Thứ ba, ngày 26/11/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Đời sống xã hội
Kinh nghiệm giúp phụ nữ lái xe ô tô an toàn hơn (05/04/2022-13:28)
    Việc lái xe ô tô với phụ nữ luôn tiềm ẩn nhiều nguy hiểm. Sáu lời khuyên dưới đây từ chuyên gia hãng xe Chevrolet có thể giúp chị em đảm bảo an toàn cho bản thân và cả những người xung quanh.

 Không mang giày cao gót khi lái xe

Từ rất lâu, đôi giày cao gót là biểu tượng sắc đẹp và nữ tính của chị em phụ nữ. Giày cao gót giúp tôn thêm vóc dáng, mang đến sự tự tin và kiêu hãnh. Tuy nhiên, với lái xe thì giày cao gót lại được xem như “khắc tinh”, là một trong các nguyên nhân dẫn đến nhiều sự cố, tai nạn. Thậm chí nhiều quốc gia trên thế giới còn có cả luật cấm mang giày cao gót khi lái ô tô.

Lý do vì giày cao gót thường có thiết kế đặc trưng mặt đế nhỏ và hẹp dễ làm trượt khỏi bàn đạp. Mặt khác, đế giày rất dày và nặng nên việc điều khiển chân phanh và chân ga sẽ khó khăn hơn. Sử dụng giày cao gót khi lái xe làm giảm độ chính xác, giảm cảm giác về lực đạp ga và phanh, giảm khả năng phản ứng trong các tình huống khẩn cấp… Do đó khi phụ nữ lái xe ô tô nên tránh sử dụng giày cao gót. Nếu phải mang giày cao gót, tốt nhất chị em nên chuẩn bị thêm một đôi dép quai ngang hay giày thể thao cổ thấp để dành riêng khi lái xe.

Kinh nghiệm giúp phụ nữ lái xe ô tô an toàn hơnVới lái xe thì giày cao gót lại được xem như “khắc tinh”, là một trong các nguyên nhân dẫn đến nhiều sự cố, tai nạn

Để chân đúng cách tránh lỗi đạp nhầm chân ga

Để tránh lỗi đạp nhầm chân ga nên tập thói quen để chân đúng cách khi lái xe. Nếu lái xe số tự động, tuyệt đối không dùng chân phải giữ ga, chân trái giữ phanh. Vì điều khiển chân phanh bằng chân trái thì lực phanh không đủ mạnh. Mặt khác trong các tình huống bất ngờ người lái có thể phản xạ đạp chân phải (chân ga) thay vì chân phanh hoặc đạp cả hai chân (chân trái – chân phanh yếu hơn nên không đủ lực phanh xe).

Do đó chỉ lái xe bằng chân phải. Như vậy người lái sẽ luôn tuân thủ nguyên tắc “không ga thì phanh”. Gót chân phải nên đặt thẳng hàng với bàn đạp phanh và không rời khỏi sàn. Khi điều khiển bàn đạp ga và phanh thì chỉ xoay ức bàn chân.

Bên cạnh đó nên tập thói quen cứ nhả bàn đạp ga là lập tức để chân bên phía bàn đạp phanh, nhất là trong lúc tạm dừng xe chờ đèn đỏ hay chờ đợi hành khách lên/xuống xe. Nếu có tình huống bất ngờ thì cũng đạp ngay chân phanh, không sợ đạp nhầm chân ga.

Không lái xe bằng chân trần

Rất nhiều người lầm tưởng mang giày cao gót lái xe sẽ nguy hiểm thì để chân trần (chân đất) lái xe sẽ an toàn hơn. Nhưng thực tế điều này hoàn toàn sai lầm. Nhiều chuyên gia chỉ ra rằng lái xe bằng chân trần thậm chí nguy hiểm tương đương với mang giày cao gót. Một số tiểu bang nước Mỹ và một số quốc gia trên thế giới hiện cũng ra luật cấm lái xe ô tô bằng chân trần.

Kinh nghiệm giúp phụ nữ lái xe ô tô an toàn hơnRất nhiều người lầm tưởng mang giày cao gót lái xe sẽ nguy hiểm thì để chân trần (chân đất) lái xe sẽ an toàn hơn

Có nhiều nguyên nhân gây nguy hiểm khi lái xe bằng chân trần. Đầu tiên điều khiển chân ga/phanh bằng chân trần sẽ cần nhiều lực hơn, tốn sức hơn so với khi mang giày. Thứ hai là việc liên tục đạp ga/phanh bằng chân trần dễ làm tổn thương da chân, gây nên các trầy xước không đáng có, đặc biệt có thể khiến chân bị chuột rút rất nguy hiểm. Thứ ba trong trường hợp chân bị ra mồ hôi sẽ làm giảm độ ma sát, khiến chân dễ bị trượt khỏi bàn đạp ga/phanh.

Vì thế, dù nhiều người cho rằng việc điều khiển bàn đạp ga/phanh bằng chân trần sẽ cho cảm giác tốt hơn. Tuy nhiên thực tế lại tiềm ẩn rất nhiều nguy hiểm. Do đó không nên lái xe bằng chân trần.

Dừng xe lâu nên kéo phanh tay

Để hạn chế đạp nhầm chân ga khi dừng đỗ xe, tốt nhất nếu dừng đỗ lâu nên chuyển về N và kéo phanh tay. Điều này sẽ giúp người lái có thể tranh thủ thư giãn chân. Hiện nay nhiều xe ô tô có chế độ giữ phanh tự động nên tận dụng tối đa tính năng này trong các trường hợp cần thiết.

Ưu tiên duy trì tốc độ ổn định

Khi lái xe tốt nhất nên duy trì tốc độ xe ổn định. Không nên chạy quá nhanh hay quá chậm. Việc duy trì tốc độ ổn định sẽ giúp kiểm soát xe và xử lý các tình huống dễ dàng hơn. Nếu thấy đèn đỏ hay chướng ngại vật từ xa nên chủ động giảm tốc độ và rà phanh, hạn chế phanh gấp.

Tập trung lái xe

Khi lái xe, sự tập trung là yếu tố quan trọng hàng đầu. Có tập trung thì người lái mới có thể sớm nhận biết các tình huống và đưa ra cách xử lý chính xác kịp thời. Rất nhiều vụ tai nạn giao thông bắt nguồn từ nguyên nhân thiếu tập trung khi lái xe.

Tuân thủ Luật Giao thông

Nắm rõ và tuân thủ Luật Giao thông sẽ giúp lái xe an toàn hơn. Đặc biệt, khi lái xe chú ý không sử dụng điện thoại, nhất là nhắn tin. Nếu đã sử dụng rượu bia thì tuyệt đối không lái xe.

Theo Nguồn: Cartimes/Báo Thanh Hóa Điện tử

https://baothanhhoa.vn/xe/kinh-nghiem-giup-phu-nu-lai-xe-o-to-an-toan-hon/156284.htm

 

Các tin khác:
  • Thích ứng sinh tồn! (04/04/2022-12:36)
  • Lịch nghỉ lễ và cách tính lương dịp Giỗ Tổ Hùng Vương và 30-4, 1-5 (01/04/2022-10:41)
  • Hướng dẫn mới nhất về tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi (30/03/2022-9:23)
  • Loại ma túy “nước vui” nguy hại như thế nào? (29/03/2022-10:32)
  • Quy trình cấp hộ chiếu vaccine điện tử thế nào? Vì sao mã QR có giá trị 12 tháng? (23/03/2022-16:58)
  • Báo tin giả, sai sự thật tại cơ quan công an (23/03/2022-16:53)
  • F0 test nhanh một vạch liệu đã an toàn, không lây cho người khác? (23/03/2022-16:48)
  • Nâng cao văn hóa ứng xử trong môi trường giáo dục (22/03/2022-12:56)
  • Giá xăng trong nước ngày mai có thể giảm 1.200-1.500 đồng/lít (20/03/2022-15:19)
  • Hạnh phúc! (20/03/2022-15:12)