Chị L.T.P.A đến Công an trình báo sự việc.
Theo số liệu thống kê, chỉ tính từ năm 2021 đến nay Công an tỉnh Thanh Hóa đã tiếp nhận điều tra, xác minh và đấu tranh xử lý gần 200 vụ việc liên quan đến lừa đảo chiếm đoạt tài sản với tổng tài sản bị chiếm đoạt trên 300 tỷ đồng. Qua đấu tranh, xử lý các vụ án cho thấy cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin, tình hình tội phạm lừa đảo qua mạng Internet ngày càng gia tăng, phức tạp, xảy ra trên địa bàn cả nước nói chung và tỉnh Thanh Hóa nói riêng với nhiều thủ đoạn mới, tinh vi, gây thiệt hại lớn về tài sản của người dân.
Hầu hết trong các vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng đều diễn ra với cùng kịch bản, đó là các đối tượng tội phạm thường lợi dụng tâm lý nhẹ dạ cả tin, sự chủ quan, thiếu cảnh giác, thiếu thông tin kiểm chứng, thậm chí là sự hám lời của bị hại để lừa đảo chiếm đoạt tiền. Mặc dù các hình thức, thủ đoạn lừa đảo không mới và các lực lượng chức năng cũng đã thường xuyên tuyên truyền, cảnh báo, nhưng do thiếu hiểu biết, nhiều người vẫn dễ dàng trở thành nạn nhân của tội phạm lừa đảo trên không gian mạng…
Trước những diễn biến phức tạp và ngày càng gia tăng của tội phạm lừa đảo trên không gian mạng, thời gian qua các đơn vị Công an trong tỉnh, nòng cốt là lực lượng Cảnh sát hình sự đã chủ động triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp nghiệp vụ, vừa tập trung đấu tranh quyết liệt với loại tội phạm này, vừa tích cực tham mưu, phối hợp tuyên truyền, cảnh báo phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng lừa đảo để người dân cảnh giác, chủ động phòng ngừa, đấu tranh, tố giác.
Thiếu tá Lại Thanh Tùng, Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự Công an thành phố Thanh Hóa cho biết: Tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản là loại tội phạm có tính chất đặc thù, khả năng hoạt động phạm tội rộng, các đối tượng phạm tội sử dụng các phần mềm trực tuyến, mạng xã hội như facebook, zalo hay các phương tiện, thiết bị điện tử khác... làm công cụ, phương tiện phạm tội. Các đối tượng thường sử dụng những thông tin giả để đăng ký tài khoản cá nhân hoặc dùng các biện pháp ẩn danh, tạo tài khoản ảo, sử dụng máy chủ đặt ở nước ngoài để liên hệ với bị hại để thực hiện hành vi phạm tội. Sau khi chiếm đoạt được tiền rồi thì các đối tượng ngay lập tức chuyển vào nhiều tài khoản khác nhau gây khó khăn cho công tác điều tra, truy vết và xử lý.
Từ đầu năm 2021 đến nay, bằng nhiều biện pháp nghiệp vụ, Công an tỉnh đã điều tra làm rõ và khởi tố 118 vụ, 146 bị can liên quan đến hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng.
Theo Thái Thanh/Báo Thanh Hóa Điện tử
https://baothanhhoa.vn/an-ninh-trat-tu/canh-giac-truoc-thu-doan-lua-dao-chiem-doat-tai-san-tren-khong-gian-mang/157870.htm