Thứ ba, ngày 26/11/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Nghề báo
Tôi viết về chúng tôi (20/03/2022-15:15)
    Mỗi người sinh ra đều chọn cho mình một nghề, và tôi đã chọn nghề báo.

Tình yêu với nghề báo đã cho tôi được gặp những người anh, người chị đáng kính. (Ảnh: Tiến Đông)

Ngay từ hồi học phổ thông, tôi đã yêu thích nghề làm báo. Lúc đó, tôi chỉ nghĩ đơn giản là nghề báo “được bay nhảy”, “được đi đây đi đó”; thậm chí trong mắt tôi lúc ấy, nghề báo còn là một nghề “sang chảnh”, nhẹ nhàng, sung sướng.

Nhưng càng về sau này, qua thực tế công việc, tôi càng hiểu nghề báo đầy đủ hơn, sâu sắc hơn. Để có một bài báo hay, tự thân người viết phải đầu tư rất nhiều công sức, trí tuệ, chưa kể phải đối mặt với những hiểm nguy luôn rình rập từ mặt trái của xã hội.

Tôi viết về chúng tôiHọ dạy cho tôi kĩ năng làm nghề và những bài học làm người.

Một cơ duyên đặc biệt đã đưa tôi đến với Báo Thanh Hóa. Về đây khi đã có 4 năm công tác tại các cơ quan báo chí trung ương, tôi tự tin mình viết ổn nhưng sau này thấy nhiều tác phẩm báo chí của các anh, chị đồng nghiệp cùng cơ quan đi vào lòng người. Từ bài báo đó, tỉnh đưa ra những chủ trương, chính sách mới phù hợp hơn, tôi thức tỉnh và điều chỉnh lại chính mình.

Tôi học ở các tiền bối cái hay và tránh cái dở ở họ. Tôi nhìn thấy ở tác phẩm báo chí của họ luôn phản ảnh đúng sự thật, nêu việc tốt, phản bác cái xấu. Họ không lợi dụng nghề báo để làm lợi cho bản thân mình mà bênh vực lẽ phải, bảo vệ sự thật…

Tôi viết về chúng tôiTôi nhìn thấy ở tác phẩm báo chí của họ luôn phản ảnh đúng sự thật, nêu việc tốt, phản bác cái xấu. (Ảnh: Tiến Đông)

5 năm ở Báo Thanh Hóa tôi thấy mình thật may mắn vì được lên rừng, xuống biển, đặt chân đến những vùng đất xa xôi, khó khăn nhất. Tôi xem mỗi lần tác nghiệp là một chuyến “du lịch” với những trải nghiệm lý thú.

Có lúc tôi vui sướng, hạnh phúc vì được gặp những con người tuyệt vời cả đức và tài, là tấm gương cho tôi học tập; lúc lại thấy phẫn nộ trước những tình cảnh trái ngang; cũng không ít lần rơi nước mắt với những mảnh đời bất hạnh... Tất cả những tình huống trải qua trong mỗi chuyến tác nghiệp đều giúp tôi trưởng thành hơn, để thêm yêu nghề và trân quý cuộc sống này.

Tôi viết về chúng tôiĐể có một bài báo hay, tự thân người viết phải đầu tư rất nhiều công sức, trí tuệ, chưa kể phải đối mặt với những hiểm nguy luôn rình rập từ mặt trái của xã hội.

Đến đây, tôi lại muốn viết đôi lời về những người làm báo khác - những người mà tôi thầm cảm ơn và kính trọng. Khác với hình ảnh mưu trí, khôn khéo tìm ra chân tướng sự thật, xông vào hiểm nguy, thậm chí bị đe dọa mạng sống… mà chúng ta vẫn thường dùng để khắc họa các nhà báo xông pha thực địa, thì những biên tập viên lại lặng lẽ đứng sau tấm màn nhung “mài ngọc”.

Họ ngồi đó, trong tòa soạn quanh năm suốt tháng, nhận bài và ảnh của người khác gửi về, đọc chính tả, sửa ngữ pháp, lựa chọn và căn chỉnh ảnh. Họ tìm kiếm tài liệu hàng giờ, bổ sung các thông tin nền cho phóng viên ngoài thực địa. Đôi lúc, họ gọi cho phóng viên để kiểm chứng và đưa ra những yêu cầu về thông tin hoặc các nhắc nhở về nguyên tắc.

Thú thật, đôi lần tôi cũng tự ái vì cho rằng cái mình làm là đúng, là mang màu sắc riêng. Một người không trực tiếp trải qua sẽ không thể hiểu, vì thế sẽ là quá nhẫn tâm khi thẳng tay cắt “đứa con tinh thần” của người khác từ 2.400 chữ xuống 800 chữ. Nhưng rồi qua thời gian, tôi nhận ra rằng trong một cơ quan, tổ chức, không ai, không vị trí nào ít quan trọng hơn. Một vị trí công việc ra đời và tồn tại là bởi nó thiết yếu. Và bất kỳ ai phụng sự hết sức cho một công việc, dù đó là đọc chính tả, làm kế toán hay lái xe, cũng xứng đáng nhận sự tôn trọng cao nhất. Tôi học được cách dẹp đi cái tôi của một tác giả. Tôi lắng nghe ý kiến của những người xử lý bài mình vì tôi biết họ đủ trình độ chuyên môn, kinh nghiệm để đưa ra quyết định hợp lý nhất.

Tôi viết về chúng tôiHọ không lợi dụng nghề báo để làm lợi cho bản thân mình mà bênh vực lẽ phải, bảo vệ sự thật… (Ảnh: Tiến Đông)

Nhân kỉ niệm 60 năm ngày Báo Thanh Hóa xuất bản số đầu tiên, xin được gửi lời cảm ơn chân thành nhất đến những người tiền bối đáng kính đã giúp tôi tìm lại đam mê và được làm báo một cách chân chính nhất. Dẫu biết rằng phía trước là một chặng đường dài, nhưng tôi sẽ luôn cố gắng và nỗ lực, sống hết mình bằng cái tâm của nghề để có những tác phẩm báo chí chất lượng, phản ánh chân thực nhất cuộc sống đời thường, góp phần nhỏ để dựng xây xã hội tốt đẹp hơn.

Theo Tăng Thúy/Báo Thanh Hóa Điện tử

https://baothanhhoa.vn/60-nam-bao-thanh-hoa/toi-viet-ve-chung-toi/155204.htm 

 

Các tin khác:
  • Xử phạt 5 triệu đồng đối tượng đăng tin sai sự thật, xúc phạm Cảnh sát giao thông (18/03/2022-16:22)
  • Giải thưởng báo chí Trần Mai Ninh sẽ nhận tác phẩm đến ngày 30/3/2022 (16/03/2022-16:24)
  • Xử lý website mạo danh Báo Giao thông, bán giấy phép lái xe giả (14/03/2022-8:31)
  • Nhà báo Dương Minh Anh - Báo Nhân Dân: Gửi ân tình vào tâm dịch (14/03/2022-8:27)
  • Chuyển đổi số - một yếu tố quyết định đến sự phát triển của Báo Thanh Hóa (11/03/2022-15:17)
  • Nhà báo, Chuyên gia truyền thông Lê Quốc Vinh - Tổng Giám đốc Tập đoàn Truyền thông Lê (Le Group of Companies): Độc giả tiếp cận thông tin trên ứng dụng MXH nào - báo chí phải xuất hiện ở đó (11/03/2022-15:03)
  • Phát triển ứng dụng trí tuệ nhân tạo để giám sát mạng xã hội (11/03/2022-14:59)
  • Bổ nhiệm nhà báo Nguyễn Văn Minh giữ chức vụ Phó Tổng Biên tập Báo Công Thương (11/03/2022-14:56)
  • Bổ sung kinh phí tăng cường đặt hàng đối với các cơ quan báo chí (11/03/2022-14:45)
  • Bình chọn, tôn vinh “Gương sáng Pháp luật” lần thứ hai: Cổ vũ, lan tỏa tinh thần Thượng tôn pháp luật (10/03/2022-14:16)