Chủ tịch Hồ Chí Minh bắt nhịp Bài ca Kết đoàn. Ảnh: Tư liệu TTXVN.
75 năm sau, ngày 24/11/2021, Hội nghị văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết đại hội đại biểu lần thứ XIII của Đảng đã diễn ra. Mệnh lệnh “văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi” của Hồ Chủ tịch tiếp tục được đặt ra như một yêu cầu cấp bách trong giai đoạn hiện nay.
Câu hỏi được nhiều người quan tâm đó là tại sao ngay từ những ngày đầu thành lập nước, đứng trước bộn bề khó khăn, phải đối phó với thù trong giặc ngoài, trình độ dân trí thấp, nền kinh tế suy kiệt, người dân đói ăn, thiếu mặc, Hồ Chủ tịch đã xác định công cuộc kiến thiết nước nhà có bốn vấn đề phải chú ý đến và cũng phải coi trọng ngang nhau: kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa; đồng thời Người giao nhiệm vụ riêng cho văn hóa đó là “phải soi đường cho quốc dân đi”.
Trong bài phát biểu của mình, Người phân tích rõ: Văn hóa phải hướng dẫn quốc dân thực hiện Độc lập, Tự cường và Tự chủ. Đây chính là kim chỉ nam xuyên suốt mọi hoạt động của ngành văn hóa và thông tin. Theo đó văn hóa phải lấy hạnh phúc của đồng bào, sự nghiệp đấu tranh của dân tộc làm nội dung phản ánh, đồng thời phải tiếp thu những kinh nghiệm của văn hóa xưa và nay để xây dựng nền văn hóa mới Việt Nam với ba tính chất: dân tộc, khoa học, đại chúng. Đặc biệt Người hết sức chú trọng đến vị trí, ảnh hưởng của văn hóa nghệ thuật trong việc giáo dục thế hệ trẻ.
Trách nhiệm “soi đường” của văn hóa trong quan điểm của Hồ Chí Minh thể hiện thông qua việc “đem văn hóa lãnh đạo quốc dân để thực hiện độc lập, tự cường, tự chủ”, và được cụ thể hóa trên các yếu tố: “1. Xây dựng tâm lý: Tinh thần độc lập, tự cường. 2. Xây dựng luân lý: Biết hy sinh mình, làm lợi cho quần chúng. 3. Xây dựng xã hội: Mọi sự nghiệp có liên quan đến phúc lợi nhân dân trong xã hội. 4. Xây dựng chính trị: Dân quyền. 5. Xây dựng kinh tế”.
Đặc biệt, Người coi trọng vai trò dẫn dắt, định hướng xã hội của văn hóa hướng đến những mục tiêu có tính nhân văn và vai trò điều tiết xã hội thông qua hệ thống các giá trị, chuẩn mực văn hóa, dư luận xã hội. Khi đó, văn hóa không còn là một khái niệm có tính đơn lẻ mà đã thực sự trở thành một bộ phận có sự gắn kết mật thiết với các lĩnh vực của đời sống, và ở đó văn hóa đứng ở vị trí trung tâm, làm nhiệm vụ điều tiết. Văn hóa do đó vừa là tiền đề, điều kiện, vừa là mục đích, động lực phát triển con người và xã hội.
Làm được điều này là bởi văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là sức mạnh nội sinh của mỗi quốc gia, dân tộc, góp phần tạo nên “căn cước”, giá trị riêng biệt của quốc gia, dân tộc ấy trên bản đồ thế giới. Nhờ bản sắc văn hóa dân tộc, chúng ta không bị đồng hóa sau hàng nghìn năm bị giặc ngoại bang xâm chiếm, đô hộ, và tự tin khẳng định vị thế trên trường quốc tế. Văn hóa góp phần hình thành nên con người Việt Nam, thiết lập nên các giá trị của dân tộc. Chỉ khi văn hóa xác định được đúng tầm vóc, thực hiện đúng vai trò của mình mới góp phần đưa đất nước phát triển.
Tiếp nối tư tưởng này, tại Nghị quyết 05 của Bộ Chính trị khoá VI ngày 28/11/1987 khẳng định văn hóa “là một động lực mạnh mẽ đồng thời là mục tiêu lớn trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội”; đến Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII ngày 16/7/1998 được làm rõ hơn: “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội”.
Năm 2014, tại Nghị quyết số 33-NQ/TW về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” nêu rõ yêu cầu “phát triển văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách con người và xây dựng con người để phát triển văn hóa”. Và mới đây, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng tiếp tục nhấn mạnh: “phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiến tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa, con người Việt Nam thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc”.
Như vậy có thể thấy, 75 năm qua, đường lối về phát triển văn hóa của Đảng ta không ngừng được khẳng định và phát triển. Song cũng phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, từ những chủ trương, chính sách đến việc thực hiện trên thực tế không khỏi có những lúc, những nơi còn bộc lộ những bất cập, yếu kém, chưa đáp ứng được sự kỳ vọng và yêu cầu phát triển của xã hội. Xu hướng sống thực dụng, lai căng đang nhen nhóm xuất hiện. Đội ngũ làm văn hóa vẫn còn thiếu sự đào tạo chuyên sâu, đồng bộ. Một số chương trình văn hóa vẫn còn tính chất “ăn xổi”, chưa tạo ra những giá trị có tính bền vững, thiếu đồng bộ. Cá biệt có những chương trình nghệ thuật chứa nội dung phản văn hóa, dung tục…
Trong giai đoạn hiện nay, đứng trước sự giao thoa mạnh mẽ, chúng ta có nhiều cơ hội tiếp thu, học hỏi tinh hoa của các nền văn hóa lớn trên thế giới, đồng thời việc giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc càng trở nên hết sức quan trọng. Bởi lẽ đánh giá sự phát triển của mỗi quốc gia, dân tộc không chỉ căn cứ vào tốc độ tăng trưởng kinh tế, sự giầu có về thu nhập của người dân, hay các chỉ số giáo dục, y tế,… mà còn cần một chỉ số hết sức quan trọng, đó chính là chỉ số về văn hóa. Để khi bước vào cánh cửa hội nhập quốc tế, “căn cước” ấy được nhận diện, khẳng định thông qua các giá trị văn hóa không ngừng được bồi đắp, giàu có, phong phú thêm lên, đồng thời vẫn giữ vững bản sắc riêng có, không bị hòa tan vào biển văn hóa rộng lớn của nhân loại.
Nếu không kịp thời nhận diện và khắc phục những yếu kém, thiếu sót, rất có thể từ những lỗ hổng nhỏ có thể làm ảnh hưởng, suy yếu đến đường lối, chính sách phát triển văn hóa của quốc gia. Bởi vậy Hội nghị văn hóa toàn quốc lần này sẽ là dịp để chúng ta tự “sửa mình”, tiếp tục làm sâu sắc trọng trách của văn hóa với sứ mạng “soi đường”.
Theo Phong Điệp/Báo NB&CL
https://congluan.vn/van-hoa-voi-nhiem-vu-soi-duong-post167673.html