Khi phóng viên trẻ làm phóng sự điều tra (09/05/2022-9:47)
Phóng sự điều tra là một trong những thể tài báo chí khó nhưng luôn nhận được sự chú ý nhiều của công chúng. Với sức hút đó, phóng viên trẻ mới vào nghề luôn quan tâm, đầu tư rất nhiều thời gian tâm sức cho đề tài này.
Làm phóng viên điều tra không dễ dàng nhất là với nhiều phóng viên trẻ. Ảnh minh hoạ
Chấp nhận những khó khăn, nguy hiểm
Có rất nhiều câu chuyện thời gian gần đây về các phóng viên viết bài điều tra, phản biện các vấn đề nóng phải đối diện với các đối tượng điều tra từ chối cung cấp thông tin, bị chửi bới, bị tấn công bằng vũ lực xâm hại đến tính mạng,…Mặc dù vậy, mảng đề tài này vẫn luôn thu hút nhiều phóng viên trẻ dấn thân để có những tác phẩm hay và có ích cho xã hội.
Nghề báo là nghề có nhiều khó khăn vất vả trong đó làm những đề tài điều tra có thể coi là nguy hiểm nhất. Thế nhưng dường như bất cứ ai trót theo nghiệp làm báo đều mong muốn thực hiện đề tài điều tra, coi đó là cơ hội để trải nghiệm đáng giá với bản thân mình. Chúng ta không thể phủ nhận nhiều bài phóng sự, phóng sự điều tra đã tạo nên tên tuổi của nhà báo, sự mến mộ của người đọc đối với tác giả cũng như cơ quan báo chí. Nhưng làm phóng sự điều tra không dễ dàng nhất là với nhiều phóng viên trẻ.
Phóng viên Phạm Đông – Báo Lao động được biết đến với nhiều bài điều tra tương đối thành công và cùng tác nghiệp với đồng nghiệp, đã tạo được dư luận xã hội và lòng tin của người dân vào cơ quan báo chí, như loạt bài: “Lạc giữa ma trận làm luật trên sông”, “Xảo trá như thị trường thực phẩm chức năng” hay loạt bài “Bát nháo thị trường thuốc Đông y”… Và để có được những phóng sự điều tra này, theo Phạm Đông thì một phần là vì đã may mắn học được cách viết, cách tác nghiệp và sự chỉ dạy của các đồng nghiệp đi trước.
Để thực hiện được loạt phóng sự điều tra này, anh và đồng nghiệp đã dành thời gian nghiên cứu rất kĩ đề tài, thu thập thông tin bằng sự “nhập cuộc thực tế” một cách khách quan nhất. Dù gặp không ít những khó khăn từ việc đi thực tế đến khi đặt bút viết nhưng anh luôn đặt đích đến cho mình là đi tìm sự thật và quyết theo bám sự việc đến cùng. Cái khó của người viết điều tra chính là làm thế nào để tiếp cận được sự thật thông qua các nguồn tin chính xác, nhận rõ bản chất vấn đề và cuối cùng là thể hiện bài viết sao cho có phong cách, mới mẻ, hấp dẫn.
Phóng viên Phạm Đông chia sẻ: “Là phóng viên trẻ, chúng tôi biết mình cần phải chấp nhận những khó khăn, nguy hiểm để thực hiện cho ra những bài viết trung thực, khách quan nhất đến với bạn đọc. Từ đó phơi bày những sự việc tiêu cực, những mặt trái của xã hội và sự nhũng nhiễu, gây phiền hà của cán bộ đến với người dân. Từ đó cơ quan quản lý nhà nước có sự điều chỉnh, xử lý những cá nhân vi phạm. Điều này là sự động viên tinh thần không hề nhỏ, niềm an ủi, khích lệ của xã hội đối với sự đóng góp lớn lao của phóng viên và nhấn mạnh sức mạnh của báo chí điều tra. Qua đó, khuyến khích chúng tôi và các đồng nghiệp tiếp tục đấu tranh cống hiến nhiều hơn, cho ra những sản phẩm báo chí có chất lượng ngày càng cao”.
Phóng viên Nguyễn Tùng – Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nam đã có nhiều tác phẩm phóng sự điều tra ở thể loại truyền hình đặc sắc như: "Siết sặt quản lý khai thác cát tại Hà Nam" đoạt giải Vàng Liên hoan Truyền hình Toàn Quốc năm 2016 và đạt giải C báo chí Quốc gia năm 2017; tác phẩm "Đừng để “Quýt làm cam chịu”" giải Bạc Liên hoan Phát thanh Toàn quốc và đạt giải Khuyến khích Giải Báo chí Quốc Gia năm 2018… Nhưng với anh, thể loại điều tra chưa bao giờ là dễ dàng đối với người làm báo. Anh cho rằng: Viết điều tra đã khó, viết để hay, hấp dẫn, lôi cuốn sự quan tâm của độc giả lại càng khó hơn. Nó đòi hỏi nhà báo phải có tâm, có năng lực, trình độ và luôn đặt ra cho mỗi nhà báo sự rèn luyện không ngừng bản lĩnh nghề nghiệp và kỹ năng sáng tạo...
So với nhiều thể loại khác, phóng viên viết điều tra gặp nguy hiểm hơn cả, vì lúc này, sự thật còn chưa bị phơi bày và đối tượng được điều tra rất cần đến sự im lặng của nhà báo. Cái nguy hiểm đầu tiên, đó là mình phải đối mặt với những cám dỗ vật chất. Vì thế, nhà báo phải biết vượt qua chính mình, phải rèn luyện để có đủ bản lĩnh và niềm đam mê đi tìm sự thật, đưa sự thật ra ánh sáng. Cái nguy hiểm thứ hai là có thể bị đe dọa, bị trả thù…
Theo đuổi sự thật
Để một tác phẩm điều tra thành công, toàn diện và có sự đa chiều trong nội dung, việc thực hiện phối hợp làm theo nhóm, tập thể là vô cùng quan trọng. Trong quá trình thực hiện các phóng sự điều tra, anh Nguyễn Tùng may mắn được học tập từ các anh chị và các bạn đồng nghiệp Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nam. Thế hệ đi trước đã có một số bài điều tra tương đối thành công. Và các vấn đề trong các bài điều tra sau khi đăng tải đều được các cấp các ngành chức năng và chính quyền địa phương vào cuộc giải quyết, trả lời ổn thỏa tạo sự đồng thuận trong nhân dân.
Phóng viên Nguyễn Tùng tâm sự: "Để làm thành công những phóng sự hay, nhất là phóng sự điều tra thì không chỉ trong ngày một, ngày hai là có thể làm được mà chỉ có lòng yêu nghề, khiêm tốn học hỏi, không ngừng cố gắng để từng bước hoàn thiện bản thân thì mới tích lũy được kinh nghiệm, bản lĩnh của người làm báo qua mỗi lần tác nghiệp, mỗi tác phẩm báo chí từ đó vượt qua được những khó khăn, thử thách để cho ra đời những tác phẩm báo chí có chất lượng cao, được đông đảo độc giả đón nhận".
Trong nhiều năm nay, được biết đến là cây viết chuyên về điều tra, phóng viên Hoàng Chiên - Báo Nông thôn ngày nay/Dân Việt đã có không ít tác phẩm về điều tra đem lại những giá trị cho xã hội, được các giải báo chí lớn trong nước và quốc tế. Trong những năm gần đây, nhà báo Hoàng Chiên khi sản xuất tin bài, phóng sự về điều tra đã được sự hỗ trợ tích cực của công nghệ.
Mỗi bài điều tra anh dùng nhiều thiết bị hiện đại để thu thập thông tin hình ảnh. Việc này giúp cho anh, đồng nghiệp yên tâm hơn với sản phẩm, an toàn khi tác nghiệp, dễ dàng có được bằng chứng xác đáng nhất.
Có thể nói để làm được những tác phẩm điều tra mỗi cá nhân ngoài kiến thức về thu thập thông tin cần luyện tập kỹ các góc quay, vừa đủ hình, đủ âm thanh. Ngoài ra cần thể hiện sự tự tin qua nét mặt, trình độ, tìm hiểu thông tin mình nắm được trước khi trao đổi, tạo thiện cảm với người được phỏng vấn.
Phóng viên Hoàng Chiên chia sẻ: Đối với tôi, viết một bài báo điều tra không chỉ là để nhận nhuận bút, hay thể hiện mình quá nhiều trong tác phẩm. Điều quan trọng là sau khi bài báo được hoàn thành, nó mang lại hiệu quả gì cho xã hội. Với những bài viết điều tra về phá rừng tôi vẫn thường làm, tôi mong muốn những tác phẩm ấy sẽ đại diện cho tiếng nói của người dân địa phương. Hoặc phê phán những người phá rừng, giúp cho Nhà nước và những cá nhân, tập thể có liên quan đưa ra những chính sách hợp lý.
Trong mỗi giai đoạn phát triển của báo chí, mảng phóng sự điều tra luôn tạo ra sự hấp dẫn nên dù biết sẽ khó khăn nguy hiểm nhưng phóng viên vẫn dấn thân, lăn lộn với vấn đề, sự việc. Dù ở lứa tuổi nào, nam phóng viên hay nữ phóng viên điều tra đều rất cần niềm đam mê, không ngại khó, nguy hiểm, theo đuổi sự thật và tìm đến được với sự thật.
Địa chỉ: Tòa nhà hợp khối các đơn vị sự nghiệp, đường Lý Nam Đế, P. Đông Hương, TPTH
Người chịu trách nhiệm chính: Bà Nguyễn Thị Thương Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Thanh Hóa
ĐT:
02373.752.456
Hotline: 0918.084.568
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com