Một số tạp chí thực hiện rửa nguồn tin cho trang thông tin điện tử tổng hợp đăng những tin, bài thời sự, xã hội, giải trí, giật gân, câu khách. Một số tạp chí có biểu hiện sao chép, tổng hợp thông tin từ các nguồn khác, ít bài tự sản xuất.
Việc đăng lượng tin quá lớn, dẫn nguồn sang trang thông tin điện tử tổng hợp không những có mối quan hệ liên kết mà còn có mối quan hệ chi phối.
Đối với hoạt động tác nghiệp ở các tạp chí điện tử, Cục trưởng Cục Báo chí chỉ ra những vấn đề tồn tại như: tạp chí chuyên ngành, tạp chí khoa học nhưng tác nghiệp điều tra theo đơn thư bạn đọc. Việc cấp giấy giới thiệu nhiều khi không ghi cụ thể nơi đến làm việc, phóng viên đề nghị cung cấp thông tin không thuộc tôn chỉ mục đích của tạp chí nơi mình làm việc. Ngoài ra còn có tình trạng phóng viên ở tạp chí yêu cầu đơn vị đến làm việc cung cấp toàn bộ hồ sơ, tài liệu như cơ quan thanh tra, điều tra; gây sức ép bằng cách liên tục điện thoại, nhắn tin gây phiền hà. Văn phòng đại diện mở quá nhiều, không đáp ứng đủ các điều kiện hoạt động...
Cần rà soát, đánh giá tổng thể hoạt động của các chuyên trang, trang thông tin điện tử
Tại buổi tọa đàm, bà Nguyễn Thị Mai Hương - Phó Giám đốc Sở TT&TT Hà Nội cho biết, trong lĩnh vực báo chí, từ năm 2021 đến nay Sở đã xử lý vi phạm hành chính 2 chuyên trang của báo điện tử, 5 tạp chí điện tử với các hành vi “Thực hiện không đúng tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí” và “Đăng phát thông tin sai sự thật gây ảnh hưởng nghiêm trọng”. Tổng số tiền xử phạt là 327,5 triệu đồng.
Bà Hương cho rằng, Sở có thẩm quyền xử phạt nhưng chế tài và luật chưa đồng bộ là trở ngại.
Góp ý kiến vào buổi tọa đàm, PGS,TS. Đỗ Thị Thu Hằng - Viện trưởng Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho rằng, luật của chúng ta thể hiện nhiều điều lạc hậu.
Trong bối cảnh công nghệ phát triển như hiện nay, Luật bị chậm so với đời sống thực tế. Nếu chờ thay đổi luật thì không kịp, nên trong thời gian chờ thay đổi luật, cần có dự thảo nghị định của Chính phủ, quy định của Bộ TT&TT về vấn đề này.
Ông Từ Lương - Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Hồ Chí Minh (TT&TT TP.HCM ) cho biết: tình trạng “báo hóa” tạp chí, “báo hóa” trang tin điện tử tổng hợp là vấn đề nóng đã tồn tại kéo dài nhưng chưa biết xử lý từ đâu.
Ông Lương cho hay hiện địa phương này có khoảng 985 trang thông tin điện tử, trong đó 639 trang đang hoạt động và 349 trang đã dừng hoạt động. Tuy nhiên, trên thực tế rà soát, hiện nay có tới 1.389 trang đang hoạt động không có giấy phép. Theo đo kiểm, trong số này có 230 trang có lượt tương tác và người xem trên 2000 người/ngày. Phó Giám đốc Sở TT&TT TP.HCM cho hay năm 2022, TP.HCM sẽ tập trung giải quyết vấn đề này.
Lãnh đạo Sở TT&TT TP.HCM cũng đề xuất, bên cạnh hoạt động của mạng xã hội, trang thông tin điện tử, cơ quan quản lý quan tâm xem xét, rà soát, đánh giá tổng thể hoạt động của các chuyên trang, nhất là các trang có dấu hiệu liên kết và khoán trắng cho đối tác liên kết thực hiện nội dung. Đồng thời, có hướng dẫn, ban hành quy định về quy trình tác nghiệp riêng với các tạp chí để các địa phương biết, giám sát và quản lý vi phạm.
Theo Vũ Phong/Báo NB&CL