Thứ sáu, ngày 01/11/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Nghề báo
Nhà báo Nguyễn Văn Quang - Người truyền đi thông điệp về gìn giữ văn hóa, lịch sử qua tác phẩm phát thanh (18/11/2021-19:32)
    Gọi nhà báo Nguyễn Văn Quang là người có duyên với Giải thưởng Báo chí toàn quốc Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam quả không ngoa, bởi 4 lần anh gửi dự thi, 4 lần đều đoạt giải. Tác phẩm "Lịch sử và câu chuyện của ngày hôm nay” đoạt giải Nhất vừa qua để lại nhiều ấn tượng.

 Nhà báo Nguyễn Văn Quang - Đài Phát thanh – Truyền hình Lâm Đồng, nhận Giải Nhất loại hình Phát thanh với Phóng sự: “Lịch sử và câu chuyện của ngày hôm nay”. Ảnh: Sơn Hải

Nhà báo Nguyễn Văn Quang hiện công tác tại phòng Chuyên mục – Văn nghệ và Giải trí, Đài Phát thanh – Truyền hình Lâm Đồng. Tác phẩm phát thanh “Lịch sử và câu chuyện của ngày hôm nay” vừa dành giải Nhất (Giải thưởng Báo chí toàn quốc Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam) là câu chuyện kể về một làng nghề của đồng bào dân tộc Chu Ru, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng. Nhưng Làng nghề truyền thống ấy trong một thời gian dài không được nhắc tới khi nghề làm gốm truyền thống không còn là nguồn thu nhập của người dân.

May mắn trong năm học vừa qua, làng nghề được nhắc đến trong Đề tài: “Thực trạng nghề gốm của người Chu Ru ở thôn Krăng Gọ và định hướng bảo tồn, phát huy trong thời gian tới” do một nhóm học sinh lớp 12 của Trường THPT Pró (huyện Đơn Dương) thực hiện. Đề tài này đã đoạt giải Nhất tại Cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học tỉnh Lâm Đồng lần thứ 12.

Không chỉ dừng lại ở kết quả của cuộc thi mà sau đó đề tài được lựa chọn và trở thành một phần trong những tiết học môn Lịch sử của Trường THPT Pró, huyện Đơn Dương. Đáng ghi nhận hơn, làng nghề đã được một số gia đình khôi phục, có thu nhập khá ổn định và được nhiều người nhớ đến. Và tác phẩm phát thanh “Lịch sử và câu chuyện của ngày hôm nay” đã lưu lại toàn bộ quá trình khôi phục làng nghề truyền thống ấy.

Chia sẻ về nội dung tác phẩm này, nhà báo Nguyễn Văn Quang cho biết: Nhiều người vẫn nghĩ lịch sử là câu chuyện của quá khứ, của ngày hôm qua, của những chiến công hào hùng và cả những đau thương mất mát trong tiếng bom rơi, đạn nổ...Thế nhưng lịch sử còn là câu chuyện của ngày hôm nay, ngày ngày vẫn được viết lên từ những bàn tay thô ráp của những nghệ nhân già và từ tấm lòng, từ trái tim của những đứa con, đứa cháu ở thôn Krăng Gọ, xã Pró, huyện Đơn Dương bây giờ.

Xuyên suốt tác phẩm phát thanh, nhà báo Nguyễn Văn Quang đã cho thính giả cảm nhận được những giá trị lịch sử của một làng nghề truyền thống, được sống lại thời gian làng nghề phát triển nhất. Đồng thời còn cho thính giả biết thêm được rằng, giá trị truyền thống đó đang được giới trẻ, thế hệ học sinh ngày hôm nay cố gắng bảo tồn và gìn giữ nó theo cách riêng của mình.

Do vậy, thế hệ hôm nay hãy nhìn nhận lại cách dạy và học, hãy thương quý những giá trị văn hóa truyền thống, hãy trao truyền những tinh hoa của bao tộc người và phải xem văn hóa là cốt lõi của sự phát triển.

Qua tác phẩm “Lịch sử và câu chuyện của ngày hôm nay”, nhà báo Nguyễn Văn Quang muốn truyền đi thông điệp tình yêu quê hương, đất nước, lòng tự hào, ý thức trân trọng, giữ gìn truyền thống, bản sắc văn hóa quê hương sẽ thấm dần trong tâm thức, nuôi dưỡng tâm hồn của học trò. Và cũng chính các em chứ không ai khác sẽ là người có trách nhiệm ghi chép đầy đủ nhất, chân thật nhất những khoảnh khắc đáng nhớ về lịch sử, văn hóa của ngày hôm nay để kể cho ngày mai.

 

nha bao nguyen van quang  nguoi truyen di thong diep ve gin giu van hoa lich su qua tac pham phat thanh hinh 2

Học sinh Trường THPT Pró hào hứng với những sản phẩm gốm tự mình làm được. Ảnh: Việt Quỳnh

 

Sau khi được phát sóng trên đài và nền tảng website, tác phẩm đã được nhiều giáo viên học sinh các trường ở huyện Đơn Dương chia sẻ, gửi cho nhau, đăng trên mạng xã hội. Tác động là ngay lập tức, mọi người tìm đến làng nghề gồm truyền thống người Chu Ru. Lúc này những người dân ở làng nghề cảm thấy nghề của ông cha mình đã không bị lãng quên, liên tục được các em học sinh, sinh viên đến tìm hiểu. Đó là sự thay đổi tích cực từ nhận thức tới hành động của thế hệ trẻ.

Gần 30 năm làm nghề báo và hơn 10 năm phụ trách mảng Giáo dục – Đào tạo, nhà báo Nguyễn Văn Quang đã nhiều lần được giải tại Giải thưởng Báo chí toàn quốc Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam. Đối với anh đây không phải là mục tiêu nhưng là sự ghi nhận quý báu của ngành, của xã hội. Giải thưởng là động lực, là niềm vui và thêm một lần nhắc nhớ trách nhiệm của một người làm báo đối với sự phát triển của giáo dục nói riêng, sự phát triển của đất nước nói chung.

Đến với cuộc thi từ cách đây 4 năm khi biết thông tin qua các phương tiện truyền thông. Từ đó, anh đều đặn tham gia và rất vui khi 4 lần tham gia thì 4 lần được trao giải. Lần lượt là: Giải Khuyến khích với tác phẩm: Câu chuyện tấm lòng (2018); Giải Ba với tác phẩm: Phạm Nhữ Kiều Duyên và những chuyến đi (2019); Giải Nhì với tác phẩm: Người nhìn bằng tim (2020) và trong cuộc thi năm 2021 với tác phẩm: “Lịch sử và câu chuyện của ngày hôm nay” được giải Nhất.

Tâm sự về nghề, nhà báo Nguyễn Văn Quang cho biết: Mỗi nhà báo trong quá trình làm nghề, không ai giỏi luôn được mà phải cố gắng, đó là cả quá trình phấn đấu và rèn luyện. Cả đời tôi gắn bó với phát thanh, yêu loại hình báo chí này và tôi nghĩ yêu nó, nó sẽ yêu lại mình.

Theo Vũ Phong/Báo NB&CL

https://congluan.vn/nha-bao-nguyen-van-quang--nguoi-truyen-di-thong-diep-ve-gin-giu-van-hoa-lich-su-qua-tac-pham-phat-thanh-post167106.html

 

 

 

Các tin khác:
  • Nhà báo Bùi Anh Tấn làm Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ TP.Hồ Chí Minh (18/11/2021-19:26)
  • Xử phạt 7,5 triệu đồng đối với thanh niên có hành vi tấn công vào Báo điện tử VOV (18/11/2021-11:35)
  • Nhiều chuyên mục về phòng, chống dịch COVID-19 có lượng khán giả tiếp cận cao (17/11/2021-16:17)
  • Nhà báo Thái Bá Dũng: Khơi dậy và lan tỏa những mô hình tốt, cách làm hay trong ngành giáo dục (16/11/2021-15:34)
  • Vấn đề vi phạm quyền nhân thân trong hoạt động báo chí hiện nay (12/11/2021-16:06)
  • Nhìn từ Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XV - năm 2020: Chất lượng hoạt động nghiệp vụ ở Hội địa phương đã được nâng cao! (11/11/2021-15:15)
  • Cần quy định sử dụng hình ảnh cá nhân, tổ chức trên mạng xã hội (11/11/2021-11:38)
  • Nhà báo Nguyễn Thị Bích Yến: Người định vị giá trị Việt tại Áo (10/11/2021-14:57)
  • Nhà báo cần có phương pháp, kỹ năng, công cụ để kiểm tra, xác minh thông tin trước khi cung cấp cho công chúng (10/11/2021-1:47)
  • Trao giải cuộc thi “Khi nhựa lên tiếng”: Nâng cao nhận thức về giảm thiểu rác thải nhựa (08/11/2021-9:34)