Chuyển đổi số - mỗi cơ quan báo chí cần xác định được con đường mình muốn đi (15/04/2022-:57)
“Chuyển đổi số phải tự thân các đơn vị, nếu chuyển đổi số chỉ theo trào lưu mà bản thân còn chưa thấy được tính cấp bách, thấy được sự cần thiết, sự sống còn của chính mình thì sẽ rất khó để làm”. Đó là chia sẻ của đồng chí Lê Quốc Minh tại Diễn đàn chuyển đổi số tổ chức ngày 14/4.
Đồng chí Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam chia sẻ tại diễn đàn.
ây dựng môi trường để cán bộ nhân viên thấm nhuần về chuyển đổi số
Phát biểu tại Diễn đàn "Chuyển đổi số để phục vụ bạn đọc tốt hơn", đồng chí Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cho biết, khi một địa phương có một tờ báo và một cơ quan phát thanh truyền hình, chúng ta xây dựng thành một cơ quan tổ hợp sẽ tránh được sự chồng chéo, tổng hợp được nguồn lực và tiết kiệm chi phí.
Mỗi cơ quan báo chí ở địa phương cần xác định được con đường mình muốn đi, mới dẫn đến câu chuyện chọn lựa công nghệ nào, đối tượng, đào tạo nhân sự ra sao. Xây dựng được môi trường để cán bộ nhân viên thấm nhuần về chuyển đổi số.
Việc chuyển đổi số phải tự thân các đơn vị, nếu chuyển đổi số chỉ theo trào lưu, cố xây dựng một văn bản và chạy theo việc chuyển đổi mà bản thân còn chưa thấy được tính cấp bách, thấy được sự cần thiết về sự sống còn của chính mình thì sẽ rất khó để làm.
Chuyển đổi số không chỉ đưa nội dung lên nền tảng số mà đó còn là thay đổi cả một quy trình, cách vận hành, thay đổi cả văn hoá trong một cơ quan báo chí, tạo ra sản phẩm mới, mô hình kinh doanh mới.
Nói về thực tế chuyển đổi số ở đơn vị mình, ông Nguyễn Vũ Hoàng - Trưởng phòng Kỹ thuật VTV Digital thì cho rằng, trước đây Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) hoạt động theo mô hình truyền thống, gặp khó khăn khi không cạnh tranh được với các mô hình truyền thông mới từ các tập đoàn nước ngoài và các Công ty Công nghệ đa quốc gia. Nguy cơ thất bại trên mặt trận tư tưởng, không thực hiện được nhiệm vụ chính trị là tuyên truyền đường lối của Đảng và Nhà nước.
Không đáp ứng nhu cầu theo dõi thông tin chủ động của khán giả trong thời kỳ cách mạng công nghệ 4.0 sẽ làm sụt giảm về số lượng khán giả, thời lượng theo dõi dẫn đến nguy cơ mất chủ quyền trên không gian số. Không tạo ra nguồn thu đủ đáp ứng nhiệm vụ phát triển nội dung, đầu tư công nghệ.
Chuyển đổi số phục vụ mục đích chính trị, cố gắng giữ vững mức độ ảnh hưởng của VTV trên các nền tảng phân phối mới, mở rộng tập khán giả; đáp ứng nhu cầu tuyên truyền đường lối chính sách; đấu tranh phản bác thông tin xấu độc. Tạo ra các mô hình kinh doanh, nguồn thu mới đảm bảo tái đầu tư sức sản xuất.
"Chuyển đổi số không phải dự án mà là một hành trình, trong đó quyết tâm của lãnh đạo cấp cao nhất xuyên suốt đường đi là yếu tố đặt ra hàng đầu. Khó khăn nhất là thay đổi thói quen, nhận thức của đội ngũ cán bộ, nhân viên, chuyển đổi các vị trí việc làm cho phù hợp môi trường tác nghiệp số", ông Nguyễn Vũ Hoàng khẳng định.
Công nghệ sẵn sàng đáp ứng các yêu cầu chuyển đổi số
Ông Nguyễn Đăng Ngọc – Phó Tổng giám đốc VCCorp cho rằng, sau khi đã có nội dung, vấn đề lớn đặt ra là phân phối tác phẩm báo chí đến độc giả một cách nhanh, đa dạng, toàn diện nhất.
Việc phân phối được tiến hành qua đa nền tảng, VCCorp có công nghệ về phân phối nội dung tự động, đặc biệt là công nghệ AI. Công nghệ này giúp cá nhân hoá nội dung, đáp ứng nhu cầu đọc của mỗi người.
Ngoài ra, VCCorp có công cụ về SEO giúp giải phóng nguồn nhân lực hơn 70%, tất cả các bài viết trước khi xuất bản đều được chuẩn hoá.
"Nhờ công nghệ, chúng tôi có thể truyền tải thông tin đến các nền tảng mạng xã hội, phân tích được nội dung bài viết, tác phẩm báo chí đó xem có phù hợp với các ứng dụng mạng xã hội hay không, việc này sẽ hỗ trợ rất nhiều cho người làm biên tập xuất bản", ông Ngọc nói.
Ông Phùng Tấn Cường, Phó giám đốc Quan hệ khách hàng tại khu vực Việt Nam – tập đoàn Netcore cho rằng, công nghệ sẵn sàng đáp ứng các yêu cầu chuyển đổi số trong hoạt động báo chí.
Quan trọng hơn hết của báo chí chúng ta ứng dụng các công nghệ để tăng khả năng tương tác với bạn đọc và bằng những kênh nào?. Chúng ta có thể dùng nhiều ứng dụng công nghệ để có thêm nhiều kênh tương tác mới. Đảm bảo độ phủ của thông tin ở khắp các nền tảng, ứng dụng của nhiều người dùng internet.
“Chúng ta đăng tải các tác phẩm báo chí cần quan tâm đến việc đâu là nội dung mà bạn đọc quan tâm, xem được xu hướng bạn đọc. Từ việc chuyển đổi số, có thể chuyển từ bạn đọc ẩn danh sang định danh, đo đếm phân tích được. Điều này mở ra cơ hội, khả năng tương tác, đưa ra những sản phẩm báo chí đáp ứng yêu cầu của người dùng”, ông Phùng Tấn Cường nhấn mạnh.
Có những bộ phận “không còn chỗ đứng” trong “cuộc chơi mới”
Nói về cơ chế chính sách trong việc thực hiện chuyển đổi số, nhà báo Hoàng Nhật - Phó Tổng Biên tập báo điện tử Vietnamplus cho rằng, khi triển khai nhiệm vụ này phải vượt qua những cơ chế để làm mới mình. Nhiều khi triển khai hoạt động gì đều phải xin phép, xin phép bằng văn bản, chờ duyệt... Tuy nhiên việc đó có thể làm cơ hội trôi qua.
Theo ông Nhật, phải dám thử nghiệm, dám nhận thất bại. Hãy cứ làm, ngoài vấn đề về tư duy cũng cần cởi bỏ về cơ chế. Chuyển đổi số cần sự hỗ trợ từ người đứng đầu cơ quan, đơn vị thì chắc chắn sẽ làm được.
“Tôi nghĩ cái thay đổi lớn nhất vẫn là thay đổi tự thân mỗi toà soạn. Trước kia chỉ có phóng viên biên tập viên, nhưng giờ mỗi toà soạn cần có chuyên viên phân tích dữ liệu, tổ sản xuất... trong khi đó mô hình toà soạn vốn không có những bộ phận ấy. Ở đây tôi muốn nhấn mạnh, nếu chuyển đổi số cần chuyển đổi từ trên trước, từ cơ chế chính sách sau đó xuống các bộ phận chuyên môn”, ông Nhật nói.
Ông Nguyễn Thanh Lâm, Cục trưởng Cục Báo chí – Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, các cơ quan quản lý Nhà nước về báo chí rất ủng hộ việc chuyển đổi số của báo chí. Nhà nước tham gia vào quá trình chuyển đổi số báo chí như dẫn dắt, hỗ trợ và làm những việc mà tự các cơ quan báo chí không thể làm được.
Từ trước đến nay, nhà nước luôn quan tâm đầu tư hạ tầng cho báo chí. Trên không gian vật lý có hạ tầng gì thì trên không gian số chúng ta phải có cái đó.
“Nhà nước luôn quan tâm đến an ninh an toàn thông tin. Đó không chỉ là vấn đề tấn công mạng, diệt vi rút… mà khi chúng ta lên không gian số, chúng ta mới thấy rằng, hình như những người kiểm soát “cuộc chơi” trên không gian số không còn là các quốc gia nữa, mà là các nền tảng công nghệ xuyên biên giới, họ quyết định thuật toán rằng ai sẽ là người sử dụng dịch vụ báo chí của mình. Những vấn đề này, nhà nước luôn quan tâm, xử lý, còn tự cơ quan báo chí không thể làm được”, Cục trưởng Cục Báo chí đặc biệt nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Thanh Lâm cho rằng, hiện nay nhiều cơ quan báo chí chỉ nghĩ đơn giản mình có một trang web, một tờ báo điện tử, cung cấp thông tin một chiều thì đó đã là chuyển đổi số báo chí thành công. Ngoài ra, một số tờ báo có mở thêm chiều phản hồi (comment) cho độc giả trên internet, thế nhưng, lại hoàn toàn chưa nắm được dữ liệu người đọc. Việc nắm thông tin dữ liệu người đọc là câu chuyện lớn hơn mà chúng ta cần phải đi tiếp.
“Ngoài công nghệ, nội dung thì phải thay đổi từ mô hình tổ chức đến cách chúng ta làm báo. Bởi vì hiện nay, làm báo có sự giám sát, phản biện rất mạnh từ dư luận xã hội. Báo chí không còn là nguồn duy nhất phát thông tin… nên phải thay đổi cách tiếp cận”, Cục trưởng Cục Báo chí chia sẻ.
Từ thực tế góc nhìn của cơ quan quản lý Nhà nước về báo chí, ông Lâm chia sẻ thêm: “Nhiều cơ quan báo chí nói về quyết tâm chuyển đổi số và trở thành các cơ quan truyền thông đa phương tiện thì rất mạnh mẽ, nhưng mô hình tổ chức thì gần như giữ nguyên. Nói thẳng ra là có những bộ phận “không còn chỗ đứng” trong “cuộc chơi mới” của chuyển đổi số báo chí. Đó là những vấn đề cần lưu ý”.
Cục trưởng Cục Báo chí Nguyễn Thanh Lâm cho rằng: “Có nhiều con đường để đi đến chuyển đổi số thành công ở một cơ quan báo chí, nhưng tôi nghĩ những con đường thực sự đúng đắn để đem lại hiệu quả không nhiều”.
Đầu tư không phải trở ngại lớn nhất trong chuyển đổi số, sẽ không thể có một kịch bản chung cho tất cả các quốc gia để đi đến thành công trong chuyển đổi số, mà là sự phối kết hợp hiệu quả giữa các cơ quan báo chí và Nhà nước theo cách làm riêng của Việt Nam.
Giữ vững tinh thần dẫn dắt chuyển đổi số quốc gia
Phát biểu tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Thông tin - truyền thông Phạm Anh Tuấn cho rằng: chuyển đổi số trong báo chí hiện nay đang chậm hơn so với khối doanh nghiệp. Hiện nay đề án chuyển đổi số báo chí hiện nay đang đợi được phê duyệt, nhưng trong năm nay Bộ Thông tin - truyền thông sẽ đào tạo 10.000 công chức viên chức số cho đất nước, trong đó báo chí chiếm 3.000 - 5.000 người.
Bộ Thông tin - truyền thông với tinh thần dẫn dắt chuyển đổi số quốc gia, trong đó tập trung vào hỗ trợ các cơ quan báo chí, trong đó hỗ trợ về tư vấn để đưa ra kiến nghị trình Chính phủ và đưa ra các nền tảng dùng chung. Trên cơ sở các nền tảng này mỗi cơ quan báo chí sẽ có phần riêng của mình. Khi đó các cơ quan báo chí sẽ dựa vào đó và sẽ không lo về định hướng sai.
Thứ trưởng Bộ Thông tin & truyền thông khẳng định, Bộ sẽ cùng các doanh nghiệp cung cấp hạ tầng mạng, hạ tầng dùng chung giúp các cơ quan báo chí tiết kiệm chi phí đầu tư, việc này sẽ tiến tới làm đồng loạt. Bộ sẽ hỗ trợ phối hợp với các doanh nghiệp về công nghệ để giúp các cơ quan báo chí có khả năng đáp ứng nhu cầu.
Ghi nhận và cám ơn những ý kiến đóng góp tâm huyết của các đại biểu tham dự, đồng chí Nguyễn Đức Lợi - Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cho rằng, nội dung trao đổi ngày hôm về một vấn đề rất “nóng”, rất thời sự, thiết thực, mang đậm tính báo chí dưới góc nhìn của các nhà quản lý, nhà báo, các chuyên gia công nghệ.
Đây là một buổi tọa đàm với nội dung chủ đề được nhìn dưới nhiều lăng kính khác nhau. Ban Tổ chức Hội báo xem Diễn đàn này là một trong những điểm nhấn quan trọng nhất của Hội báo, thành công của diễn đàn hôm nay cũng đã góp phần vào thành công của Hội báo toàn quốc năm 2022.
"Những tư tưởng, từ tinh thần của diễn đàn lần này của các nhà quản lý, lãnh đạo báo chí, các chuyên gia công nghệ sẽ được truyền tải đến các lãnh đạo các cơ quan báo chí, nhà báo, sinh viên báo chí có mặt hôm nay. Chúng tôi hy vọng Diễn đàn là một cú “hích”, một sự khích lệ về tinh thần không nhỏ cho các cơ quan báo chí với xu hướng chuyển đổi số đạt được thành công trong thời gian tới”, đồng chí Nguyễn Đức Lợi nói.
Địa chỉ: Tòa nhà hợp khối các đơn vị sự nghiệp, đường Lý Nam Đế, P. Đông Hương, TPTH
Người chịu trách nhiệm chính: Bà Nguyễn Thị Thương Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Thanh Hóa
ĐT:
02373.752.456
Hotline: 0918.084.568
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com