Các đại biểu tham dự tại điểm cầu thành phố.
Trong những ngày qua, trên địa bàn TP Thanh Hóa đã liên tiếp xuất hiện các ổ dịch phức tạp, liên quan đến nhiều phường, như ổ dịch ở Trường mầm non Sơn Ca từ ca bệnh chỉ điểm ngày 8-12 đến sáng 12-12 lũy tích có 26 F0; chuỗi lây nhiễm liên quan đến nhóm phụ nữ ở nhà trọ tại phường Đông Hương và quán Comi Pub&Coffee ở phường Đông Thọ từ ca bệnh chỉ điểm ngày 6-12 lũy tích đến nay có 28 F0; chuỗi lây nhiễm liên quan đến Chợ đầu mối Đông Hương từ ca bệnh chỉ điểm ngày 9-12, lũy tích đến nay có 5 F0… Liên quan đến các chuỗi lây nhiễm có nhiều trường hợp không khai báo y tế, gây khó khăn cho lực lượng chức năng trong công tác truy vết các trường hợp liên quan, và quản lý các nguồn nguy cơ.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Thanh Hóa Phạm Thị Việt Nga báo cáo công tác phòng chống dịch trên địa bàn.
Tính từ ngày 14-10 đến 9h ngày 12-12, trên địa bàn thành phố ghi nhận 252 ca mắc COVID-19; số ca bệnh có ở 29/34 phường, xã. Trong đó có 167 ca bệnh trong cộng đồng, nhiều ca bệnh không rõ nguồn lây, không có biểu hiện nên nguy cơ bùng phát dịch trên địa bàn rất cao. Hiện nay trên địa bàn thành phố có 373 trường hợp đang cách ly tập trung, gần 5.000 trường hợp đang cách ly tại nhà.
Chủ tịch UBND TP Thanh Hóa Trịnh Huy Triều phát biểu tại hội nghị.
Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận, đề xuất các giải pháp nhằm kiểm soát chặt tình hình dịch bệnh trên địa bàn.
Bí thư Thành ủy TP Thanh Hóa Lê Anh Xuân phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Lê Anh Xuân, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND, Trưởng Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch COVID-19 TP Thanh Hóa nhấn mạnh, hiện nay tình hình dịch bệnh trên địa bàn thành phố là hết sức phức tạp, diễn biến khó lường, vì vậy, phải đặt công tác phòng chống dịch lên một mức cao hơn. Đồng chí đề nghị ban chỉ đạo các phường xã trực tiếp là trưởng ban chỉ đạo phải chỉ đạo, rà soát, đánh giá lại công tác phòng chống dịch tại địa phương, đặc biệt là tại các ổ dịch, các điểm phong tỏa. Trên cơ sở đó, rà soát, truy vết chính xác, thông báo kịp thời đến các địa phương, đơn vị có liên quan đến F0, F1 để triển khai các biện pháp ứng phó kịp thời; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định phòng chống dịch theo quy định của pháp luật.
Đối với công tác tiêm vắc xin phòng COVID-19 cần đẩy nhanh tiến độ, đến ngày 14-12 phải hoàn thành tiêm mũi 1, ngày 15-12 hoàn thành tiêm mũi 2 cho trên 99% các đối tượng theo quy định. Bí thư, Trưởng Ban chỉ đạo các phường, xã phải họp, rà soát, đánh giá đối tượng chưa tiêm mũi 1, tránh bỏ sót đối tượng tiêm; Trung tâm Y tế thành phố có trách nhiệm tổ chức, chỉ đạo công tác tiêm vắc xin bảo đảm an toàn, đúng quy định.
Về thực hiện các biện pháp phòng chống dịch trong điều kiện cụ thể của thành phố sẽ áp dụng nâng cao hơn một mức. Theo đó, đối với đám cưới tổ chức tại nhà, thời gian không quá 2 ngày, 1 ngày không quá 3 lượt vào khung giờ cố định, 1 lượt không quá 30 người và phải có cam kết với chính quyền địa phương; nếu tổ chức tại Trung tâm sự kiện không quá 100 người và chỉ được tổ chức 1 lần. Trước khi tổ chức phải báo với chính quyền địa phương để phân công người giám sát và thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch.
Đối với việc tổ chức tang lễ không tập trung quá 20 người trong gia đình, mỗi đoàn viếng không quá 3 người. Các sự kiện khác trong gia đình tổ chức không quá 20 người và chỉ tổ chức 1 lần.
Đối với hoạt động thể dục, thể thao, quy mô phòng tập Gym không quá 50% công suất, các thiết bị phải đặt khoảng cách tối thiểu 2m; cho phép các hoạt động thể thao: bóng đá không quá 25 người; bóng bàn, bóng chuyền, cầu lông không quá 20 người và không có cổ động viên. Các giải thể dục, thể thao thuộc thẩm quyền của thành phố phải được sự Chủ tịch UBND thành phố cho phép. Dừng hoạt động của hoạt động của các quán Bi-a.
Đối với nhà hàng, quán ăn, Ban chỉ đạo phường, xã phải khảo sát, đánh giá đối với từng cơ sở trên địa bàn và quyết định cho phép công suất, số lượng người theo hướng không quá 50% công suất/cơ sở; các Trung tâm tổ chức sự kiện không quá 200 người/lượt và tổ chức không quá 3 lượt trong 1 ngày, bảo đảm khoảng cách về khung giờ và vệ sinh tiêu độc khử trùng, tổ chức quét mã QR và thu thập thông tin của người đến dự.
Đối với cơ sở tín ngưỡng thực hiện theo các quy định đã ban hành. Riêng tổ chức lễ Noel không quá 100 người tham gia, thực hiện nghiêm các quy định phòng chống dịch và phải được test nhanh tầm soát.
Đối với các trường học, trong giờ học chính khoá tổ chức giải lao tại chỗ. Đối với trường tiểu học nếu tổ chức ăn bán trú chỉ ăn tại lớp. Đối với học sinh lớp 12 và lớp 9 được học thêm tại trường để bảo đảm ôn thi cuối cấp. Đối với các khối còn lại chỉ được tổ chức học thêm trực tuyến nếu đủ điều kiện. Các trường học phải thực hiện nghiêm quy định phòng chống dịch, chủ động mua sắm các trang thiết bị phòng dịch thiết yếu; chuẩn 1 phòng đủ điều kiện để tổ chức cách ly nếu có F0 trước khi cơ quan y tế triện khai các biện pháp tiếp theo. Đối với Trường THPT Lam Sơn và Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh thực hiện các biện pháp phòng dịch theo quy định của trung ương, của tỉnh và hướng dẫn của ngành giáo dục – đào tạo, chịu trách nhiệm theo quy định.
Đối với các trung tâm ngoại ngữ tổ chức không quá 30 người cho lứa tuổi từ 18 trở lên đã được tiêm vắc xin và phải đảm bảo các quy định phòng chống dịch.
Đối với các Khu công nghiệp, chủ động nắm bắt tình hình diễn biến dịch để có giải pháp ứng phó phù hợp.
Đồng chí Bí thư Thành uỷ TP Thanh Hoá Lê Anh Xuân giao UBND các phường xã phải thực hiện nghiêm việc dẹp bỏ chợ cóc, chợ tạm. Các chợ phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch ở các khu vực ra/vào; duy trì tổ kiểm tra, giám sát phòng chống dịch tại chợ. Riêng Chợ đầu mối Đông Hương phải thành lập chốt kiểm dịch từ ngày 1-12 âm lịch.
Trước diễn biến rất phức tạp của dịch bệnh, nguy cơ lây lan trong cộng đồng rất cao, xuất hiện nhiều ổ dịch, Trung tâm Y tế phải phân vùng tổ chức lấy mẫu xét nghiệm tại các khu vực, nhanh chóng trả lời kết quả để các phường, xã, đơn vị tổ chức truy vết. Tại các địa phương, sau khi có kết quả test nhanh dương tính, phải khẩn trương tổ chức truy vết, khoanh vùng, phong tỏa kịp thời; khi có các ca bệnh xác định trên địa bàn phải báo cáo kịp thời. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân, từng người, từng nhà phải chủ động trong công tác phòng chống dịch, nhất là trong bối cảnh thích ứng an toàn với dịch bệnh.
Theo Tô Hà/Báo Thanh Hóa Điện tử
https://baothanhhoa.vn/covid-19/siet-chat-cac-bien-phap-phong-chong-dich-covid-19-tren-dia-ban-tp-thanh-hoa/149666.htm