận khác bằng gỗ, chỉ lòng trong hộp được làm bằng nhựa và họ yêu cầu cơ quan cấp C/O xác định xem nếu sản phẩm bằng nhựa có đáp ứng hay không. Nhưng cũng vẫn lô hàng đó đến cảng Osaka của Nhật thì cùng lại được xác nhận là sản phẩm bằng sứ vì có vỏ ngoài là sứ, còn lại chi tiết khác thì bằng gỗ. Sau đó, Cục Xuất nhập khẩu đã phải liên hệ với bên Hải quan là đầu mối của Nhật Bản để thống nhất một quy định, tránh gây phức tạp, doan nghiệp phải làm đi làm lại hồ sơ.
“Doanh nghiệp của chúng ta rất khổ khi cùng 1 lô hàng đi các cảng khác nhau của cùng một nước lại đang bị đối xử với những cách xác định khác nhau, và sau đó doanh nghiệp lại phải làm một bộ hồ sơ khác chứng minh xuất xứ sản phẩm để được hưởng ưu đãi thuế quan. Chính vì vậy, doanh nghiệp hãy hỏi trước bên Hải quan nước nhập khẩu xem hải quan chấp nhận sản phẩm đó là gì thì mới làm hồ sơ bên này cho tương ứng”, bà Hiền cho hay.
Một câu chuyện khác “tưởng đùa” mà như thật là câu chuyện chữ viết trên C/O. Theo quy định, C/O phải được viết bằng tiếng Anh, nhưng trường hợp tại Hải Phòng, khi xuất khẩu đá vôi đi Malaysia thì viết là “da voi”, khi xuất khẩu vôi sống thì để là “voi song”, rất may cả voi sống và vôi sống đều thuộc hàng hóa có xuất xứ thuần túy chung tiêu chí xuất xứ và khối lượng nên đạt tiêu chuẩn xuất đi.
Tuy nhiên, cơ quan Hải quan Malaysia liên hệ với Bộ Công Thương là tìm đỏ mắt trong danh sách hàng hóa không tìm ra mặt hàng nào là “voi song”, sau đó Bộ đã đề nghị doanh nghiệp cần sửa lại C/O vì thời gian kiểm tra sau thông quan có thể là 2 năm 3 năm thậm chí là 5 năm, mà có những nơi 10 năm.
“Có thể tại thời điểm nhập khẩu họ không làm khó, nhưng sau đó 2 năm họ lôi lại C/O và đề nghị xác minh mà chúng ta không chứng minh được thì lúc đó vô hình chung rõ ràng hàng hóa đáp ứng xuất xứ nhưng do lỗi đánh máy mà C/O bị bắt lỗi và không được hưởng ưu đãi thuế quan”, đại diện Cục Xuất nhập khẩu cho hay.
Hay mới đây, Hải quan Trung Quốc đề nghị xác minh 40 lô hàng gạo của Việt Nam xuất khẩu, họ không nghi ngờ đó không phải là gạo của Việt Nam nhưng lại thắc mắc tại sao trên C/O nào của Việt Nam do tổ chức nào cấp cũng có người tên là “Pho truong phong” và “Truong phong” vì các C/O đang để tiếng Việt không dấu chức danh của người ký. Do đó, đối tác hiểu rằng trên C/O đó có 2 người ký nên mới quay lại xác minh.
“Doanh nghiệp của Việt Nam không chỉ bị bắt những lỗi liên quan bản chất xuất xứ hàng hóa mà đôi khi chỉ là lỗi về thủ tục. Do đó, trong quá trình thực hiện quy trình thủ tục xuất khẩu, doanh nghiệp cần hết sức lưu ý đến tất cả các khâu, dù là chi tiết nhỏ nhất”, bà Hiền lưu ý.
Địa chỉ: Tòa nhà hợp khối các đơn vị sự nghiệp, đường Lý Nam Đế, P. Đông Hương, TPTH
Người chịu trách nhiệm chính: Bà Nguyễn Thị Thương Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Thanh Hóa
ĐT:
02373.752.456
Hotline: 0918.084.568
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com