Nhà báo Lê Hiệp – Báo Thanh niên: Người làm báo cần liên tục học hỏi để vượt qua giới hạn bản thân, tránh lối mòn cũ (08/04/2022-8:19)
Loạt bài “Tìm vắc-xin cho bệnh sợ trách nhiệm” được Hội đồng Chung khảo Giải Báo chí Quốc gia về Xây dựng Đảng (Giải Búa liềm vàng) lần thứ VI năm 2021 trao giải B, điều này thể hiện sự ghi nhận công sức và tâm huyết của đội ngũ nhà báo, phóng viên Báo Thanh Niên.
Báo Thanh Niên tổ chức tọa đàm “Làm gì để khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm”.
Báo Nhà báo & Công luận đã gặp gỡ nhà báo Lê Hiệp để tìm hiểu về “hậu trường” tác phẩm này.
“Cấu trúc kim cương” của báo chí hiện đại
+ Viết về xây dựng Đảng đã khó, viết về trách nhiệm cán bộ, đảng viên còn khó hơn nhiều. Vậy xuất phát từ ý tưởng nào anh và đồng nghiệp triển khai loạt bài này?
- Đầu tháng 10/2021, thực hiện chủ trương của T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Ban Biên tập Báo Thanh Niên giao Tòa soạn Báo Thanh Niên tại Hà Nội triển khai tuyến bài tuyên truyền, phổ biến Kết luận số 14-KL/TƯ, ngày 22/9/2021 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung mà chúng ta vẫn thường gọi là chủ trương khuyến khích bảo vệ cán bộ “dám nghĩ, dám làm, vì lợi ích chung”. Sau khi bàn bạc, thảo luận, Tòa soạn Báo Thanh Niên Hà Nội quyết định xây dựng, triển khai thành chuyên đề gồm 5 bài đăng trên báo in và tổ chức tọa đàm trên trang điện tử của Báo Thanh Niên.
Câu chuyện bắt đầu từ bối cảnh thực tiễn là “bệnh sợ trách nhiệm” xuất hiện ở nhiều địa phương, nhiều cán bộ, dẫn đến tình trạng nhiều nơi cán bộ giữ mình, không dám làm gì, quyết gì, dẫn đến tình trạng ì trệ của toàn hệ thống mà các lãnh đạo cao nhất của đất nước nhiều lần phải nhắc đến. Đây cũng là “tứ” chính của bài đầu tiên của chuyên đề, cũng là tiêu đề của loạt bài: “Tìm vắc-xin cho bệnh sợ trách nhiệm”. Cho đến các bài thứ 2 và thứ 3 là những câu chuyện điển hình về những cán bộ dám nghĩ, dám làm, vì lợi ích chung trong quá khứ và hiện tại.
+ Trong những năm gần đây, cùng với việc đổi mới về công nghệ, Báo Thanh Niên còn đổi mới về cách thức thể hiện mỗi tác phẩm, để làm mới về cách thể hiện ở loại bài này, anh đã thực hiện ra sao, thưa nhà báo?
- Khi được Ban Biên tập giao nhiệm vụ xây dựng đề cương cho chuyên đề, tôi đã đề xuất với Phó tổng Thư ký tòa soạn Nguyễn Tuyết Nhung thay đổi cách triển khai tuyến bài. Lâu nay, các bài chính trị về đề tài xây dựng Đảng trên Báo Thanh Niên và các báo nói chung chủ yếu là ghi ý kiến phản ánh nhằm thể hiện ý chí, quan điểm, ngôn ngữ thể hiện thường mang ngôn ngữ nghị quyết dẫn đến các bài viết thường kém hấp dẫn.
Tôi đã đề nghị áp dụng “cấu trúc kim cương” của báo chí hiện đại (bài viết sẽ gồm nhiều câu chuyện thực tế, nhiều góc nhìn, quan điểm khác nhau) để thể hiện tuyến bài này, giúp bài viết có sức bao quát lớn hơn, sinh động hơn và mang hơi thở cuộc sống nhiều hơn là những bàn luận dựa trên ngôn từ nghị quyết. Tôi cho rằng đây là điểm sáng tạo có sức hấp dẫn cũng là thành công trong hình thức thể hiện của loạt bài này.
+ Có ý tưởng, có cách trình bày, nhưng nguyên liệu cho từng bài viết cũng vô cùng quan trọng, vậy việc chuẩn bị thu thập tài liệu, tư liệu được anh và đồng nghiệp triển khai như thế nào?
- Với định hướng như trên, các phóng viên thực hiện tuyến bài đã phân công công việc, tổ chức đi thực tế địa phương, liên hệ phỏng vấn nhân vật… để thu thập tài liệu cho các bài viết. Tất cả công việc được thực hiện trong khoảng 10 ngày. Tôi và phóng viên Thái Sơn đã đi phỏng vấn các địa phương để thu thập các câu chuyện từ thực tiễn.
Việc liên hệ đặt vấn đề phỏng vấn lãnh đạo địa phương, sở ngành liên quan tới vấn đề được đánh giá là “khó nói” nên cũng khá khó khăn. Phải mất nhiều thời gian thuyết phục, trao đổi nhiều lần mới “chốt” được lịch phỏng vấn với Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc và Giám đốc Sở Y tế Bắc Giang Từ Quốc Hiệu (2 nhân vật xuất hiện trong bài).
Khi chúng tôi từ Hà Nội lên Vĩnh Phúc dù đã hẹn trước nhưng lãnh đạo Vĩnh Phúc lại có cuộc làm việc đột xuất với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam. May mắn là Chủ tịch tỉnh Vĩnh Phúc đã “mời” chúng tôi vào nghe cuộc làm việc giữa Tỉnh ủy Vĩnh Phúc với Phó Thủ tướng.
Rất nhiều vướng mắc trong công tác quản lý, điều hành địa phương trong việc chống dịch (như việc sử dụng xe công hết khấu hao cho lực lượng chống dịch) đã được nêu ra trong cuộc làm việc và mang tới cho chúng tôi rất nhiều tư liệu cho bài viết. Cuộc phỏng vấn, làm việc với Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc diễn ra sau 5 giờ chiều khi cuộc làm việc của Tỉnh ủy kết thúc. Cuộc trò chuyện kéo dài tới gần 6 giờ rưỡi tối và có nhiều chia sẻ thú vị từ Chủ tịch Vĩnh Phúc, sau này đều được đưa vào bài viết.
Ngoài 2 chuyến đi thực tế, để thu thập tài liệu, câu chuyện cho bài viết, cả 3 phóng viên đã liên hệ, gặp gỡ, phỏng vấn rất nhiều nhân vật, chuyên gia từ nhiều địa phương trong cả nước như Phú Yên, TP.HCM… Ngoài ra, các tư liệu cho tuyến bài còn được tích lũy trong suốt quá trình tác nghiệp nhiều năm của các phóng viên. 3 phóng viên được giao tổ chức bài viết đều có nhiều năm theo dõi các vấn đề chính trị - xã hội, kinh tế của tòa soạn.
Yêu cầu cao với bản thân, trách nhiệm cao với mỗi bài viết
+ Khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, trong khi “virus sợ trách nhiệm” vẫn đang âm thầm lây lan trong đội ngũ cán bộ, anh thấy loạt bài đã làm rõ được những vấn đề gì cấp thiết hiện nay?
- Thông qua các “bài học” từ thực tiễn, các bài viết đúc rút nhiều thông điệp về những điều kiện cần thiết để khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm theo chủ trương của Đảng, Nhà nước như vai trò của người đứng đầu hay việc xem xét vấn đề trong bối cảnh lịch sử cụ thể. Đồng thời tập trung vào các đề xuất về giải pháp để thực thi chủ trương khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm trong thực tiễn.
Việc Kết luận 14 ra đời được cho là một chủ trương lớn của Đảng, song nhiều cán bộ vẫn mong muốn chủ trương này được thể chế hóa để có thể bảo vệ họ. Bên cạnh đó, các bài viết cũng nêu các ý kiến về việc cần phải ngăn chặn việc lợi dụng chủ trương đúng này của Đảng, Nhà nước để phục vụ trục lợi cá nhân hay cho các nhóm lợi ích.
Tất cả các nội dung chính trong 5 bài viết là các nội dung chính được đưa ra thảo luận trong tọa đàm kéo dài hơn 60 phút do Báo Thanh Niên tổ chức. Nhà báo Đặng Thị Phương Thảo - Phó Tổng biên tập Báo Thanh Niên, luôn có chỉ đạo, động viên chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ công việc được giao.
+ Với kinh nghiệm của mình, theo anh để có những tác phẩm báo chí chất lượng viết về xây dựng Đảng nói riêng và các tác phẩm báo chí khác nói chung, người làm báo cần có sự cố gắng, sáng tạo như thế nào?
- Tuyến bài “Tìm vắc-xin cho bệnh sợ trách nhiệm” là loạt bài thứ 4 liên tiếp của Báo Thanh Niên đoạt giải cao của Giải Báo chí Búa liềm vàng. Bài viết cũng nhận được những phản hồi rất tích cực từ độc giả, các chuyên gia và cả các nhân vật được phỏng vấn xuất hiện trong tuyến bài.
Theo tôi để có giải thưởng báo chí cần có sự đầu tư chu đáo từ các phóng viên và cả tòa soạn. Còn để có những bài viết chất lượng, tôi cho rằng, phóng viên cần phải luôn trau dồi, học hỏi, sáng tạo để vượt qua giới hạn của bản thân, vượt qua những lối mòn có sẵn. Yêu cầu cao với bản thân, trách nhiệm cao với mỗi bài viết là điều tôi cho rằng quan trọng nhất đối với mỗi phóng viên.
Địa chỉ: Tòa nhà hợp khối các đơn vị sự nghiệp, đường Lý Nam Đế, P. Đông Hương, TPTH
Người chịu trách nhiệm chính: Bà Nguyễn Thị Thương Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Thanh Hóa
ĐT:
02373.752.456
Hotline: 0918.084.568
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com