Nhà báo Phùng Công Sưởng, Phó Tổng biên tập Báo Tiền Phong trao đổi với đại tá Lê Hữu Song, Phó Giám đốc Bệnh viện TWQĐ 108 về tổ chức phong trào hiến máu tình nguyện.
Sự cam kết ấy mang tâm thế của tinh thần quyết tâm hơn, nỗ lực hơn đưa yếu tố văn hóa thấm sâu vào trong hoạt động báo chí, cả trong việc rèn giũa đạo đức người làm báo, trong từng bài viết, và đặc biệt là các hoạt động văn hoá, thiện nguyện xã hội hướng đến cộng đồng.
Văn hóa luôn là sự thôi thúc từ lâu…
Nhà báo Phùng Công Sưởng – Phó Tổng Biên tập Báo Tiền Phong chia sẻ: Ban Biên tập Báo Tiền Phong luôn nhận thức rằng hoạt động báo chí là một bộ phận cấu thành quan trọng của công tác văn hóa tư tưởng. Chức năng văn hóa, nâng cao dân trí, là một trong những chức năng căn bản của báo chí. Do vậy, việc ký cam kết thêm một lần nữa khẳng định, Ban Biên tập Báo mong muốn xây dựng một cơ quan báo chí văn hóa; xây dựng một đội ngũ những người làm báo văn hóa và hướng tới việc cung cấp những sản phẩm báo chí văn hóa.
“Báo Tiền Phong luôn xác định, cơ quan báo chí là cơ quan văn hóa, những người làm báo là những chiến sĩ trên mặt trận văn hóa tư tưởng và những tác phẩm báo chí phải chứa đựng hàm lượng văn hóa đặc sắc. Đó cũng chính là điểm mấu chốt kiến tạo nên một môi trường văn hóa mà chúng tôi luôn đặt ra, hướng tới, nỗ lực thực hiện xuyên suốt quá trình xây dựng và phát triển tờ báo” – nhà báo Phùng Công Sưởng nhấn mạnh.
Trên thực tiễn hoạt động, đối với Báo Tiền Phong, văn hóa luôn là một thuộc tính nội sinh chứ không phải đến thời điểm này chúng ta mới nghĩ đến, mới làm. Những giá trị văn hoá của tờ báo liên tục bồi đắp và lớn mạnh qua nhiều thế hệ, qua nhiều giai đoạn lịch sử cho đến hôm nay. Điều này đã hiện thực hóa quan điểm làm báo của Ban biên tập; quan điểm về xây dựng đội ngũ những người làm báo có tâm sáng và giỏi nghề có bản lĩnh chính trị vững vàng.
Đặc biệt, thời điểm này, khi hoạt động báo chí đang phải đối mặt với nhiều thách thức từ nội tại và khách quan, thì câu chuyện “ văn hoá báo chí” càng phải được đặt ra một cách mạnh mẽ hơn. Tiền Phong đã và sẽ tìm những cách tiếp cận hợp lý nhất đảm bảo kiên định mục tiêu xây dựng tờ báo văn hoá.
Nhà báo Phùng Công Sưởng cho biết: Mỗi cơ quan báo chí là một thành trì văn hoá; những người làm báo văn hóa mang trong mình “tâm sáng - bút sắc”. Điều cơ bản của một cơ quan báo chí văn hoá chính là phải phục vụ nhân dân, phục vụ lợi ích quốc gia, dân tộc; tuân thủ nghiêm túc các quy định của luật pháp về hoạt động báo chí; gắn với tôn chỉ mục đích của tờ báo để có những nội dung thông tin hấp dẫn, lay động nâng cao hiệu quả tuyên truyền. Đó là một trong những thước đo thể hiện chúng ta là những cơ quan văn hóa.
Chính vì thế, việc quán triệt phong trào thi đua xây dựng cơ quan văn hóa và người làm báo văn hóa với 12 tiêu chí mà Hội Nhà báo Việt Nam vừa ban hành được Báo Tiền Phong tích cực hưởng ứng. Ví dụ như tại các cuộc họp giao ban chuyên môn, hàng ngày, hàng tuần, lãnh đạo tờ báo thường xuyên quán triệt những vấn đề liên quan đến nội dung bài viết, tin tức, hình ảnh và các sản phẩm báo chí khác về tính nhân văn, tính khách quan, tính đa chiều…
Những định hướng thông tin luôn bám sát chỉ đạo, đặc biệt là những lưu ý của các cơ quan quản lý báo chí như chấn chỉnh các hoạt động báo hóa mạng xã hội, báo hóa tạp chí, trang thông tin điện tử, rồi khai thác những hình ảnh đời tư, bạo lực, khiêu dâm… Không những thế, mỗi buổi giao ban hàng ngày, những câu chuyện về văn hóa báo chí cũng được trao đi đổi lại để thẩm thấu đến tất cả những đội ngũ người làm báo, từ lãnh đạo, trưởng, phó ban đến đội ngũ phóng viên trực tiếp tác nghiệp.
“Bên cạnh việc tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật, của cơ quan, thì trong những thời điểm cần thiết như xuất hiện những vấn đề “ nổi cộm” trong hoạt động báo chí nói chung, Ban Biên tập sẽ có những văn bản kịp thời nhằm thông tin, quán triệt, thậm chí là cảnh báo tới đội ngũ người làm báo toàn cơ quan. Hay kỹ năng ứng xử trên mạng xã hội cũng được Chi hội và các tổ chức như Công đoàn, Đoàn Thanh niên cơ quan thường xuyên chia sẻ tránh những vi phạm đáng tiếc. Tôi cho rằng nhờ có sự chia sẻ, trao đổi, chấn chỉnh kịp thời, liên tục, thường xuyên nên hiệu quả mang lại khá chủ động và tích cực” – nhà báo Phùng Công Sưởng cho hay.
Bài báo văn hoá - hoạt động văn hóa
Đó cũng là nhấn mạnh của Phó Tổng Biên tập Báo Tiền Phong khi nhắc đến việc hiện thực hóa cam kết trong phong trào thi đua xây dựng cơ quan văn hóa và người làm báo văn hóa. Thật vậy, một cơ quan báo chí có những con người luôn xung kích với tâm trong sáng và trình độ chuyên môn tốt, hiển nhiên sẽ cho ra đời những quả ngọt là những tác phẩm báo chí hay và đậm chất văn hóa.
Về tác phẩm, sản phẩm báo chí văn hóa cũng cần nói thêm rằng, nó rất rộng, không chỉ là những tác phẩm viết về văn hóa mới là văn hóa mà bản thân trong mỗi tác phẩm đã mang hàm lượng văn hóa rồi. Vì thế, Báo Tiền Phong đã có nhiều chuyên mục được xây dựng với nội dung để tôn vinh những giá trị cao đẹp của thế hệ trẻ Việt Nam trong các lĩnh vực như văn hóa, thể thao, nghiên cứu khoa học, học tập… hội tụ tất cả những giá trị truyền thống tốt đẹp như truyền thống hiếu học, truyền thống yêu chuộng hòa bình, truyền thống đùm bọc, giúp đỡ nhau trong hoạn nạn, khó khăn.
“Trong nguyên tắc sáng tạo tác phẩm thể hiện tính văn hóa, điều quan trọng nhất là sự nhân văn vì mỗi tác phẩm báo chí đều hướng tới con người, tôn trọng giá trị của con người. Mỗi con chữ, mỗi tác phẩm, nhà báo phải cân nhắc để đảm bảo được tính khách quan, không tạo ra sự thiên lệch, thiếu khách quan và đặc biệt là không suy diễn, quy chụp. Những tác phẩm ấy mang tính nhân văn sâu sắc, truyền bá, gìn giữ và phát triển những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc cũng như lan tỏa, quảng bá giá trị đó đến đông đảo bạn đọc. Chúng ta thực hiện những điều ấy chính là biểu hiện tuân thủ văn hóa trong làm báo” – nhà báo Phùng Công Sưởng nhấn mạnh.
Đặc biệt, không chỉ trên mỗi tác phẩm báo chí mà Báo Tiền Phong còn tổ chức được những hoạt động xã hội mang giá trị văn hóa rất cao để góp phần tôn vinh, lan tỏa trong cộng đồng, trong thế hệ trẻ. Điển hình trong hoạt động xã hội phải kể đến Hoạt động Đền ơn đáp nghĩa nhân kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh liệt sĩ, Báo Tiền Phong đã huy động được gần 8 tỷ đồng để xây dựng 120 căn nhà tình nghĩa cho gia đình thương binh, liệt sĩ, cựu thanh niên xung phong, gia đình có công tỉnh Hòa Bình; tặng quà 14 trung tâm thương binh trên phạm vi cả nước và nhiều hoạt động thiện nguyện khác. Báo đã tổ chức “Ngày chủ nhật đỏ” với thông điệp “Mỗi giọt máu cho đi, một cuộc đời ở lại” với hơn 40 tỉnh thành đạt hơn 50.000 đơn vị máu để cứu những người tai nạn giao thông trong dịp Tết…
Báo Tiền Phong còn đứng ra tổ chức rất nhiều hoạt động mang tầm cỡ quốc gia để tôn vinh những giá trị văn hóa của dân tộc như là cuộc thi Hoa hậu Việt Nam; là đơn vị Thường trực giải thưởng 10 gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu; tổ chức những hoạt động thể thao như “Giải Việt dã báo Tiền Phong”… Đấy là những hành động rất thiết thực của một cơ quan báo chí cho thấy rằng, không chỉ là bài báo văn hóa mà còn cả những hoạt động văn hóa cũng chính là sự kiến tạo một môi trường văn hóa.
Phó Tổng Biên tập Phùng Công Sưởng cho rằng: “Với những hoạt động xã hội thiện nguyện mà vừa góp phần phát triển nội dung, vừa phát triển, lan tỏa, quảng bá, đóng góp cho cộng đồng xã hội…đều nhận được sự tham gia nhiệt tình từ tất cả đội ngũ cán bộ, phóng viên trong báo. Đây là những viên gạch hồng xây dựng lên một thành trì văn hoá. Tôi nghĩ, qua những hoạt động thực tiễn đó, những giá trị văn hóa sẽ tiếp tục được bồi đắp và làm sinh động lên trong mỗi suy nghĩ của con người Tiền Phong.
Những giá trị văn hóa sẽ được tích tụ, phát triển và từ đó quay lại cống hiến, phục vụ cho cộng đồng được nhiều hơn. Đó chính là điểm nổi bật của báo Tiền Phong trong suốt chiều dài gần 70 năm qua. Và chúng tôi coi những việc đó là một phần sứ mệnh, là trách nhiệm xã hội của tờ báo Tiền Phong trong bất cứ giai đoạn lịch sử nào”.
Theo Hà Vân/Báo NB&CL
https://www.congluan.vn/bai-3-moi-co-quan-bao-chi-la-mot-thanh-tri-mot-co-so-van-hoa-post206386.html