Thứ hai, ngày 25/11/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Nghề báo
Báo chí - Niềm tin & Trách nhiệm trên vai (21/06/2022-14:23)
    Niềm tin luôn đi liền với trách nhiệm và sứ mệnh mà những người làm báo sẽ phải đảm nhiệm. Phóng viên Báo Nhà báo & Công luận đã trao đổi, gặp gỡ với một số nhà khoa học, Đại biểu Quốc hội về những kỳ vọng đối với những người làm báo hôm nay.

 Báo chí tác nghiệp.

Đồng chí Võ Văn Thưởng - Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư từng nhấn mạnh: “Vinh dự của nhà báo trong thời gian tới thật lớn lao, kỳ vọng của Đảng và nhân dân đối với báo chí thật chân thành và sâu sắc…”. Niềm tin luôn đi liền với trách nhiệm và sứ mệnh mà những người làm báo sẽ phải đảm nhiệm. Phóng viên Báo Nhà báo & Công luận đã trao đổi, gặp gỡ với một số nhà khoa học, Đại biểu Quốc hội về những kỳ vọng đối với những người làm báo hôm nay.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Đáng - Nhà nghiên cứu Quản trị công và Chính sách, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh:

Báo chí phải sẵn sàng đối diện với những góp ý, phản biện gay gắt

+ Ông đánh giá như thế về vai trò và tầm quan trọng của báo chí trong bối cảnh hiện nay, nhất là khi đất nước đang có những vấn đề lớn cần giải quyết và đổi mới mạnh mẽ?

- Tầm quan trọng và sức mạnh của báo chí đã được thừa nhận từ lâu, với hình ảnh so sánh “báo chí là quyền lực thứ tư”, tức là chỉ sau ba loại quyền lực Nhà nước (Lập pháp, Hành pháp, Tư pháp). Sức mạnh của báo chí đến từ khả năng thông tin nhanh chóng, từ đó hình thành các luồng dư luận xã hội bám sát các vấn đề mới và nóng bỏng nảy sinh trong đời sống hằng ngày.

Chúng ta đang sống trong kỷ nguyên thông tin, tức là thông tin đã thay thế các yếu tố vật chất để có thể quyết định sự thành công hay thất bại của cá nhân, tổ chức, thậm chí cả một quốc gia. Sự phát triển của công nghệ hiện đại và internet đã tiếp thêm sức mạnh cho báo chí với sự ra đời của các hình thức báo mạng hiện đại, dễ truy cập, lan tỏa nhanh trên phạm vi rộng, có ảnh hưởng mạnh mẽ đến mọi chủ thể trong mỗi cộng đồng.

Đất nước đang phải đối diện với nhiều thách thức cho nỗ lực bứt phá để đạt được mục tiêu trở thành quốc gia phát triển, có thu nhập cao vào năm 2045. Bởi thế, với vai trò sẵn có, báo chí sẽ có ảnh hưởng đặc biệt quan trọng tới hoạt động quản trị quốc gia trên hai khía cạnh.

Thứ nhất, báo chí có thể trở thành diễn đàn thảo luận để qua đó góp phần định hình các vấn đề chính sách lớn của đất nước. Thứ hai, với ảnh hưởng sâu rộng cả trong hệ thống chính trị và ngoài cộng đồng xã hội, báo chí tạo sức ép cho cán bộ lãnh đạo, quản lý phải kịp thời có quan điểm và hành động trước những vấn đề chính sách cấp bách.

+ Hơn 2 năm qua, lực lượng báo chí đã tích cực đóng góp vào nỗ lực thích ứng an toàn với dịch COVID-19, mở cửa, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, tiếp tục hội nhập quốc tế sâu rộng. Ông nghĩ sao về điều này?

- Thành công của chúng ta trong nỗ lực vượt qua đại dịch COVID-19 không thể thiếu vai trò của lực lượng báo chí. Từng ngày, từng giờ, các phóng viên bám sát tình hình dịch bệnh, thông tin kịp thời về các điều chỉnh chính sách của Nhà nước, qua đó giúp cá nhân cũng như tổ chức nắm được diễn biến dịch bệnh và đồng hành cùng Chính phủ trong quá trình thích ứng an toàn với đại dịch.

Lực lượng báo chí cũng giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong việc kết nối giữa mong đợi của người dân và doanh nghiệp với hành động của chính quyền. Sự cập nhật và thông suốt về thông tin đã giúp chính quyền linh hoạt điều chỉnh chính sách cho phù hợp với diễn biến dịch bệnh, đáp ứng đúng nguyện vọng của các lực lượng xã hội.

Nhờ sự lăn xả của lực lượng báo chí, kịp thời đưa tin, nên nhân dân cả nước biết được và đồng cảm với những vất vả, gian nan của đội ngũ y tế ở tuyến đầu chống dịch. Cũng chính báo chí kịp thời phát hiện những tiêu cực của một bộ phận cán bộ đã ích kỷ, vụ lợi trong nỗ lực chống dịch. Từ đó, Đảng và Nhà nước đã nghiêm khắc xử lý để khẳng định quyết tâm hành động vì lợi ích của nhân dân.

 

bao chi  niem tin trach nhiem tren vai hinh 2

Tiến sĩ Nguyễn Văn Đáng - Nhà nghiên cứu Quản trị công và Chính sách, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.

 

+ Có ý kiến cho rằng, trong giai đoạn hiện nay, để đổi mới chính mình, báo chí cũng cần lắng nghe những ý kiến phản biện lại mình. Quan điểm của ông về vấn đề này?

- Tâm lý chung, dù là cá nhân hay tổ chức, thì các chủ thể đều muốn nghe những ý kiến khen ngợi hoặc đồng thuận với mình, chứ không phải những góp ý phản biện. Thực tế cho thấy, nếu sự một chiều về ý kiến khen ngợi kéo dài thì dễ gây hệ lụy tiêu cực, nhất là không nhận ra những điểm yếu của mình, thậm chí là sự áp đặt quan điểm của mình mà trong đó không phải quan điểm nào cũng đã đúng hay phù hợp.

Bởi thế, để ngày càng trưởng thành hơn thì lực lượng báo chí cũng phải sẵn sàng đối diện với những góp ý, thậm chí là phản biện gay gắt.

Các nhà lãnh đạo, quản lý báo chí và mỗi phóng viên phải coi mọi sự góp ý là điều bình thường trong công việc hằng ngày, để từ đó chắt lọc ra những ý kiến đúng và điều chỉnh cho hoàn thiện hơn. Tất nhiên, không phải mọi ý kiến đều khách quan và mang tính xây dựng. Cho nên, chúng ta cũng cần hết sức tỉnh táo với những dạng ý kiến kích động theo hướng tiêu cực.

+ Ông kỳ vọng như thế nào về đội ngũ báo chí cũng như trách nhiệm của những “người cầm bút” trong thời gian tới?

- Thứ nhất, tôi cho rằng lực lượng báo chí cần trung thành với tôn chỉ, mục đích của mình. Chức năng số một của báo chí là thông tin thì cần thực hiện tốt nhất nhiệm vụ cung cấp thông tin cho mọi lực lượng xã hội. Làm được như thế, báo chí sẽ luôn có chỗ đứng trong lòng của mỗi người dân, tổ chức, và cả chính quyền.

Thứ hai, báo chí cần lan tỏa các quan điểm chính thống, có ảnh hưởng tích cực, qua đó kiến tạo tâm lý lạc quan cho cả xã hội để cùng vượt qua khó khăn hoặc thách thức luôn xuất hiện trong cuộc sống. Cũng có nghĩa, kể cả khi đưa tin về những vụ việc tiêu cực thì cũng nên theo tinh thần xây dựng, nêu vấn đề vì lợi ích chung chứ không phải chạy theo thỏa mãn tính hiếu kỳ hoặc toan tính vị kỷ của các nhóm xã hội.

Thứ ba, báo chí cần tích cực hơn nữa trong việc tạo diễn đàn tranh luận chính sách để tận dụng tri thức của mọi lực lượng xã hội, phát huy sự thông thái tập thể, qua đó cung cấp các lựa chọn chính sách đa dạng cho cán bộ chính quyền.

+ Xin cảm ơn ông!

Nguyễn Hường (Thực hiện)/Báo NB&CL

 

https://congluan.vn/bao-chi--niem-tin-trach-nhiem-tren-vai-post199049.html

 
 

 

Các tin khác:
  • Báo chí Thanh Hóa đoàn kết, chuyên nghiệp, hiện đại, nhân văn (21/06/2022-9:04)
  • Đạo diễn Tạ Quỳnh Tư - VTV: Chỉ cảm xúc mới “chạm” được tới “tâm” của người xem (19/06/2022-22:17)
  • Kỷ niệm 97 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam và trao Giải báo chí Trần Mai Ninh năm 2021 (17/06/2022-13:49)
  • Triển khai phong trào thi đua "Xây dựng môi trường văn hóa trong cơ quan báo chí" (16/06/2022-8:48)
  • Nhà báo Nguyễn Tùng Điển làm Tổng biên tập Tạp chí Bóng đá (16/06/2022-8:45)
  • Báo chí góp phần quảng bá tinh hoa văn hóa dân tộc ra thế giới (16/06/2022-8:36)
  • Cách nào để tăng doanh thu cho báo chí? (16/06/2022-8:32)
  • Phát động Cuộc thi “Tìm hiểu lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam-Lào, Lào-Việt Nam” năm 2022 (14/06/2022-17:24)
  • Người làm báo cần nhanh nhạy để thích ứng với công việc trong thời đại số (13/06/2022-9:12)
  • Chuyển đổi số là xu hướng tất yếu không thể đảo ngược của báo chí (13/06/2022-8:36)