75 năm trước, trong những ngày đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề nghị Chính phủ chọn một ngày trong năm để tỏ lòng hiếu nghĩa thương binh - liệt sĩ. Từ đó, ngày 27-7 đã trở thành ngày đặc biệt, dịp để đồng bào, chiến sĩ cả nước cùng tri ân những người đã ngã xuống và những người đã hy sinh một phần xương máu, tuổi thanh xuân của mình cho sự vẹn toàn của Tổ quốc.
Từ mạch nguồn, truyền thống, đạo lý ấy, trong suốt 75 năm qua hoạt động tri ân thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng luôn được tiếp nối, nhân lên thành văn hóa tri ân. Cùng với các chế độ, chính sách của Đảng, Nhà nước dành cho người có công với cách mạng, hoạt động chăm lo thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, đã được các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, doanh nghiệp thi đua thực hiện. Tháng 7 hàng năm được nhắc tới gắn liền các hoạt động tri ân. Những ngọn nến được thắp lên bằng lòng thành kính và biết ơn vô hạn.
Tháng 7 linh thiêng và ấm áp nghĩa tình, trong khói hương trầm tỏa ngát, tiếng chuông ngân vang đồng vọng tưởng nhớ các Anh hùng liệt sĩ, càng khiến chúng ta - những người đang thụ hưởng giá trị của hòa bình thêm đề cao trách nhiệm biết ơn những người đã ngã xuống, đã hy sinh một phần máu thịt, sức khỏe, tuổi thanh xuân của mình cho tự do, ấm no, hạnh phúc cho muôn đời sau.
Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Thương binh, bệnh binh, gia đình quân nhân và gia đình liệt sĩ là những người đã có công với Tổ quốc, với Nhân dân. Cho nên bổn phận của chúng ta là phải biết ơn, phải thương yêu và giúp đỡ họ”.
Theo đạo lý ấy, công tác chăm lo thương binh, bệnh binh, gia đình chính sách ở Thanh Hóa trong suốt những năm qua đã được các cấp ủy, chính quyền đặc biệt quan tâm. Đời sống của các đối tượng chính sách cơ bản ổn định, có trên 99,8% hộ gia đình người có công với cách mạng có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của cộng đồng dân cư nơi cư trú. 100% Mẹ Việt Nam Anh hùng được các cơ quan, ban, ngành, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp nhận phụng dưỡng, chăm sóc suốt đời. Các cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công được đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị và bố trí nhân sự để đáp ứng yêu cầu chăm sóc, điều dưỡng người có công, nhất là thương binh nặng.
Kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, bằng tất cả lòng biết ơn vô hạn và đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của người “hái quả” đối với “người trồng cây”, những hoạt động tri ân lại tiếp tục được lan tỏa.
Theo Thanh Hóa/Báo Thanh Hóa Điện tử
https://baothanhhoa.vn/thoi-su/lan-toa-dao-ly-uong-nuoc-nho-nguon/164142.htm