Hà Nội những ngày này liên tiếp lập kỷ lục về số ca mắc COVID-19, nhưng cuộc sống “bình thường mới” lại bỗng “tự nhiên” hơn giai đoạn phải áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội bằng những mệnh lệnh hành chính.
Hà Nội linh hoạt điều chỉnh việc đi học trực tiếp của học sinh nhằm đảm bảo an toàn cho trẻ. Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN
Trong 7 ngày qua, trung bình số ca mới mắc COVID-19 được ghi nhận trong nước là gần 110.000 ca/ngày và Thủ đô Hà Nội luôn dẫn đầu với số ca đã vượt 25.000 trong ngày 5/3.
Số ca bệnh tăng cao đã gây ra nhiều hệ luỵ. Công chức, viên chức, người lao động phải nghỉ làm; học sinh phải dừng đến trường. Thiếu hụt nhân sự ở các cơ quan, công sở, doanh nghiệp, có nơi đến 50% lực lượng lao động là F0, đã ảnh hưởng lớn đến tiến độ công việc. Lực lượng y tế cơ sở bỗng quá tải vì số lượng F0 tăng đột biến cần những thủ tục xác nhận, quản lý. Ngành giáo dục cũng bối rối khi cả thầy cô và học sinh phải xoay vần với cảnh học on – off, đến trường vài bữa lại quay về học trực tuyến. Với mỗi gia đình có F0, cuộc sống cũng bị đảo lộn không nhỏ, chưa kể tốn thêm chi phí cho việc phòng, chống dịch. Hệ quả là những cơn “sốt giá” kit test, thuốc hỗ trợ, thuốc điều trị, thậm chí đến cả nước muối sinh lý cũng khan hiếm…
Thế nhưng nhìn một cách tổng thể, các hoạt động kinh tế - xã hội ở Thủ đô - trái tim của cả nước vẫn đang diễn ra một cách “bình thường mới”. Không còn cảnh phong toả diện rộng, nhiều cửa hàng, dịch vụ vẫn mở cửa đón khách và mọi người đều nâng cao ý thức tuân thủ 5K, nhất là đeo khẩu trang. Các F0 khỏi bệnh lại đi làm, thậm chí F0 triệu chứng nhẹ vẫn làm việc online. Thời gian điều trị và cách ly đã được rút ngắn. Các trường học vẫn nỗ lực bằng nhiều cách tổ chức học tập để truyền đạt đầy đủ kiến thức cho học sinh…
Điều quan trọng nhất để nhịp sống vẫn tiếp diễn trong bối cảnh làn sóng dịch dâng cao là hệ thống y tế vẫn trụ vững. Tại cuộc họp thứ 13 của Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COIVD-19 ngày 5/3, Bộ Y tế đã nhận định đến nay dịch COVID-19 cơ bản đang được kiểm soát trên phạm vi cả nước cho dù so với tháng trước, số ca cộng đồng cả nước tăng 197,9% nhưng số ca tử vong giảm 47,1%. Số ca đang điều trị tại bệnh viện giảm 24,5%, số ca nặng, nguy kịch giảm 43,1%, vẫn trong khả năng đáp ứng của hệ thống y tế. Tỷ lệ chết/mắc của 30 ngày qua là 0,2%, giảm 0,8% so với tháng trước.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết: “Vaccine hiện nay đặc biệt hiệu quả trong giảm mức độ nặng, ca tử vong và nhập viện. Vì vậy việc tiêm chủng phải được coi là ưu tiên hàng đầu. Tuy nhiên, khả năng tái nhiễm của biến chủng Omicron là có nên vẫn phải thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch. Trong giai đoạn này, việc thực hiện thông điệp 5K + vaccine + thuốc điều trị và ý thức người dân là rất quan trọng”.
Đánh giá về kết quả trên, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, do kiểm soát tốt dịch COVID-19 nên việc phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đạt kết quả tích cực trên tất cả các mặt. Từ mối quan hệ chặt chẽ của hai nhiệm vụ này, khẳng định đường lối đúng đắn của Đảng khi chuyển hướng chiến lược trong phòng, chống dịch; việc triển khai chỉ đạo của Quốc hội và Chính phủ; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; sự đồng tình, ủng hộ của người dân và cộng đồng doanh nghiệp; sự hỗ trợ của bạn bè, đối tác quốc tế.
Với tinh thần phòng, chống dịch là không có tiền lệ nên không cầu toàn, không nóng vội, bám sát tình hình để tiếp tục rút kinh nghiệm, điều chỉnh phù hợp, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu kiên trì, kiên quyết thực hiện chủ trương của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội, Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ, kiểm soát các trường hợp nguy cơ cao, chuyển nặng, tử vong; tiếp tục thực hiện nghiêm và linh hoạt, hiệu quả công thức “5K+vaccine+thuốc điều trị+công nghệ+đề cao ý thức người dân và các biện pháp linh hoạt khác”, vận dụng linh hoạt trong điều kiện cụ thể.
Điều đó có nghĩa là trong thời gian tới, sẽ tiếp tục có nhiều biện pháp thích ứng linh hoạt để phòng, chống dịch. Nhưng cũng như mở cửa trường học vào tháng trước, đa số các ý kiến đều đồng thuận cho học sinh đến trường. Đến khi số ca mắc bùng phát, nhiều trường học phải quay trở lại học trực tuyến, có những ý kiến lại lên tiếng chỉ trích mà quên mất rằng đó là giải pháp tối ưu nhất chứ không thể cầu toàn, buộc chúng ta phải linh hoạt.
Mới đây Bộ Y tế đã đề xuất, F0 không có triệu chứng, đang cách ly, tự nguyện quay lại làm việc có thể chăm sóc người bệnh COVID-19; F1 được phép tham gia các công việc trực tiếp và trực tuyến với những điều kiện nhất định. Sẽ có những rủi ro nhất định khi nới lỏng cho F0 và F1, nhưng để đạt được “đa mục tiêu” kiểm soát dịch, thúc đẩy phục hồi, phát triển nhanh và bền vững, đảm bảo an sinh xã hội, quốc phòng an ninh thì chúng ta cũng phải cân nhắc, so sánh thiệt hơn.
Ngày 15/3 tới đây, ngành du lịch sẽ được mở cửa đón khách quốc tế. Dù chưa có phương án cụ thể cuối cùng nhưng chắc chắn cũng sẽ không thể cầu toàn. Bởi vậy, mọi giải pháp đều lấy người dân, doanh nghiệp làm chủ thể, trung tâm như Thủ tướng chỉ đạo thì sẽ luôn có sự đồng thuận cao nhất.
Địa chỉ: Tòa nhà hợp khối các đơn vị sự nghiệp, đường Lý Nam Đế, P. Đông Hương, TPTH
Người chịu trách nhiệm chính: Bà Nguyễn Thị Thương Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Thanh Hóa
ĐT:
02373.752.456
Hotline: 0918.084.568
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com