Cần nhận diện những "điểm nghẽn" trong cơ chế, chính sách đối với doanh nghiệp nhà nước (24/03/2022-16:43)
Để thúc đẩy doanh nghiệp nhà nước phát triển bền vững, phát huy được thế mạnh, tiềm năng của mình, thực sự là "lực lượng vật chất quan trọng của kinh tế nhà nước", Thủ tướng chỉ rõ, rất cần nhận diện những điểm nghẽn trong cơ chế, chính sách đối với khu vực doanh nghiệp này.
Quang cảnh Hội nghị do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì.
Theo đó, ngày 24/3/2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc với doanh nghiệp nhà nước (DNNN) về "Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động nhằm huy động nguồn lực của doanh nghiệp nhà nước trong phát triển kinh tế - xã hội".
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, Hội nghị hôm nay có ý nghĩa quan trọng, diễn ra trong bối cảnh đất nước đang thực hiện Chương trình phục hồi kinh tế theo các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội và Chính phủ. Cả nước đã và đang thực hiện hiệu quả phương châm "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19", tạo nền tảng phục hồi nhanh, phát triển bền vững KTXH
Để thúc đẩy doanh nghiệp nhà nước phát triển bền vững, phát huy được thế mạnh, tiềm năng của mình, thực sự là "lực lượng vật chất quan trọng của kinh tế nhà nước", Thủ tướng chỉ rõ, "rất cần nhận diện những điểm nghẽn trong cơ chế, chính sách đối với khu vực doanh nghiệp này, những vướng mắc, hạn chế trong chính doanh nghiệp để từ đó đưa ra các định hướng, giải pháp đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động nhằm huy động nguồn lực của doanh nghiệp nhà nước trong phát triển KTXH thời gian tới".
Gợi ý các nội dung thảo luận, Thủ tướng đặt vấn đề: Vì sao các DNNN chưa thể hiện được vai trò nổi bật trong việc dẫn dắt, tạo động lực, mở đường, hướng dẫn, thu hút, thúc đẩy các thành phần khác phát triển. Tại sao hiệu quả sản xuất kinh doanh của nhiều DNNN còn thấp so với nguồn lực đang nắm giữ? Tại sao lại có tình trạng như vậy, nguyên nhân là gì, chủ quan và khách quan như nào? Do cơ chế chính sách hay tổ chức thực hiện hay do con người? Phải chăng là do các doanh nghiệp chưa chú trọng đầu tư phát triển ngành nghề chính của mình hay vì nguyên nhân nào khác?
Vai trò quản lý Nhà nước của các cơ quan đại diện chủ sở hữu Nhà nước đã tốt chưa, vướng mắc những gì? Mô hình Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cần phải như thế nào để phát huy được hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước?
Tại sao công tác cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước lại không đạt kế hoạch, vướng mắc vấn đề gì, nên thoái vốn ở những loại hình doanh nghiệp nào? Xác định giá trị quyền sử dụng đất, lợi thế quyền thuê đất, giá trị thương hiệu của doanh nghiệp… đã đầy đủ chưa, chặt chẽ chưa? Vì sao thời gian qua làm chưa đạt yêu cầu, mong muốn, để người dân, xã hội có ý kiến liên quan đến lĩnh vực này?
Đặt vấn đề về công tác quản trị DNNN chậm được đổi mới, chưa theo kịp với quy mô tài sản doanh nghiệp quản lý, Thủ tướng nêu rõ, thực tế cho thấy, cùng một chủ trương, cơ chế, chính sách nhưng có nơi thực hiện tốt, có nơi chậm trễ, có nơi làm không được, có nơi đùn đẩy trách nhiệm... "Vậy nguyên nhân là gì, có phải do chính người đứng đầu tổ chức đó hay không? Hay do cơ chế, chính sách hay sự phối hợp giữa các bộ, các ngành hay do chỉ đạo? Những vấn đề yếu kém, vướng mắc chúng ta phải cố gắng tìm ra nguyên nhân để có giải pháp thích hợp", Thủ tướng đặt câu hỏi.
Thủ tướng cũng nêu ra vấn đề: "Mô hình tổ chức và phương thức lãnh đạo của tổ chức Đảng trong DNNN như thế nào để phù hợp, nhất là ở những doanh nghiệp đã cổ phần hóa nhằm phát huy vai trò của tổ chức Đảng tại các doanh nghiệp này?".
Tại hội nghị, Thủ tướng cũng lưu ý thêm, trong bối cảnh quốc tế, trong nước với nhiều biến động khó lường, đại dịch COVID-19 chưa thể kết thúc một sớm, một chiều, tranh chấp thương mại giữa các nước lớn, xung đột địa chính trị, việc thực hiện các cam kết của các Hiệp định FTA thế hệ mới, sự phát triển nhanh của cách mạng công nghiệp 4.0, những cam kết bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu … tác động nhiều mặt đến năng lực sản xuất kinh doanh, sức cạnh tranh và sự phát triển bền vững, sống còn của cộng đồng doanh nghiệp nói chung và các DNNN nói riêng. Vì vậy, Thủ tướng yêu cầu các đại biểu thảo luận, đưa ra các kế hoạch, nhiệm vụ, giải pháp hết sức cụ thể cho từng bộ, ngành và địa phương, từng tập đoàn, tổng công ty, DNNN để có nhận thức đúng đắn, giải pháp phù hợp và hành động quyết liệt, hiệu quả.
Địa chỉ: Tòa nhà hợp khối các đơn vị sự nghiệp, đường Lý Nam Đế, P. Đông Hương, TPTH
Người chịu trách nhiệm chính: Bà Nguyễn Thị Thương Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Thanh Hóa
ĐT:
02373.752.456
Hotline: 0918.084.568
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com