Thượng tá, Nhà báo Trần Duy Hiển - Trưởng Ban Điện tử, Báo Công an Nhân dân (CAND): Làm báo thì phải luôn cố gắng để có tác phẩm báo chí có tính Thời sự - Chính xác - Hấp dẫn (25/11/2021-21:14)
Loạt bài “Phá án tham nhũng giữa đại dịch COVID-19” của nhóm tác giả Duy Hiển, Anh Hiếu, Quỳnh Vinh vừa đoạt giải B Giải Báo chí toàn quốc về phòng chống tham nhũng. PV Báo NB&CL đã có cuộc trò chuyện cùng Thượng tá, nhà báo Trần Duy Hiển - Trưởng Ban Điện tử Báo CAND xung quanh loạt bài này.
Nhóm PV Báo CAND đoạt giải B Giải báo chí toàn quốc về phòng chống tham nhũng, tiêu cực.
“Tôi nghĩ đơn giản là mình làm báo thì phải chuyên tâm vào công việc, mục tiêu của mình, lượng sức mình; nắm bắt, dự báo được vấn đề thời sự để đeo bám, triển khai thực hiện đề tài thì dễ thu được kết quả khả quan”, Thượng tá, nhà báo Trần Duy Hiển - Trưởng Ban Điện tử Báo CAND nhấn mạnh trong cuộc trò chuyện xung quanh Loạt bài “Phá án tham nhũng giữa đại dịch COVID-19” của nhóm tác giả Duy Hiển, Anh Hiếu, Quỳnh Vinh vừa đoạt giải B Giải Báo chí toàn quốc về phòng chống tham nhũng.
Nếu biết khai thác, phát huy thì việc tác nghiệp sẽ thuận lợi, hiệu quả hơn
+ Thưa ông, ông từng chia sẻ, để thực hiện loạt bài, nhóm tác giả đã đối mặt với nhiều khó khăn do tác động của dịch bệnh và yêu cầu bí mật của vụ án, bởi chỉ một sơ suất nhỏ có thể khiến loạt bài không thực hiện được… Khó khăn do đại dịch có thể hiểu nhưng khó khăn trong “bí mật vụ án” ở đây cụ thể là như thế nào, thưa ông?
- Thực trạng “thổi giá” trong mua sắm thiết bị y tế, các loại phương tiện, thuốc chữa bệnh… đã tồn tại nhiều năm và lực lượng Công an từng bóc gỡ nhiều vụ án dạng này. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh hoành hành, thì thực trạng đó khiến dư luận vô cùng bức xúc, phẫn nộ; nên việc đấu tranh, ngăn chặn càng trở nên cấp thiết hơn. Bản chất vụ việc này là lợi dụng cơ chế tự chủ của các đơn vị y tế, chủ trương xã hội hóa liên doanh, liên kết mua sắm trang thiết bị y tế phục vụ khám chữa bệnh, một số lãnh đạo bệnh viện đã thông đồng với doanh nghiệp để thổi giá, nâng giá thiết bị lên nhiều lần nhằm trục lợi. Việc điều tra của cơ quan Công an phải tuân thủ những quy định nghiêm ngặt của pháp luật và bảo vệ bí mật nghiệp vụ, nên phóng viên tiếp cận được những nguồn tin và hồ sơ vụ việc cũng là điều cực kỳ khó khăn. Hơn nữa, có thời điểm thực hiện giãn cách xã hội, việc giao tiếp, di chuyển của phóng viên để lấy tài liệu, kiểm chứng các thông tin đều gặp những hạn chế.
+ Dù vậy, việc triển khai chủ đề bám sát tôn chỉ mục đích của tờ báo CAND cũng là một lợi thế không nhỏ của những người làm báo trong lực lượng CAND. Ngay cả việc khai thác nguồn tin, chắc hẳn sẽ dễ dàng hơn nhiều so với các cơ quan báo chí khác?
- Bên cạnh những lợi thế như bạn vừa nêu ra, thì cũng phải nhìn nhận có lúc chính điểm mạnh của mình cũng có thể trở thành điểm yếu. Phóng viên Báo CAND và các cán bộ làm công tác trinh sát, điều tra, có thể nói là “người nhà” với nhau. Nhưng cũng như trong cuộc sống, nhiều khi nói chuyện với “người ngoài” nó dễ hơn với người nhà. Chúng tôi đều là cán bộ trong lực lượng CAND nên khá hiểu nhau. Trong khi làm việc, trước tiên phải chấp hành nghiêm Điều lệnh CAND, các quy định về tác nghiệp, phát ngôn của cán bộ chiến sĩ (CBCS) Công an; do vậy, việc phát hiện, kết nối và khai thác thông tin phải bảo đảm những quy định chặt chẽ của pháp luật và nghiệp vụ…
Cán bộ làm công tác nghiệp vụ, các trinh sát, điều tra viên… đều giữ nguyên tắc bảo vệ bí mật công tác, bí mật nghiệp vụ. Có thể rất thân nhau, cafe, ăn nhậu với nhau vui vẻ, nhưng động đến công việc là không dễ gì họ “bật mí”… Nhưng nói gì thì nói, anh em làm báo chí trong CAND cũng có nhiều thuận lợi.
Mỗi cơ quan báo chí đều có thế mạnh riêng của mình, nếu biết khai thác, phát huy thì việc tác nghiệp sẽ thuận lợi, hiệu quả hơn. Ở đây tôi muốn nói, cần xây dựng được những mối quan hệ tốt, chân thành với các đơn vị và cá nhân làm công tác nghiệp vụ. Anh em dù rất nguyên tắc (đương nhiên rồi) nhưng nếu thân quý nhau, thì nhà báo có thể ít nhiều “khai thác” được thông tin và bằng sự nhạy cảm của mình, chắp nối, xâu chuỗi, kiểm chứng sự việc để triển khai đề tài một cách hiệu quả nhất (nhanh, chính xác, hấp dẫn).
Thực tế cuộc chiến đó phức tạp, khó khăn hơn nhiều
+ Vấn đề mà tác phẩm “chạm” đến là vấn đề rất “nóng”, thời sự. Loạt bài đã mang đến một góc nhìn chân thực, đầy đủ về cuộc chiến đầy cam go, thử thách của lực lượng CAND với tội phạm tham nhũng, tiêu cực, nhất là lĩnh vực y tế trong bối cảnh nhạy cảm hiện nay như thế nào, thưa ông?
- Tôi nghĩ là bạn quá khen. Loạt bài đó, tôi tự đánh giá ở mức kha khá thôi và chưa thể “mang đến một góc nhìn chân thực, đầy đủ về cuộc chiến đầy cam go” như bạn nói. Thực tế cuộc chiến đó phức tạp, khó khăn hơn nhiều và có những cái cũng chưa thể nói hết được. Bạn biết đấy, những vụ việc được phản ánh trong loạt bài của Báo CAND, đối tượng đấu tranh đều là những người có danh, có phận, có quan hệ rộng và có ảnh hưởng trong xã hội. Nên công tác trinh sát, điều tra gặp muôn vàn khó khăn và không thể nói là không có “áp lực”. Dù biết chắc họ có những hành vi vi phạm pháp luật, nhưng nếu chứng cứ yếu hoặc sơ suất trong công tác điều tra, thì không thể xử lý được họ; thậm chí còn bị trả giá cho những sơ suất của mình, từ các điều tra viên cho đến các nhà báo.
Về sức lan tỏa, ảnh hưởng của loạt bài, tôi nghĩ rằng, chúng tôi đã đưa thêm một thông điệp về sự cương quyết của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực, cũng như Bộ Công an trong việc đấu tranh, ngặn chặn tội phạm tham nhũng; đặc biệt là tội phạm lợi dụng mùa dịch để trục lợi, kiếm tiền trên nỗi đau của người bệnh. Tuy tính phát hiện trong loạt bài không cao, nhưng tính chiến đấu, dự báo, cảnh báo được thể hiện rất rõ.
+ Loạt bài “Phá án tham nhũng trong đại dịch COVID-19” đã thể hiện được sự bắt kịp vấn đề của người làm báo, sự đồng hành cùng lực lượng CAND “đánh án”… Tinh thần của người chiến sĩ - người làm báo đã được thể hiện như thế nào, thưa ông?
- Đơn giản là, khi bạn làm công việc nào, bạn cũng muốn nó đạt hiệu quả cao nhất. Làm công tác trinh sát, điều tra thì phải luôn cố gắng phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh hiệu quả nhất với tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật, đề xuất xử lý đúng người, đúng tội. Làm báo, thì phải có tác phẩm báo chí có tính Thời sự - Chính xác - Hấp dẫn. Bạn nói là chúng tôi dấn thân, song hành cùng lực lượng đánh án là quá khen. Tôi nghĩ đơn giản là mình làm báo thì phải chuyên tâm vào công việc, mục tiêu của mình, lượng sức mình; nắm bắt, dự báo được vấn đề thời sự để đeo bám, triển khai thực hiện đề tài thì dễ thu được kết quả khả quan.
Địa chỉ: Tòa nhà hợp khối các đơn vị sự nghiệp, đường Lý Nam Đế, P. Đông Hương, TPTH
Người chịu trách nhiệm chính: Bà Nguyễn Thị Thương Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Thanh Hóa
ĐT:
02373.752.456
Hotline: 0918.084.568
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com