Toàn cảnh buổi làm việc.
Đồng chí Nguyễn Kim Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT và đồng chí Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì buổi làm việc.
Dự buổi làm việc có đồng chí Mai Xuân Liêm, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa; lãnh đạo các vụ, cục Bộ GD&ĐT; lãnh đạo các sở, ngành cấp tỉnh, lãnh đạo các huyện, thị xã, thành phố, các trường: ĐH Hồng Đức, ĐH Văn hóa Thể thao và Du lịch.
Đồng chí Trần Văn Thức, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở GD&ĐT trình bày báo cáo về tình hình phát triển GDĐT và công tác tổ chức dạy học trực tiếp đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19 trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn.
Tại buổi làm việc đồng chí Trần Văn Thức, Tỉnh ủy viên, Giám đốc sở GD&ĐT đã trình bày báo cáo về tình hình phát triển GDĐT và công tác tổ chức dạy học trực tiếp đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19 trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn.
Theo đó, trong những năm qua được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, của Bộ GD&ĐT; sự phối hợp có hiệu quả của các sở, ngành cấp tỉnh; các huyện, thị, thành phố, đặc biệt là sự cố gắng, nỗ lực của đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, nhân viên và học sinh, toàn ngành đã đạt được những thành tựu quan trọng. Quy mô hệ thống mạng lưới trường, lớp phát triển; cơ sở vật chất, thiết bị dạy học được tăng cường theo hướng kiên cố, trường đạt chuẩn quốc gia; đội ngũ cán bộ, giáo viên phát triển toàn diện; phong trào xã hội hóa giáo dục, công tác khuyến học - khuyến tài, xây dựng xã hội học tập là điểm sáng của giáo dục cả nước. Đặc biệt, chất lượng giáo dục toàn diện được nâng lên; chất lượng giáo dục mũi nhọn tiếp tục được duy trì trong tốp đầu cả nước về thành tích thi học sinh giỏi Olympic quốc tế và khu vực...
Bên cạnh những thuận lợi, ngành GD&ĐT tỉnh Thanh Hoá còn gặp không ít khó khăn, thách thức. Là tỉnh đất rộng, người đông, địa hình phức tạp, nhiều xã vùng cao miền núi, khu vực biên giới, bãi ngang; điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, bình quân thu nhập của Nhân dân còn ở mức trung bình cả nước; đội ngũ nhà giáo trong tỉnh vừa thừa, vừa thiếu, chưa đồng bộ về cơ cấu; cơ sở vật chất, thiết bị trường học tuy được đầu tư xây dựng nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục hiện nay.
Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, song trong thời gian qua, ngành GD&ĐT Thanh Hóa đã có nhiều nỗ lực, tiếp tục duy trì ổn định các hoạt động và đạt được những kết quả quan trọng trên tất cả các lĩnh vực, trong đó nổi bật là: Chất lượng giáo dục mũi nhọn của tỉnh tiếp tục được giữ vững trong tốp đầu cả nước; chất lượng giáo dục đại trà có chuyển biến tích cực; ngành giáo dục đã hoàn thành vượt mức chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015-2020 đã đề ra; triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 hiệu quả, chất lượng, đi đầu cả nước trong công tác bồi dưỡng cán bộ, quản lý giáo viên; thực hiện hiệu quả, hoàn thành các chỉ tiêu Đề án “Nâng cao chất lượng GDĐT miền núi Thanh Hóa giai đoạn 2013-2020”…
Về dạy học trực tiếp năm học 2021-2022, căn cứ tình hình thực tế của địa phương đối với các cơ sở giáo dục đang kiểm soát được dịch bệnh, tranh thủ, tận dụng tối đa khoảng thời gian vàng học sinh có thể đến trường để tổ chức dạy học trực tiếp. Tập trung nguồn lực, tăng thời lượng dạy học để đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình giáo dục; tổ chức thực hiện hướng tới mục tiêu bảo đảm dạy học trực tiếp được nhiều nhất và ưu tiên dạy những nội dung chủ yếu, cơ bản, cốt lõi, quan trọng của chương trình giáo dục phổ thông nhằm hoàn thành mục tiêu, yêu cầu cần đạt được của chương trình môn học, lớp học, cấp học trong thời gian sớm nhất.
Từ khi khai giảng năm học mới, cơ bản các trường học trong tỉnh triển khai hoạt động dạy học trực tiếp, chỉ chuyển trạng thái dạy học trực tuyến đối với một số đơn vị có tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp. Các đơn vị đã chủ động tổ chức dạy học trực tiếp ngay sau khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát tại địa phương, đơn vị. Hiện tại, 100% các trường học trong tỉnh tổ chức dạy học trực tiếp và thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định.
Tại buổi làm việc, ngành GD&ĐT Thanh Hóa đề nghị Bộ GD&ĐT kiến nghị Chính phủ tiếp tục tăng cường các chương trình mục tiêu quốc gia về GDĐT để xây dựng cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục hiện nay, nhất là vùng miền núi, vùng đặc biệt khó khăn, vùng bãi ngang ven biển.
Đối với khu vực miền núi, có cơ chế, chính sách khuyến khích xây dựng 100% các trường tiểu học theo mô hình bán trú. Phối hợp với Bộ Nội vụ và các ngành liên quan giao đủ biên chế cho các cơ sở giáo dục; tham mưu cho Chính phủ quy định số lượng cụ thể (số lượng tối thiểu, tối đa) công chức làm việc tại phòng GD&ĐT, để thống nhất thực hiện trên toàn quốc.
Thành viên Đoàn công tác của Bộ GD&ĐT phát biểu ý kiến.
Thành viên Đoàn công tác của Bộ GD&ĐT phát biểu ý kiến.
Các thành viên Đoàn công tác của Bộ GD&ĐT đã phát biểu ý kiến về công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đổi mới việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018; công tác rà soát, sắp xếp mạng lưới trường lớp học, tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, xây dựng trường chuẩn quốc gia; công tác xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; nâng cao chất lượng giáo dục. Những thuận lợi khó khăn trong việc triển khai dạy học trực tiếp; những cách làm, bài học kinh nghiệm trong triển khai phòng, chống dịch COVID-19 năm học 2021-2022... Đồng thời trực tiếp trả lời những kiến nghị đề xuất có liên quan nhằm tạo điều kiện phát triển GD&ĐT toàn diện trên địa bàn tỉnh.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng phát biểu tại buổi làm việc.
Thay mặt cho lãnh đạo tỉnh và toàn Ngành GD&ĐT tỉnh Thanh Hóa, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng chân thành cảm ơn đồng chí Bộ trưởng Bộ GD&ĐT và các thành viên trong đoàn đã về thăm và làm việc tại Thanh Hóa trong những ngày đầu xuân.
Qua ý kiến của lãnh đạo các Cục, Vụ của Bộ GD&ĐT, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đề nghị lãnh đạo Ngành GD&ĐT và các sở, ngành, địa phương tham dự buổi làm việc nghiêm túc, tiếp thu, để tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh có những quyết định về GD&ĐT nhằm tạo bước phát triển mới hơn, toàn diện hơn.
Để đồng chí Bộ trưởng Bộ GD& ĐT cùng các thành viên trong đoàn hiểu rõ hơn về bức tranh tổng thể công tác GD&ĐT trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng đã giới thiệu khái quát về vị trí, điều kiện địa lý, cũng như những thuận lợi, khó khăn mà tỉnh Thanh Hóa đang có so với các tỉnh, thành phố trong cả nước.
Đồng chí nhấn mạnh: Thanh Hóa là tỉnh đất rộng, dân số đông, trong những năm qua Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh luôn xác định là tỉnh lớn mới làm được việc lớn; coi đất rộng, dân số đông là một tiềm năng, thế mạnh, nổi trội và khác biệt. Tuy nhiên, cũng đặt ra những khó khăn, thách thức, bởi lẽ Thanh Hóa có vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc, nên việc triển khai các chế độ, chính sách của Trung ương trong thực hiện GD&ĐT có những khó khăn riêng, chưa tương xứng với quy mô của tỉnh.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng khẳng định: Thanh Hóa là vùng đất hiếu học và chăm lo cho sự học, đã trở thành truyền thống tốt đẹp, là niềm tự hào của người Thanh Hóa. Trong nhiều nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh, Thanh Hóa luôn xác định chương trình đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực là chương trình trọng tâm trong thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ.
Tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra chương trình trọng tâm về nâng cao chất lượng văn hóa, y tế, giáo dục và năm 2021 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành chương trình trọng tâm, theo đó HĐND tỉnh đã thông qua nghị quyết, cơ chế, chính sách tạo điều kiện để phát triển sự nghiệp GD&ĐT trong năm 2022 và những năm tiếp theo.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng cũng đã thông tin thêm cho đoàn về thành tích, kết quả mà Ngành GD&ĐT tỉnh Thanh Hóa đạt được, đặc biệt là trong công tác phòng, chống dịch COVID -19 nhằm tạo điều kiện cho các em được đến lớp, đến trường học trực tiếp phù hợp với tình hình của địa phương, với tinh thần đến trường học an toàn, đúng cách.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng tặng hoa chúc mừng đồng chí Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy trân trọng cám ơn ý kiến của các thành viên trong đoàn công tác của Bộ GD&ĐT đã nêu lên những tồn tại, hạn chế trong thực hiện công tác GD&ĐT trên địa bàn tỉnh và giao cho UBND tỉnh chỉ đạo ngành GD&ĐT chủ trì, phối hợp với các ngành có liên quan, ngay sau buổi làm việc, bắt tay vào xây dựng và có lộ trình kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, khắc phục hạn chế, yếu kém để tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển GD&ĐT trong thời gian tới.
Trên cơ sở các đề xuất, kiến nghị đã được nêu trong báo cáo và ý kiến của các địa phương, cơ sở GD&ĐT trên địa bàn tỉnh, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy mong rằng cùng với sự quan tâm giải quyết trực tiếp, Bộ GD&ĐT có ý kiến với các cơ quan hữu quan, các bộ, ngành chức năng, báo cáo với Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội để xem xét, giải quyết những vấn đề bất cập hiện nay, nhất là vấn đề về cơ sở vật chất, chế độ chính sách, con người, chuyên môn, nghiệp vụ.
Thay mặt Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh Thanh Hóa, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng cam kết tỉnh Thanh Hóa sẽ tiếp tục phát huy những thành tích, kết quả đạt được thời gian vừa qua, sớm khắc phục những tồn tại, hạn chế để xây dựng Ngành GD&ĐT của tỉnh phát triển tương xứng với truyền thống hiếu học quê hương Thanh Hóa: Rạng rỡ đất văn - Oai phong đất võ; xứng đáng với truyền thống tỉnh lớn, đóng góp vào sự phát triển sự nghiệp GD&ĐT của đất nước.
Đồng chí Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại buổi làm việc.
Qua khảo sát tình hình thực tế trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa và những thông tin được lãnh đạo các huyện, thị xã, thành phố, Trường Đại học Hồng Đức, Trường THPT chuyên Lam Sơn cung cấp tại buổi làm việc, nhất là ý kiến phát biểu của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng, đồng chí Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn vui mừng trước những kết mà tỉnh Thanh Hóa đạt được trong năm qua; chúc mừng những thành tích mà Ngành GD&ĐT tỉnh Thanh Hóa giành được trong những năm gần đây.
Đồng chí Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đánh giá cao tỉnh Thanh Hóa đã quyết liệt và sáng tạo trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, nhất là việc quan tâm, chỉ đạo sát sao, phù hợp với tình hình địa phương để đến nay 100% các trường học trong tỉnh tổ chức dạy học trực tiếp và thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh: Qua hai ngày làm việc tại tỉnh Thanh Hóa, đoàn công tác của Bộ GD&ĐT có thêm nhiều kinh nghiệm từ việc triển khai thực tế công tác tổ chức dạy trực tiếp để có cơ sở báo cáo với Trung ương về việc tiếp tục triển khai học tập trực tiếp trong điều kiện bình thường mới.
Để sự nghiệp GD&ĐT tỉnh Thanh Hóa có bước phát triển toàn diện hơn trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đề nghị Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, nhất là Ngành GD&ĐT tỉnh Thanh Hóa cần phải có sự đầu tư, đổi mới về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học để thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Quan tâm nâng cao chất lượng cho đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; nâng cao chất lượng giáo dục. Cần quan tâm giáo dục tiếng Việt, tiếng dân tộc cho con em đồng bào dân tộc thiểu số. Có lộ trình thực hiện chương trình kiên cố hóa trường lớp học. Đẩy mạnh xã hội hóa trong giáo dục, nhất là trong đô thị, thành phố, các huyện có điều kiện về kinh tế. Tiếp tục phát huy và làm tốt hơn nữa về giáo dục mũi nhọn, giáo dục phổ cập…
Đồng chí Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn tặng tỉnh Thanh Hóa bức tranh có hình Văn miếu - Quốc tử giám, biểu tượng truyền thống hiếu học của người Việt Nam.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn tin tưởng với truyền thống hiếu học của vùng đất Thanh Hóa anh hùng, thời gian tới tỉnh Thanh Hóa sẽ gặt hái thêm được nhiều thành tích hơn nữa trong sự nghiệp GD&ĐT.
Theo Minh Hiếu/Báo Thanh Hóa Điện tử
https://baothanhhoa.vn/thoi-su/bo-truong-bo-gd-amp-dt-nguyen-kim-son-lam-viec-voi-tinh-thanh-hoa-ve-phat-trien-gddt-va-day-hoc-truc-tiep-dam-bao-phong-chong-dich-covid-19/153206.htm