Thứ ba, ngày 26/11/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Nghề báo
Chuyển đổi số - một yếu tố quyết định đến sự phát triển của Báo Thanh Hóa (11/03/2022-15:17)
    Cuối thế kỷ XX đầu thế kỷ XXI, thế giới chứng kiến sự phát triển như vũ bão của công nghệ số, tác động mạnh mẽ, sâu rộng đến mọi quan hệ của mọi giới, mọi ngành nghề và mọi người; từ chính trị đến kinh tế, văn hóa, xã hội, đối ngoại; từ sản xuất đến dịch vụ tại hầu hết các quốc gia trên toàn thế giới.

Đồng chí Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa thăm studio của Báo Thanh Hóa. (Tháng 2-2021)

Theo cuốn “Cẩm nang chuyển đổi số” của Bộ Thông tin và Truyền thông, thế giới đã và đang chứng kiến 3 làn sóng công nghệ, mỗi làn sóng kéo dài khoảng 15 năm. Làn sóng thứ nhất, từ năm 1985 đến năm 1999, gắn với sự phổ biến của máy vi tính, có thể tạm gọi là làn sóng số hóa thông tin, chuyển các tài liệu từ bản giấy sang bản điện tử. Làn sóng thứ hai, từ năm 2000 đến năm 2015, gắn với sự phổ biến của internet, điện thoại di động và mạng viễn thông di động, có thể tạm gọi là làn sóng số hóa quy trình nghiệp vụ, tin học hóa các quy trình nghiệp vụ để nâng cao năng suất, hiệu quả. Làn sóng thứ ba, được cho là từ năm 2015 và dự báo kéo dài đến năm 2030, gắn với sự phát triển đột phá của công nghệ số, có thể tạm gọi là làn sóng chuyển đổi số, đưa toàn bộ các hoạt động từ xã hội thực lên không gian mạng, từ môi trường truyền thống lên môi trường số.

Như vậy, chuyển đổi số là xu hướng tất yếu không thể đảo ngược trong tiến trình phát triển của thế giới ngày nay. Và báo chí nói chung, Báo Thanh Hóa nói riêng - với tư cách là một ngành, nghề luôn tiếp xúc sớm nhất, phản ứng nhanh nhạy nhất với mọi biến động xã hội, đương nhiên, không thể nằm ngoài quỹ đạo của sự phát triển này.

Chuyển đổi số - một yếu tố quyết định đến sự phát triển của Báo Thanh HóaTòa nhà Báo Thanh Hóa và Trung tâm báo chí TP Thanh Hóa.

Sự chuyển mình trong kỷ nguyên số

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 1996-2000 xác định công nghiệp hóa, hiện đại quê hương, đất nước là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược gắn liền với độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Đây cũng là giai đoạn làn sóng số hóa thông tin gắn với sự phổ biến của máy vi tính bắt đầu phát triển ở nước ta. Nhận thức rõ vai trò của khoa học và công nghệ có tác động mạnh mẽ đến sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa quê hương, đất nước nói chung, sự phát triển của báo giới nói riêng; được sự đồng ý của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Báo Thanh Hóa đã xây dựng đề án nhằm tin học hóa quy trình xuất bản báo, đáp ứng nhiệm vụ tuyên truyền trong tình hình mới. Và ngày 12-12-1996, số báo đầu tiên ứng dụng công nghệ chế bản và tách màu điện tử tại Báo Thanh Hóa đã được ra mắt bạn đọc. Cùng với đó, Báo Thanh Hóa tổ chức khai thác thông tin trên mạng internet qua đường truyền VNN1260; biên tập, tổng hợp các bản tin hàng ngày từ các kênh của Thông tấn xã Việt Nam, BBC, AP, RFA,... đáp ứng nhu cầu thụ hưởng thông tin của bạn đọc trong tỉnh. Với việc ứng dụng công nghệ tách màu điện tử thông qua kỹ thuật in lazer trên nền phim chịu nhiệt, quy trình chế bản báo in của Báo Thanh Hóa tạo nên bước ngoặt trong trình bày nội dung và hình thức ấn phẩm Báo Thanh Hóa thường kỳ, được nhiều cơ quan báo Đảng địa phương đến tham quan, học tập và nhận chuyển giao công nghệ; điển hình như: Báo Ninh Bình, Báo Thái Nguyên, Báo Lạng Sơn...

Chuyển đổi số - một yếu tố quyết định đến sự phát triển của Báo Thanh HóaĐồng chí Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa thăm và đọc các ấn phẩm của Báo Thanh Hóa.

Bước vào làn sóng công nghệ thứ hai, cùng với sự phát triển nhanh chóng của mạng internet, việc xây dựng báo điện tử là không thể thiếu đối với các cơ quan thông tấn báo chí. Với ưu thế mà báo in không có được, báo điện tử đề cập một cách nhanh nhất các tin tức, sự kiện diễn ra hàng ngày, hàng giờ trong đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội. So với báo in, phát thanh, truyền hình, báo điện tử còn có khả năng lưu trữ, quản lý thông tin hiệu quả, gọn nhẹ, đỡ tốn kém, phục vụ kịp thời cho việc tra cứu của độc giả theo yêu cầu. Bên cạnh đó, báo điện tử còn có thể khắc phục được cơ bản những trở ngại về không gian địa lý và hàng rào pháp lý.

Bám sát nội dung Đề án “Đổi mới và định hướng phát triển Báo Thanh Hóa giai đoạn 2001-2010” đã được Ban Thường vụ Tỉnh ủy phê duyệt; Chỉ thị 52-CT/TW ngày 22-7-2005 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về phát triển và quản lý báo điện tử, Báo Thanh Hóa đã xây dựng đề án thành lập Báo Thanh Hóa điện tử và được Ban Thường vụ Tỉnh ủy lựa chọn là một trong các công trình chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI. Sáng 6-12-2005, trước sự chứng kiến của đồng chí Phạm Văn Tích, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh và các đồng chí lãnh đạo tỉnh cùng đại diện các cơ quan báo chí Trung ương và các tỉnh, thành bạn, Báo Thanh Hóa điện tử chính thức ra mắt bạn đọc tại địa chỉ baothanhhoa.com.vn (nay là baothanhhoa.vn)

Chuyển đổi số - một yếu tố quyết định đến sự phát triển của Báo Thanh HóaĐồng chí Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa thăm phòng Báo Thanh Hóa điện tử. (Tháng 2-2021)

Cùng với báo in, Báo Thanh Hóa điện tử góp thêm một tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thanh Hóa giới thiệu vùng đất và con người xứ Thanh có bề dày truyền thống cách mạng, giàu bản sắc văn hóa với bạn bè bốn phương. Phát biểu tại lễ khai trương, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Văn Tích nhấn mạnh: “Công trình hoàn thành, đưa vào sử dụng được Ban Thường vụ Tỉnh ủy công nhận và gắn biển là Công trình chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI. Đây là sự kiện có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, mở ra thời kỳ mới của báo chí tỉnh ta. Từ nay bạn bè trong nước và quốc tế có điều kiện đọc Báo Thanh Hóa kịp thời và thường xuyên hơn để tìm hiểu mọi mặt của đời sống xã hội của quê hương, đất nước, nhất là cơ hội đầu tư vào tỉnh, góp phần vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa quê hương, đất nước”.

Chuyển đổi số - một yếu tố quyết định đến sự phát triển của Báo Thanh Hóa

Trước xu hướng dịch chuyển của truyền thông trong kỷ nguyên số, Báo Thanh Hóa đã triển khai xây dựng Đề án “Đổi mới và nâng cao chất lượng toàn diện Báo Thanh Hóa đến năm 2020, định hướng đến năm 2025”, trong đó tập trung đổi mới quy trình xuất bản theo hướng xây dựng “Tòa soạn hội tụ” đa loại hình. Ngày 19-10-2016, Thường trực Tỉnh ủy đã ban hành Kết luận số 48-KL/TU phê duyệt đề án với mục tiêu “Đổi mới mạnh mẽ, nâng cao chất lượng toàn diện Báo Thanh Hóa; trọng tâm là đổi mới mạnh mẽ cơ chế quản lý, có lộ trình thực hiện tự chủ, áp dụng mô hình tòa soạn hiện đại; xây dựng đội ngũ phóng viên, biên tập viên có bản lĩnh chính trị vững vàng, nghiệp vụ giỏi, đạo đức nghề nghiệp tốt; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng các ấn phẩm của báo, phát triển các loại hình báo chí, bảo đảm thông tin nhanh nhạy, kịp thời, chính xác; thực hiện tốt nhiệm vụ tuyên truyền, tạo sự thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận trong xã hội, xứng đáng là cơ quan ngôn luận của Đảng bộ tỉnh, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa”.

Chuyển đổi số - một yếu tố quyết định đến sự phát triển của Báo Thanh Hóa

Xác định “báo in là nền tảng, báo điện tử là mũi nhọn”, trong giai đoạn này, Báo Thanh Hóa đã triển khai thiết kế và nâng cấp hệ thống quản trị nội dung (CMS) theo hướng hiện đại, thân thiện với độc giả, có sức lan tỏa lớn trên nền tảng internet. Các tác phẩm báo chí được xây dựng theo hướng đa phương tiện kết hợp hình ảnh, video, audio, Infographic, E-Magazine... Nhiều tác phẩm được chú trọng cả về nội dung và hình thức, tạo sức lan tỏa rộng khắp và được bạn đọc đánh giá cao. Báo Thanh Hóa cũng phối hợp với các đối tác xây dựng ứng dụng đọc báo trên các thiết bị thông minh di động, tối ưu hóa công cụ tìm kiếm trêninternet để các tác phẩm của Báo Thanh Hóa có sức lan tỏa mạnh hơn. Bên cạnh đó, xây dựng fanpage Báo Thanh Hóa trên các nền tảng mạng xã hội như facebook, zalo, twitter... để chuyển tải thông tin đến nhiều đối tượng độc giả, nhất là giới trẻ.

Chuyển đổi số - một yếu tố quyết định đến sự phát triển của Báo Thanh Hóa

Định vị sự phát triển của Báo Thanh Hóa trong kỷ nguyên số

Với mục tiêu “phấn đấu đến năm 2025, Báo Thanh Hóa trong nhóm các tờ báo Đảng cấp tỉnh hàng đầu của cả nước, đến năm 2030 trở thành cơ quan truyền thông đa phương tiện, hiện đại”, Báo Thanh Hóa đã xây dựng Đề án “Phát triển toàn diện Báo Thanh Hóa đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” và ngày 14-2-2022, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Kết luận số 728-KL/TU về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng toàn diện Báo Thanh Hóa đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, Báo Thanh Hóa tiếp tục thực hiện mô hình “Tòa soạn hội tụ” và cơ quan truyền thông đa phương tiện, lấy báo in làm nền tảng, báo điện tử là đột phá; xây dựng lộ trình phát triển các sản phẩm báo nói, báo hình nhằm khai thác tối đa thế mạnh của từng loại hình báo chí, bảo đảm đồng bộ, thống nhất.

Chuyển đổi số - một yếu tố quyết định đến sự phát triển của Báo Thanh Hóa

Thực hiện Kết luận số 728-KL/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và hiện thực hóa mục tiêu của đề án, Báo Thanh Hóa xác định chuyển đổi số là xu hướng tất yếu, tạo ra sự đổi mới căn bản, toàn diện các hoạt động tác nghiệp và vận hành của cơ quan truyền thông. Chuyển đổi số không đơn giản chỉ là quá trình số hóa và nâng cấp mức độ ứng dụng công nghệ thông tin mà đây là một bước ngoặt, bước phát triển tạo nên sự đột phá to lớn trong các hoạt động báo chí để đáp ứng nhu cầu và đòi hỏi ngày càng cao của công dân số trong một chính phủ số, xã hội số và nền kinh tế số.

 
Chuyển đổi số - một yếu tố quyết định đến sự phát triển của Báo Thanh Hóa

Theo đó, các xu hướng báo chí mới xuất hiện, như: đa phương tiện, đa nền tảng, báo chí di động, báo chí dữ liệu, báo chí xã hội, báo chí sáng tạo... Đặc biệt, theo cam kết của các đơn vị cung cấp hạ tầng mạng viễn thông, năm 2022 mạng 5G sẽ bắt đầu được phủ sóng trên phạm vi toàn quốc, vì vậy các cơ quan báo chí cần phải chuẩn bị cho một tương lai liên quan đến việc đưa nội dung trên nhiều thiết bị và kênh phân phối. Nếu xác định yếu tố nội dung đóng vai trò quyết định đến sự tiếp cận của độc giả, thì yếu tố kỹ thuật và công nghệ có vai trò quan trọng, là phương tiện chuyển tải thông tin nhanh nhất đến bạn đọc; hỗ trợ cán bộ, phóng viên, biên tập viên hoàn thành tác phẩm một cách nhanh nhất, kịp thời nhất. Định vị sự phát triển trong thời gian tới, Báo Thanh Hóa xác định một số nhiệm vụ trọng tâm trong chuyển đổi số:

Một là, xây dựng tòa soạn hội tụ với công nghệ hiện đại, đưa toàn bộ nghiệp vụ báo chí lên môi trường số, bao gồm các hoạt động quản lý quy trình xuất bản, quản trị nội bộ của tòa soạn, hoạt động tương tác 2 chiều với bạn đọc, đo lường số lượng người đọc, ứng dụng công nghệ trong thiết kế, trình bày nội dung...

Hai là, phân tích thông tin, dư luận trên mạng xã hội, nhờ đó nhận biết được nhu cầu thông tin của công chúng, từ đó giúp tòa soạn xây dựng các tuyến tin, bài đáp ứng được mong muốn của người đọc, đúng thời điểm người đọc cần.

Ba là, xây dựng “lá chắn” hỗ trợ phòng chống tấn công và ứng cứu khẩn cấp cho hệ thống thông tin nhằm bảo vệ toàn bộ hoạt động quản lý, vận hành, tác nghiệp trên môi trường số của Báo Thanh Hóa.

Kỷ niệm 60 năm ngày Báo Thanh Hóa ra số đầu (20-3-1962 - 20-3-2022), mỗi cán bộ, phóng viên, biên tập viên Báo Thanh Hóa phải thực sự chuyển mình trong cả tư duy nội dung và kỹ năng tác nghiệp trong môi trường số, quyết tâm xây dựng Báo Thanh Hóa trở thành cơ quan truyền thông đa phương tiện, hiện đại, xứng đáng là đơn vị truyền thông chủ lực của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa.

Theo Nhà báo Ngô Quang Tự - Phó Tổng Biên tập Báo Thanh Hóa/Báo Thanh Hóa Điện tử

https://baothanhhoa.vn/60-nam-bao-thanh-hoa/chuyen-doi-so-mot-yeu-to-quyet-dinh-den-su-phat-trien-cua-bao-thanh-hoa/154663.htm

 

 

Các tin khác:
  • Nhà báo, Chuyên gia truyền thông Lê Quốc Vinh - Tổng Giám đốc Tập đoàn Truyền thông Lê (Le Group of Companies): Độc giả tiếp cận thông tin trên ứng dụng MXH nào - báo chí phải xuất hiện ở đó (11/03/2022-15:03)
  • Phát triển ứng dụng trí tuệ nhân tạo để giám sát mạng xã hội (11/03/2022-14:59)
  • Bổ nhiệm nhà báo Nguyễn Văn Minh giữ chức vụ Phó Tổng Biên tập Báo Công Thương (11/03/2022-14:56)
  • Bổ sung kinh phí tăng cường đặt hàng đối với các cơ quan báo chí (11/03/2022-14:45)
  • Bình chọn, tôn vinh “Gương sáng Pháp luật” lần thứ hai: Cổ vũ, lan tỏa tinh thần Thượng tôn pháp luật (10/03/2022-14:16)
  • Trao giải trực tuyến 11 tác phẩm xuất sắc tại cuộc thi viết "Bên nhau ngày Tết" (10/03/2022-14:12)
  • Đưa tin về bạo lực phụ nữ và trẻ em gái cần lắm sự động viên, chia sẻ, chân thành (09/03/2022-11:54)
  • Giải Búa liềm vàng lần thứ VII - năm 2022: Nhiều điểm mới tăng thêm sức hút (09/03/2022-11:49)
  • NSND Tuyết Mai - Giọng đọc "huyền thoại" của Đài TNVN (07/03/2022-9:33)
  • Thực tiễn xây dựng Đảng ở địa phương trong “Gần dân để kết nối vạn dân” (04/03/2022-15:14)