Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng sáng lập nhiều tờ báo, cũng như viết hàng nghìn bài báo phục vụ cách mạng, bởi lẽ Người hiểu hơn ai hết tầm quan trọng của báo chí trong việc tuyên truyền, cổ vũ cho độc lập tự do của dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Người khẳng định “Cái bút là vũ khí sắc bén, tờ báo là tờ hịch cách mạng”. Với chức năng là công cụ đấu tranh xã hội hết sức tích cực và hiệu quả, báo chí luôn được các lực lượng cách mạng sử dụng như vũ khí tuyên truyền nhằm tập hợp, kêu gọi quần chúng. Chính vì lẽ đó, sự ra đời của các tờ báo nhằm cổ vũ, kêu gọi Nhân dân đấu tranh là một yêu cầu tất yếu trước phong trào cách mạng đang lên ở Thanh Hóa những năm đầu thành lập Đảng bộ. Đồng thời, những tờ báo tiền thân như “Tiến lên” (1930), “Hồn lao động” (1934), “Tia Sáng” (1936), “Tự do” (1940), “Đuổi giặc nước” và “Gái ra trận” (1942), “Khởi nghĩa” (1945), “Chống giặc” (1946), Tờ tin Thanh Hóa (khoảng năm 1955, 1956), đã tạo nền tảng vững chắc cho sự ra đời của Báo Thanh Hóa - cơ quan ngôn luận sắc bén của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa suốt 60 năm qua!
Ngay trong số báo đầu tiên phát hành vào ngày 20-3-1962, Báo Thanh Hóa đổi mới (từ 1962 đến 1966 tờ báo mang tên Báo Thanh Hóa đổi mới) đã gửi lời tri ân sâu sắc đến đông đảo bạn đọc: “Nguyện luôn luôn làm người lính tiên phong, sát cánh cùng bạn đọc trong cuộc đấu tranh cho sự nghiệp xây dựng xã hội chủ nghĩa và hòa bình thống nhất nước nhà, làm cho Thanh Hóa giàu đẹp, đổi mới không ngừng, làm cho mối tình đoàn kết Thanh Hóa – Quảng Nam ngày thêm son sắt”!. Với phương châm hành động ấy, Báo Thanh Hóa đã góp phần cổ vũ, động viên Nhân dân đoàn kết quanh Đảng để thực hiện thắng lợi 2 nhiệm vụ chiến lược là xây dựng CNXH ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng dân tộc ở miền Nam. Đồng thời, đi qua chiến tranh gian khổ, đội ngũ cán bộ, phóng viên được tôi luyện bản lĩnh của “người lính trên mặt trận tư tưởng”, để nhanh chóng trưởng thành, góp phần quan trọng vào sự phát triển của tờ báo.
Tròn 60 năm kể từ số báo đầu tiên ra mắt bạn đọc, hẳn trong tâm thức của nhiều nhà báo lão thành từng gắn bó với tờ báo thời kỳ đầu, sẽ không bao giờ quên hình ảnh bảy gian nhà tranh tre nứa lá – trụ sở của báo và những phương tiện tác nghiệp hết sức nghèo nàn, gồm 1 máy đánh chữ R8 Minh Tông cũ, 1 máy ảnh Pratica cũ, 1 chiếc xe đạp công vụ, 1 máy điện thoại quay số bằng tay do Văn phòng Tỉnh ủy để lại và một số bàn ghế làm việc. Chỉ có một đường điện duy nhất ưu tiên cho việc rửa phim, làm ảnh, còn tất cả cán bộ, phóng viên, biên tập viên phải làm việc bằng đèn dầu hỏa... Nhắc lại để tri ân và càng thêm trân trọng khi thế hệ những người làm báo hôm nay đang được kế thừa “di sản” mà các thế hệ người làm báo đi trước đã dày công vun đắp. Đồng thời, để càng thêm tự hào khi được lao động trong môi trường báo chí hết sức sôi động và ngày càng chuyên nghiệp.
Trong bối cảnh hiện nay, khi báo chí đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức cả khách quan lẫn chủ quan, thậm chí là đứng trước bài toán khó: tồn tại hay không tồn tại. Do đó, đổi mới là con đường duy nhất đúng đối với báo chí nói chung, báo Đảng địa phương nói riêng. Tuy nhiên, đổi mới trong báo chí cũng phải xem xét trên nhiều phương diện, trong đó không thể không nhấn mạnh, đổi mới báo chí phải bắt rễ từ mảnh đất văn hóa dân tộc, để hoạt động báo chí thực sự đi vào bề rộng, chiều sâu và phát triển toàn diện. Nói cách khác, “Đổi mới báo chí theo tinh thần văn hóa, một cách có văn hóa và phát triển theo hướng phát triển của môi trường văn hóa dân tộc và cộng đồng thế giới” (T.S Đoàn Thị Đặng Hương) là xu hướng tất yếu. Và Báo Thanh Hóa – tờ báo được “sinh ra” từ mảnh đất địa linh nhân kiệt, nơi có bề truyền thống văn hóa - thì sự đổi mới càng không thể xa rời xu hướng ấy.
Nắm bắt xu thế và yêu cầu đó, từ những năm đầu của thế kỷ XXI, Báo Thanh Hóa đã khởi động cho công cuộc đổi mới. Đặc biệt, báo đã xây dựng và triển khai Đề án “Đổi mới và nâng cao chất lượng toàn diện Báo Thanh Hóa đến năm 2020, định hướng đến năm 2025”; mới đây nhất là Đề án “Phát triển toàn diện Báo Thanh Hóa đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Kết quả từ quá trình triển khai đề án những năm qua và hiện nay đã mang lại một diện mạo mới về chất cho tờ báo. Cơ sở vật chất khang trang và trang thiết bị, máy móc hiện đại đã tạo điều kiện tốt nhất cho quá trình làm việc, tác nghiệp của cán bộ, phóng viên, nhân viên. Đặc biệt, xác định con người là nhân tố căn bản để thực hiện đổi mới toàn diện, nhiều năm qua, Báo Thanh Hóa đặc biệt quan tâm đến việc lựa chọn, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên có chuyên môn nghiệp vụ vững vàng, bản lĩnh chính trị và phẩm chất đạo đức trong sáng.
Năm 2021, sau khi thực hiện sáp nhập Báo Văn hóa- Đời sống về Báo Thanh Hóa, hiện đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên, nhân viên của tờ báo là 91 người, phần lớn có trình độ Đại học và trên đại học. Đây là lực lượng hùng hậu và là động lực thúc đẩy sự đổi mới, phát triển của tờ báo trong giai đoạn mới. Quan điểm của Báo Thanh Hóa trong chặng đường sắp tới, đến năm 2030 và xa hơn, đó là tiếp tục bám sát tôn chỉ, mục đích, chức năng, nhiệm vụ, để tập trung tuyên truyền tốt nhất, hiệu quả nhất các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị đến cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân; quyết liệt đổi mới tư duy, nâng cao hiệu quả công tác quản lý, điều hành theo xu hướng phát triển báo chí hiện đại; nâng cao chất lượng các ấn phẩm, xây dựng Báo Thanh Hóa trở thành cơ quan truyền thông chủ lực đa phương tiện của tỉnh trong việc cung cấp các thông tin chính thống về Thanh Hóa, đáp ứng yêu cầu công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp và sự mong mỏi của độc giả.
Theo đó, Báo Thanh Hóa tiếp tục giữ nguyên 5 ấn phẩm như hiện nay (3 ấn phẩm báo in và 2 ấn phẩm báo điện tử). Trong đó, đối với các ấn phẩm báo in, giữ nguyên 8 trang đối với Báo Thanh Hóa hàng ngày, 20 trang đối với Báo Thanh Hóa hằng tháng và 16 trang đối với báo Thanh Hóa cuối tuần. Tập trung đổi mới, nâng cao toàn diện nội dung, hình thức, chất lượng các ẩn phẩm theo hướng tăng cường chuyên mục, nhất là chuyên mục về các vấn đề, thể loại được bạn đọc quan tâm hiện nay nhằm thông tin, phản ánh đầy đủ, kịp thời, chính xác các sự kiện thời sự chính trị của tỉnh và đất nước; công tác chỉ đạo, điều hành của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; các cấp, các ngành… trên Báo Thanh Hóa hàng ngày và tổ chức các chuyên đề, tổng kết mô hình, tăng các vấn đề mang tính giải trí trên các ấn phẩm Báo Thanh Hóa cuối tuần, Báo Thanh Hóa hằng tháng. Cùng với nâng cao chất lượng nội dung sẽ tiếp tục nâng cao thêm một bước trong thiết kế, tiệm cận xu hướng trình bày báo chí hiện đại trong nước và trên thế giới.
Đối với các ấn phẩm điện tử, bảo đảm tất cả các thông tin thời sự, chính trị, kinh tế - xã hội, những vấn đề mới, nóng diễn ra hàng ngày trên địa bàn tỉnh và các sự kiện thời sự, chính trị quan trọng của đất nước, trở thành kênh thông tin nhanh, định hướng sớm, đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Theo đó, đối với Báo Thanh Hóa điện tử sẽ tăng cường thực hiện các bản tin truyền hình, chương trình đối thoại truyền hình trực tuyến, phóng sự ảnh, video clip, E-Magazine, Infografic. Đồng thời phát triển những thể loại báo chí mới như “bài báo phong cách tạp chí” hay “siêu tác phẩm báo chí”, xem đây là một trong những lợi thế cạnh tranh, thu hút độc giả, bắt kịp xu hướng phát triển của báo điện tử trên thế giới.
Đối với chuyên trang Văn hóa và Đời sống điện tử, tập trung nâng cao chất lượng các chuyên trang về công tác dân tộc - miền núi; sắc thái văn hóa xứ Thanh; du lịch; thể thao; nhịp sống đô thị; nhịp sống số; gia đình - nhà trường - xã hội; văn hóa, văn học - nghệ thuật xứ Thanh nhằm cung cấp cho độc giả một cái nhìn khách quan, đa chiều, chính xác về vẻ đẹp của đất và người xứ Thanh, tiềm năng, lợi thế và sự phát triển của Thanh Hóa.
Bên cạnh nâng cao toàn diện chất lượng các ấn phẩm báo chí, Ban Biên tập sẽ tập trung chỉ đạo thực hiện các tác phẩm báo chí tham dự giải báo chí Quốc gia và giải báo chí chuyên ngành do các ban, bộ, ngành Trung ương phát động. Hằng năm có kế hoạch cụ thể để bồi dưỡng, tập huấn, định hướng nâng cao trình độ cho phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên; thành lập các nhóm phóng viên chuyên sâu, có năng lực, khả năng thể hiện tác phẩm để thực hiện.
Để đảm bảo sự thống nhất, tập trung, hiệu quả trong quản lý, điều hành, Báo Thanh Hóa cũng sẽ từng bước sắp xếp, sáp nhập một số phòng chuyên môn có chức năng, nhiệm vụ tương đồng, đến năm 2025 giảm từ 9 phòng xuống còn 6 phòng. Đặc biệt, Ban Biên tập và lãnh đạo các phòng chuyên môn phải tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hơn nữa tư duy công tác lãnh đạo, quản lý theo xu hướng phát triển báo chí hiện đại; tạo môi trường làm việc tốt nhất để phát huy tối đa năng lực, sở trường, sự cống hiến, khát vọng vươn lên của đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên, nhân viên, đáp ứng yêu cầu thông tin ngày càng cao của độc giả và sự phát triển của Báo Thanh Hóa. Thực hiện mạnh mẽ mô hình “Tòa soạn hội tụ” và cơ quan báo chí đa phương tiện. Trong đó, lấy báo in làm nền tảng, báo điện tử làm mũi nhọn, khai thác tối đa thế mạnh của loại hình báo chí, tránh chồng chéo về nội dung và lãng phí nguồn nhân lực; phân công trách nhiệm, nhiệm vụ cụ thể, rõ ràng, phù hợp vị trí việc làm cho từng nhân sự, tạo sự thống nhất giữa bộ phận xuất bản báo in và báo điện tử. Quan tâm xây dựng, hình thành đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý có bản lĩnh chính trị vững vàng, có kiến thức quản lý Nhà nước, chuyên môn nghiệp vụ; có kinh nghiệm, nhãn quan chính trị, năng lực, kỹ năng xử lý thông tin; am hiểu công nghệ… để chỉ đạo thực hiện tốt nhiệm vụ công tác thông tin, tuyên truyền, nhất là những vấn đề bức xúc, nhạy cảm hoặc các sự kiện, vấn đề thời sự chính trị lớn, quan trọng của tỉnh và đất nước.
Cùng với xây dựng đội ngũ phóng viên, biên tập viên có đạo đức nghề nghiệp trong sáng, có chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng công nghệ, Báo Thanh Hóa sẽ có cơ chế, chính sách thu hút đội ngũ cộng tác viên chuyên sâu. Thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và trình duyệt tin, bài. Cùng với việc triển khai thực hiện phần mềm quản lý văn bản và hồ cơ công việc, chỉ đạo, điều hành của Ban Biên tập, lãnh đạo các phòng chuyên môn, tất cả tin, bài sẽ duyệt trên hệ thống, tiết kiệm chi phí vật tư trong công tác xuất bản báo. Tăng cường đầu tư trang, thiết bị hiện đại phục vụ tác nghiệp của phóng viên và nân g cao chất lượng in ấn. Theo đó, cùng với việc khai thác, sử dụng hiệu quả các trang, thiết bị hiện có, sẽ nghiên cứu từ các nguồn lực, tiếp tục đầu tư mua sắm thêm một số trang, thiết bị hiện đại phục vụ tác nghiệp như máy ảnh, máy ghi âm kỹ thuật số, máy quay phim, flycam, máy tính…
Hành trình 60 năm có thể là một chặng đường chưa dài, song đó là những năm tháng không thể nào quên với những thế hệ người làm báo Báo Thanh Hóa. Dù trải qua nhiều giai đoạn, nhiều bối cảnh lịch sử khác nhau, song với mỗi người thì 60 năm ấy chất chứa biết bao nhiêu tình cảm mến yêu, cay đắng, ngọt bùi. Bởi tờ báo là nơi họ đã gửi gắm cả thời thanh xuân sôi nổi, với bầu nhiệt huyết và khát khao cống hiến, để gom lại cho mỗi người một “gia tài” thành quả - có thể không lớn lao - song tất cả đều sẽ thành một hạt cát lấp lánh làm nên dải bờ biển lung linh sắc màu của những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội xứ Thanh. Đồng thời, mỗi người đã góp gây dựng nên một truyền thống, một lịch sử đáng tự hào cho tờ báo, để thế hệ người làm báo hôm nay càng thêm vững tin tiếp bước cha anh.
Đặc biệt, trong suốt 60 năm ra đời và phát triển, dưới sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Thường trực, Thường vụ Tỉnh ủy và Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, cùng sự quan tâm của các cấp, các ngành, Báo Thanh Hóa đã không ngừng nỗ lực, cố gắng thực hiện tốt vai trò xung kích trên mặt trận tư tưởng – văn hóa của Đảng, góp phần quan trọng vào việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương. Đồng thời, Báo Thanh Hóa đã tạo được sự tin cậy, yêu mến và ủng hộ của đông đảo bạn đọc. Đây chính là động lực, là nguồn cổ vũ, động viên to lớn để Báo Thanh Hóa tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng thông tin, chất lượng các ấn phẩm và nhất là nâng cao sức chiến đấu, sức phản biện của báo chí hiện đại. Từ đó, tiếp tục hoàn thành sứ mệnh là một “ngọn cờ đầu” trên mặt trận tư tưởng- văn hóa. Đồng thời, thôi thúc khát vọng sáng tạo và phát triển mạnh mẽ cho thế hệ những người làm báo hôm nay.
Ra đời trong giai đoạn bão táp cách mạng, khi cả dân tộc đang gánh trên vai nhiều trọng trách nặng nề, do vậy, Báo Thanh Hóa cũng đã trải qua không ít thăng trầm cùng lịch sử quê hương, đất nước. Song, chính thực tiễn lịch sử cùng những trăn trở để phát triển tờ báo đã giúp Báo Thanh Hóa nhanh chóng trưởng thành. Để rồi, tròn 60 năm xây dựng và trưởng thành, có thể tự hào khẳng định, Báo Thanh Hóa đã hoàn thành tốt vai trò là cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Thanh Hóa; tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Thanh Hóa. Mối quan hệ giữa Báo Thanh Hóa với sự nghiệp cách mạng trên quê hương Thanh Hóa là mối quan hệ máu thịt bền chặt. Và những Huân chương, Huy chương, Bằng khen, Giấy khen cao quý mà Đảng, Nhà nước, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thanh Hóa trao tặng là sự ghi nhận cho thành quả phát triển và những đóng góp của Báo Thanh Hóa cho sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc và xây dựng, kiến thiết quê hương, đất nước. Đồng thời, với những thành quả đạt được suốt 6 thập kỷ qua sẽ là nền tảng, là động lực và là hành trang để Báo Thanh Hóa bước vào một giai đoạn phát mới, với niềm tin và kỳ vọng về tương lai rạng rỡ.
Nội Dung: Việt Ba
Đồ Họa: Mai Huyền
Theo Báo Thanh Hóa Điện tử
https://baothanhhoa.vn/thoi-su/e-magazine-xay-dung-bao-thanh-hoa-thanh-co-quan-bao-chi-da-phuong-tien-vung-manh-toan-dien/154738.htm