Bản lĩnh nhà báo trẻ trước thách thức từ ứng dụng công nghệ và mạng xã hội (11/07/2022-11:33)
Trước áp lực về cạnh tranh thông tin, sự phát triển của công nghệ truyền thông, trong đó mạng xã hội có tác động rõ rệt đến hoạt động nghề nghiệp của nhà báo trẻ. Trong dòng xoáy tác động tích cực và tiêu cực ấy người làm báo trẻ càng phải thể hiện trách nhiệm và bản lĩnh chính trị vững vàng hơn.
Nhà báo trẻ trước thách thức từ ứng dụng công nghệ và mạng xã hội.
Trau dồi thêm cho mình năng lực tư duy mới
Từ truyền thống vẻ vang của lịch sử báo chí cách mạng, đội ngũ nhà báo trẻ hôm nay luôn có ý thức học hỏi và trau dồi để vừa giữ được “lửa nghề” vừa đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của độc giả và những thách thức mới của thời đại.
Trong bối cảnh hiện nay, khi cả thế giới bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, báo chí Việt Nam cùng với mọi ngành nghề trong xã hội đều có những bước chuyển mình để phù hợp với thời đại. Cuộc cách mạng 4.0 đã và đang tạo ra sự thay đổi nhanh chóng và mạnh mẽ trong toàn bộ hoạt động báo chí của nước ta hiện nay.
Giữa môi trường truyền thông mở, đội ngũ phóng viên báo chí đã được thỏa sức sáng tạo ra những sản phẩm truyền thông mới, đa dạng về hình thức, phong phú về nội dung. Những sản phẩm báo chí multimedia (đa phương tiện) ra đời, với các kiểu bài như: infographics, mega story, e-magazine, long-form,… đã không còn xa lạ với độc giả, tạo nên những món ăn tinh thần mới mẻ, khác với những bài báo chỉ gồm chữ viết và ảnh minh họa đơn thuần.
Nhà báo Kiều Phương Giang - Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam cho biết: Bên cạnh những cơ hội tuyệt vời để sáng tạo đó đồng nghĩa với việc đặt đội ngũ những người làm báo trước thách thức không nhỏ trong việc trau dồi kỹ năng, cập nhật công nghệ và phải luôn tự làm mới những tác phẩm của mình. Sự cạnh tranh giữa các loại hình truyền thông, đặc biệt là các sản phầm truyền thông mới vừa “làm khó” nhưng cũng vừa là động lực để nhà báo bắt kịp xu hướng phát triển của thời đại.
Bên cạnh đó, trong bối cảnh mạng xã hội có sức ảnh hưởng sâu rộng, tin giả (fake news) lan tràn khắp nơi, thì báo chí không còn là phương tiện truyền thông độc quyền. Báo chí bị đặt vào một thế cạnh tranh khó khăn, khi vừa phải đảm bảo về tốc độ đưa tin, vừa phải khẳng định sự đáng tin cậy của mình đối với công chúng.
“Thế hệ nhà báo trẻ hiện nay cần trau dồi thêm cho mình năng lực tư duy mới, nhất là tư duy phát triển, phản biện xã hội; năng lực ngoại ngữ phải tốt hơn; kĩ năng sử dụng các phương tiện kỹ thuật -công nghệ phải thành thạo hơn. Những điều này cùng với những kĩ năng về chuyên môn nghiệp vụ sẽ giúp các nhà báo trẻ đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của báo chí cách mạng trong thời đại 4.0. Thậm chí, thế hệ nhà báo trẻ hiện nay có thể trở thành đội ngũ nhà báo đa phương tiện, tức là có khả năng phản ứng nhanh trong mọi tình huống, có thể chụp ảnh, quay phim, chỉnh sửa ảnh, dựng phim, tự thiết kế và trình bày các sản phẩm báo chí đa phương tiện” nhà báo Kiều Phương Giang chia sẻ thêm.
Tiên phong trong việc làm chủ công nghệ
Với vai trò là một Biên dịch viên trang Tiếng Anh và phóng viên theo mảng quốc tế thuộc Báo Điện tử Báo Công an nhân dân, nhà báo Bùi Khánh Linh nhận thức rõ rằng cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 hiện nay đóng vai trò vô cùng quan trọng với nhiều mặt của cuộc sống, đặc biệt là trong công tác tuyên truyền.
Dưới sự định hướng, chỉ đạo sát sao và nhiều chia sẻ thực tế từ các đồng chí lãnh đạo Ban Biên tập, chị và các đồng nghiệp tại ban luôn cố gắng lồng ghép “chuyển đổi số” vào trong công tác chuyên môn một cách thận trọng và hiệu quả, nhằm tạo nên “vùng xanh” thông tin trên không gian mạng, thu hút độc giả và lan toả văn hoá đọc tới mọi người.
Những đổi mới “đa phương tiện” như đưa tin sự kiện song ngữ tiếng Việt và tiếng Anh, thiết kế tuyến bài E-Magazine, dựng video hay đưa tin trực tiếp theo dòng sự kiện và từ hiện trường, đã góp phần giúp số lượt người dùng truy cập báo tăng đến hàng chục triệu lượt, trong đó số lượt người dùng quay lại trang tăng mạnh và fanpage báo Công an nhân dân đã có tới gần 1 triệu lượt theo dõi.
Nhà báo Bùi Khánh Linh chia sẻ: để đạt được số lượng lớn người dùng truy cập và quay trở lại trang, tôi và các đồng nghiệp đã chủ động tham mưu và đề xuất các lãnh đạo cho phép tham gia các lớp bồi dưỡng báo chí 4.0 như: làm thế nào để phát huy sức mạnh của mạng xã hội trong tuyên truyền báo chí chính thống, tổ chức các buổi trao đổi kinh nghiệm và học hỏi lẫn nhau với các đơn vị báo chí trong và ngoài lực lượng vũ trang để có được cái nhìn toàn cảnh hơn, từ đó hiểu rõ được các ưu điểm và những khía cạnh cần củng cố nhằm đổi mới để phù hợp với dòng chảy báo chí hiện đại.
Tuy nhiên bên cạnh những kỹ năng để cạnh tranh thông tin, cạnh tranh công nghệ, điều quan trọng vẫn là yếu tố con người, nhất là bản lĩnh chính trị và đạo đức nghề nghiệp của người làm báo, đặc biệt là trong bối cảnh tin giả đôi lúc “chạy” nhanh hơn tin thật. Với sức trẻ, người làm báo cần phát huy tinh thần xung kích, tiên phong trong việc làm chủ công nghệ, trau dồi ngoại ngữ, tự hoàn thiện các kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ.
Ngoài ra, mỗi nhà báo trẻ khi sử dụng mạng xã hội luôn phải chú ý tuân thủ các quy tắc đã được ban hành. Nội dung trong bộ quy tắc đã quy định khá chi tiết và đầy đủ để người làm báo có thể dễ dàng áp dụng khi sử dụng mạng xã hội trong quá trình tác nghiệp nên không có ý kiến mong muốn bổ sung hay sửa đổi thêm.
Có thể nói trong mọi hoàn cảnh, mọi biến động, người làm báo trẻ hãy luôn trong tâm thế sẵn sàng tác nghiệp với một bản lĩnh vững vàng và một trái tim đỏ lửa, để tạo ra những tác phẩm báo chí có tâm và có tầm, thể hiện rõ trách nhiệm xã hội của nghề báo và giá trị của báo chí cách mạng Việt Nam.
Địa chỉ: Tòa nhà hợp khối các đơn vị sự nghiệp, đường Lý Nam Đế, P. Đông Hương, TPTH
Người chịu trách nhiệm chính: Bà Nguyễn Thị Thương Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Thanh Hóa
ĐT:
02373.752.456
Hotline: 0918.084.568
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com