Thứ ba, ngày 26/11/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Nghề báo
Hướng về nguồn cội, nhớ ơn Bác Hồ (21/04/2022-14:30)
    Tính từ ngày Hội những người viết báo Việt Nam ra đời đến nay, qua hành trình 72 năm, Hội Nhà báo Việt Nam chúng ta đã không ngừng vươn lên phía trước.

 Bác Hồ và các nhà báo dự Đại hội III Hội Nhà báo Việt Nam (1962).

• Nói đến báo chí trước hết phải nói đến những người làm báo

(Lời Chủ tịch Hồ Chí Minh)

Từ những ngày bôn ba ở các nước ngoài tìm đường cứu nước, Nguyễn Ái Quốc đã sớm nhận rõ vai trò của báo chí trong cuộc sống bất kỳ quốc gia nào, dưới chế độ chính trị nào. Chúng ta đều biết Nguyễn Ái Quốc là người sáng lập Báo Thanh niên, số 1 ra ngày 21 tháng 6 năm 1925, khơi nguồn Báo chí Cách mạng Việt Nam.

Tôn chỉ của báo chí ta trước sau vẫn là phục vụ sự nghiệp “kháng chiến và kiến quốc, đoàn kết toàn dân, thi đua yêu nước, xây dựng chủ nghĩa xã hội và đấu tranh thống nhất nước nhà, bảo vệ hòa bình thế giới”(1). Đối tượng của báo chí là phục vụ “đại đa số dân chúng”. Tính chất của báo chí là “tính quần chúng và tinh thần chiến đấu”. Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Chế độ ta là chế độ dân chủ, tư tưởng phải được tự do, phục tùng chân lý”.

Vậy thì chân lý ở đâu, chân lý là cái gì, chân lý thể hiện ở những mặt nào? Người giải đáp: “Chân lý là cái gì có lợi cho Tổ quốc, cho nhân dân”.

Nhằm xây dựng một nền báo chí với tôn chỉ, mục đích, quan điểm, nhiệm vụ như trên, Chủ tịch Hồ Chí Minh lưu ý: “Nói đến báo chí trước hết phải nói đến những người làm báo”. Với tư duy đó, Người quan tâm xây dựng Hội Nhà báo Việt Nam, tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp của những người làm báo nước ta.

Ngay sau ngày Cách mạng tháng Tám 1945 thành công, trong hoàn cảnh đất nước “ngàn cân treo sợi tóc” nói như lời người xưa, khi ở miền Nam đạo quân viễn chinh Pháp được sự hỗ trợ của Anh lăm le đổ bộ, áp đặt trở lại chế độ thực dân trên toàn nước ta; ở miền Bắc quân của Tưởng Giới Thạch kéo vào dưới danh nghĩa thay mặt các nước Đồng minh vừa chiến thắng phát-xít Đức tước vũ khí quân đội Nhật đã đầu hàng, thường xuyên viện cớ gây rắc rối nhằm thực hiện những mưu đồ đen tối của họ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nghĩ tới việc thành lập tổ chức nghề nghiệp của những người làm báo nước ta.

Do bận quá nhiều công việc, năm 1946, Đoàn báo chí Việt Nam vừa ra đời chưa kịp triển khai công việc thì kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Năm 1950, tại chiến khu Việt Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ đạo thành lập Hội những người viết báo Việt Nam (năm 1959 đổi tên là Hội Nhà báo Việt Nam).

Nhà báo Xuân Thủy chủ nhiệm báo Cứu quốc được bầu làm Chủ tịch Hội đầu tiên (hồi ấy gọi là Hội trưởng), hai Phó Chủ tịch là Hoàng Tùng Báo Sự thật, Đỗ Đức Dục Báo Độc lập. Nhà báo Nguyễn Thành Lê chủ bút Báo Cứu quốc làm Tổng thư ký Hội.

Chỉ mấy tháng sau ngày thành lập, Hội những người viết báo Việt Nam cử nhà báo Trần Lâm và nhà báo Thép Mới thay mặt những người làm báo nước ta sang thành phố Helsinki thủ đô Phần Lan dự Đại hội III Tổ chức quốc tế các nhà báo. Đại hội OIJ họp tháng giữa tháng 9 năm 1950 nhất trí thông qua nghị quyết công nhận Hội những người viết báo Việt Nam là thành viên chính chức của OIJ.

Ba năm sau, nhân kỷ niệm Quốc khánh Việt Nam và chào mừng Đại hội III của Hội sắp họp tại Hà Nội, xã luận báo Nhân dân ngày 2/9/1962 viết: “Kế tục truyền thống của báo chí thời kỳ cách mạng và kháng chiến cứu nước, báo chí nước ta đã lớn lên trong hòa bình, đã anh dũng phấn đấu phục vụ sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và đấu tranh nhằm hòa bình thống nhất nước nhà. Nó cũng góp phần vào cuộc đấu tranh chung của nhân dân thế giới vì hòa bình, dân chủ, độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội trên toàn thế giới”(2).

“Nói đến báo chí trước hết phải nói đến những người làm báo”. Chủ tịch Hồ Chí Minh mấy lần nhấn mạnh: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”, “Cây bút là vũ khí sắc bén, bài báo là tờ hịch cách mạng động viên quần chúng đoàn kết, đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân cũ và mới”, “Cây bút là vũ khí sắc bén trong sự nghiệp phò chính trừ tà...”.

Vai trò chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng đòi hỏi người làm báo luôn kiên định lập trường, giữ vững quan điểm, không ngừng nâng cao tay nghề và kiến thức về mọi mặt. Nhà báo phải “chí công vô tư”, có hiểu biết rộng và nhất là cái tâm trong sáng. Làm báo là phục vụ đất nước, vì lợi ích của người dân, người làm báo không nhằm “lưu danh thiên cố”. Nói cách khác, mỗi người cầm bút cần thường xuyên trau dồi và thể hiện đạo đức báo chí trong cuộc sống và quá trình tác nghiệp của mình.

 

huong ve nguon coi nho on bac ho hinh 2

Nhà báo Phan Quang dự Lễ khai trương Di tích Lịch sử Quốc gia – nơi ra đời Hội Nhà báo Việt Nam.

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương sáng về đạo đức báo chí. Từ một người khởi nghiệp qua cách viết những mẩu tin, “mỗi tin chỉ có năm ba dòng”, nhờ “khổ luyện suốt đời” Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh trở thành một người làm báo tài ba, một nhà thơ xuất sắc. Sau khi Người về cõi vĩnh hằng, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc nhất trí tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh là Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới.

Tính từ ngày Hội những người viết báo Việt Nam ra đời đến nay, qua hành trình 72 năm, Hội chúng ta không ngừng vươn lên phía trước. Qua 11 kỳ Đại hội, nhiều vị sáng lập, xây dựng Hội lần lượt nối gót nhau về bên cạnh Bác Hồ kính yêu, các thế hệ lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam tiếp tục sự nghiệp do các bậc đàn anh đặt nền móng, thường xuyên cải tiến công tác Hội trên nhiều mặt, Điều lệ Hội qua các kỳ Đại hội tiếp tục có đổi thay, bổ sung, hoàn chỉnh cho phù hợp bối cảnh xã hội và nhiệm vụ chính trị của đất nước từng thời kỳ, thực tế luôn bám chặt những mục tiêu cơ bản được được Đại hội I thông qua tại xóm Roòng Khoa: Góp phần xây dựng nền dân chủ nhân dân bằng nghề nghiệp của mình, nâng cao vị thế của nghề báo trong xã hội, trau dồi đạo đức báo chí, giúp đỡ lẫn nhau, bênh vực quyền lợi của những người làm báo.

Ban lãnh đạo Hội Nhà báo qua mỗi kỳ Đại hội đều có thay thế, bổ sung nhiều cây bút tài hoa và nhà quản lý báo chí đủ năng lực, nhiệt tình với nghề. Về tuổi đời nhiệm kỳ sau nhìn chung đương nhiên trẻ hơn nhiệm kỳ trước, về nghề nghiệp lớp sau được đào tạo nghề nghiệp bài bản hơn các bậc liền anh, liền chị.

Trong những ngày đất nước gồng mình vượt qua dịch COVID-19, trở lại cuộc sống bình thường mới, mọi người chờ đợi và tin tưởng Ban lãnh đạo vừa được Đại hội XI của Hội bầu ra đáp ứng kỳ vọng của những người làm báo chuyên và không chuyên ở nước ta, và mong đợi của nhiều người thuộc các ngành nghề khác trong xã hội, góp phần phục vụ đất nước, vì quyền và lợi ích của người dân.

(1). Những dòng in nghiêng trong bài trích dẫn ý kiến của Bác Hồ phát biểu trong những bối cảnh và thời đểm khác nhau, trích từ Hồ Chí Minh toàn tập.

(2). 55 năm Hội Nhà báo Việt Nam, Hà Nội 2005.

Theo Nhà báo Phan Quang/Báo NB&CL

https://congluan.vn/huong-ve-nguon-coi-nho-on-bac-ho-post190606.html

 

Các tin khác:
  • Nhà báo Phạm Thị Thanh Huyền được bổ nhiệm Tổng biên tập Báo Đại biểu Nhân dân (21/04/2022-7:23)
  • “Đường đua số” tạo ra cơ hội để các phóng viên, nhà báo thể hiện giá trị cốt lõi của mình (19/04/2022-15:34)
  • Phát động Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại lần thứ VIII (19/04/2022-15:25)
  • Phát động giải báo chí tuyên truyền an toàn giao thông năm 2022 (18/04/2022-9:02)
  • Chuyển đổi số - mỗi cơ quan báo chí cần xác định được con đường mình muốn đi (15/04/2022-:57)
  • Hội báo Toàn quốc 2022 có quy mô và tầm vóc ngày càng lớn (15/04/2022-12:39)
  • Chú trọng tuyên truyền về nhân quyền và thông tin đối ngoại trong tình hình mới (15/04/2022-12:314)
  • Sẽ có những thay đổi về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp biên tập viên, phóng viên (12/04/2022-7:39)
  • Có được niềm tin của thính giả, hiệu quả tuyên truyền sẽ phát huy sức mạnh (12/04/2022-7:36)
  • Xử lý người đàn ông gọi điện đe dọa “xin cánh tay” phóng viên nếu tiếp tục viết bài (09/04/2022-7:50)