Học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (TP Thanh Hóa) trong giờ học.
Toàn tỉnh hiện có 2.073 cơ sở giáo dục, với tổng số 876.244 trẻ mầm non, học sinh phổ thông, học viên bổ túc văn hóa; trên 19.300 cán bộ quản lý, giáo viên, giảng viên, nhân viên. Những năm qua, bên cạnh việc đẩy mạnh các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, ngành giáo dục và đào tạo tập trung triển khai hiệu quả Đề án “Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học, giai đoạn 2018-2025” theo Quyết định 1299/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Ghé thăm Trường Mầm non Họa Mi (TP Thanh Hóa) dịp đầu năm, chúng tôi nhận thấy, việc xây dựng và thực hiện các quy tắc ứng xử, nền nếp trong trường học được nhà trường chú trọng thực hiện. Đúng 7 giờ 30 phút, tiếng trống trường vang lên, tất cả học sinh của trường đã đến đúng giờ. Các bé trai nhanh chóng kê bàn, ghế để chuẩn bị bữa sáng; các bé gái thì giúp nhau chải đầu tóc gọn gàng. Hơn 150 học sinh bán trú nhưng không chen lấn, xô đẩy, mà từ tốn, nhường nhịn, xếp hàng chờ nhau làm vệ sinh cá nhân, nhận đồ ăn sáng. Lê Thùy Linh là học sinh lớp mầm non Hoa Sen 1, vừa được chuyển từ Trường Mầm non Tân Sơn về, do chưa quen nếp sinh hoạt mới nên thường xuyên khóc nhớ nhà. Nhưng, ở đây bé được các cô hướng dẫn tận tình, bạn bè hòa đồng vui vẻ nên dần dần bé đã thích nghi và yêu thích việc học ở trường. Trong không gian của ngôi trường, ấm áp tình yêu thương của thầy, cô giáo và tình cảm bạn bè. Những nét đẹp ấy được hình thành từ quy tắc ứng xử văn hóa trường học mà nhà trường đã dày công xây dựng trong thời gian qua.
Nhận thức rõ tầm quan trọng của vấn đề nâng cao văn hóa ứng xử trong môi trường giáo dục, nhiều trường học trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã xây dựng và thực hiện quy tắc ứng xử học đường; đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức giáo dục văn hóa ứng xử theo hướng cân đối giữa dạy “chữ” và dạy “người”. Đồng thời, tăng cường giáo dục đạo đức, nâng cao trách nhiệm của đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và sự phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong xây dựng văn hóa ứng xử. Bên cạnh đó, các trường học tăng cường định hướng giúp học sinh sử dụng hiệu quả công nghệ thông tin, mạng xã hội trong học tập, rèn luyện, hướng nghiệp, giải trí lành mạnh và ứng xử văn hóa trên môi trường mạng. Qua đó, có 93% cán bộ quản lý, giáo viên, cán bộ công đoàn, đoàn, đội tại các trường học được bồi dưỡng nâng cao năng lực ứng xử văn hóa và có năng lực tốt trong tổ chức giáo dục văn hóa ứng xử trong trường học; 90% trường học đạt tiêu chuẩn xanh - sạch - đẹp, an toàn, lành mạnh, thân thiện.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, tình trạng bạo lực học đường vẫn xảy ra ở một vài nơi; số ít cán bộ quản lý, giáo viên chưa thực sự chuẩn mực trong ứng xử, có hành vi và thái độ thiếu kiềm chế, xúc phạm tinh thần, thể chất học sinh. Hiện tượng học sinh vi phạm nội quy, quy tắc ứng xử văn hóa, Luật Giao thông đường bộ và tệ nạn xã hội vẫn xảy ra. Công tác phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội còn bất cập... Bởi vậy, cùng với việc thực hiện quyết liệt những giải pháp nhằm ngăn chặn tình trạng bạo lực học đường, ngành giáo dục cần tuyên truyền, nhân rộng những cá nhân, tập thể điển hình tiên tiến, những cách làm hay và hiệu quả trong việc xây dựng văn hóa ứng xử học đường, để lan tỏa những điều tốt đẹp trong môi trường giáo dục nói riêng, trong xã hội nói chung.
Theo đánh giá của Sở Giáo dục và Đào tạo, sau 4 năm triển khai Đề án “Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học, giai đoạn 2018-2025” đã tạo tiền đề quan trọng về xây dựng nếp sống đẹp, văn minh trong nhà trường, góp phần hoàn thiện, phát triển nhân cách, đạo đức, trí tuệ và lối sống tốt đẹp cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và học sinh. Trong giai đoạn tiếp theo, toàn ngành giáo dục và đào tạo tiếp tục tăng cường phối hợp với các sở, ngành, địa phương triển khai các giải pháp đảm bảo hoàn thành mục tiêu đề án.
Theo Bài và ảnh: Chi Phạm/Báo Thanh Hóa Điện tử
https://baothanhhoa.vn/giao-duc/nang-cao-van-hoa-ung-xu-trong-moi-truong-giao-duc/155337.htm