Chuyển đổi số là xu hướng tất yếu không thể đảo ngược của báo chí (13/06/2022-8:36)
Ngày 11/6, Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn) phối hợp với Tạp chí Thông tin và Truyền thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia với chủ đề “Chuyển đổi số báo chí Việt Nam - Những vấn đề lý luận và thực tiễn”.
Hội thảo “Chuyển đổi số báo chí Việt Nam - Những vấn đề lý luận và thực tiễn” đã có sự tham gia thảo luận, đóng góp ý kiến của gần 80 chuyên gia, nhà báo, nhà nghiên cứu lĩnh vực truyền thông – báo chí. Ảnh: N.Phong
Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS, TS Đặng Thị Thu Hương, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH&VN cho biết: “Diễn đàn Báo chí tháng 6” năm 2022 lựa chọn một chủ đề đang tác động mạnh mẽ tới toàn bộ hệ thống báo chí hiện nay: “Chuyển đổi số báo chí Việt Nam - Một số vấn đề lý luận và thực tiễn”. Theo đó, việc thảo luận, phân tích về những quan điểm, góc nhìn từ lý luận và thực tiễn đối với vấn đề chuyển đổi số báo chí sẽ góp phần hướng tới một tầm nhìn, mục tiêu và các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phù hợp cho cả hệ thống cũng như từng cơ quan, tổ chức.
"Trong công cuộc chuyển đổi số, báo chí, truyền thông đóng vai trò quan trọng, với sứ mệnh tuyên truyền đúng đắn, đầy đủ, kịp thời chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tạo sự đồng thuận, niềm tin của xã hội, tạo động lực thực hiện thành công chuyển đổi số quốc gia. Đồng thời, báo chí cũng là một lĩnh vực trong xã hội phải tiến hành chuyển đổi số theo xu hướng phát triển chung, thậm chí phát triển trưởng thành thành một ngành kinh tế truyền thông số"- PGS.TS Đặng Thu Hương nhấn mạnh.
Theo nhà báo Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam: Chuyển đổi số là xu hướng tất yếu không thể đảo ngược của báo chí. Đồng thời chia sẻ những giải pháp để đổi mới tất cả các ấn phẩm của Báo Nhân Dân trong thời gian gần đây, đặc biệt là việc đưa nội dung lên các nền tảng số. Đơn cử như việc Báo Nhân Dân đã xây dựng kênh giải trí bằng Radio để kể các câu chuyện, ra mắt bản tin thời sự hàng ngày 2 buổi sáng và chiều, đưa các nội dung lên TikTok, tập trung vào báo chí dữ liệu với nhiều hình ảnh, sơ đồ giàu tính tương tác.
Cũng theo nhà báo Lê Quốc Minh, trong thời gian tới, Báo Nhân Dân sẽ tập trung đổi mới và phát triển theo mô hình “cơ quan báo chí công nghệ”; sản xuất và phân phối nội dung đa nền tảng, đa phương tiện; quy trình sản xuất thông tin theo phương thức tích hợp; sử dụng tối đa các công cụ đo lường và phân tích; đầu tư công nghệ hiện đại và đội ngũ nhân sự công nghệ giỏi; tăng cường nghiên cứu và phát triển, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và báo chí tự động (robot journalism); hợp tác phát hành nội dung trên nhiều nền tảng phi báo chí…
Chia sẻ và trả lời nhiều câu hỏi của các đại biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Thanh Lâm, Cục trưởng Cục báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông nhấn mạnh, trong xu hướng công nghệ hiện nay, báo chí buộc phải lên không gian số. Tuy nhiên, cách thức triển khai như thế nào, có lẽ phải trả lời 3 câu hỏi: cơ quan báo chí làm gì, phóng viên và cơ quan quản lý nhà nước làm gì?
Ông Nguyễn Thanh Lâm khẳng định, so với câu chuyện tự đầu tư hạ tầng thì việc sử dụng hạ tầng bên thứ ba là phù hợp với các cơ quan báo chí Việt Nam hiện nay, nhưng phải kiểm soát các vấn đề như dòng tiền chia sẻ từ nền tảng, bảo vệ tài nguyên của các cơ quan báo chí trên không gian số.
“Nhiều người nói rằng để lên không gian số thì cơ quan báo chí phải đầu tư, sử dụng nền tảng riêng, cũng có ý kiến cho rằng phải sử dụng nền tảng của bên thứ ba. Ở đây, sẽ có câu chuyện đầu tư của Nhà nước nhưng không phải theo cách dùng ngân sách mà là kéo các chủ thể tham gia hệ sinh thái số vào cuộc chơi chung, cùng thúc đẩy quá trình chuyển đổi số báo chí. Cả cơ quan báo chí và cơ quan nhà nước sẽ cùng bảo vệ nội dung số, cùng bảo vệ tài nguyên báo chí trên internet” ông Lâm chia sẻ.
Hội thảo gồm 2 phiên với các chủ đề “Chiến lược chuyển đổi số báo chí - Tầm nhìn năm 2030” và “Chuyển đổi số báo chí Việt Nam - Những điểm nhìn từ thực tiễn”. Các đại biểu đã tập trung đi sâu vào các vấn đề đặt ra trong việc triển khai xây dựng nền báo chí Việt Nam hiện đại, chuyên nghiệp, đa nền tảng, đa phương tiện, phù hợp với xu thế phát triển công nghệ số, truyền thông thế giới.
Nêu những khuyến nghị để các cơ quan báo chí, truyền thông Việt Nam xây dựng được nền tảng riêng, hình thành các cơ quan truyền thông đa phương tiện chủ lực, kiểm soát và chi phối việc sản xuất, phân phối nội dung, giữ vững chủ quyền trên không gian mạng.
Đồng thời các đại biểu cũng đưa ra những đề xuất tới cơ quan quản lý nhà nước trong việc định hướng, dẫn dắt chuyển đổi số báo chí, hỗ trợ các cơ quan báo chí trong quá trình thử nghiệm công nghệ hiện đại để thay đổi mô hình quản lý, tác nghiệp, quy trình sản xuất, xuất bản, phân phối nội dung và mô hình kinh doanh nhằm tối ưu hoạt động, tạo ra sản phẩm chất lượng, cơ hội, doanh thu và các giá trị gia tăng.
Nhiều đại biểu cũng phân tích sâu về việc quản trị tại các cơ quan báo chí trong bối cảnh chuyển đổi số; mô hình tòa soạn hội tụ trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay; phát triển chiến lược kinh doanh nội dung số: kinh nghiệm từ báo chí thế giới...
Địa chỉ: Tòa nhà hợp khối các đơn vị sự nghiệp, đường Lý Nam Đế, P. Đông Hương, TPTH
Người chịu trách nhiệm chính: Bà Nguyễn Thị Thương Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Thanh Hóa
ĐT:
02373.752.456
Hotline: 0918.084.568
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com