Thứ tư, ngày 27/11/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Tin tức - Sự kiện
10 sự kiện kinh tế - xã hội nổi bật của năm 2021 (28/12/2021-10:41)
    Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Chính phủ thay đổi phương án chống dịch, kinh tế đang có dấu hiệu khởi sắc... là những sự kiện kinh tế - xã hội nổi bật trong năm 2021.

 Đại hội Đảng XIII thành công và Khát vọng xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường.

Năm 2021, đại dịch COVID-19 đã chi phối mọi mặt của đời sống - kinh tế - xã hội Việt Nam. Thế nhưng, trong những hoàn cảnh khó khăn nhất, tinh thần của vượt khó của người Việt lại một lần nữa trỗi dậy, kiên cường vượt khó, chống chọi lại đại dịch. Xin mời quý vị độc giả cùng Báo Nhà báo và Công luận, nhìn lại 10 sự kiện kinh tế - xã hội nổi bật của năm 2021.

Đại hội Đảng XIII thành công và Khát vọng xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng diễn ra từ 25/1 đến 1/2/2021, tại Thủ đô Hà Nội, với 1.500 đại biểu tham dự đã được tổ chức rất thành công.

Đại hội bầu Ban chấp hành Trung ương gồm 180 Ủy viên chính thức, 20 Ủy viên dự khuyết; Ban Chấp hành Trung ương đã bầu 18 Ủy viên Bộ Chính trị, 5 Bí thư Trung ương Đảng. Đồng chí Nguyễn Phú Trọng tiếp tục được bầu giữ chức Tổng Bí thư.

Đại hội đặt ra 6 nhiệm vụ trọng tâm và 3 đột phá chiến lược; quyết định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ của cách mạng nước ta trong 5 năm tới, đó là đến năm 2025, Việt Nam là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp, đề ra phương hướng đến năm 2030, kỷ niệm 100 thành lập Đảng, nước ta là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và tầm nhìn đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước, Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Đại hội khẳng định: “Đất nước đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện so với những năm trước đổi mới. Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.

Đại dịch COVID-19 bùng phát lần thứ 4

Đợt bùng phát đại dịch lần thứ 4 xuất hiện vào cuối tháng 4/2021 đã để lại rất nhiều hậu quả nặng nề về kinh tế-xã hội.

 

10 su kien kinh te  xa hoi noi bat cua nam 2021 hinh 2

Đợt bùng phát đại dịch lần thứ 4 để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng.

 

Tính đến sáng 26/12, cả nước đã có hơn 1,8 triệu ca nhiễm. Trong đó, TP.HCM là địa phương có số lượng người dương tính với virus SARS-COV-2 nhiều nhất cả nước, với gần 500.000 ca. Tổng số người tử vong do dịch bệnh là 310.000 người.

Về kinh tế, lần đầu tiên trong lịch sử, trong quý III/2021, GDP của Việt Nam ghi nhận mức tăng trưởng âm, giảm 6,17%. Toàn nền kinh tế thiệt hại 346.000 tỷ đồng.

Có thời điểm, kinh tế Việt Nam bị ngưng trệ, chuỗi cung ứng sản xuất hàng hóa bị đứt gãy. Điều này đã khiến hàng trăm nghìn doanh nghiệp rơi vào cảnh phá sản, kéo theo hàng triệu người lao động bị mất việc làm, rơi vào cảnh thất nghiệp.

Cả nước đồng lòng chống dịch

Trong giai đoạn căng thẳng nhất của đợt bùng phát dịch bệnh vừa qua, các tỉnh, thành chịu tác động mạnh nhất như TP.HCM, Bình Dương đã nhận được sự hỗ trợ to lớn từ nhiều ban, ngành, tổ chức và các địa phương khác.

 

10 su kien kinh te  xa hoi noi bat cua nam 2021 hinh 3

Hàng đoàn y bác sĩ, cán bộ y tế từ khắp nơi trên cả nước đã đổ về các vùng tâm dịch để hỗ trợ người dân chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

 

Hàng đoàn y bác sĩ, cán bộ y tế từ khắp nơi trên cả nước đã đổ về các vùng tâm dịch để hỗ trợ người dân chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, trong đợt bùng phát dịch lần thứ 4, ngành y tế được chi viện 23.748 nhân viên y tế đến từ 163 đoàn công tác đến từ các Bộ, ngành và các tỉnh thành trên cả nước. 

Trong đó, có 18.092 nhân viên y tế, sinh viên, học sinh các trường đại học y khoa của 37 bệnh viện, 28 trường đại học, cao đẳng, cơ sở đào tạo chuyên ngành y thuộc bộ, ngành và 38 đoàn cán bộ y tế do các tỉnh, thành khác cử đến tham gia thu dung điều trị tại các bệnh viện dã chiến, bệnh viện điều trị COVID-19, bệnh viện hồi sức, cơ sở cách ly tập trung F0 trên địa bàn Thành phố. Đồng thời tham gia hỗ trợ thành phố Thủ Đức và các quận, huyện lấy mẫu xét nghiệm, tiêm vắc-xin.

Chính phủ linh hoạt thay đổi phương án chống dịch

Sau một quý được cho là còn lúng túng trong phương án phòng chống đại dịch COVID-19, đầu tháng 10/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 128, thay đổi chiến lược phòng chống dịch bệnh từ “zero COVID” sang thích ứng an toàn với dịch bệnh.

 

10 su kien kinh te  xa hoi noi bat cua nam 2021 hinh 4

Đầu tháng 10, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ban hành Nghị quyết 128, thay đổi chiến lược phòng chống dịch bệnh từ “zero COVID” sang thích ứng an toàn với dịch bệnh.

 

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng ban hành thêm nhiều giải pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân trong giai đoạn “bình thường mới. Các gói hỗ trợ của Chính phủ tập trung vào 3 vấn đề chính.

Cụ thể, các giải pháp tài chính - tiền tệ, như việc Ngân hàng Nhà nước đã 4 lần điều chỉnh lãi suất điều hành. Các ngân hàng thương mại cũng điều chỉnh lại lãi suất cho vay. Điều này đã khiến lãi suất cho vay bình quân của hệ thống ngân hàng thương mại thấp kỷ lục trong vòng 15 năm qua.

Tiếp đến là các chính sách hỗ trợ tài khóa. Trong đó, Chính phủ đồng ý miễn, giảm, gia hạn một số khoản thuế, phí như thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế đất,....

Cuối cùng là các chính sách an sinh xã hội. Tính tới cuối tháng 11/2021, gói hỗ trợ theo Nghị quyết 42 đã có trên 14 triệu đối tượng thụ hưởng. Gói hỗ trợ theo Nghị quyết 68 qua 4 tháng triển khai, toàn quốc đã phê duyệt 25.900 tỷ đồng và hỗ trợ cho 26,71 triệu đối tượng thụ hưởng. 

Gói hỗ trợ cho người lao động và người sử dụng lao động từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp đã rà soát hỗ trợ 363.000 người sử dụng lao động, hỗ trợ tiền từ kết dư quỹ bảo hiểm cho trên 8 triệu người lao động với số lượng đạt 85% lực lượng lao động thuộc đối tượng thụ hưởng với 20.644 tỷ đồng.

Kinh tế bắt đầu có sự khởi sắc, điểm sáng tới từ xuất nhập khẩu và FDI

Ngay sau khi Chính phủ thay đổi phương án chống dịch, nền kinh tế Việt Nam bắt đầu có dấu hiệu khởi sắc trở lại trong tháng 10. Trong đó, các chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP), xuất nhập khẩu, FDI đã bứt phá.

 

10 su kien kinh te  xa hoi noi bat cua nam 2021 hinh 5

Các chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP), xuất nhập khẩu, FDI đang bứt phá mạnh mẽ.

 

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, chỉ số IIP của toàn ngành công nghiệp 11 tháng năm 2021 đạt 105,6% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 106,4%. 

Một số sản phẩm chủ yếu của ngành đạt mức tăng trưởng cao như thép cán tăng 35,4%, linh kiện điện thoại tăng 33,8%, sắt thép thô tăng 10,7%, ô tô và giày dép tăng 9%,...

Bên cạnh đó, công nghiệp cũng là ngành có sức hấp dẫn lớn với đầu tư trực tiếp nước ngoài. Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam 11 tháng đầu năm 2021 đạt 26,46 tỷ USD.

Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng số vốn đầu tư đạt trên 14 tỷ USD, chiếm 53% tổng vốn đăng ký, tạo động lực quan trọng cho tăng trưởng công nghiệp của Việt Nam những năm tiếp theo.

Năm 2021, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước ước đạt trên 667,5 tỷ USD, tăng 22,4% so với năm 2020. Kim ngạch xuất khẩu cả năm ước đạt 335,23 tỷ USD, tăng 18,6% so với năm 2020, xuất siêu ước đạt khoảng 3 tỷ USD, đánh dấu năm thứ 6 liên tiếp Việt Nam đạt xuất siêu trong bối cảnh hoạt động thương mại toàn cầu chịu tác động nặng nề, chưa từng có của đại dịch.

 

Kết quả tăng trưởng của xuất khẩu năm 2021 là điểm sáng trong phát triển kinh tế đất nước với sự nỗ lực của Chính phủ, các cấp, ngành, địa phương, người dân, doanh nghiệp trong việc thực hiện mục tiêu kép "vừa phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, vừa khôi phục, thúc đẩy phát triển kinh tế".

Vàng, chứng khoán, bất động sản đều tăng chóng mặt

Trong năm 2021, bất chấp các tác động của đại dịch COVID-19, các kênh đầu tư truyền thống như vàng, chứng khoán và bất động sản đều tăng giá chóng mặt.

Theo đó, giá vàng SJC đã tăng giá 10% trong năm 2021, đã có lúc, giá vàng trong nước đạt ngưỡng kỷ lục khi vượt 62 triệu đồng/lượng.

 

10 su kien kinh te  xa hoi noi bat cua nam 2021 hinh 6

Bất chấp các tác động của đại dịch COVID-19, các kênh đầu tư truyền thống đều tăng giá chóng mặt.

 

Tiếp đến là chứng khoán. Trong năm 2021, sản xuất ngưng trệ, lãi suất ngân hàng xuống thấp, người dân đổ tiền vào chứng khoán đã khiến thị trường chứng khoán Việt Nam thăng hoa. VN-Index đã lập đỉnh lịch sử khi vượt qua 1.500 điểm.

Dòng tiền cuồn cuộn chảy vào chứng khoán, thanh khoản thị trường có phiên kỷ lục gần 52.000 tỷ đồng. Cá nhân trong nước mở mới hơn 1,3 triệu tài khoản, lớn hơn 4 năm gần nhất (2017 - 2020) cộng lại.

Trong khi đó, thị trường bất động sản là kênh đầu tư tăng trưởng bất thường nhất trong năm 2021. Đặc biệt, đầu năm 2021, “sốt” đất nổ ra khắp nơi, từ các tỉnh miền núi phía Bắc như Phú Thọ, Lào Cai, cho tới các tỉnh, thành phố phía Nam như Bình Phước, Bình Dương hay Đồng Nai. 

Các cơn “sốt” đất đã tạo ra địa chất, khi tăng giá lên tới 300% - 400% chỉ trong vài ngày. Trước sự tăng trưởng bất thường của thị trường bất động sản, cơ quan chức năng đã ban hành nhiều giải pháp nhằm kìm cương giá đất và xử lý các trường hợp cố tình thổi giá đất.

Nhìn chung, giá đất nền một số địa phương đã tăng 20-45% trong năm 2021; giá giao dịch nhà ở riêng lẻ trong các dự án tăng bình quân khoảng 8 - 10%. Thị trường căn hộ ghi nhận giá kỷ lục lên tới 800 triệu đồng/m2 xuất hiện tại Hà Nội và TPHCM. 

Đặc biệt, phiên đấu giá đất tại Khu đô thị Thủ Thiêm vào những ngày cuối năm đã gây choáng váng giới đầu tư bởi đỉnh giá mới: 2,45 tỷ đồng/m2.

Sau một số trường hợp trúng đấu giá cao bất thường, Thủ tướng đã ban hành Công điện 1767 về tình hình thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất. Theo đó, Bộ Xây dựng có trách nhiệm chính trong việc đánh giá tác động của kết quả đấu giá quyền sử dụng đất vừa qua, nhất là các trường hợp có kết quả đấu giá cao bất thường, gấp nhiều lần giá khởi điểm đến mặt bằng giá đất, nhà ở, đến thị trường nhà ở, bất động sản.

Kinh tế khó khăn nhưng thu ngân sách Nhà nước vẫn tăng cao

Theo số liệu Bộ Tài chính công bố đến hết 30/11, lũy kế thu ngân sách nhà nước ước đạt 1,39 triệu tỷ đồng, vượt 3,7% dự toán và tăng gần 9% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, thu nội địa vượt gần 1% so với dự toán và tăng hơn 6% so với cùng kỳ (cùng kỳ năm 2020 giảm gần 7% so với năm trước). Thu từ dầu thô ước vượt 65% dự toán và tăng 20% so cùng kỳ.

 

10 su kien kinh te  xa hoi noi bat cua nam 2021 hinh 7

 

Thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu vượt 17% dự toán và tăng 24% so cùng kỳ. Đây là lần đầu tiên thu ngân sách được hoàn thành trước thời hạn.

Khởi tố hàng loạt vụ án gây chấn động, triệt phá hàng loạt đường dây đánh bạc nghìn tỷ

Trong năm 2021, ngành tư pháp đã khởi tố nhiều vụ án lớn, nghiêm trọng, phức tạp như: Các vụ án xảy ra trong lĩnh vực y tế; vụ án xảy ra tại một số đơn vị thuộc Bộ tư lệnh Cảnh sát biển, Bộ đội biên phòng; các vụ án vi phạm quy định quản lý đất đai, quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước xảy ra tại Bình Dương, Khánh Hòa, TP.HCM…

 

10 su kien kinh te  xa hoi noi bat cua nam 2021 hinh 8

Vụ án Việt Á "thối giá" kit test nhanh COVID-19 gây chấn động dư luận.

 

Đặc biệt, vào tháng 12/2021, Cơ quan điều tra Bộ Công an tiếp tục khởi tố ông Phan Quốc Việt, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á cùng một số đối tượng khác. 

Được biết, Công ty Việt Á được Bộ Y tế cấp phép đăng ký lưu hành sản phẩm kit xét nghiệm COVID-19 và đã cung ứng kit cho nhiều tỉnh, thành phố với doanh thu gần 4.000 tỷ đồng.

Phan Quốc Việt cho nâng khống giá thiết bị, chi phí nguyên vật liệu đầu vào để nâng giá bán bộ kit lên 470.000 đồng; đồng thời chi phần trăm “khủng” cho lãnh đạo bệnh viện, CDC. 

Tại Hải Dương, đã chi gần 30 tỷ đồng cho Phạm Duy Tuyến trong gói hợp đồng 151 tỷ hợp đồng. Trước đó, vụ án nâng khống giá máy thở cũng bị triệt phá.

Ngoài ra, trong năm 2021, lực lượng công an liên tiếp bóc gỡ các đường dây đánh bạc xuyên quốc gia, số tiền giao dịch hàng chục nghìn tỷ đồng do các đối tượng trẻ tuổi cầm đầu. 

Tháng 11/2021, Cục Cảnh sát Hình sự triệt phá đường dây đánh bạc 1,1 tỷ Euro do Đỗ Ngọc Hà (SN 1984) và Bùi Hoàng Sơn (SN 1988, cùng trú tại Hà Nội) cầm đầu; Công an TP.HCM triệt phá đường dây đánh bạc 87.000 tỷ đồng do Huỳnh Long Bạch (SN 1991) và Nguyễn Đắc Quý (SN 1994, cùng trú tại TP HCM) cầm đầu…

Trong đó, nhiều đường dây đánh bạc biến tướng, hoạt động theo kiểu đa cấp, núp bóng kinh doanh đầu tư tiền ảo USDT, ETH, TRON…

Đường sắt Cát Linh - Hà Đông đi vào hoạt động sau thập kỷ chờ đợi

Có lẽ, trong năm 2021, sự kiện giao thông đáng được quan tâm nhất, chính là việc đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Nội chính thức đi vào hoạt động, sau hơn một thập kỷ chờ đợi với 4 lần lỗi hẹn.

 

10 su kien kinh te  xa hoi noi bat cua nam 2021 hinh 9

Đường sắt Cát Linh - Hà Đông đi vào hoạt động sau thập kỷ chờ đợi.

 

Từ mức đầu tư ban đầu hơn 8.770 tỷ đồng, dự án bị “đội vốn” lên hơn 18.002 tỷ đồng. Theo tiến độ dự án ban đầu được xác định đưa vào khai thác thương mại từ tháng 6/2015, sau rất nhiều lần lùi thời hạn, đến đầu tháng 11/2021, đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông mới được đưa vào vận hành nhờ sự chỉ đạo quyết liệt và quyết tâm của Chính phủ.

Những thành tích đáng nể của Đội tuyển bóng đá Việt Nam

Năm 2021, Bóng đá Việt Nam ghi dấu ấn đậm nét trên đấu trường quốc tế. Trong đó, lần đầu tiên đội tuyển Quốc gia Việt Nam tiến đến vòng loại cuối World Cup khu vực châu Á.

 

10 su kien kinh te  xa hoi noi bat cua nam 2021 hinh 10

Năm 2021, Bóng đá Việt Nam ghi dấu ấn đậm nét trên đấu trường quốc tế.

 

Bên cạnh đó, đội tuyển Futsal Việt Nam dưới sự dẫn dắt của HLV Phạm Minh Giang cũng để lại ấn tượng đẹp tại FIFA Futsal World Cup 2021 tại Lithuania trong lần thứ 2 liên tiếp dự giải. 

Nằm chung bảng đấu có nhà vô địch thế giới Brazil, đội tuyển Futsal Việt Nam vẫn hoàn thành mục tiêu vượt qua vòng bảng và chỉ chịu dừng bước trước Á quân thế giới Nga sau màn rượt đuổi tỉ số ngoạn mục.

Theo Việt Vũ/Báo NB&CL

 

Các tin khác:
  • Thủ tướng yêu cầu quản lý chặt chẽ nhóm nguy cơ cao, tăng cường công tác điều trị, giảm ca chuyển nặng, tử vong do COVID-19 (26/12/2021-18:58)
  • Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Muốn báo chí tự chủ được thì phải có “cơ chế đặt hàng” đủ mạnh (25/12/2021-11:46)
  • Đổi mới, sáng tạo trong tuyên truyền Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, góp phần khơi dậy khát vọng phát triển đất nước (25/12/2021-11:33)
  • Tăng cường các biện pháp, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh, nhất là trong các dịp lễ, tết năm 2022 (22/12/2021-13:40)
  • WHO: Thế giới phải cùng nhau chấm dứt đại dịch vào năm 2022 (21/12/2021-11:26)
  • Bắt giữ đối tượng dùng nhiều tài khoản mạng xã hội đăng các bài viết sai sự thật, kêu gọi từ thiện (19/12/2021-8:32)
  • Chỉ thị của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Thanh Hóa về việc tổ chức Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022 (18/12/2021-7:43)
  • Ngoại giao chọn lẽ phải lớn của thời đại là hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển (17/12/2021-8:46)
  • Đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa (17/12/2021-8:29)
  • Hội Nhà báo Thanh Hóa tuyển dụng viên chức năm 2021 (15/12/2021-15:08)