Thành phố Thanh Hóa và Khu Kinh tế Nghi Sơn ngày càng phát triển.
Tiệm cận các vấn đề phát sinh từ thực tiễn
Khép lại kỳ họp bằng 52 nghị quyết được thông qua, có thể nói, đây là một trong những kỳ họp đạt được một con số “kỷ lục” về số lượng nghị quyết được HĐND xem xét, quyết định. Đồng thời, con số ấy cũng cho thấy tinh thần đoàn kết, trách nhiệm khi 100% đại biểu dự kỳ họp đã thống nhất thông qua. 52 nghị quyết đã bao quát hầu khắp các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, với các nhóm vấn đề: về phát triển kinh tế - xã hội; về kế hoạch đầu tư phát triển và phân bổ vốn; về cơ chế, chính sách; về chủ trương đầu tư các dự án; về nghị quyết thường niên và các nội dung khác. Có thể nói, nhiều nghị quyết sau khi được HĐND thông qua, làm cơ sở cho việc triển khai và đi vào cuộc sống, không chỉ giúp tháo gỡ ngay “nút thắt” cơ chế, hay khắc phục những bất cập do chính sách lạc hậu đang là rào cản kéo lùi sự phát triển. Nói cách khác, các nghị quyết được HĐND quyết nghị đã tiệm cận để giải quyết các vấn đề phát sinh từ thực tiễn. Đặc biệt, nhiều quyết sách tầm vĩ mô sẽ tạo tiền đề căn bản và quan trọng để thúc đẩy đà tăng trưởng và đặt nền móng để Thanh Hóa hiện thực hóa khát vọng thịnh vượng.
Điển hình như “Chính sách hỗ trợ các phương tiện vận tải biển quốc tế và nội địa; hỗ trợ doanh nghiệp vận chuyển hàng hóa bằng container qua Cảng Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa”. Với chính sách này, đồng chí Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đã chỉ rõ: Số tiền mà tỉnh hỗ trợ doanh nghiệp là không nhiều nhưng lợi ích thu về là rất lớn. Tuy nhiên, đến nay chính sách này đã không còn phù hợp, không đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Cho nên, việc ban hành chính sách mới sẽ tạo sức hấp dẫn mới cho Khu Kinh tế Nghi Sơn và cho Cảng Nghi Sơn; cũng như tạo tiền đề nâng cao nguồn thu cho ngân sách tỉnh... Hay Chính sách khuyến khích sử dụng hình thức hỏa táng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2022–2025”, được đồng chí Chủ tịch HĐND tỉnh đánh giá là “ưu việt, văn minh, không chỉ góp phần bảo vệ môi trường, mà còn tiết kiệm đất đai”...
Đặc biệt, việc quyết nghị một số chính sách có tầm ảnh hưởng sâu rộng, lâu dài như nhóm nghị quyết về kế hoạch đầu tư phát triển và phân bổ vốn (phân bổ vốn ngân sách cho Chương trình Mục tiêu quốc gia (MTQG) về xây dựng nông thôn mới, Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; giải phóng mặt bằng, tái định cư và thực hiện di dân tại các khu vực bị ảnh hưởng bởi lũ ống, lũ quét...), đã cho thấy sự quyết tâm rất lớn của tỉnh, cũng như tính nhân văn của chính sách là hướng đến các giá trị vì con người. Nói về nhóm chính sách này, đồng chí Chủ tịch HĐND tỉnh khẳng định: Trong 2 năm qua, tỉnh ta đã nỗ lực, cố gắng rất nhiều trong việc đề nghị với Trung ương hoàn thiện thể chế và dành sự quan tâm hơn đối với vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh Thanh Hóa. Ngay đầu năm 2021, Thường trực Tỉnh ủy, lãnh đạo UBND tỉnh đã đề nghị với Ủy ban Dân tộc để bổ sung gần 100 bản vào diện đặc biệt khó khăn, để bảo đảm cuộc sống cho bà con.
Mang “hơi thở cuộc sống” vào nghị trường
Một trong những “điểm nhấn” tạo được dấu ấn, dư âm tốt đẹp và góp phần củng cố thêm niềm tin của cử tri đối với cơ quan dân cử, đó là Kỳ họp thứ 7 đã triển khai tốt phiên chất vấn trực tiếp tại nghị trường. Với việc lựa chọn đúng vấn đề “nóng”, có tác động sâu rộng đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội là đất đai và giáo dục; đồng thời, với tinh thần khách quan, nghiêm túc, thẳng thắn, công khai và trách nhiệm, các đại biểu HĐND và “tư lệnh” ngành, lãnh đạo UBND tỉnh đã “trao đi đổi lại”, thậm chí đã truy vấn, phản biện đến cùng nhằm “mổ xẻ” bản chất các vấn đề đang vướng mắc, đã tồn tại dai dẳng và chưa thể giải quyết triệt để.
Đặc biệt, phiên chất vấn được truyền hình trực tiếp qua sóng truyền hình đã nhận được sự quan tâm, theo dõi rất sát của cử tri và Nhân dân trong tỉnh. Đồng thời, nhiều cử tri đã gửi kiến nghị ngay đến chủ tọa kỳ họp thông qua đường dây nóng, để bày tỏ quan điểm, suy nghĩ, thái độ và cả sự băn khoăn, bức xúc liên quan đến công tác quản lý, sử dụng đất đai tại cơ sở. Điều đó cho thấy, cử tri hết sức quan tâm đến kỳ họp, đến vấn đề được chất vấn và đặt niềm tin vào bản lĩnh, trí tuệ và trách nhiệm của các đại biểu dân cử.
Kết quả và sức lan tỏa của phiên chất vấn là một minh chứng về sự thành công của kỳ họp, cũng như tiếp tục khẳng định vai trò giám sát, hiệu quả giám sát tối cao của HĐND. Qua chất vấn cho thấy, các đại biểu HĐND tỉnh không chỉ làm “tròn vai”, mà còn thể hiện rõ quan điểm, thái độ, năng lực và trách nhiệm của người đại biểu dân cử - đại diện cho tiếng nói quyền lợi của cử tri và Nhân dân. Đồng thời, cũng cho thấy tinh thần phản biện và dám đi đến cùng các vấn đề phát sinh từ thực tiễn, xuất phát từ lợi ích chung và vì sự phát triển của tỉnh.
Đánh giá về phiên chất vấn và trả lời chất vấn, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Đỗ Trọng Hưng khẳng định, phiên chất vấn “đã diễn ra trong không khí dân chủ, xây dựng, thể hiện tinh thần trách nhiệm của các vị đại biểu HĐND tỉnh, lãnh đạo UBND tỉnh và người đứng đầu sở, ngành được chất vấn. Nội dung chất vấn phù hợp với tình hình thực tế, được dư luận, cử tri và Nhân dân trong tỉnh quan tâm, đồng tình. Ngay sau kỳ họp này, HĐND tỉnh yêu cầu UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng thực hiện nghiêm các ý kiến, kiến nghị của cử tri trong tỉnh và các kiến nghị nêu trong báo cáo kết quả giám sát; yêu cầu lãnh đạo UBND tỉnh, các sở, ngành, đơn vị được chất vấn và giải trình tại kỳ họp thực hiện đầy đủ các cam kết tại phiên trả lời chất vấn, báo cáo HĐND tỉnh và cử tri trong tỉnh vào kỳ họp tiếp theo”.
Đổi mới, linh hoạt trong tổ chức, điều hành
Kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh khóa XVIII có khối lượng công việc rất lớn, quyết định nhiều nội dung quan trọng của tỉnh trong năm 2022 và cả giai đoạn 2021-2025, nhằm triển khai thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX. Do đó, để tổ chức kỳ họp, Thường trực HĐND, UBND tỉnh, các ban của HĐND tỉnh, Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh, các ngành có liên quan đã tích cực, chủ động phối hợp chuẩn bị tốt nội dung và các điều kiện phục vụ kỳ họp, nhất là việc ứng dụng công nghệ thông tin để tổ chức kỳ họp không giấy tờ.
Trước hết, để góp phần làm nên thành công của kỳ họp, phải nhấn mạnh đến khâu chuẩn bị nghiêm túc, công phu về mặt nội dung và tinh thần trách nhiệm của các đại biểu HĐND trong việc nghiên cứu các báo cáo, tờ trình, dự thảo nghị quyết; đồng thời, phát huy trí tuệ, thảo luận dân chủ, thẳng thắn, đóng góp nhiều ý kiến có chất lượng để hoàn thiện và thông qua 52 nghị quyết quan trọng. Đặc biệt, kỳ họp diễn ra trong bối cảnh các chỉ số tăng trưởng 6 tháng đầu năm 2022 đã được “chốt”, với những thành quả ấn tượng, những hạn chế đang tồn tại và cả những thách thức đã được nhận diện. Đây cũng là nội dung được HĐND đưa ra thảo luận, phân tích sâu sắc và toàn diện cả mặt thuận lợi và khó khăn. Từ đó, đồng chí Chủ tịch HĐND tỉnh Đỗ Trọng Hưng đã “yêu cầu các tổ chức, cá nhân, đặc biệt là người đứng đầu các ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị phải nghiêm túc đánh giá, rút kinh nghiệm và có chủ trương, giải pháp hiệu quả khắc phục bằng được những hạn chế, yếu kém đã được UBND tỉnh chỉ ra trong báo cáo và đã được HĐND tỉnh phân tích, thảo luận và thống nhất tại kỳ họp”.
Phiên chất vấn tại kỳ họp đạt được kết quả tốt và hiệu ứng xã hội tích cực, trước hết là do việc lựa chọn chủ đề chất vấn đã được Thường trực HĐND chỉ đạo triển khai sớm hơn các kỳ họp trước. Nhờ đó, giúp các cơ quan, đơn vị được chất vấn có sự chuẩn bị đầy đủ nội dung để báo cáo trước cử tri và kỳ họp. Đặc biệt, vấn đề chất vấn được lựa chọn đã qua quá trình tổng hợp từ các tổ đại biểu HĐND, đại biểu HĐND; qua giám sát của Thường trực HĐND, các ban của HĐND; qua nghiên cứu báo cáo của các cơ quan thanh tra, kiểm toán; qua việc nắm bắt kiến nghị của cử tri, Nhân dân và phản ánh của các cơ quan báo chí. Cùng với đó, việc điều hành một cách khoa học, linh hoạt, nhất là sự định hướng sâu sắc, gợi mở cụ thể của chủ tọa kỳ họp đối với các vấn đề được thảo luận, chất vấn, cũng chính là nhân tố cơ bản góp phần quyết định thành công của kỳ họp. Cách đặt câu hỏi của đại biểu ngắn gọn, rõ ràng, đi vào trọng tâm, trọng điểm; đồng thời, đại biểu trả lời chất vấn cũng đi thẳng vào vấn đề, không vòng vo, né tránh và gắn với các giải pháp để giải quyết các bất cập tồn tại. Đặc biệt, sự định hướng của chủ tọa kỳ họp để các đại biểu “truy” đến cùng vấn đề được chất vấn đã cho thấy tinh thần đổi mới, dám nói thẳng và sẵn sàng chịu trách nhiệm trước cử tri của cơ quan và đại biểu dân cử.
Kết lại kỳ họp bằng việc thông qua 52 nghị quyết rất quan trọng, có tác động lớn đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống Nhân dân. Do đó, “HĐND tỉnh yêu cầu UBND tỉnh sớm cụ thể hóa và nghiêm túc tổ chức thực hiện để sau khi được ban hành, nội dung các nghị quyết nhanh chóng đi vào cuộc sống, góp phần thực hiện thắng lợi các nghị quyết của Đảng, đáp ứng nguyện vọng của cử tri và Nhân dân. Đề nghị Thường trực HĐND tỉnh, các ban của HĐND và các vị đại biểu HĐND tỉnh tiếp tục phát huy vai trò giám sát, vận động các tầng lớp Nhân dân trong tỉnh thực hiện thắng lợi các nghị quyết”. Đây là ý kiến chỉ đạo của đồng chí Đỗ Trọng Hưng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh khi bế mạc kỳ họp. Song thiết nghĩ, đó cũng chính là nguyện vọng tha thiết của đông đảo cử tri và Nhân dân trong tỉnh. Bởi hơn ai hết, cử tri luôn kỳ vọng các nghị quyết của HĐND sẽ lấy hiệu quả triển khai trong thực tiễn và lấy sự hài lòng, niềm tin của cử tri làm thước đó!.
Theo Khôi Nguyên/Báo Thanh Hóa Điện tử
https://baothanhhoa.vn/thoi-su/ky-hop-thu-7-hdnd-tinh-khoa-xviii-tao-du-am-tot-dep-va-niem-tin-cua-cu-tri/163222.htm