Thứ bảy, ngày 23/11/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Góc nhìn báo chí
Cảnh giác cao độ với biến thể mới (27/11/2021-18:14)
    Thế giới đang cảnh giác cao độ với biến thể SARS-CoV-2 mới, có tới 50 đột biến.

 Hành khách đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại sân bay Heathrow, London, Anh, ngày 2/8/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Biến thể này có tên ban đầu là B.1.1.529, được Tổ chức Y tế Thế giới gọi là Omicron, được Nam Phi thông báo ngày 25/11, cho rằng đây có thể là nguyên nhân khiến số ca mắc mới COVID-19 tại nước này tăng mạnh. Ngoài Nam Phi, biến thể được đánh giá là tiến hóa nhất từ trước tới nay cũng có mặt ở Botswana (4 ca) và Đặc khu hành chính Hong Kong của Trung Quốc (1 ca). Dù chỉ có vài ba ca mắc biến thể này ngoài Nam Phi nhưng đặc tính nguy hiểm, có thể “né” kháng thể do vaccine tạo ra đã khiến thế giới lo ngại.

Nhà khoa học ở Nam Phi cho biết biến thể mới này đã khiến họ bất ngờ. Họ nghi nó có thể dễ lây lan hơn, dễ vô hiệu hóa vaccine nhiều hơn. Có thể 90% ca mắc COVID-19 mới ở Nam Phi là do biến thể “siêu đột biến” này gây ra.

Giới khoa học Nam Phi nhận định B.1.1.529 là biến thể đáng sợ nhất mà họ từng biết tới từ khi thế giới xảy ra đại dịch COVID-19. Trong số 50 đột biến, có tới 32 đột biến nằm ở bộ phận protein gai – nơi virus dùng để bám vào tế bào người.

Số đột biến ở protein gai này cao gấp đôi so với Delta – biến thể đang hoành hành khắp thế giới. Nhiều đột biến không có nghĩa là nguy hiểm hơn nhưng qua nhiều lần biến đổi, biến thể không còn giống virus ban đầu và do đó có thể khiến vaccine COVID-19 hiện nay vô tác dụng.

Mặc dù chưa rõ những mối đe dọa của biến thể “siêu đột biến”, nhưng Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã phải họp khẩn để bàn về biến thể này. Nhiều quốc gia đã rất cảnh giác, thực hiện ngay biện pháp chặn trước biến thể từ đầu. Anh đã nhanh chóng áp đặt lệnh hạn chế đi lại đối với Nam Phi cùng 5 quốc gia láng giềng của nước này. Singapore thắt chặt kiểm soát nhập cảnh với 7 quốc gia châu Phi. Israel thông báo đưa một loạt quốc gia ở miền Nam châu Phi vào diện “cảnh báo đỏ” liên quan đến dịch bệnh COVID-19. Từ 29/11, Mỹ cũng sẽ hạn chế nhập cảnh với 8 nước châu Phi.

Có thể nói, sau gần hai năm sống chung với đại dịch COVID-19, các quốc gia đã rút ra bài học xương máu cho bản thân, hành động nhanh hơn, quyết liệt hơn nhiều so với thời điểm phát hiện biến thể Delta. Kinh nghiệm cho thấy chủ động đề phòng và ngăn chặn ngay từ đầu bao giờ cũng dễ dàng, tiết kiệm thời gian và tiền bạc hơn là bị động chạy theo “dập” biến thể mới với các động thái cực đoan như phong tỏa, cách ly…

Thông tin về “siêu biến thể” xuất hiện cùng ngày diễn ra hội nghị trực tuyến sơ kết công tác điều trị COVID-19 do Bộ Y tế tổ chức sáng 25/11. Hội nghị đã dự báo khả năng xảy ra làn sóng COVID-19 mới với biến chủng mới khi diễn biến dịch bệnh trên thế giới còn phức tạp. Tình hình tại Việt Nam, đặc biệt là các tỉnh phía Nam cũng nghiêm trọng khi số ca mắc và tử vong ngày một tăng cao sau thời gian tạm thời giảm.

Chú thích ảnhKhám sàng lọc trước khi tiêm vaccine phòng COVID-19 tại thành phố Buôn Ma Thuột. Ảnh: Tuấn Anh – TTXVN

Việt Nam đã trải qua ba đợt dịch và vẫn đang đối phó với đợt dịch thứ 4 kéo dài. Số ca mắc hàng ngày trong mấy ngày qua đều vượt 10.000 ca, đang ở mức cao nhất Đông Nam Á, thậm chí châu Á.  

Đến nay, Việt Nam đã có trên 1,1 triệu ca mắc, với trên 24.000 ca tử vong. Tỷ lệ bệnh nhân nặng, phải thở oxy, thở máy còn khá cao. Tỷ lệ tử vong trên số ca mắc là 2,1%, tương đương thế giới. 

Tính chất khó lường và luôn biến đổi của dịch bệnh đã khiến Bộ Y tế phải xây dựng tới 7 phiên bản về hướng dẫn điều trị bệnh nhân COVID-19, liên tục cập nhật, bổ sung phác đồ, thuốc điều trị.

Trong tình hình mới, Việt Nam đã không còn hướng tới mục tiêu “zero COVID-19” như trong ba đợt dịch đầu. Bộ Y tế cũng không còn quá coi trọng số ca mắc trên 100.000 dân/tuần, thay vào đó sẽ tập trung vào nhóm bệnh nhân nặng để giảm thiểu số ca tử vong.

Trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, khó lường, các nhà khoa học nhận định Việt Nam phải rất cảnh giác, sẵn sàng ứng phó với đợt dịch thứ 5. Khi có biến thể mới xuất hiện ở Nam Phi, tinh thần cảnh giác đó cần phải cao hơn nữa. Có thể nói sự thận trọng, trạng thái cảnh giác là không bao giờ thừa, nhất là với “giặc” vô hình như virus SARS-CoV-2, biến đổi khôn lường, khó dự báo.

Cùng với tinh thần cảnh giác, biện pháp đề phòng biến thể mới và đợt bùng phát mới của giới chức năng liên quan, bản thân mỗi người dân cũng phải nâng cao tinh thần thận trọng, tránh lơ là phòng chống virus, nhất là trong dịp cuối năm. Có những người chủ quan vì “cậy” mình đã tiêm vaccine, nhưng thực tế cho thấy tiêm 2 mũi, thậm chí 3 mũi vẫn có thể mắc bệnh, vẫn có thể tử vong (tỷ lệ nhỏ). Như Tổng giám đốc WHO mới nhận định gần đây, rằng tiêm vaccine dễ mang lại “cảm giác an toàn sai lầm”. Châu Âu là minh chứng rõ nhất cho “cảm giác an toàn sai lầm” này. Nhiều nước đã tổ chức tiêm vaccine diện rộng, nhưng nếu người dân cứ vô tư tháo tung khẩu trang, tụ tập đông người, thì vaccine cũng khó lòng mà bảo vệ họ an toàn.

Mỗi một lần biến thể mới xuất hiện là một lần SARS-CoV-2 tiến trước một bước so với vaccine. Đến một ngày nào đó, sẽ có biến thể mới mà vaccine được sản xuất từ cách đó rất lâu sẽ không còn tác dụng. Do đó, tinh thần cảnh giác, đề phòng cao độ luôn là một trong những vũ khí chống dịch bệnh quan trọng, không chỉ với COVID-19 mà còn với mọi mối đe dọa bệnh tật nói chung.

 

Theo Thùy Dương/Báo Tin tức

 

Các tin khác:
  • Văn hóa với nhiệm vụ “soi đường” (24/11/2021-17:27)
  • Kỳ vọng những thông điệp quan trọng và bứt phá về văn hóa (23/11/2021-14:03)
  • “Dọn rác” livestream bẩn để bảo vệ vùng xanh trên không gian mạng (19/11/2021-16:58)
  • Giữ vững thành quả chống dịch (12/11/2021-8:44)
  • Để cuộc sống thực sự 'bình thường mới' (09/11/2021-9:00)
  • Kiếm củi ba năm, đừng thiêu một giờ… (05/11/2021-12:21)
  • 'Vùng cấm' đối với đảng viên (03/11/2021-10:31)
  • Trên “mở khóa” dưới “cài then” (20/10/2021-12:50)
  • Lao động hồi hương – thách thức và cơ hội (19/10/2021-15:40)
  • Điểm sáng ‘bình thường mới’ (14/10/2021-3:06)