Đội tuyển xe đạp Thanh Hóa với nhiều khởi sắc từ công tác đào tạo trẻ.
Những năm qua, tỉnh Thanh Hóa đã có nhiều chính sách, cách làm mới, linh hoạt để tiếp tục củng cố và phát triển các môn thể thao thành tích cao. Mục tiêu cho giai đoạn phát triển mới là nâng số lượng từ gần 700 lên hơn 1.000 VĐV. Số môn cũng sẽ tăng từ 30 lên 35 môn. Đây là cơ sở quan trọng để thể thao thành tích cao Thanh Hóa giữ được vị thế trên bình diện toàn quốc và giành được những thành tích cao hơn trên đấu trường quốc tế.
Công tác tìm kiếm “nhân tài” các bộ môn thế mạnh của thể thao Thanh Hóa đã được quan tâm đúng mức. Cử tạ và xe đạp là 2 trong số các bộ môn thể thao Thanh Hóa đã có sự linh hoạt trong công tác đào tạo VĐV các tuyến năng khiếu trẻ, những năm qua bên cạnh việc xây dựng lực lượng từ các VĐV được tuyển chọn trong tỉnh. Bộ môn cử tạ cũng đã từng đưa về Phạm Tuấn Anh, đô cử quê gốc Bắc Ninh này đã được huấn luyện viên Phạm Hồng Phi, trưởng bộ môn cử tạ Thanh Hóa phát hiện những tố chất, tiềm năng có thể giành thành tích cao. Sau một thời gian được “nhào nặn”, Phạm Tuấn Anh đã trở thành VĐV quan trọng của bộ môn này với những thành tích đáng kể với Huy chương Bạc SEA Games 30, nhiều lần giành Huy chương Vàng tại giải vô địch quốc gia, Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ VIII, đồng thời cũng từng phá kỷ lục quốc gia. Để đạt được những thành tích nói trên, bên cạnh sự nỗ lực cá nhân, Phạm Tuấn Anh còn được quan tâm, tạo điều kiện, chế độ đãi ngộ tốt, do đó đô cử này mới quyết định gắn bó, cống hiến cho xứ Thanh, nơi VĐV này xem như là quê hương thứ hai của mình.
Tại giải vô địch xe đạp địa hình trẻ quốc gia năm 2021, đặc biệt là tại Cuộc đua xe đạp Cúp truyền hình TP Hồ Chí Minh năm 2022 vừa qua, bộ môn xe đạp Thanh Hóa đã trình làng 1 VĐV trẻ rất triển vọng là Nguyễn Văn Lãm. Sự góp mặt của nam VĐV quê Quảng Bình này nằm trong kế hoạch “phục hưng”, hướng tới tương lai của bộ môn xe đạp. Không phụ lòng tin của ban huấn luyện, Nguyễn Văn Lãm đã sớm khẳng định được tài năng của mình bằng sự hòa nhập nhanh và những thành tích đáng kể. Nam cua-rơ trẻ này đã giành Huy chương Bạc tại giải trẻ quốc gia ở nội dung xe đạp địa hình nội dung băng đồng tính giờ cá nhân nam 3km. Điều đáng nói là tài năng trẻ này chỉ xếp sau VĐV đàn anh Đinh Văn Linh (Hòa Bình) - người được mệnh danh là “độc cô cầu bại”. Chưa dừng lại ở đó, Nguyễn Văn Lãm còn có màn trình diễn khá tốt tại Cuộc đua xe đạp Cúp truyền hình TP Hồ Chí Minh tháng 4 vừa qua với thành tích về vị trí thứ 3 ở nội dung leo đèo Phú Gia – chặng 12. Nguyễn Văn Lãm chính là tay đua có thứ hạng tốt nhất của đoàn Thanh Hóa trên bảng xếp hạng cá nhân (áo vàng) của cuộc đua với vị trí thứ 34 trong tổng số 98 VĐV của 14 đội. Nguyễn Văn Lãm còn xếp vị trí thứ 8 ở bảng xếp hạng áo trắng (dành cho các tay đua trẻ), xếp hạng 26 ở bảng xếp hạng áo xanh (dành cho tay đua có thành tích về nước rút tốt nhất).
VĐV Nguyễn Văn Lãm chia sẻ: Em rất đam mê môn xe đạp cả nội dung địa hình và đường trường, tuy nhiên ở Quảng Bình không có bộ môn này, vì vậy em đã được giới thiệu về Thanh Hóa. Sự quan tâm, tạo điều kiện của Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục thể thao tỉnh, ban huấn luyện bộ môn đã giúp em yên tâm gắn bó, không ngừng nỗ lực trong tập luyện, thi đấu để giành được những thành tích tốt nhất.
Vượt qua nhiều khó khăn, những năm qua, các bộ môn thể thao thành tích cao Thanh Hóa đã có sự quan tâm, “giữ chân” các VĐV tài năng, triển vọng và cả những VĐV đã có đẳng cấp, có thành tích xuất sắc trên đấu trường quốc tế. Điển hình như: Quách Công Lịch, Quách Thị Lan (điền kinh); Phạm Thị Vân, Hoàng Thị Trang (bơi); Nguyễn Thị Hương, Phạm Ngọc Châm (taekwondo); Lê Thị Hiền (vovinam); Trần Thị Linh (boxing); Nguyễn Thị Phương Hậu (muay); Hoàng Thị Tình (judo – kurash)... Cho dù còn gặp nhiều khó khăn, các bộ môn một mặt chú trọng tìm kiếm những VĐV trẻ tài năng, mặt khác đã tạo điều kiện để các VĐV này phát huy hết tài năng của mình. Bên cạnh việc bảo đảm các chế độ tập luyện, sinh hoạt, các bộ môn thường xuyên tiến cử, giới thiệu những VĐV tài năng để tỉnh đầu tư trọng điểm với mục tiêu giữ được vị trí số 1 ở đấu trường quốc gia, hướng tới các giải đấu quốc tế lớn tầm khu vực, châu lục và thế giới. Nhiều VĐV đã được tạo điều kiện đi tập huấn nước ngoài, được tham gia các giải đấu lớn, qua đó không ngừng phát triển chuyên môn, thành tích.
Các mức đãi ngộ đang được áp dụng hiện nay đối với các VĐV thể thao thành tích cao của Thanh Hóa chưa bằng các trung tâm lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Quân đội, Đà Nẵng... tuy vậy ngành văn hóa, thể thao và du lịch, Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục thể thao tỉnh đã có nhiều nỗ lực trong việc “giữ chân” các VĐV tài năng, triển vọng, có những cơ chế đầu tư trọng điểm, đồng thời có khen thưởng “nóng” cho các VĐV khi giành được thành tích nổi bật, bứt phá. Bên cạnh đó, việc thu hút nhân tài từ các địa phương khác cũng là cách làm mà thể thao Thanh Hóa hiện đang chú trọng trong giai đoạn này. Đội bóng chuyền nữ Hà Phú Thanh Hóa sau khi trụ hạng thành công đã bắt tay ngay vào công tác chuẩn bị cho Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX vào cuối năm nay, cũng như cho mùa giải 2023, trong đó trọng tâm là “giữ chân” các VĐV xuất sắc đã có nhiều đóng góp cho đội ở mùa giải 2022. Đây là cách làm linh hoạt nhằm tạo ra sự ổn định về lực lượng cho đội bóng. Có nhà tài trợ mới Hà Phú trong 3 mùa giải sẽ là nguồn lực về tài chính để “giữ chân” các cầu thủ trụ cột, đồng thời nâng cao chất lượng công tác đào tạo trẻ. Trong chiến lược phát triển bóng đá của tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tăng “chất Thanh” là một trong những giải pháp quan trọng hàng đầu. Song song với việc nâng cao chất lượng công tác huấn luyện, đào tạo trẻ, Câu lạc bộ Đông Á Thanh Hóa cũng sẽ có những chính sách ưu tiên cho các cầu thủ tài năng là con em xứ Thanh, đồng thời tạo điều kiện để các cầu thủ trẻ được tham gia các giải trẻ quốc gia, giải vô địch quốc gia, qua đó tạo nguồn kế cận chất lượng cho đội bóng.
Năm 2022 đánh dấu bước chuyển mạnh mẽ của thể thao tỉnh nhà khi VĐV ở các tuyến năng khiếu, trẻ và đội tuyển tỉnh đã được nâng mức dinh dưỡng lên đáng kể. Đây là nguồn động viên lớn dành cho VĐV ở các bộ môn và là cơ sở quan trọng để thể thao tỉnh nhà “giữ chân” các VĐV tài năng. Các chính sách, chế độ đặc biệt dành cho các VĐV tài năng, xuất sắc được quan tâm, các VĐV sẽ được gửi đi tập huấn trong nước và nước ngoài để có điều kiện tập luyện tốt hơn, phát huy tốt nhất khả năng của mình. Ngoài ra, mức thù lao, khen thưởng dành cho VĐV tài năng xuất sắc, có nhiều cống hiến cũng sẽ được ngành đề xuất lên tỉnh để kịp thời ghi nhận, động viên. Đây là giải pháp mà tỉnh Thanh Hóa đã và đang thực hiện có hiệu quả. Cùng với đó là sự quan tâm của các doanh nghiệp, mạnh thường quân, nhà hảo tâm để có những mức tài trợ, khen thưởng cho các VĐV tài năng. Có như vậy, thể thao Thanh Hóa mới “giữ chân” được những tài năng nhằm hiện thực hóa mục tiêu đã đề ra.
Theo Bài và ảnh: Mạnh Cường/Báo Thanh Hóa Điện tử
https://baothanhhoa.vn/the-thao/bai-2-giu-chan-cac-tai-nang-the-thao-dai-ngo-xung-dang-la-nen-tang-de-the-thao-thanh-hoa-phat-trien/164137.htm