Toàn cảnh hội nghị.
Dự hội nghị có các đồng chí: Lại Thế Nguyên, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh; Trịnh Tuấn Sinh, Phó Bí thư Tỉnh ủy; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy; các đồng chí Phó Chủ tịch HĐND, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành cấp tỉnh; lãnh đạo Văn phòng Tỉnh ủy, Văn phòng UBND tỉnh.
Các đại biểu dự hội nghị.
Theo Tờ trình của Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh, mục đích về việc ban hành một số chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2022-2025 là nhằm thể chế hóa chủ trương, định hướng, mục tiêu, giải pháp phát triển doanh nghiệp của tỉnh; qua đó, góp phần kiến tạo phong trào khởi nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy chuyển đổi số trong doanh nghiệp và phát triển doanh nghiệp cả về số lượng, chất lượng, gắn với nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp theo hướng bền vững, nhất là trong bối cảnh ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển doanh nghiệp và các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn 2021-2025.
Toàn cảnh hội nghị.
Nội dung chính sách là hỗ trợ kinh phí đào tạo khởi sự kinh doanh; hỗ trợ kinh phí chuyển phát kết quả thực hiện thủ tục hành chính về đăng ký doanh nghiệp; hỗ trợ kinh phí sử dụng chữ ký số.
Đồng chí Lê Quang Hùng, Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy phát biểu tại hội nghị.
Trên cơ sở nội dung tờ trình, các đồng chí Thường trực, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy đánh giá cao quá trình chuẩn bị của của Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh; đồng thời cho rằng đây là vấn đề lớn, vì vậy cần làm rõ một số chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2022-2025 cho thật sự phù hợp.
Đồng chí Nguyễn Văn Thi, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh phát biểu tại hội nghị.
Các đồng chí Thường trực, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã phân tích và đề nghị cơ quan soạn thảo cần quan tâm nhiều hơn đến hoạt động, phát triển của doanh nghiệp; xác định được nội dung đào tạo khởi sự kinh doanh; nên mở rộng thêm đối tượng đào tạo; nghiên cứu về thời gian, nội dung đào tạo cho các doanh nghiệp mới thành lập…
Đồng chí Lại Thế Nguyên, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu tại hội nghị.
Đồng chí Trịnh Tuấn Sinh, Phó Bí thư Tỉnh ủy phát biểu tại hội nghị.
Kết luận nội dung này, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng đánh giá ý kiến đóng góp của các đồng chí Thường trực, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy là rất xác đáng và đề nghị Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo cơ quan soạn thảo tiếp thu một cách tối đa để hoàn thiện chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2022-2025.
Đồng chí Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu tại hội nghị.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy khẳng định: Trong nhiều năm qua tỉnh đã có nhiều chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiêp. Mục tiêu phát triển doanh nghiệp luôn được tỉnh thể hiện quyết tâm cao trong tổ chức thực hiện. Trong đó việc ban hành chính sách là cần thiết nhằm góp phần kiến tạo phong trào khởi nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy chuyển đổi số trong doanh nghiệp và phát triển doanh nghiệp cả về số lượng, chất lượng, gắn với nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp theo hướng bền vững. Tuy nhiên, chính sách hỗ trợ phải được văn bản hóa, văn bản pháp quy để thực hiện công khai, minh bạch, công bằng, nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đề nghị Tờ trình cần hoàn thiện lại các nội dung đó là: Chính sách hỗ trợ nên cả cho doanh nghiệp chuẩn bị thành lập cũng như những doanh nghiệp thành lập đã lâu mà muốn nâng cao chất lượng, song phải căn cứ vào khả năng tài chính của tỉnh.
Chính sách một là hỗ trợ kinh phí bồi dưỡng kiến thức khởi sự doanh nghiệp. Trong đó đối tượng hỗ trợ là hộ kinh doanh và cá nhân có nhu cầu thành lập doanh nghiệp và các doanh nghiệp mới thành lập trên địa bàn tỉnh. Thời gian bồi dưỡng 2 ngày/lớp, mỗi lớp bồi dưỡng tối thiểu 50 học viên. Nội dung, chương trình của lớp bồi dưỡng phải đảm bảo tốt các yêu cầu về lý thuyết và thực tiễn.
Chính sách hai là hỗ trợ kinh phí chuyển phát kết quả thực hiện chính sách về đăng ký doanh nghiệp.
Về chính sách hỗ trợ kinh phí sử dụng chữ ký số cần phải viết cho đúng theo quy định của pháp luật đối với doanh nghiệp mới thành lập và điều kiện hỗ trợ.
Bên cạnh đó, cần xây dựng chính sách hỗ trợ về kết nối, chia sẻ thông tin, nhất là tuyên truyền, quảng bá giới thiệu sản phẩm của các doanh nghiệp trên các trang thông tin điện tử, cổng thông tin điện tử của các ngành, các địa phương.
Tại hội nghị, các đồng chí Thường trực, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng đã cho ý kiến vào Quy định chế độ dinh dưỡng đặc thù đối với huấn luận viên, vận động viên thể thao thành tích cao đội tuyển năng khiếu tỉnh Thanh Hóa; Dự thảo Quy định về tổ chức và hoạt động của đoàn kiểm tra, giám sát của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; Quy chế làm việc mẫu của các huyện, thị, thành ủy, đảng ủy trực thuộc; đánh giá, phân loại tập thể và cá nhân cán bộ lãnh đạo, quản lý năm 2021.
Theo Quốc Hương/Báo Thanh Hóa Điện tử
https://baothanhhoa.vn/thoi-su/ban-thuong-vu-tinh-uy-cho-y-kien-ve-viec-ban-hanh-mot-so-chinh-sach-ho-tro-phat-trien-doanh-nghiep-tren-dia-ban-tinh-thanh-hoa-giai-doan-2022-2025/154235.htm