Thứ ba, ngày 26/11/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Nghề báo
Nhà báo Nguyễn Ngọc Thanh – Trưởng Ban Nhân Dân điện tử - Báo Nhân Dân: Để hấp dẫn công chúng, phải đưa được hơi thở cuộc sống vào tác phẩm (19/02/2022-15:27)
    Loạt bài “Khuyến khích, bảo vệ cán bộ đổi mới, sáng tạo” của Báo Nhân Dân vừa đoạt Giải A Giải Búa Liềm vàng năm 2021. Nhà báo & Công luận đã có cuộc trò chuyện cùng đại diện nhóm tác giả- nhà báo Nguyễn Ngọc Thanh – Trưởng Ban Nhân Dân điện tử - Báo Nhân Dân.

 Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng trao Giải A cho nhà báo Nguyễn Ngọc Thanh đại diện nhóm tác giả Báo Nhân Dân.

“Trong tác phẩm của mình, chúng tôi không chỉ làm sáng rõ các quan điểm xuyên suốt ở Kết luận 14 của Bộ Chính trị mà còn gắn lý luận với thực tiễn cuộc sống, làm minh chứng sinh động cho các vấn đề đặt ra. Thông qua các nhân vật, qua câu chuyện họ chia sẻ, công việc họ làm, từ đó phản ánh được rõ nét từng thời kỳ lịch sử về chủ trương “cầu hiền tài của Bác Hồ, của Đảng và Nhà nước ta…” - nhà báo Nguyễn Ngọc Thanh – Trưởng Ban Nhân Dân điện tử - Báo Nhân Dân khẳng định khi chia sẻ về loạt bài “Khuyến khích, bảo vệ cán bộ đổi mới, sáng tạo” đoạt Giải A Giải Búa Liềm vàng năm 2021.

Một chuỗi bài rất công phu

+ Được biết, loạt bài 5 kỳ của Báo Nhân Dân viết về kết luận 14 của Bộ Chính trị được thực hiện rất công phu. Ý tưởng triển khai loạt bài như thế nào, thưa ông?

- Ngày 22/9/2021, Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 14-KL/TW về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung. Ngay sau khi Kết luận vừa được công bố đã thu hút được sự quan tâm, tạo sự phấn khởi, ủng hộ của đông đảo cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân. Trên cơ sở nội dung của Kết luận số 14, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân Lê Quốc Minh đã chỉ đạo và giao nhiệm vụ cho Nhân Dân điện tử phải chủ trì, triển khai ngay loạt bài này.

Có thể nói, lần đầu tiên Đảng có một kết luận rất cụ thể về việc bảo vệ, khuyến khích những cán bộ sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, thậm chí “xé rào” để đạt kết quả cao cho công việc chung. Trên thực tế, Kết luận 14 được bắt nguồn từ tư tưởng Đại đoàn kết dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngay sau khi giành chính quyền về tay nhân dân tháng 8/1945, Bác Hồ, Đảng và Nhà nước ta đã có chủ trương cụ thể cầu người hiền tài phụng sự cho dân tộc, điển hình là các nhân sĩ, trí thức yêu nước đã từng học tập, làm việc tại Pháp, các quan lại của triều đình phong kiến...

Trải qua các thời kỳ, chúng ta đều có những nhân vật “xé rào”, điển hình là ông Kim Ngọc - Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phú, “xé rào” để khoán hộ, tạo tiền đề để Đảng ta cho ra đời Nghị quyết 100 của Ban Bí thư, Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị, tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy sản xuất nông nghiệp đạt hiệu quả cao, theo tư tưởng của Bác Hồ: “Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì có hại cho dân, ta phải hết sức tránh”...

Gần đây nhất trong cuộc chiến chống COVID 2 năm qua cũng có rất nhiều những gương mặt thể hiện được tinh thần ấy. Đại dịch COVID-19 là thách thức, phép thử cho những đổi mới, sáng tạo trên mặt trận khoa học công nghệ, y tế, chiến lược chống dịch. Nhiều quyết sách, sáng kiến, dám làm, dám chịu trách nhiệm từ cơ sở đã góp phần chặn đà lây lan của dịch bệnh, điều trị tốt cho người dân, duy trì hoạt động kinh tế. Ví dụ như Bắc Giang là địa phương đầu tiên của cả nước được Chủ tịch nước tặng thưởng về thành tích trong công tác phòng, chống dịch COVID-19; như ông Bí thư Quận ủy quận 7 (TP. Hồ Chí Minh) Võ Khắc Thái đã chỉ đạo đẩy nhanh xét nghiệm sàng lọc, tích trữ bình oxy cỡ lớn, chủ động xây bệnh viện dã chiến điều trị tại chỗ... giảm thiểu số người thiệt mạng bởi COVID-19.

Có thể khẳng định, Kết luận 14 này là kết tinh của cả một quá trình mà Bác Hồ và Đảng ta thực hiện chủ trương chiêu hiền, đãi sĩ, khuyến khích những cán bộ giỏi, năng động sáng tạo và bất kể họ là ai. Đây là kim chỉ nam cho đội ngũ cán bộ, đảng viên trong quá trình thực hiện chức trách, nhiệm vụ; coi trọng khuyến khích cán bộ có tư duy sáng tạo, cách làm đột phá, tháo gỡ giải quyết những điểm nghẽn, nút thắt trong cơ chế, chính sách…

+ Triển khai loạt bài về Kết luận 14 đã giúp công chúng có cái nhìn tổng thể, nắm được vấn đề một cách có hệ thống. Nhưng để thực hiện được nhiệm vụ Tổng Biên tập trực tiếp giao “phải làm ngay”, chắc hẳn là những áp lực không nhỏ đối với nhóm tác giả, thưa nhà báo?

- Đúng vậy. Đây là tuyến bài quy mô lớn được chúng tôi thực hiện từ Bắc - Trung - Nam, tất cả các địa bàn và xuyên suốt, kể cả thời kỳ chúng ta chống dịch COVID. Ngay từ khâu chuẩn bị cho loạt bài chúng tôi đã làm rất kỹ càng. Kỹ đến mức, nhóm do tôi chỉ đạo đã họp và xây dựng đề cương rất chi tiết cho từng phóng viên, cho từng nhân vật cụ thể. Bản đề cương chi tiết được gửi cho các phóng viên tham gia, góp ý, xem tinh thần đó đã thực sự phù hợp với địa phương ấy, nhân vật ở địa phương đó hay chưa? Khi hoàn thiện đề cương, chúng tôi trình Tổng Biên tập Lê Quốc Minh cho ý kiến cuối cùng, sau đó nhóm mới tiến hành thực hiện.

Thậm chí, chúng tôi xây dựng theo cơ chế đặt hàng, rằng ở nhân vật này cần khai thác nội dung này, vấn đề này cần câu chuyện kia... từ đó đề nghị những phóng viên thực hiện bám sát và càng cụ thể càng tốt.

Có thể nói, đây là một chuỗi bài rất công phu, từ khi xây dựng xong đề cương và bắt tay triển khai kéo dài trong khoảng 1 tháng, được phối hợp nhịp nhàng giữa rất nhiều bộ phận trong cơ quan như ban Đảng, các phóng viên thường trú ở cả 3 miền Bắc Trung Nam kể cả Tây Nam Bộ.

Gắn những chủ trương với cuộc sống đời thường 

+ Trên thực tế, nhiều cơ quan báo chí viết về Kết luận 14 nhưng với giải A Giải Búa Liềm vàng là minh chứng cho thấy sự nổi trội của loạt bài trên báo Nhân dân điện tử. Ông đánh giá như thế nào về thành công của tác phẩm này?

- Có thể nói, Kết luận 14 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung có ý nghĩa rất quan trọng và cần được hiểu đúng, vận dụng đúng trong thực tiễn.

Sự thành công của loạt bài này, thứ nhất là ở tính xuyên suốt và bao quát, đi từ lý luận đến thực tiễn và cung cấp cho người đọc cái nhìn tổng thể về chủ trương chiêu hiền, đãi sĩ của Đảng và Nhà nước ta đã có từ rất lâu, bây giờ kết tinh lại thành Kết luận 14 sau hàng chục năm qua.

 Thứ hai là, thành công trong việc tổ chức triển khai vì với loạt bài này, chúng tôi làm rất kỳ công, từ xây dựng đề cương rất chi tiết cho tới từng phóng viên và tới từng nhân vật. Chúng tôi chỉ đạo sát sao đến từng câu hỏi, yêu cầu phỏng vấn những gì, chi tiết nào... Phóng viên thực hiện, sau đó chuyển bản thô về để xử lý, dựng thành loạt bài Emagazine. Tiếp nữa là đầu tư công phu trong trình bày tác phẩm, có text, có ảnh, có video, có đồ họa…

Quan điểm của chúng tôi là phải luôn bám sát đời sống thực tế, làm sao có được những câu chuyện chân thực, phỏng vấn nhân vật phải tạo được những cảm xúc, sự lay động với bạn đọc. Trong khi đó, thực tế tác nghiệp trong mùa dịch khó khăn vì các nhân vật thường không muốn tiếp xúc, phóng viên phải tìm mọi cách khác nhau để hoàn thành nhiệm vụ nên có phóng viên cũng phải viết đi viết lại nhiều lần mới đạt yêu cầu.

+ Sau khi loạt bài được đăng tải, hiệu ứng, sức lan tỏa của tác phẩm như thế nào, thưa ông?

- Sau khi đăng tải, chúng tôi đã nhận được nhiều phản hồi rất tích cực từ cán bộ, đảng viên, nhân dân, đặc biệt là từ các địa phương. Cả 5 bài viết luôn nằm trong nhóm tin, bài có lượng truy cập cao trên Nhân Dân điện tử và Fanpage của Báo Nhân Dân trên mạng xã hội Facebook. Nhiều độc giả đánh giá cao và cho rằng, đây là cũng lần đầu tiên chúng ta có một loạt bài đi xuyên suốt cả một chiều dài lịch sử của đất nước từ khi Nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra đời.

+ Viết về xây dựng Đảng quả thực khó... Làm thế nào để loạt bài vượt qua được “3K”: Khó – khô – khổ, tạo được dấu ấn trong lòng công chúng, thưa ông?

- Viết về xây dựng Đảng là rất khó, viết để người đọc muốn đọc thì lại... càng khó hơn. Nhưng chúng tôi cho rằng, điều quan trọng nhất chính là khi triển khai làm sao gắn những chủ trương ấy với cuộc sống đời thường, đừng đao to búa lớn, lý luận khô cứng.

Trong tác phẩm của mình, chúng tôi không chỉ làm sáng rõ các quan điểm xuyên suốt ở kết luận 14 của Bộ Chính trị mà còn đặc biệt kỳ công gắn lý luận với thực tiễn cuộc sống, làm minh chứng sinh động cho các vấn đề đặt ra.

Thông qua các nhân vật, qua câu chuyện họ chia sẻ, công việc họ làm, từ đó phản ánh được rõ nét từng thời kỳ lịch sử về chủ trương cầu hiền tài của Bác Hồ, của Đảng và Nhà nước ta…

Thứ hai là phải xây dựng đề cương kỹ, phải nắm được đặc thù của từng nhân vật, của từng địa phương thì chúng ta mới triển khai toàn diện, chính xác được. Nói chung, điều quan trọng nhất để hấp dẫn công chúng, chính là việc phải đưa được hơi thở cuộc sống vào tác phẩm.

+ Vâng, xin cảm ơn ông!

Theo Hà Vân (Thực hiện)/Báo NB&CL

https://congluan.vn/de-hap-dan-cong-chung-phai-dua-duoc-hoi-tho-cuoc-song-vao-tac-pham-post181719.html

 

Các tin khác:
  • Trao quyết định điều động ông Nguyễn Trường Sơn làm Quyền Tổng Biên tập, Báo Thế giới và Việt Nam (19/02/2022-15:20)
  • Người làm báo viết về xây dựng Đảng: Phải viết bằng tình yêu với ngòi bút trong sáng (17/02/2022-13:22)
  • Nhà báo Nguyễn Thanh Dũng với phóng sự về người anh hùng lao động và hạt gạo ngon nhất thế giới (15/02/2022-7:26)
  • Bổ nhiệm ông Nguyễn Viết Việt giữ chức vụ Tổng Biên tập Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt Nam (11/02/2022-9:06)
  • Có lời nói, hành động đe dọa tính mạng nhà báo, phóng viên có thể bị phạt đến 100 triệu đồng (11/02/2022-9:02)
  • Kim Thảo: Lan tỏa màu xanh yêu thương giữa tâm dịch (07/02/2022-8:30)
  • Nhà báo Thái Mạnh Thắng – VOV Giao thông: “Để có sự tin yêu của khán thính giả, tôi luôn hướng đến sự chân thành” (03/02/2022-22:08)
  • Tết về, nhớ Hội Báo Xuân! (03/02/2022-22:04)
  • Nhà báo Nguyễn Ngọc Toàn – Ủy viên Ban Chấp hành HNBVN, Tổng Biên tập Báo Thanh Niên: Mọi sự đổi mới, với chúng tôi đều hướng đến việc làm báo có trách nhiệm (03/02/2022-22:56)
  • Nhiều tác phẩm chất lượng được trao giải tại Cuộc thi ảnh “Câu chuyện rác nhựa” (26/01/2022-11:30)