Hội thảo khoa học- thực tiễn với chủ đề Báo chí với di sản văn hóa.
Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS Đỗ Văn Trụ, Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam nhấn mạnh, trong những năm qua, báo chí Việt Nam luôn luôn đồng hành cùng sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc. Với 815 cơ quan báo chí in và điện tử, 138 báo, 677 Tạp chí, 72 cơ quan phát thanh truyền hình từ Trung ương đến địa phương, đã và đang trở thành phương tiện truyền thông chủ lực đóng góp tích cực, hiệu quả vào việc tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước trên lĩnh vực di sản văn hóa.
Báo chí góp phần quảng bá tinh hoa văn hóa dân tộc với nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế, giới thiệu những việc tốt, người tốt trong hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa... báo chí đã phát hiện, phản ánh về hiện tượng xâm hại di sản văn hóa xảy ra tại một số địa phương.
Tuy nhiên, bên cạnh những việc làm được, hoạt động báo chí và công tác truyền thông về bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam cũng bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế. Dung lượng và thời lượng dành cho di sản văn hóa ở không ít cơ quan báo chí còn khiêm tốn; không ít tờ báo chưa thực sự quan tâm hoặc mạnh tay trong việc bảo vệ di sản của dân tộc; một số tờ báo bộc lộ khuynh hướng thương mại hóa, theo thị hiếu, câu khách làm mờ đi bản sắc văn hóa dân tộc… Nhận thức, kiến thức của một số ít nhà báo về lĩnh vực này còn hạn chế, phiến diện nên việc biểu dương hay phê phán còn hời hợt, công thức, ít hiệu quả, tính chiến đấu chưa cao.
Tại Hội thảo, đại diện các cơ quan báo chí, nhà nghiên cứu khoa học cũng nhấn mạnh việc cần tăng cường trao đổi thông tin giữa các cơ quan quản lý di sản với truyền thông, báo chí. Đơn cử như trong các cuộc giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo T.Ư, Bộ TT&TT, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức, các ban, bộ, ngành T.Ư và địa phương liên quan có trách nhiệm cung cấp thông tin đầy đủ, khách quan cho báo chí những vấn đề, vụ việc liên quan đến lĩnh vực di sản văn hóa được dư luận xã hội quan tâm để kịp thời tuyên truyền, định hướng.
Đại diện các cơ quan báo chí cũng đề nghị, trong bối cảnh nhiều đơn vị tự chủ về tài chính, các cơ quan có trách nhiệm trong việc bảo tồn gìn giữ di sản như: Cục Di sản, Sở Văn hóa Thể thao ở các tỉnh thành, Ban quản lý di tích cần bố trí kinh phí bằng cơ chế đặt hàng cho các cơ quan báo chí. Thông qua đó, đội ngũ phóng viên, biên tập viên đầu tư nhiều công sức để có những tác phẩm quảng bá di sản đẹp, bắt mắt.
Theo Vũ Phong/Báo NB&CL
https://congluan.vn/bao-chi-gop-phan-quang-ba-tinh-hoa-van-hoa-dan-toc-ra-the-gioi-post199321.html