Thứ hai, ngày 25/11/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Nghề báo
LÀM BÁO LÀ NGHỀ KHÔNG ĐEM LẠI SỰ GIÀU CÓ (21/06/2022-15:08)
    Một thầy thuốc tay nghề kém có thể làm tổn hại đến vài trăm bệnh nhân, một thầy giáo kém có thể tạo ra nhận thức sai lầm cho một thế hệ hàng ngàn người nhưng một nhà báo có ngòi bút sai lầm, đưa tin sai lệch, bị tác động bởi lợi ích thì vô cùng nguy hại, thậm chí khiến cả một thể chế gặp nhiều khó khăn.

 Ông Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam đã chia sẻ như vậy trong cuộc trò chuyện với Báo Nông nghiệp Việt NamÔng Minh cho rằng, làm báo vì đam mê và trách nhiệm với cộng đồng mà cống hiến thôi, còn muốn giàu thì nghề báo không phải để lựa chọn. Trên thế giới chỉ có mấy ông chủ tập đoàn truyền thông mới giàu có, còn làm nghề báo đơn thuần như "anh em mình" thì không thể giàu được.

 

 

 

 

 

Nhưng cũng có quan điểm cho rằng, ai có nhiều thông tin thì sẽ giàu. Còn Tổng Biên tập Lê Quốc Minh thì thông tin gì từ sáng tới giờ khiến ông quan tâm nhất? Và ông đón nhận thông tin đó từ mạng xã hội hay từ báo chí?

Trong sự chuyển dịch của thế giới và những gì diễn ra ở Việt Nam hàng ngày thì thông tin như vũ bão, thông tin không có giới hạn nào về mặt địa lý hay thời gian. Giờ phút này chúng ta ngồi đây, có thể quan tâm đến một câu chuyện nào đó, nhưng đồng thời trên thế giới xảy ra hàng ngàn câu chuyện. Câu chuyện nào chúng ta quan tâm nhất sẽ tùy thuộc vào nhân sinh quan của mỗi cá nhân.

Có thể hôm nay chuẩn bị cho cuộc thảo luận tại Quốc hội thì chúng ta quan tâm tới câu chuyện về bạo hành gia đình nhưng trên thế giới vẫn còn nhiều câu chuyện khác như kiểm soát súng ở Mỹ, dầu lửa trên thế giới, người di cư hay các vấn đề kinh tế, chính trị khác.

Việc chúng ta quan tâm đến câu chuyện này hơn hay câu chuyện kia hơn hoàn toàn phụ thuộc vào nhân sinh quan. Nhưng điều quan trọng là không phải vì mình quan tâm đến điều này thì mình hơn người khác. Mỗi người đều có một mối quan tâm khác nhau và chúng ta không nên phán xét sự quan tâm của người khác khi họ khác với mình.

Người ta có thể có những mối quan tâm mang tính chất địa phương, khu vực nhưng điều đó không có nghĩa là mối quan tâm của mình hay hơn, quan trọng hơn của người ta. Chúng ta phải tôn trọng nhân sinh quan, ý thích của mỗi người và mối quan tâm của mỗi người đều xuất phát từ cá nhân của họ.

 

 

 

 

 

 

Mặc dù đảm nhận nhiều trọng trách, nhưng tôi cũng là con người, cũng có những mối quan tâm nhất định. Bên cạnh những mối quan tâm mang tính vĩ mô thì tôi cũng có những mối quan tâm cá nhân, rất cụ thể.

Ví dụ tôi đang quan tâm đến câu chuyện về khủng hoảng Nga – Ukraine, câu chuyện về nhân quyền, câu chuyện kiểm soát vũ khí nhưng cùng với đó tôi cũng quan tâm tới những câu chuyện hết sức cụ thể, đang xảy ra ở Việt Nam như câu chuyện giáo dục hay những vấn đề xã hội khác.

Và dĩ nhiên nhưng thông tin đó tôi tiếp cận được từ nhiều nguồn khác nhau.

Vâng, thưa ông, qua thực tế công tác, tôi nhận thấy ngày càng có nhiều nhà báo giỏi đi làm truyền thông cho các tập đoàn, doanh nghiệp hoặc quay sang viết facebook, tham gia tích cực trên mạng xã hội, trong khi có những tác phẩm trên báo thì đọc rất nhạt, không nét. Tại sao lại như vậy thưa ông?

Thực trạng này có và không chỉ xảy ra ở Việt Nam mà còn ở trên thế giới. Dường như báo chí nói chung, đang phải chạy theo thuật toán của các mạng xã hội, các công cụ tìm kiếm, search engine để có được lượng người dùng, người xem, độc giả, thính giả nhiều hơn.

Khi chạy theo những thuật toán như vậy, có nhiều khả năng là chúng ta phải có sự thỏa hiệp nhất định, hi sinh chất lượng của báo chí. Trong khi ở góc độ của doanh nghiệp hay cá nhân, chúng ta có thể thoải mái nêu lên quan điểm của riêng mình. Và quan điểm riêng như vậy trong nhiều trường hợp sẽ thu hút được sự quan tâm, sự chú ý của người đọc hơn.

 

 

 

 

 

 

Mâu thuẫn này xảy ra trong nhiều năm nay, đặc biệt khoảng 10 năm trở lại đây. Điều này cho thấy nội dung do cá nhân người dùng khởi tạo đôi khi thu hút sự quan tâm nhiều hơn nội dung do báo chí đưa ra.

Sự chuyển biến của người dùng trong thời gian qua là sự chuyển biến hết sức tự nhiên. Do đó, chúng ta không thể trách người dùng mà nên trách chính bản thân báo chí đã chạy theo những xu hướng, xu thế, cái gọi là trend, các keyword để đáp ứng thuật toán của các công cụ tìm kiếm, cung ứng nội dung theo nhu cầu người dùng.

Chạy theo đa số có thể tốt khi chúng ta thu hút được nhiều người đọc nhưng sẽ sai ở chỗ báo chí cần đưa những thông tin công bằng, cân bằng và có thẩm định. Chúng ta đã bỏ quên yếu tố này mà chạy theo những trào lưu, xu hướng của xã hội.

Điều này dẫn đến tình trạng chúng ta đầu tư nhiều công sức, của cải, vật chất, nhiều mồ hôi, nước mắt, thậm chí là máu của phóng viên, biên tập viên để tạo nên những bài phóng sự điều tra hấp dẫn thì người dùng không thích mà họ lại thích những nội dung theo xu hướng, khiến giá trị và chất lượng của báo chí bị sụt giảm.

Đây là một mối nguy lớn, nếu chúng ta không còn đưa được thông tin có ích, công bằng, cân bằng và có kiểm định cho xã hội thì toàn bộ thông tin trên báo chí không còn giá trị gì cả, chẳng khác gì những dòng trạng thái của người dùng mạng xã hội thông thường.

Kể cả ở quy mô thế giới, điều này đang làm xói mòn niềm tin của người dùng đối với các cơ quan báo chí.

 

 

 

 

 

 

Tôi có anh bạn Biên tập viên kể, trong phiên trực đọc 10 bài thì "đổ" 7 bài do phóng viên viết, còn ba bài dùng được là ba bài... PR của mấy công ty lớn gửi sang, được viết bởi các cựu nhà báo chuyên nghiệp đang làm việc ở đó. Chia sẻ trên của ông cũng đã lý giải thêm phần nào về điều này.

Ở một khía cạnh khác, tôi thấy báo chí đang đối mặt với không ít khó khăn, kể cả rào cản. Câu chuyện quy hoạch báo chí, sáp nhập chưa được làm mạnh mẽ, quyết liệt. Từ đó làm cho xã hội nhìn công tác tổ chức hệ thống báo chí của chúng ta có vẻ như thiếu quy củ, chưa chuyên nghiệp, thậm chí rối. Theo ông, chúng ta nên giải quyết bài toán này như thế nào?

Thực ra quản lý báo chí phải dựa trên chất lượng nội dung. Nếu một cơ quan báo chí được cấp phép mà không mang lại lợi ích cho xã hội thì cần phải rút giấy phép. Nếu báo hay tạp chí mà đưa ra được những nội dung thích ứng, hiệu quả tốt cho xã hội thì cần hoan nghênh.

Thực tế, chúng ta thấy tồn tại sự lạm dụng chức năng nhiệm vụ, tôn chỉ mục đích của các cơ quan báo chí. Điều đó khiến cho một số cơ quan báo chí hoặc không được quy định là báo chí lại đi gây nhũng nhiễu cho cơ quan, doanh nghiệp, thậm chí là cho người dân để có lợi ích kinh tế cho đơn vị, thậm chí là cá nhân. Việc làm này hoàn toàn sai trái.

Nếu chúng ta đặt lợi ích của công chúng lên hàng đầu và khi phát hiện các sai phạm, trên tinh thần mong muốn mang đến những giải pháp tốt nhất cho xã hội thì lại là câu chuyện khác. Còn nếu phát hiện ra sai phạm của các tổ chức, cá nhân nhưng lại mong muốn đem về lợi ích kinh tế của đơn vị thì sẽ trái với các quy định, các nguyên lý, các tiêu chuẩn của các cơ quan báo chí nói chung.

 

 

 

 

 

 

Về mặt nguyên tắc thì báo chí phụng sự xã hội. Vì thế nếu chúng ta đặt lợi ích của cơ quan báo chí lên hàng đầu, đặt yếu tố lợi nhuận, doanh thu lên hàng đầu thay vì lợi ích của người dùng thì chúng ta đã sai.

Thế nên, những cơ quan báo chí lấy danh nghĩa bảo vệ công chúng, đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực nhưng thực chất họ phục vụ lợi ích cá nhân thì thực sự không thể chấp nhận được.

Vậy theo ông, chúng ta cần có giải pháp gì cho vấn đề này?

Thực ra, không có biện pháp cụ thể nào có thể giải quyết được vấn đề này một cách triệt để. Tuy nhiên, sẽ có những giải pháp vừa mang tính kỹ thuật, vừa mang tính giáo dục, thuyết phục.

Ví dụ, ở góc độ Hội Nhà báo Việt Nam thì chúng tôi cũng nghĩ đến những giải pháp tổ chức các cuộc tọa đàm, giao lưu, trao đổi nhằm nâng cao ý thức trong vấn đề đạo đức nghề báo.

Hay các công cụ mang tính kỹ thuật, ví dụ thúc đẩy vai trò của Hội đồng đạo đức của Hội Nhà báo Việt Nam, các Hội nhà báo địa phương, các liên chi hội địa phương. Qua đó, theo dõi, giám sát các vấn đề đạo đức của nhà báo.

Chúng tôi cũng tổ chức các cuộc trao đổi, đào tạo để nâng cao nhận thức của nhà báo về cái gọi là báo chí chuyên nghiệp. Yếu tố báo chí chuyên nghiệp bao hàm rất nhiều điều, nhiều lĩnh vực nhưng nếu một nhà báo chuyên nghiệp thì sẽ bao gồm cả vấn đề đạo đức.

Hàng năm, Hội cũng tổ chức các cuộc tọa đàm trao đổi về vấn đề đạo đức nghề nghiệp. Nhà báo được nhận quà bao nhiêu là đủ? Khi các nhà báo được nhận những ưu đãi trong lĩnh vực mình theo dõi thì liệu họ có đưa ra các thông tin minh bạch, công bằng và khách quan nữa hay không? Trong vấn đề này, ranh giới rất mong manh giữa việc nhận ưu đãi và đưa ra những nhận định không khách quan, định kiến hơn với những nội dung khác.

 

 

 

 

 

 

Nhà báo chuyên nghiệp sẽ thẩm định thông tin, sẽ viết đa chiều, công bằng, cân bằng và khi làm được tất cả những điều đó thì sẽ là bao gồm cả đạo đức báo chí.

Ví dụ, một nhà báo thể thao chuyên nghiệp sẽ không nhận vé miễn phí đi xem các sự kiện thể thao. Nhà báo chứng khoán chuyên nghiệp sẽ không tham gia vào kinh doanh chứng khoán… Đó là sự chuyên nghiệp và chuyên nghiệp sẽ gắn liền với đạo đức.

Nếu chúng ta thực hiện đầy đủ các nguyên tắc của một nhà báo chuyên nghiệp thì trong một chừng mực nào đó chúng ta sẽ giảm thiểu khả năng vi phạm các vấn đề đạo đức báo chí.

Xã hội vận hành thì lĩnh vực nào cũng có những điểm khuyết. Có điều, điểm khuyết của báo chí luôn được xã hội quan tâm và nhìn nhận nhiều chiều. Chẳng hạn người làm báo vì lợi ích cá nhân mà vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức người làm báo? Chúng ta có nên co cụm lại số lượng đầu báo, siết chặt tôn chỉ, còn tạp chí chỉ thực hiện nội hàm nghiên cứu, thay cho hoạt động như một cơ quan báo chí hiện nay không, thưa ông?

 

 

 

 

 

 

Với nhiều quốc gia khác trên thế giới, nhà nước không bao giờ can thiệp vào hoạt động của báo chí mà báo chí phát triển dựa vào niềm tin của độc giả. Dù là báo chí tư nhân hay báo chí quốc gia thì niềm tin cũng rất quan trọng để giúp báo chí đến được với người dùng và người dùng tin vào báo chí thay vì những nguồn khác.

Trong thời gian qua, chúng ta thấy có một số ít cơ quan báo chí, phóng viên hay cộng tác viên đã vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức nghề báo, gây ra những vụ việc hết sức đáng tiếc và đau lòng. Vì thế nếu lấy lý do khó khăn về vật chất là không thể chấp nhận được.

Bởi vì, báo chí ra đời trước hết là phụng sự xã hội. Nhiều nhà báo dấn thân, hy sinh không chỉ mồ hôi, nước mắt mà nhiều khi còn là tính mạng không phải vì câu chuyện kinh tế mà là vì trách nhiệm xã hội. Họ mong muốn thể hiện trách nhiệm với xã hội của mình, đưa những sự kiện, vụ việc ra ánh sáng.

Trên thế giới cũng vậy, thu nhập của nhà báo là hết sức khiêm tốn. Họ làm báo vì đam mê, vì trách nhiệm xã hội, mong muốn được xây dựng xã hội tốt đẹp hơn dù cho mức thu nhập hết sức khiêm tốn. Tôi nhấn mạnh, làm báo là nghề không đem lại sự giàu có. Có thể một số nhân vật nào đó trong giới báo chí, đặc biệt là truyền hình có mức lương cao nhưng cơ bản những phóng viên, biên tập viên không phải là người giàu có.

Trên thế giới, chỉ những người quản lý, điều hành các tập đoàn truyền thông mới là người giàu có, còn phóng viên, biên tập viên đa số không phải là người giàu có. Mong muốn của họ có thể là vinh danh những cái hay, cái đẹp hay vạch trần những cái xấu và điều đó giúp xã hội tốt đẹp lên.

 

 

 

 

 

 

Tôi muốn đề cập thêm một cái khó đối với báo chí nữa đó là vừa thực hiện nhiệm vụ chính trị, vừa phải đảm bảo đời sống cho anh chị em. Đối với các đơn vị tự chủ thì đây là bài toán không phải dễ để có lời giải. Đối với đơn vị sử dụng ngân sách, chương trình đặt hàng không phải không có những rào cản, vướng mắc.

Nhiệm vụ chính trị vẫn phải hoàn thành, nội dung đòi hỏi phải hay mới có công chúng trong khi sử dụng ngân sách, đặt hàng thì không phải cứ viết những gì công chúng cần mà nhiều lúc phải viết những gì mình có, những gì đơn vị đặt hàng yêu cầu. Thế là bài toán nội dung, bài toán kinh tế luôn là những nút thắt cho các cơ quan báo chí. Là Tổng Biên tập Báo Nhân dân, ông có kiến giải gì không?

Trước hết phải khẳng định Báo Nhân dân chỉ được ngân sách chi trả 30% chi phí. Chính những quy đinh rất khắt khe như vậy đã giúp Báo Nhân dân thời gian qua rất chủ động, năng động trong việc tạo nguồn thu để mang lại hiệu quả về mặt tài chính cho cán bộ nhân viên.

Người lao động chỉ có 2 yêu cầu, thứ nhất là nguồn thu nhập đảm bảo và có thể tăng, thứ hai là thời gian làm việc giảm càng nhiều càng tốt. Trước đây, từ 48h/tuần, chúng ta đã làm việc xuống 40h/tuần, thậm chí ở một số nước phát triển đã giảm xuống 36h/tuần nhưng quan điểm chung là thời gian có thể giảm nhưng hiệu quả làm việc phải tăng lên.

 

 

 

 

 

 

Báo Nhân dân cũng đang đi theo chiến lược như vậy. Nghĩa là mỗi giờ làm việc của các nhân viên phải đạt hiệu quả tối đa để cố gắng giảm được thời gian làm việc nhưng vẫn tăng được nguồn thu.

Đây là một thách thức lớn, nhất là trong bối cảnh nguồn ngân sách chỉ chiếm 30%. Trong những năm qua, nhiều người không thông tỏ vẫn nghĩ rằng Báo Nhân dân nhận ngân sách 100% nên cứ thong thả. Kỳ thực không phải vậy, những năm qua, Báo Nhân dân rất chật vật để tạo được những nguồn thu ngoài ngân sách như phát hành, quảng cáo, từ nhiều lĩnh vực khác để đảm bảo được đời sống cho cán bộ, nhân viên và có thể tăng lên trong những năm tiếp theo.

Chúng tôi xin khẳng định, với một cơ quan báo chí chính thống, truyền thống như Báo Nhân dân thì việc tạo thêm nguồn thu là rất khó khăn. Với các cơ quan khác, có những nội dụng thoải mái, nhẹ nhàng, thu hút người dùng thì có thể tạo nguồn thu dễ hơn nhưng với Báo Nhân dân thì không hề đơn giản.

Tuy nhiên, trong những năm qua, đặc biệt là trong năm 2021 vừa qua, cách thức vận hành, tạo nguồn thu của Báo Nhân dân rất hiệu quả. Chúng tôi đã ra những ấn phẩm đặc biệt dành cho các dấu mốc riêng như ngày 21/6, ngày Doanh nhân, ngày Tết hay các sản phẩm trên truyền hình, điện tử với những cách thức độc đáo và hiệu quả cho doanh nghiệp.

Báo Nhân dân cũng đã có nhiều ý tưởng sáng tạo ngoài các sản phẩm báo chí truyền thống, từ lịch cuối năm cho đến tổ chức sự kiện quảng bá, triển lãm, tọa đàm… để tạo thêm nguồn thu.

 

 

 

 

 

 

Tôi được biết, ông đã có thời gian làm việc tại một cơ quan báo chí ở nước ngoài, cụ thể là Nhật Bản. Theo ông chúng ta có thể học hỏi điều gì từ báo chí thế giới?

Mỗi đất nước, mỗi cơ quan có những đặc thù riêng. Chúng ta có thể học hỏi những nguyên tắc mang tính rất chung nhưng không thể học hỏi những thứ mang tính riêng biệt.

Khi tôi sang Nhật Bản vào năm 1996, rất trẻ, mới 27 tuổi và cũng mong muốn mình sẽ học được thật nhiều và thật sự tôi cũng đã học được rất nhiều. Nhưng khi kết thúc nhiệm kỳ, tôi nói với các bạn Nhật Bản rằng, tôi mong học được 100 phần thì chỉ học được 50 phần bởi vì sự khác biệt về văn hóa, cơ chế, thể chế, văn hóa, tư duy.

Cho nên chúng ta không bao giờ mong chờ sẽ học được từ ai đó điều gì để mang về Việt Nam thực hiện 100%. Nhật Bản có nhiều điều hay, đó là sự tỉ mỉ, cẩn trọng, hay về mặt chi tiết, hay về mặt hoạch định.

Chúng ta không thể học hết và cũng không nhất thiết phải học hết. Ngoài Nhật Bản thì báo chí Mỹ hay châu Âu cũng có rất nhiều điều chúng ta có thể học nhưng xét cho cùng thì mọi lý thuyết ở nước ngoài vẫn phải phù hợp với văn hóa Việt Nam mà nếu áp dụng một cách máy móc thì sẽ không bao giờ thành công.

Nếu bất chấp họ thì chúng ta sẽ lạc hậu, không đi theo được họ nhất là yếu tố chuyên nghiệp. Chữ chuyên nghiệp có rất nhiều yếu tố nhưng cũng không phải cái gì đó quá to tát. Tôi lấy ví dụ, như hôm nay tôi hẹn các bạn 14h trả lời phỏng vấn, các bạn đến trước 15 phút và chuẩn bị khá đầy đủ thiết bị, nội dung cho một cuộc phỏng vấn như thế cũng là chuyên nghiệp. Từ trao đổi của tôi, các bạn còn phải kiểm chứng thêm những chia sẻ của tôi từ nhiều nguồn nữa, đó cũng là chuyên nghiệp của người làm báo.

Khi chuyên nghiệp như vậy, chúng ta sẽ chắc chắn không bao giờ xâm phạm vào các vấn đề về đạo đức.

Đừng nghĩ mọi người sẽ hiểu được ý tưởng của lãnh đạo

Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh chia sẻ rằng, trách nhiệm báo chí khi nắm bắt các vấn đề phải tìm hiểu, đưa ra góc nhìn đa chiều để người dân tham khảo. Có thể những vấn đề hôm nay đúng nhưng ngày mai sai. Chính lúc đó cần đến sự quyết đoán, chịu trách nhiệm của những chính trị gia, người đứng đầu.

Các lãnh đạo chính trị cần mạnh dạn chấp nhận điều đó. Sự ủng hộ của người dân là rất tốt nhưng không có nghĩa là dân túy. Chúng ta làm gì cũng phải phục vụ lợi ích chung nhưng đừng nghĩ mọi người sẽ hiểu được ý tưởng của lãnh đạo vào thời điểm hiện nay.

Hôm nay họ không hiểu nhưng 5 năm, 10 năm hay 20 năm sau quyết định đạt được giá trị cao thì người dân mới thấy được vai trò của người lãnh đạo. Nếu chúng ta thuần túy làm hài lòng số đông, ve vãn số đông làm những gì họ hài lòng thì đó không phải là vai trò của người lãnh đạo.

Thưa ông, 21/6 năm nay chúng ta kỷ niệm 97 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam. Nhân dịp này, ông có thông điệp gì gửi đến đội ngũ những người làm báo Việt Nam?

Qua Báo Nông nghiệp Việt Nam, cho tôi gửi đến toàn thể đội ngũ những người làm báo, cán bộ quản lý báo chí đã nghỉ hưu và đang làm việc trong các cơ quan báo chí lời chúc mừng nồng nhiệt nhất!

Suốt chiều dài lịch sử, báo chí Cách mạng đã đồng hành cùng với dân tộc, với sự lớn mạnh của đất nước.

Tôi không dám có thông điệp hay định hướng nào cả mà chỉ có một mong muốn là nếu đã chấp nhận làm nhà báo thì phải đặt trách nhiệm với xã hội lên cao nhất, nếu không làm được điều đó thì đừng làm báo nữa.

Nhà báo không bao giờ là một người giàu có, muốn giàu có hãy trở thành ông chủ của các tập đoàn truyền thông. Cho nên, đã xác định làm nhà báo thì đừng nghĩ đến lợi ích vật chất, nếu vì lợi ích vật chất thì có thể đi làm những việc khác để có thu nhập tốt hơn nhiều.

Những nhà báo thông thường không bao giờ là người giàu có nhưng họ lại có vị trí, vai trò rất quan trọng, tác động rất lớn đến xã hội.

Xin trân trọng cảm ơn ông về những chia sẻ này. Chúc ông luôn mạnh khỏe!

 

 

 

 

 

 

 
Văn Hùng - Tùng Đinh
 
Trọng Toàn
 
Tùng Đinh
 
 

Theo Báo Nông nghiệp Việt Nam

https://nongnghiep.vn/lam-bao-la-nghe-khong-dem-lai-su-giau-co-d325843.html?zarsrc=30&utm_source=zalo&utm_medium=zalo&utm_campaign=zalo

 

 
 
 
 
 
 
 
 
 

 

 

Các tin khác:
  • Mô hình báo chí - công nghệ (Media - tech): Hướng đi tất yếu của báo chí thời chuyển đổi số Công nghệ - Một nửa còn thiếu (21/06/2022-15:00)
  • Thêm một mùa giải thành công (21/06/2022-14:53)
  • Đạo đức báo chí và chuyện “cơm áo, gạo tiền” (21/06/2022-14:33)
  • Báo chí - Niềm tin & Trách nhiệm trên vai (21/06/2022-14:23)
  • Báo chí Thanh Hóa đoàn kết, chuyên nghiệp, hiện đại, nhân văn (21/06/2022-9:04)
  • Đạo diễn Tạ Quỳnh Tư - VTV: Chỉ cảm xúc mới “chạm” được tới “tâm” của người xem (19/06/2022-22:17)
  • Kỷ niệm 97 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam và trao Giải báo chí Trần Mai Ninh năm 2021 (17/06/2022-13:49)
  • Triển khai phong trào thi đua "Xây dựng môi trường văn hóa trong cơ quan báo chí" (16/06/2022-8:48)
  • Nhà báo Nguyễn Tùng Điển làm Tổng biên tập Tạp chí Bóng đá (16/06/2022-8:45)
  • Báo chí góp phần quảng bá tinh hoa văn hóa dân tộc ra thế giới (16/06/2022-8:36)