Người làm báo thể hiện trách nhiệm và bản lĩnh trong truyền thông bảo vệ tài nguyên môi trường (03/08/2022-19:51)
Bảo vệ tài nguyên môi trường là nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết, chính vì thế thông qua những tác phẩm báo chí đội ngũ người làm báo đã góp phần nâng cao hiệu quả các hoạt động bảo vệ môi trường, tạo thành sức mạnh tập thể giải quyết những thách thức về môi trường và hướng đến phát triển bền vững.
Loạt bài ‘Phát triển kinh tế biển xanh: “Chìa khóa” đưa đất nước thành quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển” của nhà báo Bích Liên được đầu tư công phu.
Việt Nam là quốc gia biển, với đường bờ biển dài hơn 3.260 km và hơn 3.000 hòn đảo bao gồm 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Kinh tế biển chính là động lực, là tiền đề quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại và hợp tác quốc tế.
Cùng với đó, các tỉnh, thành phố ven biển của Việt Nam chiếm hơn 50% dân số cả nước, phần lớn lao động làm việc trong các ngành nghề liên quan đến biển; đóng góp của 28 tỉnh, thành ven biển vào GDP cả nước hiện đã vượt ngưỡng 60%.
Với tầm quan trọng đó, loạt bài “Phát triển kinh tế biển xanh: “Chìa khóa” đưa đất nước thành quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển” của nhà báo Đỗ Thị Bích Liên - Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam đã nêu bật vai trò của phát triển kinh tế biển xanh đang là xu hướng được nhấn mạnh trên toàn cầu để góp phần hồi sinh biển và đại dương.
Loạt bài cũng đưa những giải pháp nhằm hiện thực hóa mục tiêu đưa đất nước thành quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển và đạt cơ bản các tiêu chí về phát triển bền vững kinh tế biển.
Trong đó việc hướng tới một nền kinh tế biển xanh trên cơ sở bảo tồn và phát huy các "nguồn vốn biển tự nhiên", đặc biệt là các nguồn tái tạo năng lượng gió, nuôi biển, du lịch sinh thái...đang được xem là giải pháp căn cơ, lâu dài và bền vững đối với nhiều quốc gia có biển, trong đó có Việt Nam.
Loạt 7 bài còn được đầu tư công phu cả về nội dung lẫn hình thức thể hiện đã thu hút được bạn đọc. Dưới dạng trình bày longform có nhiều hình ảnh bắt mắt gắn với nội dung chuyên sâu đã cung cấp nhiều thông tin thú vị, toàn diện, dễ hiểu đã “giữ chân” độc giả lâu hơn.
Ngoài ra, để triển khai loạt bài này thì việc phỏng vấn các ý kiến của chuyên gia quốc tế, các đại biểu quốc hội và lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường để qua đó có được cái giải pháp phù hợp với thực tế phát triển kinh tế biển tại Việt Nam là rất quan trọng.
Nhà báo Bích Liên cho biết: Tôi nhớ thời gian tôi thực hiện loạt bài cũng là lúc đang diễn ra Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV. Ý tưởng cho bài 6 là phỏng vấn được ý kiến của các đại biểu Quốc hội tại các tỉnh có biển về giải pháp phát triển kinh tế biển xanh. Tuy nhiên, lên hành lang Quốc hội để gặp và phỏng vấn được các đại biểu là rất khó, mà lại phải tìm được các đại biểu ở các tỉnh có biển lại càng khó.
“Thời lượng nghỉ giải lao của các đại biểu chỉ có 15 phút, nếu tìm không nhanh thì không đủ thời gian phỏng vấn xong được. Hơn nữa kỳ họp này đa số các đại biểu đều là gương mặt mới, trẻ hơn các khóa trước nên rất khó biết họ đến từ tỉnh nào…Và cứ thế ròng rã hơn 1 tuần tôi kỳ công bên lề hành lang Quốc hội để hoàn thiện được bài 6 này. Khi viết về những mô hình, giải pháp đang thực hiện rất tốt tại các tỉnh để xin được tư liệu, phỏng vấn chính quyền, người dân…tôi cũng gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, cũng nhờ sự giúp đỡ của anh chị em đồng nghiệp nên tôi cũng đã hoàn thành 3 bài về mô hình, giải pháp tại các tỉnh”, nhà báo Bích Liên chia sẻ.
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu và nhiều rủi ro ảnh hưởng đến môi trường, hệ sinh thái biển, loạt 7 bài của nhà báo Bích Liên thêm khẳng định đến tầm quan trọng của việc bảo vệ giữ gìn hệ sinh thái biến, khai thác một cách hợp lý tài nguyên biển… Để làm được điều này thì việc thực hiện Nghị quyết 36-NQ/TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cần phải được triển khai cụ thể.
Việc phát triển hài hòa giữa kinh tế và bảo tồn biển đang được Việt Nam hiện thực hóa để trở thành quốc gia biển mạnh. Xuyên suốt mục tiêu này là giải quyết ô nhiễm môi trường xuyên, biến đổi khí hậu...trong đó, xây dựng kinh tế biển xanh là nền tảng. Để làm tốt được điều này, từ người dân, đến các cấp chính quyền cần phải nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của phát triển kinh tế biển xanh với sự phát triển của đất nước, từ đó có các giải pháp căn cơ nhằm quản lý tốt tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, đảo.
Giống như loạt bài của nhà báo Bích Liên, tác phẩm: “Thị trường tín chỉ Carbon - Kinh nghiệm quốc tế và chính sách cho Việt Nam” của nhà báo Kim Thanh - Truyền hình Quốc hội Việt Nam cũng mang lại dấu ấn đặc biệt của một tác phẩm truyền hình về đề tài môi trường. Khi làm tác phẩm về đề tài này, nhà báo Kim Thanh mong muốn người dân, công chúng và cả đội ngũ nhà báo quan tâm hơn đến môi trường, hướng tới một môi trường xanh sạch hơn, đáng sống hơn.
Thực tế hiện nay, vấn đề môi trường không chỉ được Quốc hội quan tâm mà tất cả các bộ, ban, ngành quan tâm, nó ảnh hưởng trực tiếp tới cuộc sống hàng ngày của người dân. Việt Nam đã tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP26) vì thế Quốc hội luôn quan tâm đến việc ban hành những chính sách mà có thể đồng hành cùng Chính phủ, cùng Đảng và nhà nước để có thể hiện thực hóa những cam kết mà Việt Nam đã ký ở COP26.
Tác phẩm “Thị trường tín chỉ Carbon - Kinh nghiệm quốc tế và chính sách cho Việt Nam” đã nêu bật những chủ trương chính sách mới, nhiều nội dung cam kết của Việt Nam và tình hình triển khai thực tế. Trong đó có nêu rõ lộ trình Việt Nam cam kết giảm phát thải ròng bằng 0 vào 2050, để thực hiện việc này…Tuy nhiên tất cả những nội dung này đều rất mới, nếu như đội ngũ người làm báo không tuyên truyền thì người dân, doanh nghiệp khó mà tiếp cận được.
Nhà báo Kim Thanh tâm sự: "Với trách nhiệm là nhà báo, chúng tôi đã đang và sẽ tuyên truyền sâu rộng hơn để các cơ quan nhà nước, các doanh nghiệp hay đối với người dân nắm được rõ hơn những chính sách mới, đặc biệt là những cam kết trong COP26 từ đó chúng ta sẽ đạt được mục tiêu đề ra, tất cả để chung tay cùng các nước trên thế giới xây dựng môi trường sống tốt đẹp hơn".
Tại Lễ Trao Giải thưởng Môi trường Việt Nam năm 2021 và Giải thưởng Báo chí Tài nguyên và môi trường lần thứ VI, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà cho biết: Báo chí trở thành mắt xích không thể thiếu trong công tác tuyên truyền về các chính sách về bảo vệ môi trường, xây dựng văn hóa bảo vệ môi trường...
Địa chỉ: Tòa nhà hợp khối các đơn vị sự nghiệp, đường Lý Nam Đế, P. Đông Hương, TPTH
Người chịu trách nhiệm chính: Bà Nguyễn Thị Thương Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Thanh Hóa
ĐT:
02373.752.456
Hotline: 0918.084.568
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com