“Dọn rác” livestream bẩn để bảo vệ vùng xanh trên không gian mạng (19/11/2021-16:58)
Bán hàng, cãi cọ, thanh minh, bôi nhọ và xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác…, hàng loạt livestream bát nháo, phản cảm trong thời gian qua xuất hiện trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, YouTube, TikTok... đã mang đến không ít hệ lụy, phiền muộn cho người sử dụng.
Pháp luật không cấm cá nhân dùng mạng xã hội để livestream nhưng cơ quan chức năng đã nhanh chóng đưa ra các quy định để ngăn chặn tình trạng livestream để bôi nhọ danh dự, xúc phạm nhân phẩm người khác, đặc biệt ngăn chặn việc dùng livestream để bôi nhọ, phủ nhận những thành quả của xã hội. Chỉ thị 22/CT-BTTTT mới ban hành tăng cường công tác phòng ngừa chống vi phạm pháp luật và tội phạm trên internet cũng nhằm "dọn rác" trên không gian mạng, trong đó có "rác livestream bẩn".
Vụ CEO Nguyễn Phương Hằng tổ chức livestream nhục mạ báo chí: Bộ Thông tin và truyền thông vào cuộc
Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) đề nghị ngành chức năng tỉnh Bình Dương xác minh, xử lý phát ngôn xúc phạm báo chí xảy ra tại buổi livestream tại Khu Du lịch Đại Nam. Ngày 16/11, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) có văn bản gửi đến Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bình Dương đề nghị xác minh, xử lý phát ngôn vi phạm trên mạng xã hội.
Công văn nêu, qua công tác nắm bắt tình hình dư luận trên mạng và tiếp nhận thông tin phản ánh từ báo chí, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử được biết, ngày 14/11, bà Nguyễn Phương Hằng – Tổng Giám đốc Khu Du lịch Đại Nam tổ chức buổi gặp gỡ, giao lưu với khán giả.
Buổi giao lưu này được phát trực tiếp (livestream) trên mạng thông qua nhiều kênh facebook, youtube… Đáng chú ý, trong các phát ngôn của khách mời tham dự có nội dung cho rằng “báo chí của cộng sản chung với phản động để đánh một Nguyễn Phương Hằng”.
Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử nhận thấy nội dung phát ngôn như trên có dấu hiệu vi phạm pháp luật, thông tin sai sự thật, xúc phạm danh dự, uy tín của nền báo chí cách mạng Việt Nam. Vì vậy, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử đề nghị Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bình Dương kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm (nếu có) liên quan vụ việc trên và báo cáo về Cục trước ngày 30/11.
Trước đó, như nhiều báo đã đưa tin, mặc dù dịch bệnh ở Bình Dương diễn biến còn phức tạp, gần nghìn người vẫn tụ tập trong buổi livestream của bà Nguyễn Phương Hằng tại Khu Du lịch Đại Nam vào chiều 14/11. Tại đây, một khách mời của buổi giao lưu đã có phát ngôn gây bức xúc dư luận.
Buổi livestream được tổ chức tại Khu Du lịch Đại Nam, ngoài vợ chồng bà Nguyễn Phương Hằng còn có khách mời là luật sư, youtuber và hàng nghìn người tham gia. Tại sự kiện này, vị khách mời youtuber “Long Ngô” có phát ngôn thiếu chuẩn mực, trong đó có nội dung "báo chí của cộng sản chung với phản động để đánh một Nguyễn Phương Hằng" gây bức xúc dư luận.
Bảo vệ vùng xanh trên không gian mạng
Theo thống kê, năm 2020, 64% dân số nước ta sử dụng điện thoại thông minh được kết nối internet. Trung bình, người dùng dành 25% thời gian sử dụng smartphone để lướt Facebook và 12% thời gian để xem YouTube.
Trong quá trình ấy, việc tiếp xúc với những chuyện thị phi câu lượt xem, lượt thích, clip độc hại, phản cảm, tin giả, thậm chí thông tin sai lệch, kích động là không ít. Thế nên, nhà có rác, việc quét rác là bình thường.
Thực tế là thời gian qua, các cơ quan chức năng đã có nhiều nỗ lực, tăng cường phối hợp để quản lý không gian mạng bằng nhiều giải pháp. Luật, các nghị định liên tục được sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh so với thực tế. Các biện pháp công nghệ cũng có, giáo dục cũng nhiều, nhưng xem ra chưa bắt kịp được tốc độ lây lan của virus xấu độc.
Hiện Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đang phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành, địa phương để mạnh tay xử lý rác mạng. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đang vào cuộc chấn chỉnh hành vi lệch chuẩn trong giới nghệ sỹ, những người có ảnh hưởng xã hội. Cần nhiều giải pháp đồng bộ, và sự chung tay của chính người dùng mạng.
100% tài khoản giả mạo, thông tin xuyên tạc được Facebook và Google gỡ bị khi Bộ TT&TT yêu cầu, 1.800 đối tượng bị triệu tập, khởi tố hình sự 21 người, xử phạt vi phạm hành chính 466 người với số tiền phạt hơn 5 tỷ đồng.
Có lẽ, trong thời đại số, khi người dùng mạng bị bủa vây bởi quá nhiều thông tin thiếu kiểm chứng, sai lệch, xấu độc. Khi ấy càng cần sự vào cuộc của báo chí. Bởi trong ma trận thông tin trên mạng, thật giả lẫn lộn, tốt xấu đan xen thì nhu cầu tìm kiếm thông tin chính xác, chân thực lại ngày một cao hơn.
Chính vì thế, đây là lúc báo chí chính thống cần phát huy vai trò dẫn dắt của mình bằng nguồn thông tin chính xác, tinh thần lấy cái đẹp, dẹp cái xấu, lấy cái tích cực đẩy lùi tiêu cực, từ đó dần hạn chế những ảnh hưởng xấu đến từ rác mạng. Sự xả thân của các nhà báo để có được những tác phẩm nhân văn, chắc chắn sẽ lấy lại được vị trí vốn có của báo chí, ngay trong kỷ nguyên của Internet.
Điều đáng nói, khi báo chí lên tiếng phê phán về những livestream lệch chuẩn thì nhiều đối tượng đã quay lại tấn công cơ quan báo chí. Điển hình là Báo Điện tử VOV (thuộc Đài TNVN) đã bị một số đối tượng đã có hành vi kích động, tạo các tài khoản ảo để tấn công nhiều nền tảng của Báo Điện tử VOV (VOV.VN).
Trong đó đỉnh điểm là việc tấn công DDOS (từ chối dịch vụ) nhắm vào Báo điện tử VOV trong ngày 13/6; tấn công Fanpage của báo; gửi thư, gọi điện xúc phạm đến các nhân vật đã trả lời phỏng vấn… sau khi đăng hai bài viết về hiện tượng lợi dụng mạng xã hội để phát ngôn lệch chuẩn, công kích và xúc phạm đến cá nhân, tổ chức, gây ảnh hưởng đến trật tự xã hội.
Hành động này là sai trái và vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Theo khoản 2, Điều 8 Luật An ninh mạng thì hành vi sau đây bị cấm: "Thực hiện tấn công mạng, khủng bố mạng, gián điệp mạng, tội phạm mạng; gây sự cố, tấn công, xâm nhập, chiếm quyền điều khiển, làm sai lệch, gián đoạn, ngưng trệ, tê liệt hoặc phá hoại hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia".
Mới đây, Bộ TTTT cũng đã ra chỉ thị 22/CT-BTTTT do Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng ký về tăng cường công tác phòng ngừa chống vi phạm pháp luật và tội phạm trên internet. Chỉ thị đã nêu thực trạng: “Thời gian qua, tình hình vi phạm pháp luật, tội phạm trên mạng Internet diễn ra phức tạp, gây bức xúc trong dư luận xã hội, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống nhân dân.
Tình trạng mua bán thông tin của cá nhân, tổ chức; phát tán, chia sẻ tin giả, thông tin sai sự thật gây hoang mang trong xã hội; xúc phạm danh dự, nhân phẩm của cá nhân, uy tín của tổ chức; đăng tải thông tin chống phá Đảng, Nhà nước, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc diễn ra phức tạp”.
Để ngăn chặn tình trạng này, Bộ TTTT đã ra nhiều chỉ đạo, trong đó yêu cầu Cục An ninh mạng: “Áp dụng công nghệ mới, tổ chức tiếp nhận, thu thập, tổng hợp, phân tích, xử lý các phản ánh về thông tin sai phạm trên mạng Internet; giám sát, cảnh báo, điều phối, ứng cứu, khắc phục sự cố, phòng chống tấn công mạng, đảm bảo an toàn thông tin mạng quốc gia. Triển khai hệ thống cảnh báo, đánh giá tín nhiệm mạng, cổng kiểm soát quốc gia chặn lọc các truy cập thông tin sai phạm từ người dùng, hỗ trợ người dân báo cáo, phản ánh các trang web, mạng xã hội vi phạm pháp luật, lừa đảo trên mạng”.
Việc livestream trên mạng xã hội là quyền của mỗi người, nhưng nội dung phải tuân thủ các quy định, không vi phạm pháp luật. Các nội dung, xấu độc, bôi nhọ xúc phạm danh dự người khác trên không gian mạng không chỉ bị phạt hành chính mà mức độ cao hơn, có thể truy tố hình sự.
Người dùng mạng xã hội văn minh là cùng nhau dọn rác “livestream bẩn”, dùng công nghệ và mạng xã hội để lan tỏa những điều hay, ý đẹp những hành động nhân văn. Có như vậy chúng ta mới có được môi trường, không gian mạng xã hội lành mạnh, văn minh, đúng pháp luật.
Việc “dọn rác” không chỉ là trách nhiệm của cơ quan chức năng mà còn là trách nhiệm của mỗi cá nhân khi tham gia mạng xã hội. Rất cần họ chủ động phát hiện nấm độc, chung tay loại bỏ và ươm mầm xanh để chúng ta được hít thở bầu không khí trong lành, tươi mát mỗi khi chạm tay vào màn hình điện thoại hay máy tính.
Mạng xã hội, xét cho cùng, cũng chỉ là một nền tảng công nghệ, ra đời từ trí tuệ con người và phục vụ con người. Do đó, không thể đổi lỗi hay kết tội mạng công nghệ vì những ảnh hưởng tiêu cực mà nó mang lại. Có trách là trách một số ít người sử dụng mạng xã hội, vì những lượt like, share mà tạo ra những sản phẩm dễ dãi, thiếu văn hóa, thậm chí là lệch lạc, dung tục, kích động hành vi xấu.
Tuy nhiên, vẫn còn vô vàn điều tốt đẹp, đang được chia sẻ, lan tỏa, truyền cảm hứng, năng lượng tích cực trên mạng xã hội mỗi ngày. Bình an, niềm vui, hạnh phúc được nhân lên với những thông điệp sống đẹp, nỗi đau sẽ phần nào vơi đi khi được chia sẻ, và yêu thương lan tỏa yêu thương. Càng nhiều người chia sẻ những hạt giống thiện lành, mạng xã hội sẽ trở thành một nơi để giao lưu, thư giãn, nghỉ ngơi, để chia sẻ yêu thương thay vì trở thành một đấu trường để tâm trí phải vật lộn trong nghi ngờ, giả dối, thậm chí triệt hạ lẫn nhau.
Rác không thể biến mất ngày một ngày hai, nhưng chắc chắn, nó sẽ giảm đáng kể nếu chúng ta chung dọn dẹp, và vun xới cho những điều tốt đẹp mỗi ngày.
Địa chỉ: Tòa nhà hợp khối các đơn vị sự nghiệp, đường Lý Nam Đế, P. Đông Hương, TPTH
Người chịu trách nhiệm chính: Bà Nguyễn Thị Thương Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Thanh Hóa
ĐT:
02373.752.456
Hotline: 0918.084.568
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com