Chủ nhật, ngày 24/11/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Văn hóa - Thể thao
Nâng cao ý thức về nguy cơ hỏa hoạn do đốt vàng mã trong mùa Vu Lan (12/08/2022-16:22)
    Các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo, trong đó có lễ Vu Lan Phật lịch 2566 - Dương lịch 2022 đã trở lại bình thường sau 2 năm bị nhiều gián đoạn do dịch COVID-19. Mùa Vu Lan có nhiều hoạt động tín ngưỡng tưởng nhớ đến đấng sinh thành và những người thân yêu đã khuất, xá tội vong nhân, trong đó nhà nhà và các cơ sở đình đền, chùa, miếu,... thường có các hoạt động đốt đồ vàng mã.

 Với quan niệm “trần sao âm vậy”, không ít người bỏ ra nhiều tiền cho việc sắm đồ vàng mã để cúng tiến cho cõi âm. Ảnh: Lê Phú/Báo Tin tức

Tuy nhiên, đã có không ít những vụ cháy xảy ra mà nguyên nhân chính là do việc thắp hương thờ cúng, đốt vàng mã gây ra, dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Không những vậy, mùa Vu Lan tháng 7 âm lịch cũng đang đợt thời tiết mùa khô, mùa nắng nóng. Do đó, có rất nhiều nguy cơ cháy nổ từ việc đốt vàng mã không đảm bảo an toàn.

Mới đây, ngày 9/8, một vụ cháy nhà xảy ra tại ngõ 32, phố Hoàng Đạo Thành, phường Kim Giang, quận Thanh Xuân (Hà Nội) mà nguyên nhân được xác định do chủ nhà hóa vàng để cạnh đống quần áo, nhưng quên đổ tàn lửa đã bén sang các vật liệu khác gây cháy. Rất may vụ cháy không có thiệt hại về người. Vào thời điểm đó, trong nhà có 2 cháu nhỏ đã kịp thời thoát ra ngoài an toàn. Đội Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, Công an quận Thanh Xuân đã điều 2 xe chữa cháy tới hiện trường phối hợp dập tắt hoàn toàn đám cháy, không để cháy lan sang các gia đình bên cạnh.

Trước đó, trong ngày thứ Hai đầu tuần (ngày 10/8), buổi sáng cháy nhà xưởng ở huyện Mê Linh và buổi chiều cháy tạp hóa kết hợp nhà trọ ở dốc Viện Nhi, quận Ba Đình. Trước đó một ngày cũng xảy ra hai vụ cháy, buổi sáng cháy nhà dân ở quận Thanh Xuân, buổi chiều lại cháy kho thiết bị bể cá cảnh ở quận Tây Hồ. Như vậy chỉ trong ngày 9-10/8, có tới 4 vụ cháy liên tiếp xảy ra ở Hà Nội.

Cũng đang mùa nắng nóng, dư luận cũng không khỏi lo lắng khi liên tiếp xảy ra các vụ cháy nghiêm trọng. Cách đây ít ngày (1/8), vụ cháy xảy ra tại quán karaoke số 231 Quan Hoa, quận Cầu Giấy, Hà Nội khiến 3 cán bộ, chiến sĩ hy sinh, dư luận xót thương. Ngay hôm sau (2/8), cũng tại Hà Nội xảy ra cháy nhà dân 3 tầng tại địa chỉ P168 lô M1, Khu đô thị 31ha, thị trấn Trâu Quỳ, huyện Gia Lâm.

Trước những thực trạng trên, mỗi người dân, cơ sở cần nâng cao ý thức chấp hành các quy định về phòng cháy, chữa cháy. Và để có một mùa Vu Lan báo hiếu an lành - an toàn thì cần đốt vàng mã tại nơi quy định, đảm bảo phòng, chống cháy nổ.

Đại tá Nguyễn Minh Khương, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ, Bộ Công an khuyến cáo, người dân cần tự trang bị những kiến thức, kỹ năng về phòng cháy, chữa cháy và thoát nạn. Khi có vụ cháy xảy ra thì cần cung cấp đầy đủ thông tin chi tiết, chính xác về vụ cháy cho cảnh sát phòng cháy, chữa cháy.

Thực tế cho thấy, các vụ cháy do thắp hương thờ cúng, đốt vàng mã chủ yếu xuất phát từ những nguyên nhân như: bố trí nơi thắp hương thờ cúng không đảm bảo khoảng cách, để quá nhiều vàng mã gần vị trí thắp hương, nến dẫn đến bắt cháy, trong quá trình hóa vàng không có người trông coi để tàn lửa lan sang các vật dụng xung quanh...

Để toàn dân có 1 mùa Vu Lan báo hiếu an lành - an toàn, Công an thành phố Hà Nội cũng đã có khuyến cáo nhân dân cần nâng cao ý thức chấp hành các quy định về phòng cháy, chữa cháy; tuân thủ việc đốt vàng mã tại nơi quy định. Khi thắp hương, người dân cần thắp hương cách xa trần nhà và các vật dụng dễ cháy; ban thờ phải làm bằng vật liệu chống cháy và có vách ngăn cháy lan. 

Tại các hộ gia đình, doanh nghiệp, các cửa hàng kinh doanh, các kiôt ở chợ, sau khi cúng lễ, người dân cần lưu ý tắt hết hương, đèn khi rời khỏi. Các tiểu thương phải đến khu vực riêng dành cho việc thắp hương tại chợ. Khi đốt vàng mã, người dân không nên đốt quá nhiều; phải sử dụng thùng kim loại (sắt, inox) có nắp đậy kín để tránh tàn lửa bay ra xung quanh và phải chờ vàng mã cháy hết, dùng nước vẩy lên tro để dập tắt lửa hoàn toàn…

Tại các khu vực đền, chùa cần tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức phòng cháy, chữa cháy cho những người làm việc phục vụ tại chỗ, phát trên loa tuyên truyền cho khách đến cúng, viếng, cùng có ý thức chấp hành về phòng cháy, chữa cháy...

Theo Thượng tá Phạm Trung Hiếu, Trưởng phòng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ, Công an thành phố Hà Nội dịp tháng 7 hằng năm có ngày Vu Lan báo hiếu, người dân sử dụng nhiều nguồn điện, nguồn nhiệt, bên cạnh đó sử dụng nguồn lửa trần hóa vàng mã, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra cháy. Do đó phải hết sức lưu ý từ cơ sở, tăng cường tự kiểm tra, tự giám sát, chuẩn bị tốt lực lượng đơn vị tại chỗ.

Theo Xuân Tùng (TTXVN)/Báo Tin tức

 

Các tin khác:
  • Người dân đến chùa cầu nguyện, thả cá, phóng sinh chim trong ngày lễ Vu Lan báo hiếu (12/08/2022-16:17)
  • Thanh Hoá có thêm 3 Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia (09/08/2022-14:32)
  • Phạm Tuấn Anh giành HCV, ĐT Pencak Silat Việt Nam vượt chỉ tiêu tại giải Vô địch Thế giới 2022 (01/08/2022-8:11)
  • Đánh bại Thái Lan, đội tuyển cầu mây nữ Việt Nam vô địch thế giới (28/07/2022-15:58)
  • Bài 2: “Giữ chân” các tài năng thể thao, đãi ngộ xứng đáng là nền tảng để thể thao Thanh Hóa phát triển (27/07/2022-16:43)
  • Giải bài toán giữ chân tài năng thể thao: Bài 1 - Những câu chuyện về “chảy máu nhân tài” của thể thao Thanh Hóa (26/07/2022-14:36)
  • Nhiều hoạt động tri ân ý nghĩa của tuổi trẻ Thanh Hóa (26/07/2022-14:33)
  • Giải đáp thắc mắc về chọn ngành, chọn trường (25/07/2022-11:28)
  • Thanh Hóa có nhiều điểm 10 nhất cả nước trong kỳ thi THPT năm 2022 (25/07/2022-11:22)
  • 6 VĐV Thanh Hóa dự Giải Pencak Silat vô địch Thế giới tại Malaysia (21/07/2022-6:47)